Pages

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Khi dân còn “nghe” cái tivi


H’Bia - Từ lâu, tôi đã ngầm “tẩy chay” VTV lẫn truyền thông nhà nước, cùng nhiều những điều tương tự. Vì cho rằng các chương trình truyền hình thì quá đậm tính “tẩy não”, “giải trí” mà không có nhiều “kiến thức”. Nhưng hôm nay, tôi phải nhìn lại nó để phải thấy rõ ràng cái tivi đó nguy hiểm đến cỡ nào.
Không hiếm người hiểu động cơ đằng sau luận điệu của chính quyền về 2 vụ: Thái Bình và Giáo xứ Vinh, cũng như cách mà truyền thông Cộng sản vẫn sử dụng để tẩy não người dân. Tôi chỉ muốn nói về ảnh hưởng của cách làm này từ góc nhìn của gia đình mình. (Từ đây, tôi hy vọng, sẽ có một người khác am hiểu hơn viết về vấn đề này)

Hôm qua, khi nghe cả nhà bàn luận về 2 vụ trên với những quan điểm không hay và có phần “một chiều” phiến diện, tôi thật lo ngại.
Một cách trung thực, gia đình tôi cũng như nhiều người dân khác không tin tưởng hoàn toàn vào những “ông to”. Nhưng, thay vì coi những yếu kém là “lỗi hệ thống” thì gia đình tôi đã được truyền thông vẽ cho ý nghĩ là “chính quyền nào, ở nước nào chả vậy”. Bằng cách đưa tin vào một khía cạnh còn thiếu sót của chính quyền 1 nước bất kỳ hay chuyện dân nước đó biểu tình phản đối một chính sách mà không đưa những thông tin về thành tựu, ANTV (An ninh ti vi) đã có những thành công trong việc trên.
Tuy nhiên, ANTV còn có một nhiệm vụ quan trọng không kém. Đó là “xây dựng hình ảnh chiến sỹ công an nhân dân”. Nào là cảnh báo tội phạm – từ những tội cướp của, giết người, đến làm giả card điện thoại, phạm lỗi giao thông – nào là đọc lệnh truy nã những tội trạng luôn luôn thòng câu nói “thưởng công cho người cung cấp tin chính xác, đối tượng nào bao che sẽ bị xử lý theo pháp luật”, ANTV vẽ thêm cảnh tượng xã hội bất an toàn trộm cướp. Và, chỉ có chiến sỹ CAND mới đủ sức trấn áp tội phạm “bằng các biện pháp nghiệp vụ” và “đấu tranh khai thác”. Còn chương trình giờ vàng chiếu phim, ANTV khai quật những bộ phim thời cách mạng, nhấn mạnh vào “sứ mệnh cao đẹp” của các điệp viên sẵn sàng giết người vì “nhiệm vụ”.
Bức tranh “sợ hãi” và “cảnh giác” đã được vẽ. Và ngày nào, mẹ tôi – một nhân viên nhà nước bình thường – cũng nghe ANTV và tin nhưng gì CA nói trên truyền hình. Một mặt dân vẫn sợ CA ở ngoài đường, một mặt lại vẫn “coi cho biết” các tin tức tội phạm từ ANTV ở nhà. CA đã “trị” xã hội rồi ư?
VTV3 ngày càng nhảm nhí với đủ loại game show thì không đáng nói tới. Dù rằng, đó là một phương pháp “ru ngủ” không gì hiệu quả hơn. Dù gì, VTV3 vẫn “được coi” là kênh chỉ để giải trí, mức độ tin cậy cũng vừa vừa. Cái nguy hiểm chính là VTV1 – vốn vẫn “được coi” là “kênh chính thống” và “đáng tin” hơn những kênh khác. Vậy VTV1 đang làm gì? Lấy vụ Giáo xứ Vinh làm ví dụ. Bản tin VTV1 mới nhất cho rằng giáo phận âm mưu “biến một vụ án hình sự thành một cái mà họ gọi là tự do ngôn luận và nhân quyền”. Tôi thấy trong đó, giọng điệu và cách dùng từ ngữ hàm ý miệt thị còn nguy hại hơn nội dung mà bản tin muốn truyền tải. Hệ quả là tôi đã được nghe những từ “bọn côn đồ” khi tả Đặng Ngọc Viết, “bọn công giáo” khi tả vụ giáo xứ Vinh trong bữa ăn ở nhà.
Hãy tưởng tượng, với cái tivi đi sâu vào từng gia đình, từng góc gách xa xôi của nông thôn, của miền rừng núi với các mũi tấn công: tạo sự sợ hãi, đưa tin một chiều, giải trí ru ngủ…, sức mạnh kéo tuột ý thức phản khảng của người dân là không thể xem nhẹ. Đặc biệt là với những người không trực tiếp xung đột quyền lợi và chẳng có một kênh thông tin trái chiều nào khác.

Không có nhận xét nào: