Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

'Độc quyền khiến Đảng chủ quan'



Một hội thảo ‘xây dựng Đảng’ ở Việt Nam đã tạo diễn đàn chẩn bệnh cho hệ thống chính trị hiện hành nhưng chỉ được báo chí của Đảng đưa tin mờ nhạt.
Giới trí thức của Đảng tại Việt Nam bắt đầu nói lên những điều dư luận nêu từ lâu nay
Cùng lúc, một bài trên trang BấmVietnamNet cũng về hội thảo ‘Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta’ (31/1) ở Hà Nội lại cho thấy những đánh giá phê phán thẳng thắn về tình trạng suy yếu nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh nói:
Theo trích dẫn của trang VietnamNet, tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý đã nói về tình trạng “lộng quyền, coi thường pháp luật” của một bộ phận đảng viên cộng sản hiện nay.
"Hiện Đảng cũng đang gặp khó khăn, thách thức không nhỏ ảnh hưởng đến uy tín chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn tại của chế độ."

'Tự mãn, độc quyền thay chân lý'

Một quan chức Đảng khác từ cùng Học viện, tiến sỹ Mạch Quang Thắng thì nói về nguyên nhân và hệ quả của độc quyền là “không có lực lượng nào phản biện với tư cách một tổ chức chính trị đủ mạnh” trước Đảng cầm quyền hiện nay.

Ông Thắng chỉ ra vai trò hạn chế của Mặt trận Tổ quốc:
"Mặt trận để phản biện là cần thiết song chưa có cơ chế nào cho toàn thể nhân dân phản biện."
Tiến sỹ Mạch Quang Thắng cũng nói về nguy cơ thoái hóa, biến chất trong đội ngũ Đảng:
"Chỉ những người có chức có quyền, những cán bộ, công chức nắm trong tay quyền, tiền, của cải thì mới có khả năng tham nhũng. Mà tuyệt đại đa số trong đó là đảng viên,"
Ông Thắng cũng nói sự suy yếu trong quyền lãnh đạo "còn biểu hiện ở chỗ lòng tin của nhân dân với Đảng đã bị suy giảm".
Còn Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học, thì cảnh báo trong tham luận gửi đến hội thảo rằng "Đảng cần xem lại cả về tâm lẫn tầm để xem liệu Đảng có đạo đức, văn minh, là trí tuệ, thiên tài", theo trích dẫn trên VietnamNet.
"Khi có quyền, cá nhân đảng viên, người lãnh đạo dễ dàng tự thỏa mãn, dùng quyền lực thay cho chân lý, cho pháp luật trong chỉ đạo."
"Không có sự phản biện, sự cạnh tranh, Đảng dễ chủ quan, duy ý chí. Đường lối chính trị dễ bị sai lầm, hành động độc đoán, chuyên quyền, làm mất dân chủ trong xã hội và không bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân..."
TS Mạch Quang Thắng
Ông Huyên cũng nói đến thói lười học và đầu óc thủ cựu kéo lùi đà tiến của Việt Nam:
"Đặc biệt, việc ít chịu học tập, rèn luyện làm không ít người có chức quyền bị tụt hậu, trì trệ."
"Tất cả dẫn đến hạn chế tầm tư duy chiến lược, hoạch định chính sách, không theo kịp xu thế vận động, thậm chí còn bảo thủ làm kìm hãm tốc độ phát triển của xã hội."
Một cán bộ khác, Tiến sỹ Tống Đức Thảo từ Viện Chính trị học thì đề nghị Đảng nên giới thiệu cán bộ của mình ra tranh cử, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và để dân được quyền lựa chọn người đại diện.
Còn đại biểu Trần Đình Nghiêm cho rằng "nhân dân phải được giám sát quyền lực thông qua các hình thức phổ biến nhất như bầu người đại diện, bãi miễn người đại diện trong các cơ quan quyền lực".
Cũng về hội thảo, trang cpv.org.vn của BấmĐảng Cộng sản Việt Nam chỉ đăng tin khá chung chung.
Nhắc đến nhu cầu điều chỉnh vai trò của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội cho phù hợp "với từng giai đoạn cách mạng", bài báo chỉ gói lại các đề nghị sắc bén của diễn giả như sau:
"Các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta, đó là: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, củng cố tổ chức bộ máy..."

Vẫn còn giằng co

Kết luận của hội nghị là "nâng cao vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc" chứ không đồng ý với các kiến nghị nhằm để nhân dân trực tiếp giám sát hoặc bầu chọn cán bộ Đảng ra nắm các vị trí chính quyền.
Các vai trò của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc sẽ được định hướng lại nhưng không có đột phá
Ngoài ra, tin về kiến nghị của một số đại biểu cho rằng cần nhanh chóng ra Luật về Đảng cũng không được nhắc tới trong bài trên trang cpv.org.vn.
Học viện Xây dựng Đảng, cơ quan tổ chức hội thảo, được thành lập và đưa vào hoạt động từ tháng 7/2009, trực thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tại Hà Nội.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh có cuộc thảo luận và đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992 ở Việt Nam cho đến hết tháng 3 năm nay.
Cùng lúc, trên thế giới một trào lưu dân chủ và tự do thông tin đang bùng nổ, thách thức mọi mô hình, hệ thống chính trị - kinh tế kiểu cũ, kể cả ở các nước Phương Tây, Trung Đông và châu Á.
Tại Trung Quốc, cũng tuần này, Thủ tướng sắp mãn nhiệm, ông Ôn Gia Bảo đăng bài trên báo Đảng nói về nhu cầu 'xây dựng nhà nước pháp quyền' để giải quyết các vấn nạn như tham nhũng, ô nhiễm môi sinh, lạm phát.
Trong lúc quan hệ đối ngoại của Việt Nam và các cường quốc Phương Tây tiến triển mạnh, nhu cầu thúc đẩy thay đổi chính trị đang trở thành vấn đề nội tại của nước này hơn là một sự can thiệp từ bên ngoài dù vẫn có chỉ trích về tình hình nhân quyền và hạn chế thông tin của Hà Nội.

Không có nhận xét nào: