Pages

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Kiên Giang: Vụ truy xét Đoàn Hữu Hậu Tòa lại tuyên tội "LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT" Lừa gì, lừa ai?

Ngày 9/4/2012 Cơ quan Điều tra tỉnh Kiên Giang khởi tố ông Đoàn Hữu Hậu ( số nhà 509/17 Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá, Kiên Giang) tội “ Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ… Điều 291BLHS” Đúng 1 năm sau, Tòa án xét xử tuyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt…Điều 139BLHS” phạt 2 năm tù, buộc bồi thường 29 triệu đồng. Ngày 24/6/2013 Tòa án Nhân dân Tối Cao xử phúc thẩm tuyên hủy án. Cơ quan Điều tra “ sữa lại” kết luận điều tra. Ngày 16/01/2014 Tòa án tỉnh xử lần 2, cũng lại tuyên án giống như trước (buộc bồi thường thêm 3 triệu đồng)
nhà báo Đoàn Hữu Hậu
Qua 2 năm tham gia xét xử, căn cứ chứng cứ, hành vi trong hồ sơ vụ án, thì đây không đủ yếu tố cấu thành tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…” mà chỉ có lừa gạt, lừa dối trong giao dịch dân sự. Và người có hành vi lừa gạt đó không phải là ông Hậu. 

Yếu tố tội lừa đảo chiếm đoạt…

Tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” Điều 139 BLHS quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác….” Tùy theo mức độ số tiền chiếm đoạt mà bị khung hình phạt khác nhau. Theo Điều Điều luật nầy thì yếu tố cấu thành tội lừa đảo là phải có ý định chiếm đoạt tài sản từ trước và bằng thủ đoạn gian dối để người khác tin và giao tài sản. Một yếu tố bắt buộc trong cấu thành của tội lừa đảo là phải có người bị hại, có thiệt hại xảy ra.



Từ đơn yêu cầu của người “ bị hại”…

Bà Đinh Ngọc Diễm người “ bị hại” trong vụ án, gửi đơn yêu cầu đến Viện Kiểm sát và Tòa án tỉnh Kiên Giang, đề ngày 29/11/2013 nêu: “ ông Đoàn Hữu Hậu cũng nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn làm thủ tục khiếu kiện cho tôi thời gian xét xử sơ thẩm ở Tòa án huyện Phú Quốc… Trước đó Công an TP Rạch Giá đã có công văn trả lời với tôi là vụ việc tôi với ông Hậu không có dấu hiệu phạm tội hình sự, bảo tôi có khiếu nại thưa đến Tòa Dân sự để được xem xét. ( những chữ in nghiêng là nguyên văn)

Tiếp theo, trong đơn yêu cầu, đề ngày 08/01/2014 bà Đinh Ngọc Diễm ghi: “Tôi xin khẳng định trong lúc tôi bế tắt, không cơ quan nào giải quyết trong vụ khiếu nại đòi đất, thì ông Đoàn Hữu Hậu đã giúp đỡ đăng báo, hướng dẫn tôi làm thủ tục khiếu kiện và thắng kiện 50% bản án số 42/ 2010/ DTST ngày 16/8/2010 Tòa án huyện Phú Quốc. Tôi đã trả tiền bồi dưỡng cho ông Hậu tổng cộng 70 triệu đồng. Nhưng vì ông Hậu không tiếp tục giúp đỡ tôi, nên tôi đòi tiền lại. 

Lời trong đơn hoàn toàn đúng thực tế. Bản án số 42/2010/DSST ngày 16/8/2010 Tòa án huyện Phú Quốc tuyên xử bà Diễm được hưởng 50% giá trị QSDĐ, tương đương với số tiền 523.000.000 đồng…(BL 80,81,82,83,84)

Chính bà Diễm thừa nhận trả ông Hậu 70 triệu đồng tiền bồi dưỡng. Nghĩa là tiền thù lao, tiền trả công khi đã xong công việc. Nhưng sau đó bà Diễm đòi tiền lại với lý do“ vì ông Hậu không tiếp tục giúp đỡ tôi”. Đã trả công rồi, thì không thể nói chuyện đòi lại. Lấy lý do “ không tiếp tục giúp đỡ tôi” để đòi tiền “trả nợ” cũ, là không thể chấp nhận được.

Mặt khác, về số tiền bà Diễm chuyển hai lần được là chuyển ông Hậu, không có căn cứ. Gửi lần đầu 20.000.000 đồng qua tài khoản của Đoàn Lâm Đoan Thùy vào ngày 01-09-2010, nội dung gửi tiền không ghi rõ là cho ai, tiền gì, làm gì ( BL 95). Lần thứ hai 50.000.000 đồng, chuyển cho Nguyễn Đinh Thục Quyên, vào ngày 14-09-2010 qua ngân hàng Sacombank, cũng không ghi rõ nội dung chuyển tiền gì, cho ai (BL 94). Vậy thì căn cứ vào đâu mà Tòa án tỉnh Kiên Giang lại khẳng định ông Hậu phạm tội, buộc hoàn trả tiền lại (?!)

Đến công văn trả lời của Công an

Ngày 29-10-2010 Tòa án tỉnh Kiên Giang xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm của Tòa án huyện Phú Quốc, bà Diễm đòi lại tiền đã bồi dưỡng cho ông Hậu. Sau đó bà gửi đơn khiếu nại đến Công an TP Rạch Giá.

Tại Công văn số 30 / CV-CATP (AN) ngày 25/01/2011 do Trưởng Công an TP Rạch Giá, Trung tá Phan Bữu Đường ký trả lời đơn khiếu nại bà Trần Thị Điệp và bà Đinh Ngọc Diễm. Phần đầu trả lời việc bà Điệp tố cáo ông Hậu là không có cơ sở. Phần thứ hai trả lời khiếu nại bà Diễm: “ Tuy nhiên xét thấy đây là tranh chấp dân sự, CATP Rạch Giá yêu cầu bà Diễm và ông Hậu tự thỏa thuận giải quyết, nếu không giải quyết được thì bà có thể khởi kiện lên Tòa án giải quyết ”

Sau khi nhận được công văn trả lời của CATP Rạch Giá, bà Diễm không kiện cáo gì nửa. Gần một năm sau, đến khi “ ông Trần Đức Long – Công an tỉnh Kiên Giang gặp tôi nêu vấn đề,” theo bà thì “tôi chỉ nêu yêu cầu lấy lại tiền mà thôi” .

Thượng tá Nguyễn Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra trả lời với báo chí : “Nếu Hậu nhận tiền mà không gặp những người có chức trách để lo, sẽ bị truy tố tội “lừa đảo”. Nhưng đây, Hậu có lo nhưng không thành, nên truy tố tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” (Báo NDO ngày 16-4- 2012)

Bà Đinh Ngọc Diễm gạt?

Qua ba lần tham dự phiên Tòa, bà Diễm ghi trong đơn “ Nhưng không ngờ sự việc diễn ra ngoài sức tưởng tượng của tôi…Thật ra tôi không phải là nguyên đơn trong vụ án... ” 

Bà không phải nguyên đơn, thì làm gì có bị đơn? Bà không tố cáo, lấy cớ gì Cơ quan Tố Tụng khởi tố, truy tố, xét xử ? Cũng có thể là “ngoài sức tưởng tượng…” của bà. Vì việc vận dụng pháp luật vào sự vụ cụ thể, còn tùy thuộc thái độ “thương ghét” của từng người. Nhưng chẳng lẽ bà không hình dung sự đau khổ của người bị oan sai đứng trước vành “móng ngựa” ? Bà Diễm nêu: “ xin quý cơ quan chức năng cho tôi nhận lại 50 triệu đồng mà vợ ông Hậu đã nộp cho cơ quan điều tra. Và xin được không tham dự phiên Tòa xét xử ông Hậu tới đây”.

Số tiền 50 triệu đồng mà bà Diễm “ xin nhận lại” là do chính bà điện thoại cho chị Lâm Kỹ Loan vợ ông Hậu, nói rằng Công an kêu nộp tiền rồi sẽ hướng dẫn làm đơn bãi nại ( ghi âm cuộc nói chuyện). Chưa biết thực hư thế nào, lo sợ chồng con bị vướng vào vòng lao lý, dù gia cảnh rất khó khăn, chị Loan phải đi vay mượn để được yên thân. Ngày 20/4/2012 chị Loan đem 50 triệu đồng nộp cho CQĐT. Nhưng khi giao tiền xong thì nhận được câu trả lời là “ đã khởi tố rồi”. Và số tiền đó được CQĐT ghi trong biên bản là “ tang vật vụ án” đồng thời ra lệnh nhập kho ( BL 96, 100). 

Khi nhận ra mình bị lừa gạt, chị Loan làm đơn xin nhận lại số tiền đã nộp, nhưng CQĐT nói là “tang vật” không thể trả lại. Gửi đơn đến VKS yêu cầu can thiệp giúp đỡ, thì được VKS hướng dẫn gửi đơn qua CQĐT. 

Vậy có phải chăng bà Diễm đã “ gài bẩy” cho CQĐT có tang chứng vật chứng kết tội ông Hậu, để bà được nhận lại số tiền đó ? 

Nội dung trong 2 tờ yêu cầu của bà Diễm gửi Viện Kiểm sát và Tòa án tỉnh Kiên Giang thời điểm Tòa án sắp xử, khác xa những gì bà khai báo với CQĐT trước đó. Ngay tại Tòa bà Diễm cũng không nói rõ là sự thật những điều ghi trong đơn, mà lại lòng vòng “ nói xuôi nói ngược cho được phần mình” để được nhận lại tiền. Nhưng bà không thể nói khác được những gì nêu trong đơn. Nó đã là chứng cứ rồi. Với những chứng cứ này, đối chiếu với bản khai trước đó với CQĐT trong vụ án, có thể quy bà Diễm tội vu khống.

Các tờ trình của các nhân chứng gửi đến Tòa án tỉnh các ông Nguyễn văn Toàn, Phù Đôn Tùng ở huyện Phú Quốc, ông Đỗ Thanh Nam ở TP Rạch Giá, ông Trương Thanh Hùng ( Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Kiên Giang) đã trình bày rõ việc bà Diễm có nhờ ông Hậu giúp đỡ làm hồ sơ, hướng dẫn thủ tục khởi kiện ở huyện Phú Quốc, với thỏa thuận thưởng 10% kết quả xử án ở huyện và chịu mọi chi phí trong quá trình làm thủ tục (BL 42,48, 67,68,69) . Đối chiếu những tờ trình này với nội dung bà nêu trong đơn yêu cầu là hoàn toàn hợp lý, đã phơi bày sự thật của vụ việc, đã rõ ai lừa dối ai.

ông Bùi văn Tạo gạt ?

Ông Bùi văn Tạo ở ấp Hòa B xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đánh ông Trần Như ý bị thương ở đầu. Trung tâm Pháp y tỉnh Kiên Giang giám định tổn hại sức khỏe 62%, phạm vào Điều 104 BLHS. 

Trích Điều104 BLHS: “ Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người…, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Ông Tạo cùng anh vợ là Cao văn Kiện tìm đến ông Hậu, trình bày về việc đánh người. Cho rằng vết thương người bị đánh là do té xe, và không có tỷ lệ cao như vậy. Ông Tạo nhờ Hậu xác minh, hướng dẫn làm thủ tục giám định lại, để làm sao tránh oan sai, để có thể giảm được án mức thấp nhất. Đến lần thứ 3, ông Hậu mới nhận lời. 

Ông Tạo đưa tiền 3 lần, tổng cộng 28 triệu đồng, để ông Hậu đi lại, giao dịch, tìm chứng cứ, gặp người có trách nhiệm hỏi phương thức thủ tục, làm đơn xin giám định lại, hướng dẫn Tạo nộp đơn, soạn thảo bản tự bào chữa trước Tòa. 

Được sự tư vấn, làm thủ tục của ông Hậu, Tòa án huyện Giồng đồng ý cho giám định lại. 

Ngày 9/5/2011,Phân viện khoa học hình sự, ra bản kết luận giám định số 1480/C54B …giám định Trần Như Ý có tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 48,65%. Do tỷ lệ thương tật giảm, khung hình phạt cũng được giảm xuống.

Ngày 15/6/2011 Tòa án huyện Giồng Riềng tuyên xử phạt Tạo 3 năm tù. Phía người bị hại kháng án, đề nghị tăng mức hình phạt. Ông Hậu soạn cho Tạo bài tự bào chữa trước Tòa. 

Tòa án tỉnh xử phúc thẩm y án. Ông Tạo không toại nguyện như ý muốn là được “án treo” nên đòi tiền lại.

Việc đưa và nhận tiền giữa ông Tạo và Hậu diễn chỉ có 2 người, không có giấy tờ chứng cứ gì cả, và chỉ thỏa thuận với nhau bằng miệng. Thế nhưng ông Hậu có thừa nhận Tạo đã đưa trước sau 28 triệu đồng. 

Ông Tạo tự nguyện trừ chi phí 8 triệu đồng, đòi lại 20 triệu đồng. Để tránh phiền hà rắc rối, ảnh hưởng đến uy tín, dù không chứng cứ, nhưng ông Hậu đã gửi trả lại cho ông Tạo 16 triệu đồng cho êm chuyện ( trước khi CQĐT làm việc) còn thiếu lại 4 triệu đồng.

Ông Tạo không nhận ra rằng chính nhờ ông Hậu mà mình đã giảm ít nhất 5 năm tù. Mà giá trị của 5 năm tù là bao nhiêu tiền(?!). Không thể tính được bằng tiền.Trong lúc cùng đường bế tắc sắp bị khung hình phạt từ 5 năm đến 15 năm, ông đã năn nỉ cầu cạnh nhờ ông Hậu ( nhà báo) như thế nào. Nếu không có sự “ra tay” của ông Hậu, thì làm gì có việc ông chỉ nhận 3 năm tù, trong khi tỷ lệ thương tật 62% ( chỉ cần 61% thì đã bị tù từ 5 năm- 15 năm). Ông Hậu giúp đỡ ông Tạo trong khuôn khổ pháp luật, với những gì pháp luật không cấm, không có việc hối lộ “chạy án” . Với số tiền 28 triệu đồng mà từ người bị phạt tù từ 5 năm- đến 15 năm, có thể hưởng được án treo được không? Việc cho rằng ông Hậu nhận 28 triệu đồng để cho ông Tạo được hưởng án treo là hoàn toàn phí lý, không có một chứng cứ nào xác định sự giao ước đó. Rõ ràng ông Hậu không có “ lừa đảo chiếm đoạt…” Chỉ có ai đó lừa dối khi khai báo với CQĐT.

Khi nhận lời giúp ông Tạo, ông Hậu có hướng “nhắm” tới Điều 106 BLHS : (trích)Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. 

Như vậy vẫn còn “ có cửa” để ông Tạo giảm đến mức “không giam giữ”. Chứ không phải không căn cứ, làm lều. Thề nhưng kết quả không đạt được như mong muốn. Vì là do Tòa án phán quyết, không ai thay thế định đoạt được.

Đây là quan hệ giao dịch dân sự. Không có gì là “ lừa đảo chiếm đoạt…” Nếu không có sự tiếp giúp hướng dẫn, làm thủ tục hợp pháp của ông Hậu, thì ông Tạo đã bị xử ít nhất là 5 năm tù theo khung quy định của pháp luật.

Công an gạt?

Vụ bà Diễm và ông Tạo nhờ ông Hậu cách nhau 3 năm. Cả 2 sự việc như bà Diễm trình bày trong đơn “ông… Long – Công an tỉnh Kiên Giang gặp tôi nêu vấn đề” . Cũng chính Ông Long đến tận nhà ông Tạo “động viên” bà Võ thị Thôi, vợ ông Tạo “làm đơn” để lấy tiền lại giùm (?!) Sau khi “động viên” và có đơn khiếu nại, Công an tỉnh tiến hành điều tra khởi tố. 

Ngày 13/6 / 2012 ra Bản kết luận điều tra số 03 KLĐT-PC46, nhận xét và đề nghị:

(Trích):“… Sau đó ông Hậu lợi dụng ảnh hưởng của mình tìm đền những người có chức vụ quyền hạn nhờ những người này giảm nhẹ hình phạt cho Bùi văn Tạo, xử cho bà Đinh Ngọc Diễm thắng kiện. Việc ông Tạo không được giảm nhẹ hình phạt, bà Diễm không thắng kiện là kết quả ngoài ý muốn của Đoàn Hữu Hậu.

Hành vi nói trên của bị can phạm vào tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, được quy định tại Điều 291…”

Ngày 8/4/2013 Tòa án tỉnh Kiên Giang xét xử, Viện Kiểm sát chuyển đổi tội danh“ Lừa đảo chiếm đoạt…” Tòa tuyên phạm tội. Ngày 24/6/2013 Tòa án Tối cao tuyên hủy án. Ngày 03/9/2013 Cơ quan CSĐT “ viết lại” Bản kết luận điều tra số 09/KLĐT-PC46 (Trích) “ Vì tin nhầm Hậu có thể lo giúp được mình nên khi Hậu yêu cầu Bùi văn tạo và Đinh Ngọc Diễm đưa tiền cho Hậu để Hậu chạy án thì Tạo và Diễm đưa tiền ngay cho Hậu. Từ đó Hậu đã chiếm đoạt Tạo và Diễm số tiền 98.000.000 đồng . Hành vi nói trên của Đoàn Hữu Hậu đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 139 BLHS …”

Kết luận trước thì cho rằng “Việc ông Tạo không được giảm nhẹ hình phạt, bà Diễm không thắng kiện là kết quả ngoài ý muốn của Đoàn Hữu Hậu” Nghĩa là ông Hậu có ý chí làm cho bằng được. Đã có quyết tâm như vậy sao gọi là là đảo? Thấy “ nuốt không trôi” CQĐT “viết lại” kết luận sau“ vì tin nhầm Hậu…” 

Cũng là một vụ việc, một bản chất vấn đề, cũng là Điều tra viên Võ Văn Đoàn, cũng là Phó Thủ trưởng CQCSĐT Nguyễn văn Luyện ký, nhưng 2 bản kết luận, trước sau gần như đối lập nhau. Tại sao có việc “ tiền hậu bất nhất” như thế này? Hai kết luận khác nhau này, đâu là sự thật? Công an TP Rạch Giá sau khi đã điều tra xác minh, kết luận là giao dịch dân sự, không phạm tội. Nhưng Công an tỉnh kết luận phạm tội. Tại sao cùng một hệ thống pháp luật mà kết luận trái ngược nhau?

Có sự lừa dối trong này không? Trên đời này không thể có hai sự thật khác nhau. 

Không có việc lừa đảo chiếm đoạt 


Nghe Bài Này
Trước Tòa, phiên xét xử sơ thẩm lần 2, bà Đinh Ngọc Diễm và ông Bùi văn Tạo người “bị hại” thừa nhận là ông Hậu có hướng dẫn, tư vấn giúp đỡ làm thủ tục cho mình và xin giảm nhẹ cho ông Hậu không phải tù tội. Cả hai sự việc đều thỏa thuận hợp đồng bằng miệng với nhau, không có giấy tờ, chứng cứ nào. Về phía hai người “ bị hại” chỉ có lời khai, không nhân chứng. Trong khi ông Đoàn Hữu Hậu có những chứng cứ, nhân chứng chứng minh, đặc biệt là từ đơn yêu cầu của người bị hại, vậy mà không được Cơ quan Tố tụng, Tòa án tỉnh Kiên Giang xem xét, vẫn tiếp tục tuyên xử phạt tù. Thật trớ trêu người bị lừa dối, lừa gạt lại bị Tòa án tuyên phạm tội “ Lừa đảo…” Còn kẻ gạt, lừa là người chiến thắng (?!) Chứng cứ, hành vi trong vụ án không đủ yếu tố cấu thành và cũng không có việc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS”. Nếu xét cho kỷ thì chỉ có lừa dối, lừa gạt. Còn ai lừa ai, ai gạt ai như trên đã trình bày, có lẽ ai cũng biết. Ông Hậu đã kháng án, và đang chờ sự phán xét công minh lần thứ hai, của Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP Hồ Chí Minh./. TƯỜNG VI VÀ CỘNG SỰ 

Bài do tác giả gởi. VANGANH.INFO biên tập và minh hoạ. PS Gửi kèm hình ảnh chứng cứ: 

Ghi âm Diễm gọi Loan



Play Song hay Tải xuống

Không có nhận xét nào: