Pages

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Không thể căn cứ vào điều luật nào để cấm đoán, để suy diễn rằng mang hoa đến đài tưởng niệm là phản cảm, là nhạy cảm hay phản động cả.


Đoan Trang
IMG_0684
Trước việc có một (hoặc một vài) nhóm người dân nào đó đã đến khu vực nào đó để đặt hoa tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh hồi chiến tranh biên giới, rồi bị một số nhân viên bảo vệ nào đó ngăn cản, theo mình, nếu muốn nhận định thì có lẽ ta nên nhìn từ giác độ luật pháp là khách quan và duy lý nhất, hơn là xét các góc độ khác có vẻ cảm tính như chuyện “thái độ”, “văn hoá ứng xử” v.v.
Nếu đứng từ khía cạnh luật pháp mà xét, thì:
1. Không gian mà những người dân đó đặt hoa tưởng niệm là không gian công cộng, và là khu vực đài tưởng niệm, hoàn toàn phù hợp với việc đặt hoa tưởng niệm. Không có luật nào cấm người dân làm việc này cả.

Lực lượng bảo vệ chỉ có thể can thiệp nếu họ chứng minh được rằng những người dân mang hoa đến khu vực đài tưởng niệm đã có hành vi vi phạm một nội quy (hợp hiến, hợp pháp, công khai) của khu vực – ví dụ như là ăn mặc hở hang, hoặc khạc nhổ, vứt rác bừa bãi gây mất vệ sinh chung. Chú ý rằng đó phải là một nội quy hợp hiến, hợp pháp, có căn cứ pháp luật rõ ràng, và được niêm yết công khai. Nội quy đó cũng cần quy định cụ thể cả mức độ can thiệp của lực lượng bảo vệ.
2. Ngày 17-2 là ngày mở đầu một cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam, hàng chục nghìn người Việt Nam, cả quân đội và thường dân, đã chết trong cuộc chiến này. Việc đặt hoa tưởng niệm họ vào ngày 17-2 luôn là việc đúng nên làm.
3. Vòng hoa có chữ “Trung cộng”, theo một số bạn thì đó là từ nhạy cảm. Mình không phản đối là trong tư duy của phần đông mọi người, các từ “Trung cộng”, “chính quyền cộng sản”, đều có hàm nghĩa tiêu cực. Nhưng cũng cần thấy rằng cách hiểu đó, cách tư duy đó hoàn toàn là kết quả của một sự định hướng từ phía Nhà nước lâu nay. Nói cách khác, việc diễn giải từ ngữ (“Trung cộng”) là tuỳ thuộc Nhà nước, gần như Nhà nước thích gán cho từ nào nghĩa xấu thì nó mang nghĩa xấu.
Cá nhân mình không thích chịu ảnh hưởng của sự “can thiệp định hướng” quá sâu như vậy. Thế nhỡ, với những người mang hoa đến, họ thực sự có thiện ý muốn tách “chính quyền (cộng sản) Trung Quốc, những kẻ phát động chiến tranh” khỏi nhân dân Trung Quốc, thì sao? Với họ, “Trung cộng” chỉ có nghĩa là nhà nước Trung Hoa theo chủ nghĩa cộng sản, thì sao? Nói như vậy có gì sai?
Ngoài ra, mình cũng nghĩ rằng, giả sử vòng hoa đó thay từ “Trung cộng” bằng từ “Trung Quốc”, liệu có bị coi là nhạy cảm không? Căn cứ vào nội dung của những cuộc trao đổi “định hướng báo chí” mình vẫn được biết bấy lâu nay, câu trả lời là: Có. Ngay cả khi thay “Trung cộng” bằng “Trung Quốc”, thì vẫn có thể bị bắt bẻ, rằng có phải là vơ đũa cả nắm không khi gộp hết toàn dân Trung Quốc vào làm một như thế.
Vì vậy, có thể nói rằng cách hành xử của chính quyền, mà cụ thể là lực lượng bảo vệ, thi hành công vụ v.v. ở đây mới là sai, là không nhạy cảm về chính trị (politically incorrect), chứ không phải những người dân mang hoa đến.
Và quan trọng nhất là, cho dù ngôn từ trên vòng hoa có “nhạy cảm”, “phản cảm” đến đâu thì đứng từ giác độ pháp lý, Nhà nước cũng không được can thiệp vào một hoạt động dân sự. Không thể căn cứ vào điều luật nào để cấm đoán, để suy diễn rằng mang hoa đến đài tưởng niệm là phản cảm, là nhạy cảm hay phản động cả.

Không có nhận xét nào: