Pages

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Phá rừng lấy hết gỗ, dẹp dự án thủy điện

Hoàng Anh Gia Lai và Nam Trung, hai tập đoàn tư nhân đi đầu trong đầu tư vào các dự án thủy điện tại Việt Nam vừa tuyên bố rút lui khỏi lĩnh vực này.


Tháng trước, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố đã bán xong sáu dự án thủy điện tại Tây Nguyên là Daksrong 2, Daksrong 2A, Daksrong 3A, Daksrong 3B, Bá Thước 1, Bá Thước 2. Trong 6 dự án này có 4 đã vận hành và 2 đang xây dựng.

Đập chắn nước của dự án Thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) bị vỡ hồi tháng 6 vừa qua đã xóa sạch ruộng vườn của nhiều gia đình thiểu số. (Hình: Người Lao Động)

Hoàng Anh Gia Lai giải thích lý do tập đoàn này bán cả 6 dự án thủy điện là vì đầu tư vào thủy điện không mang lại tỉ suất lợi nhuận cao. Tập đoàn này cần tiền để cơ cấu lại nguồn vốn và tiếp tục đầu tư vào các dự án thủy điện tại Lào vì giá bán điện tại Lào cao hơn (giá bán điện tại Lào là 1,278 đồng/KWh, tại Việt Nam là 800 đồng/KWh). 

Vào lúc này, Nam Trung – một tập đoàn tư nhân khác - cũng đang xúc tiến việc bán cổ phần trong dự án thủy điện Đồng Nai 2. Tập đoàn Nam Trung nắm 90% cổ phần của dự án thủy điện Đồng Nai 2 mà theo dự tính sẽ phát điện vào cuối năm nay.

Theo báo chí Việt Nam, tập đoàn Nam Trung cũng đang tìm nơi để nhượng lại một phần vốn trong 2 dự án thủy điện Krong Nô 2 và Krong Nô 3.

Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và kinh tế cho rằng, việc hai tập đoàn tư nhân: Hoàng Anh Gia Lai và Nam Trung rút ra khỏi lĩnh vực thủy điện là dấu hiệu khơi mào cho một cuộc tháo chạy khỏi lĩnh vực thủy điện của nhiều tập đoàn, công ty khác.

Lý do dẫn tới cuộc tháo chạy này được nhận định chủ yếu là vì, giới đầu tư đã đạt được mục đích chính: Dùng các giấy phép đầu tư vào thủy điện để phá rừng, tận thu gỗ.

Theo giới chuyên gia về năng lượng và kinh tế, các dự án thủy điện nhỏ không mang mục đích sản xuất điện. Số lượng dự án thủy điện nhỏ được quy hoạch và cấp giấy phép thực hiện rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên diện tích chiếm đất rừng lại không hề nhỏ (trung bình mỗi MW điện ngốn khoảng 14 héc ta rừng, một dự án 10 MW điện làm Việt Nam mất khoảng 150 héc ta rừng).

Không chỉ giới chuyên gia mà chính Bộ Công thương cũng vừa mới thú nhận, hiện có rất nhiều dự án thủy điện dở dang, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về tiến độ, gây nhiều hậu quả tai hại về kinh tế - xã hội, chuyện trồng rừng để bù lại diện tích được phép phá để thực hiện “dự án thủy điện” bị làm ngơ,

Cũng theo Bộ Công Thương, tại Việt Nam hiện có 899 “dự án thủy điện”. Trong đó, có 260 dự án đã vận hành, 211 dự án đang xây dựng, 266 dự án đang nghiên cứu đầu tư, 162 dự án chưa có chủ trương đầu tư.

Trong thời gian vừa qua, báo chí Việt Nam liên tục lên tiếng về những vấn nạn là hệ quả của việc cho phép thực hiện ồ ạt hàng trăm dự án thủy điện. Chẳng hạn tại khu vực Tây Nguyên, nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng rất cẩu thả nên đã xảy ra hàng loạt tai nạn nghiêm trọng như vỡ đập, nứt đập,… khiến người chết, nhà cửa, ruộng vườn bị hư hại.

Bên cạnh đó, các công trình, dự án thủy điện đã làm Tây Nguyên mất 80,000 héc ta đất, gây xáo trộn sinh hoạt, sinh kế của 26,000 gia đình, phần lớn là người thiểu số. Những dự án thủy điện được cấp giấy phép để thực hiện tại Tây Nguyên hiện là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự bần cùng.

Hồi cuối tháng trước, tại hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2012, tổ chức tại Lâm Đồng, 'Ban Chỉ đạo Tây Nguyên' đã chính thức đề nghị nhà cầm quyền Hà Nội “tạm dừng khởi công các dự án thủy điện ở khu vực Tây Nguyên cho đến hết năm 2014 để giải quyết các tồn đọng về môi trường và xã hội”.

'Ban Chỉ đạo Tây Nguyên' là một cơ quan hỗn hợp, bao gồm một số sĩ quan cao cấp của công an, quân đội và viên chức cao cấp là lãnh đạo các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, nhằm ngăn chặn cũng như đối phó với những bất ổn về an ninh, chính trị ở khu vực này.

Theo 'Ban Chỉ đạo Tây Nguyên', khu vực các tỉnh cao nguyên nam trung phần gọi là Tây Nguyên hiện có 118 nhà máy thủy điện và 75 dự án thủy điện đang được thực hiện. Tuy chính quyền Việt Nam đã loại bỏ 115 dự án thủy điện và 72 vị trí được xem là có tiềm năng về thủy điện song theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tác hại của các nhà máy thủy điện và những dự án thủy điện đang thực hiện vẫn khiến dân chúng ở Tây Nguyên lo âu và bất bình.

“Phong trào” thi đua “đầu tư vào thủy điện” sắp hạ màn với nhiều hậu quả trầm trọng. Chưa rõ chính quyền Việt Nam ngây thơ hay cố tình để các “đại gia” lừa. 
 
(Người Việt)

Không có nhận xét nào: