Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Kỳ vọng của người dân Sài Gòn trước thềm năm mới



VRNs (03.02.2013) – Sài Gòn – Năm mới thường là dịp để suy nghĩ về cái mới, về những điều tốt đẹp hơn so với năm cũ. Vì thế nhóm chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh với người dân trong thành phố để tìm hiểu người dân thực sự mong muốn và kỳ vọng xã hội sẽ thay đổi điều gì trong năm Quý Tỵ này.
Vì là cuộc phỏng vấn nhanh, và những ý kiến đóng góp chưa hẳn là chuẩn xác, nên xin xem đây như những tham khảo mà thôi.

Kinh tế
Với câu hỏi “kỳ vọng xã hội sẽ thay đổi điều gì để năm nay tốt hơn năm ngoái ?”. Chú M.Tường (Cà Mau) chia sẻ: “Mình phải kỳ vọng làm sao cho nền kinh tế của mình tăng trưởng để cho dân đỡ khổ ! Cầu mong cho đất nước mình được mau sớm khôi phục so với người ta”.


Giáo dục
Một vấn đề cũng được khá nhiều người quan tâm là giáo dục. Đ.Nhật (sinh viên trường KHXH & NV) mong muốn những tiêu cực trong thi cử phải bị chấm dứt, điển hình là vụ gian lận thi cử ở Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT dân lập Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang trong tháng 8.2012.
Cùng chia sẻ về vấn đề giáo dục, H.Phú (sinh viên mới tốt nghiệp, Q.Tân Bình) cho rằng, cần lưu tâm đến nguyện vọng “muốn học” của các sinh viên muốn liên thông Cao đằng Đại học và 3 năm là quãng thời gian quá dài. Còn M.Hoàng (sinh viên trường KHXH & NV) cũng cho rằng cần phải tính toán lại vì nếu theo quy định mới về đào tạo liên thông CĐ, ĐH thì thà dành thời gian ôn thi lại còn hơn.
Riêng N.Hân (sinh viên trường KHXH & NV) thì cho rằng nền giáo dục hiện thời đã ổn rồi.
Cũng nên nhắc lại về quy định mới về đào tạo liên thông, người tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng (3 năm) kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp muốn liên thông trình độ CĐ hoặc ĐH phải thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm. Việc này tương đương với việc thi lại ĐH.

Y tế
Khi được hỏi về tình trạng quá tải trong các bệnh viện, H.Hậu (nhà hàng, Q.Thanh Đa) cho ý kiến: vì cơ sở vật chất kém nên các sinh viên ngành y của các tỉnh cũng không muốn về làm việc tại quê mình. Việc đào tạo bác sĩ phải đi đôi với việc xây dựng cơ sở vật chất tương ứng.

Môi trường
Chia sẻ với chúng tôi, M.Đức (sinh viên trường ĐH Sư phạm) lại cho rằng vấn đề mà bạn quan tâm nhất là môi trường. Bạn nói: “Em muốn Nhà nước mình đẩy mạnh công cuộc bảo vệ tài nguyên môi trường cũng như động thực vật hoang dã. Việc phát triển kinh tế đất nước cũng quan trọng nhưng vấn đề giữ gìn tài nguyên môi trường còn quan trọng hơn, ở tầm cao hơn ! Nên khai thác môi trường cũng phải đi song song với việc bảo vệ môi trường”.
M.Tuấn, một nhân viên tổ chức sự kiện từ Hà Nội vào Sài Gòn, đã nhận định về sự khác biệt rõ rệt về môi trường ở hai nơi. Theo bạn thì Hà Nội còn rất dơ và ô nhiễm, đường phố chật chội trong khi đó Sài Gòn thì sạch, đẹp và làm bạn rất hài lòng.

Giao thông
Nêu lên những ưu tư của mình, H. Hà (làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn) cho rằng cái khó chịu nhất khi sống tại các thành phố là giao thông, và người Việt mình đi lại không có trật tự. Vẫn mong muốn có sự thay đổi tích cực trong lĩnh vực giao thông nhưng chị không đồng tình với việc phân làn đường, phân chia giờ làm, ngăn đường và việc đăng ký xe chính chủ vì chưa khả thi ở Việt Nam. Cần thiết có một biện pháp hiệu quả và thực tế hơn.
Đ.Nhật và N.Hân (sinh viên trường KHXH & NV) thì mong muốn “giao thông của thành phố phải được cải thiện hơn về cơ sở hạ tầng, phân làn, đường xá”, và “không còn tai nạn, kẹt xe”.
Làm trong lĩnh vực vận tải, chú H.Sang (Q.6) thì mong rằng tiền thuế bảo trì đường và cả học phí con của chú sẽ hạ trong năm tới. Vừa qua, thời điểm thu phí bảo trì đường bộ được dời lại đến ngày 01.01.2013 so với dự kiến sẽ thu phí từ ngày 01.06.2012.
Xung quanh việc thu phí này còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp như thu thế nào để công bằng? Cơ chế nào kiểm soát công khai, minh bạch để đảm bảo khoản phí không bị thất thoát ? Và điều quan trọng đất nước quản lý, sử dụng tiền đóng góp của dân có hiệu quả, minh bạch, hữu ích cộng đồng hay không ?

Pháp luật và biển đảo
M.Tuấn (nhân viên bán hàng, Q.Gò Vấp) cho biết điều nên quan tâm hiện nay là tình hình trộm cướp. Còn theo V.Nam (nhân viên kế toán), vấn đề nhức nhối là tồn tại tình trạng án oan và cách hành xử của cơ quan điều tra dùng ép cung để lấy lời khai, cụ thể là các án oan hiếp dâm, giết người.
V.Nam còn chia sẻ một vấn đề và cho rằng ai cũng quan tâm là tranh chấp biển Đông với Trung Quốc. Tuy có mang hơi hướng bạo lực, anh mong đất nước có nhiều vũ khí tối tân hơn.

Vệ sinh an toàn thực phẩm
Thắc mắc khi những người được phỏng vấn không hề nhắc đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi hỏi tiếp anh V.Nam về vấn đề hàng loạt thực phẩm độc hại đang lan tràn trên thị trường thì nhận được trả lời: trách nhiệm chính là do sự quản lý của nhà nước, về phía người dân chỉ biết để tránh được phần nào thì tránh !
Cũng cần lưu ý, việc đáp ứng kỳ vọng của người dân cần phải hiệu quả và thiết thực. Việc ban hành các nghị định, thông tư, qui định mới trên mọi lãnh vực trong thời gian gần đây còn gây nhiều tranh cãi bộc lộ các khiếm khuyết và thiếu tính khả thi.
Pv.VRNs

Không có nhận xét nào: