Pages

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

'Công an VN đe dọa thuyền nhân ở Úc'

10 trại viên tị nạn người Việt ở trại Yongah Hill đã tiếp xúc
với phái đoàn cộng đồng
Công an Việt Nam đe dọa khi thẩm vấn người xin tị nạn Việt Nam ở trong trại tại Úc, đồng thời sách nhiễu gia đình của họ ở quê nhà, theo cáo buộc của nhiều thuyền nhân nói với phái đoàn thăm viếng của cộng đồng địa phương của người Việt tại Úc.
Một số công an còn dùng lời lẽ có tính miệt thị trong quá trình thẩm vấn như gọi người xin tị nạn bị thẩm vấn là "mày", đồng thời hỏi họ những câu hỏi gây tâm lý hoang mang, theo Bác sỹ Nguyễn Anh, Chủ tịch cộng đồng người Việt Nam Tiểu bang Tây Úc.



Nhưng chính phủ Úc nói phía Việt Nam được phép gặp những người đã bị chính phủ Úc đưa vào diện phải quay về Việt Nam.

'Theo dõi, kiến nghị'

Trao đổi với BBC hôm 10/9/2013 từ Úc, ông Nguyễn Anh nói nhiều thuyền nhân Việt Nam hiện rất lo lắng về tương lai của họ, trong khi trải qua quá trình thanh lọc người xin tị nạn.
Bác sỹ Nguyễn Anh cho biết ông đang làm việc với các lãnh đạo cộng đồng người Việt ở các cấp địa phương và liên bang để khiếu nại với nhà chức trách Úc và có thể yêu cầu mở điều tra, đồng thời tìm cách hỗ trợ các thuyền nhân người Việt trong các trại ở đất liền hoặc trên các đảo nằm ngoài lãnh hải Úc.
Ông Anh cho hay thứ Tư tuần trước, hôm 4/9, một phái đoàn gồm sáu thành viên là người Việt tự do ở Tiểu bang Tây Úc mà ông là thành viên đã được phép thăm một trại giam giữ người xin tị nạn ở Yongah Hill, thuộc tiểu bang West Australia, nằm cách trung tâm đô thị 100 km và tiếp xúc với một số trại viên.
"Chúng tôi gặp 10 người ở trong trại đó, hầu hết là các thanh niên trẻ tuổi, có người có gia đình, có người không..." ông Anh nói.
Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

"Sự thanh lọc của nước Úc tương đối hơi bí hiểm, không biết là họ thanh lọc theo kiểu gì, có một số bảo họ đã vượt qua được vòng một, có một số bị đe dọa trả về."
Bác sỹ Anh cho hay những trại viên xin tị nạn không gặp vấn đề về vật chất khi sinh hoạt trong trại, nhưng về đời sống tinh thần, "họ rất sa sút" vì theo ông một số trại viên đã phải tiếp xúc và chịu thẩm vấn bởi công an Việt Nam được chính phủ Úc mời sang tham gia hỗ trợ quá trình thanh lọc.
"Thực sự những người đó nói là họ chưa biết họ đậu hay không đậu, tại sao lại có chuyện hồi hương được," bác sỹ Anh nói.
"Thứ nhì nữa, mới đây nhất, các anh em có một số gửi tin tức sang là sau khi đã khai báo với công an của Việt Nam thì gia đình của họ ở Việt Nam lập tức bị trù dập, và có nhiều người đã bị bắt ra khỏi nhà nữa."


"Chúng tôi vẫn tranh đấu với Chính phủ rằng những người nào đến trước thời hạn mà ông Kevin Rudd tuyên bố vào khoảng đầu tháng 8, thì vẫn phải cứu xét cho người ta trong tinh thần nhân đạo"
Bác sỹ Nguyễn Anh, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Tây Úc

Ông Anh cho biết thêm: "Các anh em có khai là họ sử dụng những ngôn ngữ rất không lịch sự, ví dụ kêu bằng "mày", lại bảo: 'Ở đây không có việc làm, mày qua đây làm gì?' Có người lại hỏi: Nước Úc có nợ mày cái gì đâu mà mày qua?"
Về chính sách được cho là sẽ siết chặt nhập cư của Tân thủ tướng mới đắc cử, ông Tony Abbott, ông Nguyễn Anh nêu quan điểm:
"Chúng tôi vẫn tranh đấu với chính phủ rằng những người nào đến trước thời hạn mà ông Kevin Rudd tuyên bố vào khoảng đầu tháng 8, thì vẫn phải cứu xét cho người ta trong tinh thần nhân đạo.
"Còn chúng tôi cũng đồng ý là chính sách mới của chính phủ thì phải tuân hành thôi."
Lãnh đạo cộng đồng Việt ở Tây Úc cho hay cộng đồng người Việt các cấp đang sử dụng các tổ chức nhân đạo ở địa phương để "khiếu nại với Chính phủ Úc" về quyền của người xin tị nạn.
Ông Anh nói: "Họ đã đến trước ngày cấm, thứ nhì nữa là họ đang ở trên nội địa của nước Úc, họ phải được hưởng những quyền lợi nhân quyền của một con người."

'Được phép gặp'

Trong khi đó, chính phủ Úc nói các viên chức chính phủ Việt Nam được phép phỏng vấn những người ở trại thanh lọc trong những trường hợp đã được xác định không phải là người tị nạn thực sự.
Bộ trưởng Di trú Tony Burke hôm 2/9 nói viên chức nước ngoài không thể gặp người xin tị nạn trong khi đơn còn đang được xét.
Ông Burke nói những ai không được xem là người tị nạn phải về nước.
“Trong việc về nước thì chúng tôi phải có sự hợp tác của chính phủ nước họ,” ông Burke giải thích về các cuộc thẩm vấn của phía Việt Nam.
Trong chiến dịch tranh cử năm nay tại Úc, hai đảng phái nước này giữa đảng Lao động và liên đảng Tự do-Quốc gia vừa thắng cử đều đặt ưu tiên vào xử lý vấn đề nhập cư.
Ông Tony Abbott, người sẽ thành tân thủ tướng, đã tuyên bố chính quyền của ông sẽ không còn chấp nhận thuyền nhân tị nạn./BBC

Không có nhận xét nào: