Pages

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Học giả Mỹ: Trung Quốc nguy hiểm hơn Iran

KienThuc.net

Lập trường đối đầu hiếu chiến của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng được các chuyên gia mô tả còn nghiêm trọng hơn vấn đề Iran.
Nhà phân tích Michael Klare: "Vấn đề không chỉ ở mức độ khu vực mà có khả năng lan rộng ra toàn cầu". 

Đây là nhận định vừa được Bản tin G2 của nhà phân tích Mỹ Joseph Farah đưa ra.
 

Trong bản tin trên, nhà phân tích chuyên về Châu Á Michael Klare cho rằng, sự quyết đoán có phần hiếu chiến của Trung Quốc sẽ trở thành “một cuộc khủng hoảng có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn vấn đề Iran và nó có thể bùng nổ sớm hơn rất nhiều so với hầu hết dự đoán”.

“Quyết tâm của Trung Quốc trong việc xác lập chủ quyền ở những quần đảo tranh chấp thuộc các vùng lãnh hải giàu năng lượng và tài nguyên ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ Nhật Bản và Philippines. Cùng với đó là việc Mỹ đang ra sức thiết lập và khẳng định ảnh hưởng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Những diễn biến này đang gây ra vấn đề không chỉ ở mức độ khu vực mà có khả năng lan rộng ra toàn cầu”, ông Klare gần đây đã nói như vậy với tờ Asia Times.

Nhà phân tích Klare thừa nhận tuy một cuộc khủng hoảng từ việc đánh bom Iran sẽ gây xáo trộn lớn ở khu vực Trung Đông và có nguy cơ đe dọa hoạt động sản xuất cung cấp dầu mỏ cho thế giới, nhưng  một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông thậm chí sẽ còn “nguy hiểm hơn rất nhiều” vì nó có khả năng châm ngòi cho một cuộc xung đột quân sự giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Một cuộc xung đột như thế có thể đe dọa nghiêm trọng sự ổn định của nền kinh tế Châu Á vốn đang được đánh giá là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu.

Mỹ có cam kết bảo vệ Nhật Bản và Philippines trong trường hợp các nước này bị tấn công theo thỏa thuận an ninh mà Washington đã ký với từng nước riêng rẽ. Cam kết của Mỹ với các nước Châu Á không chỉ dừng lại ở các liên minh quân sự và còn bao gồm cả mối quan hệ thương mại chặt chẽ, gắn bó.

“Với việc phần lớn hoạt động thương mại của thế giới tập trung vào Châu Á, nên kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản cũng gắn bó chặt chẽ với nhau theo cách mối quan hệ đó quá cần thiết đến mức không thể phớt lờ. Một cuộc xung đột dưới bất kỳ hình thức nào ở những khu vực đường biển sống còn đều có thể làm tê liệt hoạt động thương mại quốc tế và gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu – hoặc thậm chí là còn tồi tệ hơn thế”, chuyên gia Klare cảnh báo.

Trong khi nhiều nhà phân tích tin rằng, một cuộc xung đột như trên dường như là không thể xảy ra thì có nhiều dấu hiệu xấu cho thấy, một cuộc đụng độ có thể xảy ra sớm.

Trung Quốc đã tuyên bố sẽ dùng sức mạnh quân sự để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đây là hai vùng biển mà Bắc Kinh đang có tranh chấp với một loạt nước láng giềng Đông Nam Á và Nhật Bản.

Ngoài nguy cơ từ khả năng bùng nổ các cuộc xung đột vì tranh chấp lãnh thổ ở hai vùng biển nói trên, một nhân tố khác biến khu vực Châu Á trở thành điểm nóng bị ví như “thùng thuốc súng” là chiến lược chuyển hướng trọng tâm của Mỹ vào Châu Á. Theo đó, Mỹ tái sắp xếp lại lực lượng ở khu vực này theo hướng triển khai thêm nhiều tàu chiến, vũ khí đến đây..

Cùng với diễn biến trên, Mỹ cũng ủng hộ một số nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Philippines, Nhật Bản đồng thời ủng hộ Ấn Độ - một đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc.

Giống như Mỹ, Ấn Độ cũng đang đưa một loạt vũ khí hải quân vào khu vực để thực thi quyền thăm dò, khai thác của nước này.

Liên quan đến tình hình Biển Đông, Ngoại trưởng Singapore  K. Shanmugam hôm qua (1/2) đã một lần nữa nhắc đến sự cần thiết phải có một Bộ Quy tắc Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (COC), nói rằng  đưa ra được COC càng sớm càng tốt. Theo ông, ASEAN đã nói rõ rằng các cuộc tranh chấp lãnh thổ chỉ có thể được giải quyết bởi những nước có liên quan trực tiếp đến tranh chấp. Tuy nhiên, ASEAN có thể đưa ra một bộ khung quy định trong đó nói rõ các bên cần phải điều chỉnh hành vi, cách ứng xử với nhau như thế nào. Đó là lý do tại sao ASEAN thúc đẩy việc đạt được COC.
  
Ngoại trưởng K. Shanmugam cho rằng các cuộc tranh chấp hiện nay ở Biển Đông cần có một thời gian dài để giải quyết ổn thỏa. Vì thế, theo ông, vấn đề quan trọng là cách các nước có tranh chấp ứng xử ra sao để những cuộc tranh chấp đó không leo thang thành các cuộc xung đột quân sự có thể gây hậu quả khủng khiếp cho toàn bộ khu vực.

Không có nhận xét nào: