Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Bạo động ở Miến Điện làm một bé gái thiệt mạng

Một trạm xá của Tổ chức Y sĩ không biên giới ở Rangoun, 3/3/2014.
 Y sĩ không biên giới gặp trở ngại khi hoạt động tại miền tây
 Miến Điện.   
REUTERS/Minzayar
Thụy My
Một bé gái 11 tuổi đã tử vong vì đạn lạc trong lúc lực lượng an ninh bắn chỉ thiên để giải tán đám đông đang tấn công vào một tòa nhà của Liên Hiệp Quốc tại miền tây Miến Điện. Cảnh sát Miến Điện hôm nay 28/03/2014 cho biết như trên.
Trung tá Min Aung nói với AFP, bé gái bị trúng đạn hôm qua lúc đang ở trong nhà, khi đó lực lượng an ninh đang cố giải tán những người tụ tập trước một nhà kho của Chương trình Lương thực Thế giới. Tình hình sáng nay đã trở lại yên tĩnh, sau khi ban hành lệnh giới nghiêm từ chiều tối hôm qua cho đến sáng.

Từ hai ngày qua, hàng trăm người Phật giáo đã tấn công vào các cơ sở của nhiều tổ chức nhân đạo và của Liên Hiệp Quốc tại Sittwe - thủ phủ bang Rakhine. Người Rakhine theo đạo Phật lên án các nhà hoạt động nhân đạo ngoại quốc dành ưu tiên cho người Rohingya Hồi giáo, đòi họ phải ra đi.
Các vụ tấn công bắt đầu từ hôm thứ Tư 26/3 nhắm vào các cơ sở của Malteser International đã gây « quan ngại sâu sắc » cho Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ. Tổng cộng có 70 nhà hoạt động nhân đạo trong đó phân nửa là người nước ngoài đã được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát.
Phía cảnh sát cho biết đám đông giận dữ lên án một nữ nhân viên người Mỹ của Malteser không tôn trọng cờ Phật giáo. Những lá cờ Phật giáo được treo khắp nơi tại Sittwe để phản đối người Hồi giáo, vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa đến dịp điều tra dân số lần đầu tiên tại Miến Điện kể từ năm 1983 đến nay. Theo Malteser, tổ chức này chỉ gỡ đi một lá cờ Phật giáo tại trụ sở mình để chứng tỏ sự trung lập, chứ không phải là thiếu tôn trọng.
Hai đợt bạo động giữa người Rakhine và người Rohingya tại bang Rakhine trong năm 2012 đã làm trên 200 người chết và 140.000 người phải di tản, chủ yếu là người Rohingya.
Tổ chức Y sĩ Không biên giới (MSF) chăm sóc y tế cơ bản cho hàng ngàn người dân sống ở các khu vực hẻo lánh, hầu hết là người Rohingya, tháng trước đã bị trục xuất sau một loạt các vụ biểu tình. Các chuyên gia lo ngại quyết định này sẽ bị những người Rakhine dân tộc chủ nghĩa coi là chính quyền đứng về phía họ.

Không có nhận xét nào: