Pages

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Văn hóa đối thoại và tranh luận

Kami

Người Việt mình có câu
 "Bàn tay có ngón dài ngón ngắn" dùng để biện minh hay lý giải sự khác biệt của sự vật, sự việc hay con người. Câu nói đơn giản ấy nếu nhìn nhận dưới góc độ học thuật thì có thể được coi là một câu giải thích ngắn, gọn và dễ hiểu về một vấn đề hết tưởng chừng sức bình thường nhưng vô cùng nhạy cảm ở Việt Nam. Đó là sự đa nguyên.
000_Hkg8862100-305.jpg
Thanh niên Việt Nam tại quán cà phê vỉa hè ở Hà Nội hôm 06/8/2013, ảnh minh họa.
AFP photo
Nói như thế để thấy đa nguyên là một quy luật tự nhiên, chấp nhận đa nguyên đó là sự xác nhận và chấp nhận tính đa dạng của các sự vật hiện tượng trong tự nhiên và xã hội. Suy nghĩ của con người cũng vậy, trước mỗi vấn đề mỗi người có thể các suy nghĩ và cách nhìn nhận khác nhau. Do vậy chỉ có những vấn đề đã được xác nhận là chân lý của loài người, thì khi ấy mới có thể có sự đồng nhất về suy nghĩ.

Sở dĩ hơi dông dài về chuyện đa nguyên và đang nguyên tư tưởng cũng vì trong xã hội ta hiện nay có tình trạng sự áp đặt tư tưởng một cách khá thô bạo của một số tác giả đại diện cho truyền thông nhà nước. Điều mà ta thường thấy qua các bài viết về chủ đề "Phòng chống Diễn biến Hòa bình" hay "Nhận định và bình luận" trên các tờ báo hàng đầu của đảng CSVN.
Điều đáng nói là người đọc có cảm giác các tác giả trên tự cho những suy nghĩ của (đảng) họ toàn là vấn đề thuộc về chân lý, và từ đó họ tự cho mình quyền phê phán thậm chí là mạt sát đối tượng có suy nghĩ khác với họ. Kể cả những đối tượng ấy là những người có tên tuổi và từng đã có nhiều đóng góp cho chế độ hiện nay.
Vấn đề ở đây có lẽ là do sự ngộ nhận của các tác giả nói trên, họ không biết rằng Chân lý chỉ xuất hiện khi một ý kiến mang tính tổng quát hóa có tính khoa học, được chứng minh và kiểm nghiệm thực tế, thể hiện tính chất phổ quát và không tìm được sự kiện trái ngược, thì ý kiến sẽ được coi là đúng.
Có nghĩa là mọi ý kiến ngoài việc mang tính khoa học thì nó còn phải được chứng minh, kiểm nghiệm thực tế và không tìm được sự kiện trái ngược. Thì khi ấy ý kiến đó mới tạm được coi là chân lý.
Để tìm đến chân lý, thì biện pháp tranh luận, dùng các luận cứ từ thực tế để chứng minh nhằm đưa các suy nghĩ trái ngược trở nên đồng thuận chấp nhận. Chứ không ai bình thường lại tự cho mình quyền khẳng định những ý kiến của họ đưa ra không thông quan tranh luận là duy nhất đúng, buộc mọi người phải khuất phục và chấp nhận.
Điều đó chỉ thấy ở những kẻ độc tài hoặc điên khùng.
Chính vì cái lỗi tự cho mình quyền khẳng định những ý kiến của mình đưa ra không thông quan tranh luận là duy nhất đúng, buộc mọi người phải khuất phục và chấp nhận trong một thời gian dài của đảng CSVN nói chung và cơ quan tuyên giáo nói riêng đã bào mòn lòng tin của quần chúng nhân dân. Điều đó dẫn tới việc báo Nhân dân bây giờ chỉ phát không mà không có mấy ai mua để đọc.
Chuyện khi nói về báo Nhân dân, ngày xưa họ bảo nhau rằng tờ báo ấy chỉ có đúng mỗi cái địa chỉ của tòa báo là 71 - Phố Hàng Trống - Hà nội là chuyện không oan.
Đó là chuyện ngày xưa, còn ngày nay đặc biệt là vào thời điểm này các có lẽ còn nặng nề hơn, khi các cây bút  “Phản tuyên truyền”, hay “tuyên truyền theo định hướng” của đảng vẫn còn mắc phải cái lỗi sơ đẳng này.
Có lẽ đó chính là lý do trong một bài viết của mình gần đây, nhà báo Phạm Chí Dũng ở Sài gòn đã viết rằng "Một nhân viên an ninh có thâm niên, tất nhiên giấu tên, đã bình luận về chất lượng phản tuyên truyền trên báo đảng: “Họ vẫn viết như ngày nào… Cứ viết thế này thì sẽ chẳng có ai đọc nữa.”.
Câu chuyện trên là một điều thật là bi hài và trớ trêu, họ viết thế nào để rồi ngay những người có trách nhiệm bảo vệ đảng của họ còn không tiêu hóa nổi chứ đừng nói gì đến nhân dân có chút hiểu biết.
Tôi không có ý ngăn cản hay đả phá các cây bút chuyên viết về đề tài "Phòng chống Diễn biến Hòa bình" hay "Nhận định và bình luận" v.v... trên các báo của nhà nước. Cũng vì những ai chấp nhận và tôn trọng đa nguyên và đã là đa nguyên tư tưởng thì mặc nhiên phải biết chấp nhận sự khác biệt trong việc biểu lộ suy nghĩ của mọi người khác. Cho dù đảng CSVN vẫn tán đồng và cho rằng đa nguyên, nhất là đa nguyên chính trị và đa nguyên tư tưởng là sự sai trái, là không đúng đắn.
Nhưng điều đó không có nghĩa là những ý kiến hay suy nghĩ của các tác giả nhân danh đảng CSVN luôn luôn là chân lý. Mà mọi cái vướng mắc hay bất đồng cần phải được thông qua tranh luận, phản biện trên cơ sở khoa học và thực tế, cộng với sự tôn trọng người trong cuộc để lắng nghe những ý kiến của họ.
Nếu thông qua tranh luận để tìm ra chân lý và sự thật thì không chỉ người tham gia tranh luận mà hàng ngàn, hàng vạn người theo dõi cuộc tranh luận ấy sẽ tâm phục khẩu phục và biết rõ đâu là sự thật. Và khi đó, cũng là lúc một vấn đề được chấm dứt, khi cái đúng, cái sai đã rõ ràng.
Đó là cách tốt nhất để giải quyết triệt để lần lượt từng vấn đề nhỏ trong một mảng đề tài lớn mà dư luận xã hội quan tâm và những ai đã dám cho rằng ý kiến mình (sẽ) là chân lý thì chẳng có lý do gì mà sợ phía đối diện trong việc tranh luận cả, trừ khi tự họ biết rằng mình sai hoặc yếu thế hơn.
Gần đây, trên mạng internet có một số hiện tượng đáng mừng.
000_Hkg8782027-250.jpg
Triển lãm bản đồ về Trường Sa và Hoàng Sa tại Bảo tàng Quân đội Hà Nội hôm 10/7/2013
1.- Mấy ngày vừa qua được đọc bài "Sự thật không như những điều anh Lê Hiếu Đằng suy nghĩ" trên báo Đại Đoàn Kết của ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ Ban TƯ MTTQ Việt Nam. Trong đó ông Nguyễn Túc phản bác việc ông Lê Hiếu Đằng viết rằng: "Trước đây, Việt Nam có 3 Đảng… Thế nhưng hai Đảng Dân chủ và Xã hội bị Đảng Cộng sản Việt Nam bức tử, giải tán một cách ngang nhiên”.
Cho dù cá nhân tôi cũng đã biết rằng trong các thập kỷ 60,70,80 của thế kỷ trước các đảng viên cũ của đảng Dân chủ (đảng của giới công chức), đảng Xã hội (đảng của lực lượng trí thức) hầu như không còn tham gia sinh hoạt. Một số các dảng viên của các dảng này đã tự nguyện xin chuyển sang đảng Lao động Việt nam nhưng đã bị từ chối.
Do vậy sự giải thích của ông ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ Ban TƯ MTTQ Việt Nam về việc đảng CSVN không "bức tử" đảng Dân chủ và đảng Xã hội, mà là do theo nguyện vọng của lãnh đạo hai đảng nói trên.
Điều đó là có sức thuyết phục đối với cá nhân tôi và không ít người khác, vì nó có lý đối với những ai có chút hiểu biết thực tế hoạt động của hai đảng này trong quá khứ.
2.- Theo dõi cuộc trao đổi của ông Mai Thái Lĩnh với TS Trần Công Trục trên báo Giáo dục Việt Nam, xung quanh bài viết "Sự thật về Thác Bản Giốc: ai là người nhận thức sai lầm?". Vì cuộc trao đổi này đang tiến hành, không chỉ có hai bên mà còn có nhiều học giả khác đã và đang đưa ra các bằng chứng, các dữ liệu của mình để chứng minh các luận điểm của mình cũng như phản bác cá ý kiến của đối phương để đi đến cái đích cuối cùng "Đâu là sự thật của vấn đề?". Kể cả khi ông Trần Công Trục cho rằng các tài liệu sau năm 1979 của ta đưa ra có tính chất tuyên truyền trong khi hai bên lâm chiến cho nên có thể là không khách quan, như sau “Mọi người đều biết rằng, hệ thống tài liệu tuyên truyền chính thức của cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn này, trong đó có những nội dung đề cập đến đường biên giới trên bộ giữa 2 nước đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi xu thế chính trị của cả xã hội thời kỳ đó. Hai nước giao tranh, việc phát hành tài liệu liên quan đến  đường biên giới, chủ quyền trong các tài liệu tuyên truyền ít nhiều đã mất đi tính khách quan, lại được tuyên truyền thường xuyên và rộng rãi nên những thông tin trong đó ăn sâu vào tiềm thức người dân.”
Điều mà rất nhiều người quan tâm đến vấn đề chủ quyền biên giới của đất nước hết sức quan tâm, một phần cũng vì những câu hỏi nghi vấn từ lâu đã rơi vào sự im lặng đáng sợ. Điều đó đã khiến cho loạn thông tin trong vấn đề "Chính quyền cắt đất, chia biển cho Trung quốc" (!?)
Tại sao một vấn đề lớn, có sự ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ cũng như tư tưởng của người dân và uy tín của chính quyền như vậy mà truyền thông nhà nước lại im tiếng? Phải chăng họ không biết rằng sự im lặng sẽ trở thành sự đồng lõa với sự dối trá và càng khiến cho người ta nghi ngờ hơn?
3.- Vấn đề đang xảy ra quanh việc Tuyên bố 258 của Mạng lưới Bloggers Việt Nam thể hiện mong muốn Nhà nước sửa đổi, hoàn thiện pháp luật theo hướng tôn trọng nhân quyền, và cải thiện nhân quyền trên thực tế, để xứng đáng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-201.
Được biết Mạng lưới Bloggers Việt Nam đã trao Tuyên bố 258 cho các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện ngoại giao các nước ở Việt Nam để bày tỏ mong muốn đó và phản ánh tình hình nhân quyền Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.
Sự việc này càng được hâm nóng lên bởi  sự xuất hiện của một phong trào phản bác Ký tên phản đối bè lũ phản động. Với mục đích : Chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy, nhóm “Tuyên bố 258” chỉ là một thiểu số ít ỏi phản bội lợi ích dân tộc, mạo danh cộng đồng/dân tộc, lừa bịp dư luận làm những việc tổn hại nghiêm trọng đến lòng tự tôn dân tộc, trái với pháp luật quốc tế, chia rẽ tinh thần đoàn kết của dòng máu Lạc Hồng, khiến cho cộng đồng và các tổ chức quốc tế hiểu sai, ấn tượng xấu về con người Việt Nam.
Điều này cho thấy sự tiến bộ trong cách giải quyết các bất đồng về quan điểm giữa các nhóm người khác nhau, thông qua các bài viết thể hiện quan điểm và trao đổi giữa các thành viên. Không đi sâu vào việc xem xét các nhóm nói trên do ai hay thế lực nào đứng đằng sau, nhưng qua đó cho thấy sự chuyển biến cơ bản trong tư duy của những người trong cuộc. Họ đã bỏ ngỏ sự lựa chọn cho những người quan tâm đến chủ đề này thông qua chữ ký của mình thay bằng sự trấn áp từ một phía mà mọi người chúng ta đã quá quen thuộc.
034_2631821-250.jpg
Bích chương tuyên truyền cho Chủ Nghĩa Xã Hội ở Việt Nam. AFP photo
Những sự việc trên là các dấu hiệu đáng mừng của truyền trông nhà nước và cộng đồng bloggers, là biểu hiện ban đầu của sự đối thoại thay cho sự đối đầu thông tin để đi tới sự thật. Đây là biểu hiện của sự văn minh trong việc dùng văn hóa đối thoại với mục đích để đi tìm sự thật của một số vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Qua đó để thấy cái người đọc bây giờ họ cần biết rõ sự thật trắng đen của vấn đề, cho dù phần thắng nghiêng về bên nào cũng vậy. Chứ họ đâu cần sự chụp mũ, mạt sát đối phương như các tác giả báo đảng vẫn làm, đừng quên dân trí của người dân bây giờ nhiều lúc, nhiều nơi còn cao hơn quan trí của các vị.  Họ thừa khả năng nhận xét và đánh giá.
Đây còn là sự biểu hiện của tính minh bạch cấn có của một thể chế chính trị tự nhận là "của dân, do dân và vì dân". Chứ không thể chấp nhận một nhà nước "của dân, do dân và vì dân" mà người dân hoàn toàn không hay biết bất cứ một điều gì, ở mức tối thiểu nhất là sự đúng hay sai về thông tin liên quan đến các vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm. Chứ không thể để tình trạng "kiên quyết" đã có đảng và nhà nước lo.
Một nhà nước "của dân, do dân và vì dân" có nghĩa là ở đó nhân dân là người làm chủ, họ là người ủy thác cho chính quyền thay mặt họ để điều hành nhà nước. Do vậy, nếu có các phát sinh bất đồng về suy nghĩ giữa người làm chủ và người được thừa ủy quyền, thì phương pháp trao đổi, đối thoại hoặc tranh luận sẽ là một phương cách khoa học, văn minh và biểu thị sự tôn trọng giữa hai bên để cùng đi tới sự thật.
Việc người được ủy thác tự cho mình quyền định đoạt và khẳng định suy nghĩ của mình là chân lý, hòng buộc người (chủ) uỷ quyền cho mình phải khuất phục với các ngôn từ vu khống hay cáo buộc kiểu như "luận điệu sai trái", "thủ đoạn chống phá" v.v... như cơ quan tuyên giáo của đảng vẫn đang làm từ trước tới nay. Đó là hành động thiếu văn hóa, vô đạo đức mà lẽ ra ở vai trò những người làm tự nhận mình làm công tác giáo dục tư tưởng cho nhân dân không nên mắc phải.
Trong những ngày gần đây, dư luận xã hội lại nóng lại về thông tin CT. Hồ Chí Minh rất có thể là ông Hồ Tập Chương, người Khách Gia ở Đài Loan, Trung Quốc. Còn CT. Hồ Chí Minh thì đã bị bệnh lao, chết năm 1932.
Thông tin này xuất hiện vài năm trước đây, khi giáo sư sử học Đài Loan Hồ Tuấn Hùng công bố quyển sách “Hồ Chí Minh Sinh bình Khảo”, ông ta khẳng định CT. Hồ Chí Minh là ông Hồ Tập Chương, là ông bác họ với nhà sử học Hồ Tuấn Hùng.
Ai cũng biết đảng và chính quyền đã và đang sử dụng hình tượng của CT Hồ Chí Minh làm điểm tựa của chế độ để xây dựng niềm tin của nhân dân, chính vì thế vấn đề này đã khiến một cựu nhà báo của đảng đã bức xúc và bộc lộ suy nghĩ của mình qua bài viết “Niềm tin của tôi bị lung lay”.
Để đề nghị các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước làm rõ thực hư về thông tin này. Đây là một đòi hỏi hợp lý mang tính xây dựng, không chỉ thế mà nó còn liên quan đến lòng tự trọng của mỗi con người, mỗi quốc gia và mỗi dân tộc.
Chuyện này từ trước đến nay thường bị coi là những hành động bôi nhọ để hạ bệ thần tượng của các thế lực thù địch, trong chiến lược diễn biến hòa bình. Nhưng sự việc này có xuất xứ từ một GS. Sử học người Đài Loan thì cũng không nên xem thường, vì không có lý gì để tác giả nhà sử học Hồ Tuấn Hùng bôi nhọ người mà ông ta phải gọi là bác họ và là lãnh tụ kính yêu của một dân tộc láng giềng.
Điều mà lẽ ra nhà sử học Hồ Tuấn Hùng phải tự hào mới phải chứ? Do đó vấn đề ở đây ở chỗ đâu là sự thật? Quan trọng là thông tin đó là đúng hay sai? Cứ thử tưởng tượng vào một ngày đẹp trời nào đó, toàn thể nhân dân Việt nam trong và ngoài nước tá hỏa khi biết vị lãnh tụ kính yêu, cha già của dân tộc Việt nam là người Khách Gia ở Đài Loan, Trung Quốc thì sự thể sẽ ra sao?
Người ta có câu "Nói phải thì củ cải cũng nghe" huống chi là con người. Đã là con người thì trước sự thật và lẽ phải thì ai cũng như ai cũng dễ chấp nhận, nếu những cái đó khi họ không tìm được sự kiện hay ý kiến trái ngược để bảo vệ luận điểm của họ.
Không những thế, việc làm này còn có tác dụng đưa những người có ý kiến và suy nghĩ khác nhau sẽ xích lại gần nhau hơn, xóa bỏ ranh giới bất đồng về quan điểm, tư tưởng hay suy nghĩ để làm tiền đề cho một khối đại đoàn kết của cả dân tộc.
Dưới góc nhìn văn hóa thì việc tranh luận đối thoại cũng là cơ hội để cho các bên học hỏi lẫn nhau và xây dựng một văn hóa tranh luận trên cơ sở bình đẳng.
Đó chính là sự tôn trọng người khác để người khác tôn trong bản thân chính mình.
Đó là điều đang ngày dần bị mai một trên thực tế cũng như trong suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ người trong xã hội Việt nam hiện nay.
Mọi câu hỏi đều có câu trả lời, mọi sự việc đều có sự thật của nó. Tất cả cần được minh bạch thông qua tranh luận và đối thoại để đi tới sự thật và chân lý.
Ngày 16 tháng 09 năm 2013
*Bài viết trích từ Blog Kami. Nội dung không thể hiện quan điểm của RFA.

Không có nhận xét nào: