Pages

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

NHỮNG BẢN ÁN BÊN NGOÀI PHIÊN TÒA

Khải Đơn
Một người đàn ông đi nhậu, nhậu xỉn gây gổ và bị đám đông xông vào đánh đến chết. Đó là một tội ác khi nghe người ta thấy rùng mình.  Một tên trộm chó, bị cả làng đánh chết vì bức xúc, nhiều người giận dữ vì thấy sao có gì đó bất nhẫn quá.
Một người đàn bà, bị chồng ném con xuống sông rồi đổ xăng đốt chết. Đó là một bi kịch khiến người ngoài nghe thấy và bị đau. Vậy còn một người đàn ông, bị công an đến, còng tay vào bàn, và đánh đến mức người ấy phải van xin và vẫn bị giết chết. Tội ác này có khác gì các tội ác kể bên trên không?
Có. Những nạn nhân bên trên đều có một cái “quyền” cuối cùng của một nhân mạng, đó là được kháng cự và bỏ chạy. Bạn đã bao giờ nhìn thấy cảnh con hổ vồ con nai trên đồng chưa? Trước khi chết, con nai được chạy, để giành giật lấy sự sống và hơi thở đáng giá nhất của một sinh linh trên đời này. Còn con người đã bị đánh đến chết trong vụ án này thì đã bị tước mất quyền làm một người vô tội, tước mất khả năng tháo chạy để sống còn – bởi cái còng tay, và tước mất hơi thở bằng những nhát dùi cui.

Thượng đế sinh ra mọi nhân mạng để sống với sự thiêng liêng nhất của hơi thở ấy. Vậy những người kia đã nhân danh cái gì để bóp chết nhân mạng ấy? – họ nhân danh LUẬT PHÁP.
Bấm : http://motthegioi.vn/Uploaded/doanquy/2014_03_29/hinh_MBZM.jpg.ashx?width=798&height=350&crop=auto
Xin chúc họ ra tù nhanh với mức án rẻ – một mạng người chỉ 5 năm thôi, xin chúc họ sống tiếp với nụ cười trên môi, xin chúc họ sống được và không bị cuộc đời giáng vào một nhát dùi cui nào, như khi họ vừa cười vừa giết người bằng một cái dùi cui.
Cuộc đời đơn giản lắm, nó thường thiêu huỷ một món nợ mạng người vào lúc mà không ai ngờ đến nhất… Chúc ra tù may mắn và thăng chức.
Khải Đơn
—————————–

18:32 28-03-2014
Diễn biến phiên tòa xử 5 công an viên đánh đập đến chết nạn nhân Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên đã khiến dư luận bàng hoàng.
Nạn nhân đã chết đi trong đau đớn, nhưng tại phiên tòa, hình ảnh của người nhà nạn nhân cho thấy họ cũng đau đớn không kém khi nghe những lời khai về những hành động vô nhân tính của những người từng nhân danh bảo vệ pháp luật. 
Gương mặt nhăn nhúm khắc khổ của người cha già, giọt nước mắt của người vợ và nụ hôn của đứa trẻ trên di ảnh của người cha chưa được thấy mặt sẽ là bản án mà 5 công an viên phải vĩnh viễn mang suốt đời nếu còn nhân tính. 
Nụ hôn của đứa trẻ mất cha http://motthegioi.vn/Uploaded/trungbao/2014_03_28/1%20-%20Copy_OSBZ.jpg_BJYT.jpg.ashx?width=798&height=350&crop=auto
Không thể nào tả xiết nỗi đau của những người trong gia đình của nạn nhân khi phải ngồi “chịu trận” nghe đi nghe lại lời kể của những kẻ đánh chết người thân của mình. Tưởng người chết đi là hết nhưng người còn sống mới phải mang nỗi đau. 
Không hiểu những công an này lấy đâu ra lý do để có thể xuống tay như vậy với một người trước đó không quen biết. Không thể lấy lý do “nóng vội phá án” như cấp trên của những người này nói trước tòa. Không có một thứ sức ép công việc nào lại có thể khiến 5 con người tỉnh táo còng tay đồng loại của mình rồi đánh đến chết. 
Nhìn rộng hơn, đây không phải là trường hợp đầu tiên có chuyện người dân chết khi đưa đến trụ sở công an. Câu trả lời chỉ có thể là, trong một môi trường và hoàn cảnh không có sự kiểm soát của luật pháp thì cái ác trỗi dậy vượt qua phần người. 
Nụ cười của một trong những bị cáo
Giờ đây, mỗi lời khai và cả nụ cười vô cảm của những công an viên này trước tòa tiếp tục là những đòn dùi cui vô hình quật vào tâm can của những người trong gia đình nạn nhân và những người có lương tri trong xã hội. 
“Đừng đánh em nữa. Sáng đến giờ em bị đánh bầm dập lắm rồi” là lời của nạn nhân van vỉ một trong những cán bộ điều tra. 
Chiều hôm nay 28.3, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân TP. Tuy Hòa đã đề nghị duy nhất một bản án giam 5 năm đối với 1 bị cáo, 4 người còn lại chỉ bị đề nghị án treo. 
Mức án đề nghị này có công minh hay không, có đảm bảo được công lý hay không, có thỏa lòng được thân nhân bị hại hay không… hãy để người đời nhận xét. 
Riêng với những người gây ra cái chết, bản án của họ chắc chắn sẽ kéo dài hơn mức án được tuyên.
Ánh mắt đau khổ của người cha già mất con, người vợ mất chồng và những đứa trẻ mất cha là hình phạt theo họ suốt đời. 
Trung Bảo  

Không có nhận xét nào: