Pages

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Giới kinh doanh Mỹ lạc quan về môi trường đầu tư VN

Việt Hà, phóng viên RFA

000_APH2000110928184-600.jpg

Một phụ nữ đi qua một cửa hàng General Electric của Mỹ ở trung tâm của Hà Nội ngày 9 tháng 11 năm 2000
AFP photo

Nghe Bài Này

Hồi cuối tháng 2 vừa qua, Hội đồng Kinh doanh Mỹ ASEAN đã tổ chức một đoàn các đại diện những công ty lớn của Mỹ tới Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh và làm việc với chính phủ Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ thương mại Việt Mỹ.
Tham gia đoàn có nhiều các công ty lớn đã có mặt nhiều năm qua ở Việt Nam như GE, Coca Cola, Exxon Mobil, Ford Motor…
Sau khi đoàn trở lại Mỹ vào đầu tháng 3, ông Alexander Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ ASEAN, người dẫn đầu đoàn tới Việt Nam, đã dành cho đài Á châu Tự do cuộc phỏng vấn về chuyến đi này và những đánh giá về môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Hấp dẫn đầu tư

Việt HàÔng đánh giá thế nào về môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam nếu so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc?
Alexander Feldman: Chúng tôi được nghe ý kiến từ các công ty thành viên cho biết là điều kiện môi trường đầu tư ở Việt Nam đã cải thiện. Chính phủ rất nghiêm túc trong việc giải quyết những vấn đề để cải thiện môi trường cho hấp dẫn thêm với các nhà đầu tư Mỹ.
Chỉ vài năm trước thôi các công ty còn lo ngại về lạm phát tăng nhanh và đồng tiền Việt Nam không ổn định và đã nói lên những quan ngại này với chính phủ khoảng hai năm trước để giải quyết các vấn đề này. Chúng tôi có hy vọng vào bây giờ khi mà lạm phát được kiểm soát và đồng tiền Việt nam ổn định hơn, lạm phát chỉ còn 1 con số và các công ty Mỹ rất mừng vì những điều này.
Tất nhiên vẫn còn những vấn đề cần phải giải quyết như tình hình của hệ thống ngân hàng, nợ của các ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước. Chúng tôi đã nói những vấn đề này với chính phủ trong chuyến đi này.
Một điều mà chúng tôi thấy trong chuyến đi lần này là chính phủ có lắng nghe chúng tôi, những vấn đề mà chúng tôi trình bày và đã có những hành động. Dù những cải cách trong hệ thống ngân hàng chưa xong nhưng các công ty Mỹ hài lòng với cách mà chính phủ Việt Nam tìm cách tiếp cận và thu hút đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.
Chúng ta thấy các ví dụ như với Tập đoàn GE của Mỹ là công ty đã có mặt ở Việt Nam hơn 20 năm qua nhưng trong 2 năm qua đã có những đầu tư lớn tại đây và họ vẫn đang tìm cách để cung cấp các thiết bị hiện đại cho Việt Nam và tăng thêm đầu tư vào Việt Nam trong các năm tới. Họ đã có nhà máy sản xuất turbin quạt gió ở Hải phòng để cung cấp turbin cho thế giới phục vụ nhu cầu năng lượng tái tạo.

Cần một sân chơi bình đẳng

000_APH2000071417897-200.jpg
Một công nhân đang làm việc bên ngoài một nhà máy Coca-Cola ở Ngọc Hồi, phía bắc Việt Nam ngày 13/7/2000. AFP photo
Việt Hà: Tại các diễn đàn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài thường nêu quan ngại về một số khó khăn về môi trường đầu tư ở Việt Nam như tìm kiếm lao động tay nghề cao, hay thực thi luật pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ông đánh giá thế nào về những quan ngại này?
Alexander Feldman: Tôi nghĩ chính phủ có lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài và họ có hành động khi có thể. Về nhân công có tay nghề trình độ cao các công ty trên khắp thế giới cũng gặp những thách thức tương tự khi tìm nhân công phù hợp và đây là thách thức mà Intel gặp phải, và họ đã có cách giải quyết.
Họ có một số các chương trình để đào tạo các nhân công tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã giúp đỡ để đảm bảo lực lượng nhân công này có thể được đáp ứng dù là ở trong nước hay phải đưa từ nước ngoài vào. Intel đã xây dựng nhà máy lớn nhất thế giới ở Việt Nam. Nhưng rõ ràng là việc đào tạo nhân lực hôm nay cho ngày mai là một thách thức phải tập trung giải quyết không chỉ ở Việt Nam mà ở khắp vùng Đông Nam Á. Liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì đây vẫn là vấn đề của 10 hay 20 năm về trước và vẫn là vấn đề bây giờ.
Chính phủ Việt Nam đã làm rất nhiều để giải quyết vấn đề này. Dù nó vẫn còn là vấn đề với chúng tôi nhưng không còn là vấn đề lo ngại hàng đầu của chúng tôi như trước kia. Đã có những tiến bộ đạt được ở Việt Nam và họ cần phải tiếp tục duy trì tiến bộ này. Việc thực thi luật pháp là một thách thức và chính phủ đã có gắng để đưa ra các luật và thực thi chúng.
Việt Hà: Theo thống kê của chính phủ Việt Nam thì đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt nam năm ngoái đạt gần 22 tỷ đô la nhưng Mỹ không nằm trong danh sách các nước đầu tư nhiều nhất. Theo ông thì liệu các nhà đầu tư Mỹ sẽ tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới không? Và những điều gì mà hai bên còn cần phải làm để tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Mỹ vào Việt Nam?
Alexander Feldman: Đầu tư của các công ty phải nhìn toàn cầu và họ phải tìm nơi nào tốt nhất để đầu tư về mặt chiến lược và về mặt môi trường đầu tư. Con số đầu tư hàng năm là khác nhau. Đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Việt Nam năm ngoái không phải là hàng đầu nhưng nhìn chung chúng tôi đang ở một vị trí tốt vì chúng ta phải nhìn vào tổng thể đầu tư trong các năm. Ví dụ như nhà máy của intel hay GE, một khi chúng tôi có đầu tư thì chúng tôi sẽ tạo thêm thu nhập cho thuế, việc làm cho nhiều năm tới.
Cho nên chúng tôi có thể đầu tư vào một hai năm và sau đó chúng ta bắt đầu thu hái thành quả. Nếu nhìn chung tổng thể thì chúng tôi đang ở một vị trí tốt trong đầu tư vào Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng tôi có tăng thêm đầu tư không. Câu trả lời là chắc chắn. Khoảng cách từ Mỹ cũng là một nhân tố phải cân nhắc khi so sánh với khoảng cách từ Nam Hàn, Nhật Bản hay ngay cả các nước trong vùng Đông Nam Á. Tôi nghĩ miếng bánh đang tăng lên và đầu tư cũng tăng lên ở Việt Nam. Đó là điều tốt cho Việt Nam.
Việt HàCác doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cũng quan ngại về một sân chơi bình đẳng ở Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, nhằm tạo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam?
Alenxander Feldman: Thông điệp mà chúng tôi nhận được từ chính phủ Việt Nam là họ cũng muốn tạo một sân chơi công bằng. Họ đang xem xét việc cổ phần hóa một số các công ty nhà nước then chốt. Chúng tôi có nói về trường hợp của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Vietnam airlines, chúng tôi nói về khả năng tư hữu hóa một phần hãng này. Đó là những bước đi tích cực từ chính phủ. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP cũng là một cơ hội để đề cập đến một số những quan ngại. Quan ngại về bình đẳng trong môi trường kinh doanh cũng quan trọng như sức khỏe của hệ thống ngân hàng, và tình hình nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn
.

Không có nhận xét nào: