Pages

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Tình báo mạng của Mỹ nhìn xuyên thấu đối thủ Trung Quốc?

Tiết lộ mới đây cho thấy lực lượng tình báo tín hiệu của Mỹ (mà đại diện là NSA) cao tay đến nhường nào.

Các quan chức Mỹ đã từ lâu coi hãng viễn thông khổng lồ Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh. Họ đã cản trở hoạt động thương mại của hãng này ở Mỹ do lo ngại hãng đó có thể tạo “cửa hậu” trong thiết bị do Huawei sản xuất cho phép quân đội Trung Quốc cũng như các tin tặc do Bắc Kinh hậu thuẫn lấy cắp các bí mật của doanh nghiệp và chính phủ Mỹ.

Chọc thẳng vào máy chủ Huawei

Nhưng ngay cả khi Mỹ công khai hóa các mối đe dọa từ việc mua các sản phẩm do Huawei chế tạo thì các tài liệu mật lại cho thấy chính Cơ quan An ninh Quốc gia NSA (tổ chức tình báo tín hiệu của quân đội Mỹ) đã tự tạo các cửa hậu và cấy thẳng vào mạng lưới của Huawei.

NSA đã chọc thẳng vào các máy chủ bên trong tổng hành dinh của Huawei ở thành phố Thâm Quyến – trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, theo các tài liệu NSA do cựu nhân viên tình báo Edward Snowden cung cấp.

Quân nhân Trung Quốc sử dụng vi tính (ảnh: China Out)

NSA đã thu thập được thông tin về cơ chế làm việc của các router khổng lồ và các bộ switch số phức tạp mà Huawei khoe là kết nối tới 1/3 dân số thế giới, và đã giám sát liên lạc của các giám đốc chủ chốt của công ty này.

Một trong các mục tiêu của chiến dịch mang mật danh “Shotgiant” này là tìm kiếm bất cứ sự liên hệ nào tồn tại giữa Huawei và Quân Giải phóng Trung Quốc, một tài liệu năm 2010 tiết lộ. Nhưng kế hoạch tác chiến vươn xa hơn: Khai thác công nghệ của Huawei để khi nào công ty này bán thiết bị cho các nước khác – bao gồm cả các đồng minh và các quốc gia tránh mua đồ của Mỹ - NSA sẽ đi lại trong mạng lưới máy tính và điện thoại của các nước đó để thực hiện việc theo dõi, và nếu nhận được lệnh của Tổng thống, sẽ tiến hành tấn công mạng.

“Rất nhiều các mục tiêu của chúng ta liên lạc qua các sản phẩm do Huawei sản xuất,” tài liệu của NSA có đoạn. “Chúng ta muốn bảo đảm rằng chúng ta biết cách khai thác các sản phẩm đó… để tiếp cận các mạng lưới mà chúng ta quan tâm” trên khắp thế giới.

Các tài liệu trên đã được tờ New York Times của Mỹ và Der Spiegel của Đức tiết lộ. Đó cũng là một phần nội dung trong cuốn sách mang tên “The NSA Complex”.

Các tài liệu trên cũng như các cuộc phỏng vấn với giới quan chức tình báo đã cung cấp cái nhìn sâu vào bên trong “cuộc chiến tranh lạnh” kỹ thuật số đang ngày càng leo thang giữa Mỹ và Bắc Kinh ngay cả khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình khởi động hội đàm về việc giới hạn xung đột mạng.

Theo lời khoảng 5-6 lãnh đạo đương chức và đã nghỉ hưu của Mỹ, NSA hiện đang theo dõi hơn 20 nhóm hacker Trung Quốc (hơn một nửa trong số đó là các đơn vị của Lục quân và Hải quân Trung Quốc) khi các nhóm này đột nhập vào mạng lưới của chính phủ Mỹ, các công ty Mỹ bao gồm cả hãng Google và các hãng chế tạo linh kiện cho phi cơ không người lái và vũ khí hạt nhân.

Ăn cắp qua mạng khác với theo dõi tình báo

Chính quyền Obama phân biệt giữa việc hack

 và ăn cắp bí mật công ty mà người Trung Quốc thực hiện nhằm vào các công ty Mỹ để củng cố các doanh nghiệp nhà nước của họ, với các chiến dịch tình bào mà Mỹ thực hiện đối với các mục tiêu Trung Quốc và các mục tiêu khác.

Các quan chức Mỹ đã nhiều lần nói rằng NSA đột nhập vào mạng lưới ngoại quốc chỉ để phục vụ các mục đích an ninh quốc gia chính đáng.

Một phát ngôn viên của Nhà Trắng, Caitlin M. Hayden, nói: “Chúng tôi không cung cấp thông tin tình báo mà chúng tôi thu thập được cho các công ty Mỹ đặng cải thiện tính cạnh tranh quốc tế hay nâng cao lợi nhuận của các công ty đó. Nhiều nước không thể nói được như chúng tôi”.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chính phủ Mỹ không thực hiện dạng tình báo doanh nghiệp theo kiểu riêng của họ, với một bộ mục tiêu khác. Những mục tiêu liên quan đến Huawei đã được mô tả trong tài liệu năm 2010.

Văn phòng Huawei ở Thâm Quyến, Trung Quốc (ảnh: Bloomberg)

“Nếu chúng ta xác định được kế hoạch và ý định của công ty này,” một nhà phân tích viết, “chúng ta hy vọng điều này sẽ dẫn chúng ta tới các kế hoạch và ý đồ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

NSA phát hiện ra một cơ hội mới: Khi Huawei đầu tư vào công nghệ mới và đặt cáp ngầm dưới biển để kết nối đế chế thông tin trị giá 40 tỷ USD mỗi năm của họ, NSA đã quan tâm tới việc đột nhập vào mạng lưới các khách hàng chính của Trung Quốc, bao gồm các mục tiêu “ưu tiên cao” như Iran, Afghanistan, Pakistan, Kenya và Cuba.

Thực hư Huawei và mối quan hệ với chính phủ

Tuy nhiên các tài liệu rò rỉ đã không đưa ra câu trả lời cho câu hỏi chủ chốt: Liệu Huawei có phải là một hãng độc lập, như ban lãnh đạo công ty vẫn khẳng định, hay chỉ là bình phong cho Quân Giải phóng Trung Quốc như các quan chức Mỹ vẫn hay ám chỉ?

Hai năm sau khi chiến dịch Shotgiant trở thành một chương trình hoạt động chính, Ủy ban Tình báo Hạ viện đã công bố một báo cáo giải mật về Huawei và một công ty Trung Quốc khác là ZTE, trong đó không viện dẫn bằng chứng nào xác nhận các nghi ngờ về mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc.

Cũng bản báo cáo tháng 10/2012 đó kết luận rằng phải ngăn các công ty trên “thâu tóm hoặc sáp nhập” ở Mỹ và “ không thể tin tưởng chúng không chịu ảnh hưởng của nước ngoài”.

Huawei - hiện có tất cả mọi thứ ngoại trừ việc xâm nhập thị trường Mỹ - phàn nàn rằng họ là nạn nhân của chủ nghĩa bảo hộ được khoác chiếc áo an ninh quốc gia. Các quan chức của công ty này khăng khăng phủ nhận có mối liên hệ với Quân Giải phóng Nhân dân.

William Plummer, một giám đốc cao cấp của Huawei ở Mỹ cho biết công ty ông không hề biết họ là mục tiêu của NSA.

Ông này chia sẻ thêm: “Điều nực cười là chính những gì họ làm với chúng tôi lại được họ dùng để cáo buộc chính phủ Trung Quốc đang làm những điều tương tự thông qua chúng tôi”.

Ông Plummer nói tiếp: “Nếu thực sự người ta đã làm công việc theo dõi tình báo, thì người ta sẽ biết rằng công ty này là độc lập và không có bất cứ mối quan hệ đặc biệt với bất cứ chính phủ nào, và thông tin này phải được đem ra công khai để chấm dứt kỷ nguyên thông tin sai và thông tin bóp méo”.

Các mối quan ngại về Huawei có từ gần một thập kỷ trước, kể từ khi Công ty RAND - một tổ chức chuyên về nghiên cứu - đánh giá nguy cơ tiềm ẩn đối với quân đội Mỹ từ phía Trung Quốc.

RAND kết luận rằng “các công ty tư nhân của Trung Quốc như là Huawei” là một thành tố trong “tam giác số” gồm công ty-viện nghiên cứu-chính phủ phối hợp với nhau một cách bí mật.

Huawei là một gã khổng lồ toàn cầu. Hãng này sản xuất các thiết bị tạo nên xương sống của mạng internet, đặt cáp ngầm dưới biển từ châu Á sang châu Phi và đã trở thành nhà chế tạo điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới sau Samsung và Apple.

“Gia Cát Lượng” đứng đằng sau chiến lược của Huawei là Ren Zhengfei, vốn là kỹ sư của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong thập niên 1970.

Đối với người Trung Quốc, ông na ná như Steve Jobs – vị doanh nhân đã xây dựng đế chế số từ vốn liếng hơn 3.000 USD vào giữa những năm 1980, cạnh tranh với cả các công ty nhà nước và đối thủ nước ngoài. Nhưng các quan chức Mỹ chỉ xem ông như một mối liên kết với quân đội Trung Quốc./.

Trung Hiếu
VOV online

Không có nhận xét nào: