Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Đăng cai ASIAD 2019: Tránh để nợ công cho con cháu!


asiad-dangcai

“Để tổ chức đăng cai ASIAD 2019, theo tôi chúng ta cần phải tính toán để tiết kiệm tránh dẫn đến tình trạng nợ công để lại hậu quả về sau cho con cháu”, ông Lê Như Tiến nói.
Liên quan đến kinh phí đầu tư tổ chức, đăng cai ASIAD 2019 tăng cao so với dự kiến ban đầu của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, trao đổi với PV Infonet chiều 26/3, ông Lê Như Tiến, Phó chủ tịch Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội cho rằng chúng ta phải tiết kiệm triệt để.

Ông Lê Như Tiến cho biết, trước hết tôi phải khẳng định, bây giờ chúng ta không phải bàn đến chuyện có tham gia hay có đăng cai ASIAD hay không, vì đây chính là uy tín quốc gia và chúng ta đã cam kết với quốc tế rồi. Đây chính là thể diện quốc gia, khi đăng cai ASIAD rồi thì nó cũng sẽ có nhiều lợi ích kép như nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, qua đó tăng cường sự cọ xát của các vận động viên, huấn luyện viên, nhà quản lý.
Thứ nữa là nó có lợi ích về tăng trưởng các dich vụ khác như: dịch vụ du lịch, dịch vụ hàng không, nhà hàng khách sạn và các dịch vụ đi kèm. Rồi chúng ta có bản quyền về truyền hình về thông tin và chúng ta sẽ có nhiều thế mạnh thông qua đăng cai tổ chức ASIAD 2019.
Khi bàn về ASIAD 2019 nó cũng giống như Seagames trước đây cũng có ý kiến bàn lùi không làm nữa. Nhưng theo ý kiến của tôi và Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cùng nhiều ý kiến khác đều cho rằng nên thống nhất tiến hành đăng cai, nhưng quan trọng nhất đại biểu quốc hội vẫn cho rằng cần phải triệt để tiết kiệm trong tình hình kinh tế xã hội đang khó khăn và những công trình xây dựng phải là những công trình hữu ích tiếp tục phát triển cho thể thao nước nhà về lâu dài.
Thưa ông, liên quan đến việc Việt Nam tổ chức đăng cai ASIAD 2019, ban đầu Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL) trình kinh phí chỉ khoảng 150 triệu USD nhưng con số mới đây lại vọt lên đến khoảng 300 triệu USD, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Tại phiên giải trình của Chính phủ với Ủy Ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội mới đây, rất nhiều đại biểu, trong đó có tôi đã đề nghị Chính phủ phải tính hết, tình đúng, tính đủ, tất cả các dự toán các công trình, dự án phục vụ cho ASIAD 18 để Quốc hội thấy được tổng nguồn kinh phí là bao nhiêu.
Còn theo như Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL nói là 150 triệu USD mới chỉ là chi phí cho công tác chuẩn bị và tổ chức ASIAD, còn chưa nói đến việc xây mới các công trình phục vụ cho ASIAD mà những công trình mình chưa có như đua xe đạp lòng chảo, trường đua ngựa…là tốn kém rất nhiều. Sau đó, chúng ta còn phải nâng cấp và cải tạo lại các công trình hạ tầng thể thao đã được để lại từ Seagames 22 có từ năm 2003. Vì thế nếu cộng lại thì số tiền đội lên so với dự toán ban đầu là rất lớn.
Bên cạnh đó, còn một nội dung hết sức quan trọng và cũng chưa được Bộ VH,TT&DL tính vào, đó là chúng ta sẽ đưa 800 vận động viên cấp quốc gia đi tập huấn và huấn luyện trong nước và nước ngoài, thì số tiền ấy sẽ tốn kém vô cùng. Những chi phí cho đào tạo bồi dưỡng, vận động viên, nâng cấp hạ tầng rồi xây mới công trình thể thao, vừa tăng thêm chế độ dinh dưỡng cho các vận động viên, tất cả sẽ là các khoản chi rất lớn.
Để đầu tư cho ASIAD một cách hợp lý, tôi đề nghị 3 bộ liên quan như, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ VH,TT&DL cùng ngồi lại với nhau, rà soát từng hạng mục công trình, công bố chính thức tổng số tiền đầu tư cho ASIAD 2019 là bao nhiêu để Chính phủ và Quốc hội là những người quyết định ngân sách chủ động. Nếu không sau này nó đội lên thì ai chịu trách nhiệm và lúc đấy thì lấy nguồn đâu ra để chi trả.
Vì thế tôi có đề nghị là các bộ liên quan nên ngồi lại rà soát các công trình, tính tổng thể luôn chứ không tính riêng công tác chuẩn bị cho ASIAD là 150 triệu USD, và chỉ có như thế Chính phủ và Quốc hội mới chủ động trong việc tạo nguồn. Theo tôi từ nay đến ASIAD 2019 còn khoảng 5 năm nữa thì mình sẽ phân kỳ đầu tư và ưu tiên thứ tự cho hạng mục nào trước, hạng mục nào sau và tận dụng triệt để những hạ tầng thể thao do Seagames 22 đã để lại như: sân vận động quốc gia Mỹ Đình; Liên hợp thể thao dưới nước, cung thể thao quần ngựa…tất cả những hạ tầng ấy phải tận dụng triệt để và hạn chế xây mới những công trình thể thao để tiết kiệm.
Tiếp nữa phải huy động nguồn xã hội hóa cao độ, vì chúng ta đã có chủ trương phải đẩy mạnh xã hội hóa trong văn hóa, thể thao và giáo dục, y tế, nhưng riêng thể thao chúng ta xã hội hóa chưa làm được nhiều.
Từ nay đến khi bắt đầu đại hội chúng ta phải xem công trình nào là phải đầu tư từ ngân sách nhà nước và công trình nào phải huy động từ nguồn xã hội hóa để cho các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư và bản thân họ sẽ được khai thác trong một khoảng thời gian. Vì khi đầu tư vào thì sau họ sẽ được khai thác theo kiểu đầu tư cho hạ tầng giao thông như BOT như công trình Làng thể thao Á vận hội.
Khi đầu tư vào thì phải xem xét sau khi tổ chức các hoạt động thể thao xong rồi thì phải chuyển cho các công trình dân sinh, các bệnh viện thể thao thì trở thành các bệnh viện dân sinh. Làng thể thao thì sẽ trở thành các trường học hay là khu nhà ở cao cấp, tận dụng bán đi thu hồi vốn. Cũng giống như tôi vừa đi thăm Vladimirvostoc ở Nga người ta làm một trung tâm phục vụ cho APEC rất lớn, phục vụ xong sau khi các quan chức rút về, trở thành một trường đại học trọng điểm của Vladimirvostoc. Khu nhà ở thì trở thành khu ký túc xá và phòng họp sau này trở thành giảng đường, vì thế rất thuận lợi. Ở Việt Nam cũng phải nghĩ đến chuyện đó.
Từ bài học nợ công của Hy Lạp sau Olympic Athens 2004, chúng ta phải làm gì để tránh xảy ra việc tương tự thưa ông?
Chính vì thế chúng tôi mới đề nghị với Bộ VH,TT&DL và Chính phủ là tăng cường xã hội hóa và giảm bớt các chi phí từ ngân sách nó sẽ không dẫn đến nợ công, tăng cường xã hội hóa từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư, sau đó người ta khai thác, chuyển giao, như thế sẽ thuận lợi, tốt hơn rất nhiều tránh được tình trạng nợ công dẫn đến gây khó khăn, để lại hậu quả lâu dài cho con cháu vừa tiết kiệm.
Vậy dự án này có đưa ra để lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội không?
Liên quan đến việc tổ chức ASIAD 2019, chúng tôi nghĩ rằng trong thời gian vừa qua, không chỉ Ủy ban chúng tôi quan tâm mà các đại biểu Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội cũng đã rất quan tâm, nhiều vị đại biểu Quốc hội cũng đã điện cho tôi và tỏ rõ thái độ là Chính phủ phải báo cáo sớm với Quốc hội về tất các công tác chuẩn bị và tổ chức, chi phí cho ASIAD. Bởi vì Quốc hội trực tiếp phân bổ ngân sách thì phải biết được chi phí của từng dự án như thế nào, nhất là các dự án mang tính quốc gia.
Và sẽ đưa việc tổ chức ASIAD 2019 để Quốc hội bàn tại kỳ họp thứ 7 tới đây?
Theo tôi điều này còn phù thuộc vào sự chuẩn bị của Chính phủ và các ý kiến của Thường vụ Quốc hội và đưa ra bàn vào thời điểm nào cũng phải để cho Chính phủ có thời gian chuẩn bị nữa.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Infonet

Không có nhận xét nào: