Pages

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Việt Nam lập khu bảo tồn biển Nam Yết ở Trường Sa


BienDong.Net: Tại hội thảo "Hệ thống bảo tồn biển Việt Nam - Cơ hội và thách thức" do Viện Hải dương học tổ chức ở TP Nha Trang hôm 14.9, ông Nguyễn Việt Cường (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) cho biết, năm 2013 Bộ NN&PTNT sẽ thành lập khu bảo tồn biển đảo Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).
Khu bảo tồn này, có diện tích 20.000 ha, là một trong 9 khu bảo tồn biển sẽ được thành lập trong ba năm tới theo kế hoạch tổng thể hệ thống các khu Bảo tồn Biển phía Nam đến năm 2020 vừa được chính phủ VN phê duyệt.
Nam Yết nằm ở phía Nam cụm đảo Nam Yết, cách Nha Trang khoảng 450 km về phía Đông Nam. Vùng này có thềm san hô rộng lớn, tạo thành bãi nước nông trải rộng về phía Tây của đảo. Tại đây có thảm cỏ biển phát triển, độ che phủ tới 58%. Năm 2006, viện Nghiên cứu Hải sản đã thống kê có 246 loài san hô trong vùng này. Trong số các loài sinh vật biển, có nhiều loài thuộc nhóm sinh vật quý hiếm như: bào ngư, tôm hùm, trai tai tượng, hải sâm, ốc anh vũ, nhum đá, vích, đồi mồi... Đây cũng là bãi đẻ của nhiều loài sinh vật biển bao gồm cả các loài thú biển, nơi làm tổ của các loài chim và rùa biển. Trên đảo Nam Yết có nhiều cây lớn, nhiều bãi trống cho chim đậu và trú đông.

alt
Các tu sĩ tôn giáo và Việt kiều cùng bộ đội hải quân hàn huyên dưới gốc cây bàng vuông 8 thân trên đảo Nam Yết ( ảnh BienDong.Net )
Theo chính quyền tỉnh Khánh Hòa, đơn vị đề nghị thành khu Bảo tồn biển Nam Yết, “Vùng biển cụm đảo Nam Yết có tầm quan trọng kinh tế đối với nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Vùng này có thế là trung tâm phát tán nguồn giống hải sản tự nhiên, một trong những ngư trường quan trọng đối với cá và các loài sinh vật biển khác ở biển Đông. Tầm quan trọng này còn có thể tăng lên khi các vùng biển khác có hiện tượng bị khai thác quá mức. Ngoài ra, nó còn có giá trị pháp lý đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia về mặt lãnh thổ và tài nguyên môi trường.
alt
Một phần bãi san hô Đảo Nam Yết (Ảnh: BienDong.Net)
Theo PGS, TS Võ Sĩ Tuấn (Viện phó Viện Hải dương học), nhiệt độ trái đất tăng lên gây hiện tượng “tẩy trắng san hô” làm chết hàng loạt san hô ở các vùng biển như Cà Ná (Ninh Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Phú Quốc (Kiên Giang). Do đó, Việt Nam cần có chiến lược để bảo vệ rạn san hô ở các khu bảo tồn biển đảo.
Cũng theo TS Tuấn, ngay từ tháng 6.1925 sở Hải dương học nghề cá Đông Dương đã có chuyến điều tra khảo sát đầu tiên ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng tàu De Lanessan. Sau năm 1975, viện Hải dương học tiếp tục các chuyến điều tra khảo sát ở quần đảo Trường Sa - từ năm 1988 đến 1993. Tuy nhiên, theo TS Tuấn, để cho việc thành lập Khu bảo tồn biển Nam Yết, cũng như nghiên cứu về Trường Sa và biển đảo nói chung đạt được kết quả cao nhất, việc nghiên cứu cần phải tiến hành đồng bộ với những mục tiêu rõ ràng hơn, và phải tạo được một sự đồng thuận cao từ cấp Trung ương, địa phương và người dân.
Bạch Đằng ( nguồn: SGTT và các báo quốc nội).

Không có nhận xét nào: