Pages

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Hỗn loạn trong khai thác khoáng sản

Kính Hòa, phóng viên RFA

000_Hkg3665029-600.jpg

Du khách tham quan mô hình lò phản ứng hạt nhân của công ty điện Đông Phương, Trung Quốc tại một cuộc triển lãm về điện hạt nhân tổ chức tại Hà Nội hôm 28/5/2010.
AFP photo

Nghe Bài Này

Dự án khai thác bauxite do chính phủ Việt nam thực hiện với sự hợp tác của Trung quốc đã và đang bị các nhà khoa học, cũng như kinh tế trong nước phê phán lâu nay và dường như vẫn chưa có lối thoát. Trong những ngày cuối tháng ba năm 2014, một vụ xô xát lại diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận giữa dân địa phương và công ty khai thác sa khoáng titan tại đó. Kính Hòa phỏng vấn Tiến sĩ Địa Vật lý Nguyễn Thanh Giang về hiện trạng khai thác khoáng sản tại Việt Nam hiện nay.

Có khoáng sản lại nghèo đi!?

Kính Hòa: Tại một cuộc Hội nghị đóng góp ý kiến cho Luật Khoáng sản sửa đổi, người ta nghe thấy một vị lãnh đạo tỉnh Cao Bằng nói, ông rất tâm đắc với câu “tỉnh nào có khoáng sản tỉnh đó nghèo đi” bởi câu đó đúng.
Trong khi cha ông ta thường nói “Tiền rừng, bạc bể” thì câu nói đó là một nghịch lý dường như không tin được. Là một người đã từng công tác lâu năm ở Tổng cục Địa chất ông có suy nghĩ gì về nghịch lý đó?
TS Nguyễn Thanh Giang: Xã hội này nhiều nghịch lý lắm ông ạ! Nghịch lý nhỡn tiền nhất ai cũng thấy được là trong khi người ta dát vàng vào câu khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nạm trước lăng cụ Hồ thì người ta vẫn bắt dân tộc phải làm lính lệ vác cờ đi theo cái “Tầm cao chiến lược” của “anh bạn vàng” Trung Quốc, và để cho Trung Quốc hết xà xẻo lãnh thổ biên giới phia Bắc lại lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa. Độc lập thì như thế, còn tự do thì, công an của Đảng đàn áp biểu tình chống Trung Quốc và đánh đập các bloggers chưa đủ, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bản tuyên bố chung ký kết với Hồ Cẩm Đào nhân chuyến thăm Trung Quốc năm 2012 còn mở đường cho cả công an Trung Quốc vào Việt Nam “phối hợp giữ gìn ổn định trong nước của mình”.
Kính Hòa: Vâng, thưa ông, nhưng ở đây ta đang nói về kinh tế, về tài nguyên khoáng sản.
TS Nguyễn Thanh Giang: Kinh tế cũng nghịch lý! Nghịch lý ngay từ cái chủ trương lớn của Đảng: “Kinh tế thị trường, định hướng XHCN”. Cua không ra cua, cá không ra cá, cho nên cái nọ cắp kẹp cái kia, cái kia quẫy đạp cái nọ, luật không giữ nổi lệ, lệ chống phá luật …
Không phải chỉ ông Cao Bằng kêu “khoáng sản làm tỉnh nghèo đi” mà Yên Bái có cái mỏ đá quý ở Lục Yên, Yên Bình khá lớn nhưng việc khai thác chẳng ra cái quy mô, cung cách gì nên cảnh quan núi đá đẹp ở khu vực huyện Lục Yên và hồ Thác Bà bị tàn phá tan hoang mà ngân sách thì đóng góp chẳng được bao nhiêu, cho nên, so với mặt bằng chung của cả nước thì Yên Bái vẫn còn là một tỉnh nghèo…
Bắc Cạn cũng là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản rất dồi dào, giai đoạn 2001 – 2005, nhờ đóng góp đáng kể của ngành khai thác khoáng sản mà GDP của Bắc Cạn tăng 11,85% nhưng sau đó do thất thu về khoáng sản nên từ năm 2006 GDP của Bắc Cạn chỉ còn 9,5%.
Yên Bái có mỏ đá quý nhưng việc khai thác chẳng ra gì nên cảnh quan núi đá đẹp bị tàn phá tan hoang mà ngân sách thì đóng góp chẳng được bao nhiêu …
- TS Nguyễn Thanh Giang
Khai thác titan ven biển mới thật thảm họa. Ông Nguyễn Văn Phùng - Trưởng hội Người cao tuổi ở thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, Quảng Trị phàn nàn, cả rừng dương chắn cát trồng hơn nửa thế kỷ nay bị người ta cho xe cẩu nhổ sạch, đê chắn sóng cũng bị phá, nước thải từ giếng khoan đổ thẳng ra biển đen ngòm trong khi nước dưới cát bị hút cạn kiệt, không trồng trọt trên bãi được nữa mà nước ăn trong làng cũng trở nên hiếm. Vậy mà Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan giai đoạn 2007 – 2015, định hướng đến 2025 khu vực quặng sa khoáng titan ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị còn dự định mở rộng đến trên 140 ha.
Không thể chịu được cảnh tàn phá tan hoang, mười hai giờ trưa hôm 27 tháng 3 vừa rồi bà con Sơn Hải ào ạt kéo nhau vây hãm công ty khai thác titan Quang Thuận. Công ty này là của một chủ người Trung Quốc liên kết với một số quan chức Ninh Thuận, khai thác quặng titan ở Sơn Hải, làm sụt mất mạch nước ngầm, ô nhiễm và ảnh hưởng trầm trọng cuộc sống của dân địa phương. Họ phản đối mấy năm nay nhưng công ty này vẫn lén lút khai thác ban đêm. Kiện lên xã không được giải quyết, người dân quyết định tự xử, đốt nhà bà chủ người Trung Quốc. Chiều 28 tháng 3, tức là mới cách đây mấy hôm hàng ngàn người đã kéo lên Ủy ban Ninh Thuận đòi Tỉnh phải đứng ra giải quyết. Cảnh xung đột lớn đã xẩy ra làm tắc nghẽn Quốc lộ Một suốt nhiều giờ.
000_Hkg2293952-250.jpg
Người lao động làm việc tại mỏ Bauxite Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng hôm 13/7/2009. AFP photo
Kính Hòa: Theo ông, vì sao lại có cảnh hỗn loạn như vây?
TS Nguyễn Thanh Giang: Hỗn loạn bên dưới là phản ánh “hỗn loạn từ bên trên”. Trước đây, từ khâu vẽ bản đồ địa chất đến, tìm kiếm, thăm dò, khai thác khoáng sản là lĩnh vực của Tổng cục địa chất cùng với các Liên đoàn, các xí nghiệp của mình. Nay khoáng sản có đến ba Bộ tham gia quản lý: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng.
Bộ TN&MT chỉ làm quy hoạch, còn xuất khẩu thì giao Bộ Công Thương. Bộ Tài nguyên – Môi trường giám sát việc khai thác khoáng sản, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng chia nhau việc lập qui hoạch khoáng sản và  quản lý việc xuất cảng khoảng sản. Còn cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản thì thuộc thẩm quyền của chính quyền các tỉnh, thành phố. Giám sát việc vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản thì do công an, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng đảm trách.
Việc cấp phép khai thác cũng thật là “hỗn loạn”. Đến nay cấp Trung ương đã cấp trên 350 giấy phép khai thác mỏ, cấp địa phương cấp tới gần 4 000 giấy phép khai thác mỏ. Các tỉnh cấp giấy phép khai thác mỏ nhiều nhất là Bình Thuận (200), Vĩnh Long (155), Yên Bái (152), Cao Bằng (142), Lâm Đồng (136), Nghệ An (126), Lai Châu (124), Lào Cai (121)...
Hơn 50% số giấy phép này vi phạm hàng loạt qui định hiện hành: Cấp giấy phép sai thẩm quyền, cấp giấy phép khi chưa có quy hoạch khoáng sản, cấp giấy phép khi chưa có quyết định phê duyệt trữ lượng khoảng sản, cấp giấy phép khi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc có cam kết bảo vệ môi trường …
Vụ “cấp phép” tội lỗi nhất là do TBT ĐCSVN Nông Đức Mạnh tự tung tự tác. Chưa tham khảo ý kiến các nhà khoa học địa chất, luyện kim, kinh tế, quân sự …, ông ta đã tự tiện ký kết với Trung Quốc. Ngay từ năm 2008, trong chuyến thăm Trung Quốc của Nông Đức Mạnh, bản tuyên bố chung VN – TQ đã ghi như sau: “ … Hai bên tăng cuờng hợp tác trong các dự án như: Bôxit Đắc Nông, các dự án trong khuôn khổ “ Hai hành lang, một vành đai kinh tế” và các dự án lớn khác….”. Đấy là chỉ thị mà sau đó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải triển khai rồi bị luật gia Cù Huy Hà Vũ kiện.

Lợi nhuận chảy vào túi ai?

Kính Hòa: Là một người đã từng công tác lâu năm ở ngành địa chất nhưng từ đầu buổi đến giờ dường như chỉ thấy ông nói đến mảng tối của bức tranh tài nguyên khoáng sản. Có những mảng sáng nào không, thưa ông?
TS Nguyễn Thanh Giang: Việt Nam là một trong những nước giầu tài nguyên khoáng sản. Hiện có hơn 5,000 mỏ đang khai thác với khoảng 60 loại khoáng sản thuộc nhiều nhóm khác nhau: Nhóm khoáng sản nhiên liệu như dầu khí, than, nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt như sắt, chromite, titan, manganese, nhóm khoáng sản kim loại màu như bauxite, thiếc, đồng, chì-kẽm, antimony, molypden, nhóm khoáng sản quý như vàng, đá quý, nhóm khoáng sản hóa chất công nghiệp như apatite, cao lanh, cát thủy tinh, nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng như đá vôi xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát….
Trữ lượng đáng kể nhất là dầu khí, bauxite, than, sắt … Than có nhiều loại: than bùn, than nâu lửa dài, than mỡ, than gầy - bán antraxit và than antraxit, chủ yếu là than antraxit.
Đã phát hiện và khoanh định được trên 216 vị trí có quặng sắt, có 13 mỏ trữ lượng trên 2 triệu tấn. Trong tất cả các mỏ quặng sắt của Việt Nam, đáng chú ý nhất là hai mỏ lớn: mỏ sắt Quý Xa ở Lào Cai và mỏ sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh. Mỏ sắt Thạch Khê là chiến tích vang dội của nghề Địa Vật lý Máy bay của chúng tôi trong thập kỷ 60, thế kỷ trước. Khi đo đạc bằng máy đặt trên máy bay, thông qua tính toán, đồng nghiệp của tôi đã xác định được một mỏ sắt chìm sâu 60 mét dưới cát ven biển Hà Tĩnh mà không hề có biểu hiện gì trên mặt đất.
Để vận hành các nhà máy điện nguyên tử, chúng ta cần có uranium. Các mỏ uran đã phát hiện ở phía bắc nói chung manh mún. May chăng có thể trông chờ vào uran Nông Sơn mà tôi là người đầu tiên có công tích khẳng định khả năng chứa uran trong tầng than Nông Sơn từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Điều này, nhà địa chất Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước biết rất rõ.
Ngành công nghiệp khai khoáng đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, đóng góp khoảng 11% GDP và 25% thu ngân sách nhà nước. Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại của Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2013, Việt Nam xuất cảng khoảng 1.4 triệu tấn quặng và khoáng, trị giá 140 triệu USD.
000_Hkg3626163-200.jpg
Khách tham quan mô hình trạm điện hạt nhân của Tập đoàn Rosenergoatom, Nga tại một cuộc triển lãm về điện hạt nhân được tổ chức tại Hà Nội hôm 28/5/2010. AFP photo
Kính Hòa: Bàn về vấn đề thủy điện ông đã đưa ra 6 khuyến nghị. Đối với tài nguyên khoáng sản ông có khuyến nghị gì không, thưa ông?
TS Nguyễn Thanh Giang: Nghỉ hưu đã lâu, không còn sâu sát nữa, chắc anh chị em đương chức có nhiều tâm tư, nguyện vọng lắm, riêng tôi, chỉ xin có mấy ý kiến nho nhỏ:
- Khoáng sản là tài nguyên quốc gia, được xem như tài sản của toàn dân nhưng thực tế phần lớn lợi ích lại đang chảy vào túi các nhóm lợi ích đủ loại: nhóm lợi ích Đảng, nhóm lợi ích chính quyền, nhóm lợi ích trung ương, nhóm lợi ích địa phương, nhóm lợi ích băng đảng cá nhân …
Cần kiểm tra thu hồi những giấy phép cấp sai. Truy thu những khoản lợi nhuận bất chính. Kỷ luật và sa thải những cán bộ do tư lợi hay trình độ non kém đã gây nên thất thoát và lãng phí về khoáng sản.
Nên chăng, tập trung trở lại mọi đầu mối liên quan đến tìm kiếm, thăm dò, khai thác khoáng sản vào Tổng cục Địa chất.
- Một mặt hạn chế đến mức tối đa tình trạng xuất khẩu quặng thô, một mặt phải hiện đại hóa việc khai thác,chế biến quặng; vừa để dành tài nguyên cho con cháu, vừa chống tình trạng lãng phí đến mức như đang xúc của đổ đi.
Dẫn chứng như titan. Nếu chỉ sơ chế thành xỉ titan thì giá trị sản phẩm cũng chỉ tăng 2,5 lần so với quặng. Sản xuất được pigment thì giá trị tăng khoảng 10 lần, còn nếu sản xuất được titan kim loại thì giá trị tăng tới 80 lần.
Bên cạnh đó, các khoáng vật phụ của quặng titan như zircon, rutil, monazit... nếu sản xuất thành zircon siêu mịn, rutil nhân tạo thì giá trị sản phẩm cũng tăng được 1,6 lần.
Khoáng sản là tài nguyên quốc gia, được xem như tài sản của toàn dân nhưng thực tế phần lớn lợi ích lại đang chảy vào túi các nhóm lợi ích...
- TS Nguyễn Thanh Giang
Ở mỏ cromit Cổ Định (Thanh Hóa), một lượng lớn khoáng sét với thành phần khoáng vật chủ yếu là nontronit đang bị thải bỏ trong khi chính nó có có giá trị sử dụng làm dung dịch khoan rất tốt.
Độ thu hồi quặng vàng trong chế biến (tổng thu hồi) hiện chỉ đạt khoảng 30-40%, nghĩa là khoảng một nửa thải ra ngoài môi trường.
Tổn thất trong khai thác khoảng sản nói chung còn lớn: đối với apatit là 26-43%; quặng kim loại là 15-30%; vật liệu xây dựng từ 15-20%.. ..
- Một việc không thể xem không hệ trọng là phải kịp thời ngăn chặn tình trạng cướp bóc tài nguyên khoáng sản Việt Nam dưới nhiều hình thức của Trung Quốc. Ngoài việc khoanh lưỡi bò liếm Biển Đông và xâm chiếm Hoàng Sa để chiếm đoạt dầu khí, Trung Quốc còn xui dại TBT Nông Đức Mạnh cho khai thác bauxite Tây Nguyên trong khi họ không khai thác bauxite trên lãnh thổ họ.
Nên biết rằng một số nước đang sẵn sàng bỏ tiền ra mua quặng của nước khác về chôn lấp thành các mỏ nhân tạo để để dành cho tương lai.
Các lực lượng biên phòng cho biết, suốt thời gian dài, cho đến nay, mỗi đêm có chừng hai ngàn tấn than được nhập lậu sang Trung Quốc theo hình thức mua bán chui. Trong khi đã có dự kiến phải nhập khẩu than đá trong nay mai thì một số doanh nghiệp nhà nước vừa chính thức xuất khẩu hàng chục triệu tấn vừa vô tình hay hữu ý để than đêm ngày rót sang Trung Quốc như thế!
Không chỉ than đá, trong khi nhiều xí nghiệp tại Việt Nam thiếu nguyên liệu để sản xuất nên chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa thì nhiều khoáng sản thô khác cũng ùn ùn chảy sang Trung Quốc.
Không biết họ cần thật hay mua khoáng sản cũng theo cái âm mưu như mua móng trâu, rễ hồi, đỉa, ốc bươu vàng …
- Cần tích cực chuẩn bị để sớm tham gia “Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai khoáng” mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện để nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên khoáng sản. Việc thực hiện “Sáng kiến minh bạch hóa ngành công nghiệp khai khoáng” không chỉ giúp Chính phủ quản lý tài nguyên khoáng sản tốt hơn mà còn giảm tham nhũng và mang lại nguồn thu cao hơn cho ngân sách Nhà nước.
Kính Hòa: Xin Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã dành cho đài Á châu tự do thời gian để thực hiện bài phỏng vấn hôm nay
.

Không có nhận xét nào: