Pages

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Australia sẽ mua máy bay thám sát không người lái

Bộ Quốc phòng Australia dự định mua 7 máy bay thám sát trị giá có thể lên tới 3 tỉ đô-la để giám sát hải phận và ngăn chặn các tàu chở người tị nạn.

Quyết định được đưa ra mặc dù các tướng lãnh Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) từng phản đối việc sử dụng máy bay không người lái vì nếu như vậy, nhiều phi công sẽ mất việc làm và đe dọa truyền thống của RAAF


Máy bay thám sát không người lái MQ-4C Triton đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ (Northrop Grumman) (Credit: ABC Licensed)

Bộ Quốc phòng Úc có minh bạch trong kế hoạch mua các máy bay thám sát không người lái?
Máy bay thám sát Northrop Grumman RQ-4 Global Hawk trị giá 200 triệu đô-la hiện là máy bay do thám lớn nhất và đắt nhất thế giới. Với cánh dài 39,8 mét, máy bay này có thể bay tới độ cao khoảng 20km, ở trên không trong 35 giờ và bay liên tục 16 ngàn kilomet, vượt trội hơn so với tính năng của máy bay có người lái cùng loại.

RAAF mong muốn sử dụng máy bay thám sát không người lái vào năm 2019.


Lựa chọn được ủng hộ hiện nay là phiên bản máy bay thám sát có ký hiệu MQ4C Triton có kích cỡ lớn hơn so với Global Hawk. Tuy nhiên, nhà phân tích tình báo hàng đầu của Mỹ Matthew Aid cho biết hai loại máy bay không người lái này hoàn toàn khác nhau. "Global Hawk được thiết kế để chụp ảnh hoặc nghe lén các mục tiêu trên mặt đất khi bay trên không hoặc bay chếch cách đường bờ biển của đối phương tới 450 kilomet. Trong khi đó, thiết kế của Triton nhằm mục tiêu giám sát vùng hải phận rộng lớn, theo dõi tàu thuyền từ độ cao.” ông Matthew Aid cho biết.
Hải quân Mỹ hi vọng có thể đưa vào sử dụng chiếc Triton đầu tiên trong 68 chiếc được đặt hàng vào năm 2015. Một số máy bay sẽ đặt tại căn cứ trên đảo Guam thuộc Hoa Kỳ để theo dõi vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Một số khác sẽ cất cánh từ căn cứ Diego Garcia và tuần tra trên Ấn Độ Dương.
Hồi tháng 3/2012, tờ Washington Post thông tin Mỹ đang cân nhắc lập không cứ cho Global Hawk/Triton trên đảo Cocos thuộc Australia.

Những nghi vấn cần đặt ra

RAAF nay muốn Triton sẽ hỗ trợ thế hệ máy bay tuần tra hải phận có người lái, loại mang ký hiệu P-8A. Loại này trông giống như máy bay thương mại 737 biến cải. Hai hệ thống này sẽ thay thế hạm đội P3 Orion đã cũ của RAAF. Trong nhiều thập kỷ, hạm đội này đã tuần tiễu vùng đại dượng rộng lớn bao quanh Australia, chiếm tới khoảng 20% diện tích đại dương thế giới. Australia đã đặt hàng 8 chiếc Poseidon P8 để có thể đối phó với cuộc chiến tranh tàu ngầm vì chúng có thể vũ trang với tên lửa và ngư lôi.
Nhưng liệu Global Hawk/Triton có xứng đáng với mức giá đắt đỏ ít nhất 200 triệu đô-la mỗi chiếc hay không? Ông Andrew Davies thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia chưa dám khẳng định: “Mỗi một máy bay như vậy cùng với hệ thống hỗ trợ mặt đất có giá tới 200 triệu đô-la mỗi chiếc. Chúng ta có thể mua một chiếc P8 với số tiền đó,” ông Davies nhận xét. “Giá cả hoàn toàn không rẻ. Câu hỏi đặt ra là liệu có thể đáp ứng nhu cầu quốc phòng với loại máy bay thám sát không người lái rẻ hơn không? Mariner là phiên bản giám sát hải phận của Reaper (loại được sử dụng ở Afghanistan và Pakistan). Loại này bay chậm hơn và thấp hơn. Như vậy nó có thể hạ độ cao và quan sát các tàu chở người tị nạn rõ hơn khi boong tàu được phủ kín. Giá của Mariner thấp hơn nhiều, chỉ khoảng vài chục triệu đô-la.”
Những người ủng hộ việc mua Mariner cho rằng tính năng của máy bay này tương đương với 80% tính năng của Triton nhưng giá chỉ bằng 1/10.
Một cuộc tranh luận gay gắt hiện đang diễn ra tại Canberra bởi ngân sách quốc phòng vừa bị cắt giảm 5.5 tỉ đô-la.
Khác với Triton có thể bay cao nhưng không vũ trang, Mariner có thể mang tên lửa. Ông Davies cho rằng chi phí thấp và khả năng vũ trang sẽ là một ưu điểm lớn khi bay tới những khu vực an ninh không đảm bảo. “Nó sẽ giám sát khu vực Ấn Độ Dương và đảm bảo an ninh đường biển Australia,” ông Davies nói. “Tại Ấn Độ Dương, tranh chấp đang gia tăng giữa Hải quân Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Mỹ hiện đang tập trung chú ý vào khu vực này.”
Các chuyên gia khác tranh luận Australia còn có nhiều nhiệm vụ nhân đạo cấp bách hơn là việc bảo vệ biên giới. Trong bối cảnh số thuyền chở người xin tỵ nạn vào hải phận Úc gia tăng, máy bay không người lái có thể là một giải pháp kịp thời để cứu vớt những nạn nhân đắm thuyền.
Ông Kym Bergmann, tổng biên tập tờ Báo Quốc phòng Châu Á–Thái Bình Dương, cựu giám đốc một cơ quan quốc phòng, cho rằng Australia cần có máy bay thám sát hải phận và Global Hawk/Triton để đáp ứng được nhiệm vụ này. “Sẽ có thêm nhiều người xin tị nạn tới Australia và tội phạm đa quốc gia cũng như các hoạt động bất hợp pháp sẽ gia tăng,” ông Bergmann nói. “Các camera và rada có độ phân giải cao giúp cho máy bay không người lái ở độ cao 20km và cách xa vài trăm kilomet có thể cung cấp những hình ảnh rõ nét của những con thuyền nhỏ.”
Ngày càng nhiều sĩ quan trẻ thuộc RAAF đang mong muốn mở rộng nhanh chóng hạm đội máy bay không người lái. Kể từ năm 2009, Không quân Úc đã sử dụng máy bay thám sát không người lái Heron thuê lại của Israel để hỗ trợ quân đội Úc tại Afghanistan./ABC

Không có nhận xét nào: