Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Cuộc chiến Ba - Tư và vận đảng theo sấm Trạng Trình


I. Câu đối mừng tết truyền thống

Theo truyền thống văn hóa Việt Nam, mỗi độ tết đến - xuân về, thường có nhiều câu đối mừng xuân đón tết. Ngày 3 tháng 2 năm 2013, ngày Lập Xuân, nhằm ngày 23 âm lịch - ngày ông Táo chầu Giời và cũng là ngày chính thức khởi đầu cho một kỳ ăn tết. Phỏng theo truyền thống ấy, Sinh tôi vốn không thạo đối ứng nhưng cũng cất công sưu tầm vài câu đối như sau:

* Nghe nói rằng, thuở khai sinh lập đảng cộng sản Việt Nam cũng trùng vào ngày Lập Xuân. Nay, dù ghét dù yêu thì đảng Cộng sản Việt Nam cũng vẫn đang là lực lượng lãnh đạo toàn diện và duy nhất, độc chiếm chính quyền Việt Nam. Vì vậy, năm hết tết đến, trước tiên phải làm một đôi câu đối với những ngôn từ và chữ nghĩa trang trọng nhất để kính dâng lên đảng cộng sản Việt Nam nay bước sang tuổi 84, nó thế này:

Cả nước mong chờ ngày vĩnh biệt
Toàn dân ngóng đợi phút chia ly

* Năm 2013, theo âm lịch là năm Tị, tức là năm con rắn. Mới đầu năm mà đã có người dân "bỗng dưng muốn chết" trong đồn công an (ở Hải Dương), nối dài thêm danh sách những nạn nhân bị "công an bạn dân" hành hung đến mức không chịu nổi chốn nhân gian, đành phải gặp Diêm Vương làm thủ tục chuyển khẩu xuống cửu tuyền. Xin gởi đến toàn thể nhân dân Việt Nam câu đối như thế này:

Giữ mình lúc qua hang rắn độc
Phòng thân khi đến bốt công an

* Vài năm gần đây, người dân Việt Nam nói chung, trí thức Việt Nam nói riêng đã và đang có rất nhiều tiến bộ trong việc vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thông tin để chuyển tải đến toàn xã hội những bức xúc, bất công trong đời sống, những cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và những suy nghĩ, khát vọng về tự do dân chủ nhân quyền và cũng đã tạo được những thành công nhất định, khiến bọn giặc tội phạm (tức giặc nội xâm) phải run sợ. Mong rằng, thời gian tới, những thành công và tiến bộ ấy tiếp tục được phát huy. Xin gởi đến lực lượng dân chủ tiến bộ Việt Nam đôi câu đối, như thế này này:

Khí tràn khắp núi sông, dân chủ nở hoa, vui! vui bất tận
Tinh văng đầy thiên hạ, tự do kết quả, sứ ... ướng! sướng vô cùng

(Khí ở đây là khí thế, tinh là tinh hoa trí tuệ. Phải ghi chú rõ như vậy, đề phòng những sự suy luận quá sâu xa rồi ném đá theo kiểu "hai bao cao su đã qua sử dụng" ...)

* Tiến bộ xã hội thì ai cũng mong muốn, nhất là những người có tri thức và lương tâm. Tuy nhiên, cũng như cài đặt một phần mềm cho máy tính, mỗi một nền văn hóa và chính trị của một xã hội đều phải tương hợp với con người và kinh tế của xã hội ấy thì mới tốt. Cho nên, muốn xã hội tự do dân chủ, tôn trọng nhân quyền, thì, số đông con người trong xã hội phải là những con người của kinh tế thị trường, bởi vì mức độ tự do dân chủ trong xã hội luôn tỉ lệ thuận với tỉ lệ của sô lượng người kinh doanh và sản xuất thành đạt trên tổng số dân. Nay là thời kinh tế tri thức và thị trường toàn cầu hóa, "trí thức cần rành chơi chứng khoán, nhà thơ cũng phải biết bán buôn", xin gởi đến các doanh nhân và trí thức Việt Nam câu đối sau:

KIẾN NGHIỆP TỀ GIA CHÂN TRÍ THỨC
KINH DOANH TRỊ QUỐC THỊ ANH HÙNG


II- Vận đảng cộng sản Việt Nam theo Sấm Trạng Trình

Đón tết mừng xuân, ngoài việc chơi câu đối, người Việt Nam ta cũng thường ngâm đọc, bình luận nhưng tác phẩm văn chương đặc sắc của dân tộc. Vừa rồi, trong phim tài liệu về Mậu Thân 1968 và hiệp định Paris 1973, có đoạn quay cảnh ông Mai Chí Thọ (một quan chức cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam và nhà nước CHXHCN Việt Nam) nói chuyện và trong câu chuyện ông cũng có nhắc đến "thực tế cứ như Sấm Trạng Trình". Nhân việc này, Lưu Sinh tôi nảy ra ý định làm một bài luận về vận đảng. Mấy năm gần đây, đã có rất nhiều ý kiến bàn luận về Sấm Trạng Trình được đưa lên mạng. Những gì viết dưới đây là tổng hợp từ những ý kiến đó.

1. Trong bài sấm 487 câu (là bài phổ biến nhất), đoạn từ câu "chờ cho động đất chuyển trời" đến câu "Chấn đoài cương bất trường" được cho là ứng với chủ tịch Hồ Chí Minh và chế độ hiện nay, từ thời điểm Văn Ba Nguyễn Tất Thành xuất dương tính cho đến hồi 1988 - 1991. Đoạn cuối của bài sấm này, gồm 22 câu, được cho là ứng với hiện tại và tương lai của Việt Nam. Ngẫm ra, đoạn từ câu 466 đến 473 có nhiều điểm trùng hợp với những gì đã diễn ra trong thực tế từ năm 1992 đến nay.

    Quần gian đạo danh tự: Bọn gian tà tiếm nhận danh xưng, tức là "nói dzậy mà hổng phải dzậy".

- Đảng cộng sản nhưng có đến "một bộ phận không nhỏ" là "địa chủ đỏ", "tư bản đỏ". Còn lại thì phần đông mũ ni che tai, ngậm miệng ăn tiền, mặc sức để "giặc nội xâm" tung hoành. Các quan chức của đảng mang tên cộng sản nhưng không ai là vô sản và rất ít thấy đảng viên cộng sản mang tài sản của mình ra đóng góp cho cộng đồng, chỉ thấy ngược lại.

- Chính quyền nhân dân nhưng thủ tục hành chính có nghĩa "hành dân là chính". Người dân cũng không thực sự có quyền chọn lựa lãnh đạo chính quyền hoặc người đại diện cho mình, việc bầu cử chỉ là hình thức. Trong chính quyền, toàn thấy người của độc một đảng nắm giữ các vị trí chỉ huy lãnh đạo từ thấp đến cao.

- Cán bộ là đầy tớ của nhân dân nhưng thực tế được nhân dân diễn tả thế này:

Đày tớ ngồi Toyota
Ông chủ đi bộ ra ga đợi tàu
Đày tớ ở trong nhà lầu
Ông chủ tá túc gầm cầu bãi hoang
Đày tớ quát nạt oang oang
Ông chủ, bà chủ vội vàng làm theo

- Công an là bạn dân nhưng gần đây có nhiều người dân nếu lỡ tin bạn là mất mạng.

- Hô hào chống tham nhũng nhưng ai thực sự chống tham nhũng là toi liền.

- Kêu gọi nói thật, nói thẳng nhưng ai thật và thẳng là hỏng người ngay lập tức.

- Tuyên truyền về nhà nước pháp quyền văn minh ưu việt, nhưng liên tục nhiều luật sư bị rũ tù bởi "luật rừng".

- Kinh tế nhà nước là chủ đạo nhưng hoàn toàn không có năng lực chủ đạo để ổn định giá cả hàng hóa. Tập đoàn kinh tế nhà nước là "quả đấm thép" nhưng hầu như không cạnh tranh được với ai, lại tạo ra cả núi nợ.

- Ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân nhưng không người dân nào có quyền sở hữu ruộng đất.

- Kẻ thù truyền kiếp và đang trực tiếp gây tác hại, trực tiếp xâm lược lãnh thổ lãnh hải, cướp của và đánh dân Việt Nam ... lại được tôn vinh là Bạn Vàng.

- Tuyên truyền "chế độ xã hội XHCN dân chủ triệu lần hơn xã hội tư bản" nhưng thực tế xã hội xã hội chủ nghĩa tuy gọi là tươi đẹp nhưng không dân chủ bằng xã hội tư bản. Thậm chí ngay trong đảng cũng không có dân chủ trong sinh hoạt đảng và bầu cử đảng ủy các cấp (có lẽ do sợ sinh hoạt và bầu cử dân chủ thì không còn là cộng sản nữa?).

* Bách tính khổ tai ương: Cái nay rất rõ, báo chí cả lề trái và lề phải đều nói nhiều. Nếu chưa thật tin, cứ đến vườn hoa Mai Xuân Thưởng (Hà Nội) hoặc các điểm tiếp dân ở khắp ba miền, khắp các tỉnh là thấy ngay. Ngoài ra, còn có những bức xúc do đủ thứ qui định, luật định rất là ẩm ương, gần đây nhất là "lái xe phải chính chủ", "chứng minh thư phải có tên bố, mẹ" ...

* Can qua tranh đấu khởi: Dân chúng khiếu kiện, phản kháng khắp nơi. Điển hình là những vụ "quan tài cho chế độ", "hoa cải Tiên Lãng", "hai mẹ con khỏa thân giữ đất", "Văn Giang lửa ngút trời", "Thạch Thất hun khói ủy ban" ... mới nhất là "Dương Nội hỏa công giữ đất".

* Phạm địch tính hung hoang: Phạm địch nghĩa là "giặc tội phạm". Tham nhũng, lạm quyền là một dạng tội phạm, nước nào cũng có hoặc ít hoặc nhiều. Tuy nhiên, ngó khắp thế giới, hình như chỉ ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, loại tội phạm này mới được nâng lên thành "giặc nội xâm" (đã ghi trong văn kiện chính thức của đảng cộng sản Việt Nam).

Càng hô hào chống tham nhũng, tham nhũng càng nảy nở nhiều hơn, trộm ngân sách tinh vị hơn, cướp đất hung hăng hơn, ăn hối lộ trắng trợn hơn, tạo nhiều dự án lãng phí lớn hơn, đào tài nguyên cạn kiệt hơn, phá hoại môi trường hoang tàn hơn ...

Khi những người có lương tâm lên án, cản trở những điều tai hại kể trên thì bị qui là "phản động", "lợi dụng dân chủ chống phá nhà nước". Người dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì bị qui là "chống người thi hành công vụ", "nghe theo xúi dục của bọn phản động và các thế lục thù địch". Mang lực lượng áp đảo cùng phương tiện hiện đại đánh dân cướp đất, bị dân (thân cô, thế cô, trang bị thô sơ) đánh cho tơi tả, nhưng vẫn huênh hoang khoác lác "đây là trận đánh đẹp có thể viết thành sách" ...

(Còn tiếp)

Lưu Trần Sinh

(Dân Luận)

Không có nhận xét nào: