Pages

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Máy bay Malaysia mất tích: Chuyển hướng tìm kiếm qua Ấn Độ Dương

Khu trục hạm USS Kidd và USS Pinckney của hải quân Hoa Kỳ
 trên Thái Bình Dương . Ảnh chụp ngày 18/5/ 2011.
REUTERS/US Navy/Seaman Apprentice Carla Ocampo/Handout
Thụy My
Việc tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia Airlines hôm nay 14/03/2014 được chuyển về phía Ấn Độ Dương, sau khi có các thông tin của Nhà Trắng, cho rằng chiếc phi cơ số hiệu MH370 vẫn tiếp tục bay nhiều tiếng đồng hồ sau khi biến mất trên màn hình radar cách đây sáu ngày. Việt Nam đã giảm quy mô tìm kiếm từ « khẩn cấp » xuống « bình thường ».

Nhiều phương tiện truyền thông Mỹ dẫn lời các viên chức cao cấp khẳng định chiếc Boeing 777 tiếp tục phát các tín hiệu tự động trong nhiều tiếng đồng hồ sau khi biến mất trên màn hình radar. Hệ thống phát tín này thường xuyên tìm kiếm kết nối thông qua một hay nhiều vệ tinh.
Hải quân Hoa Kỳ đã gởi một tàu và một máy bay đến khu vực này. Một viên chức Hải quân Mỹ không muốn nói tên cho biết, bên cạnh khu trục hạm USS Pinckney đã có mặt trước đó, chiếc USS Kidd đã quá cảnh qua eo biển Malacca và đang trên đường đến Ấn Độ Dương.
Việt Nam đã giảm mức độ tìm kiếm từ « khẩn cấp » xuống còn « bình thường » sau khi có tin chiếc phi cơ còn tiếp tục bay nhiều giờ sau khi mất tích. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, phát ngôn viên ủy ban tìm kiếm và cứu nạn cho biết hôm nay chỉ có ba chiếc máy bay Việt Nam cất cánh thay vì năm chiếc trong hôm qua. Hà Nội có thể tiếp tục tìm tại eo biển Malacca, tuy Kuala Lumpur chưa chính thức yêu cầu.
AFP nhận xét, Việt Nam đóng vai trò tích cực hàng đầu trong việc tìm chiếc máy bay số hiệu MH370, đã biến mất vào thời điểm lẽ ra phải liên lạc với kiểm soát không lưu Việt Nam. Hà Nội đã huy động máy bay, tàu thậm chí cả đoàn tàu đánh cá tham gia.
Gần một tuần lễ sau khi mất tích, bí mật vẫn bao trùm lên số phận của chuyến bay MH370 đi từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh chở theo 239 người. Ravikumar Madavaram, chuyên gia hàng không thuộc công ty tư vấn Frost & Sullivan Asia Pacific cho biết trước nay chưa hề có ít thông tin như vậy về một tai nạn máy bay.
Tương tự, ông Neil Hansford, chủ tịch công ty tư vấn Strategic Aviation Solutions nhận định: « Một chiếc phi cơ hoàn toàn biến mất như thế, với trình độ kỹ thuật hiện nay, ở thời điểm này và trên bầu trời Đông Nam Á nhộn nhịp thật khó tin được. Nhưng có thể tự hỏi vì sao chiếc USS Kidd đã nhanh chóng được gởi đến biển Andaman ».
Ban đầu việc tìm kiếm được tập trung tại Biển Đông, ở phía đông Malaysia, dọc theo tuyến đường mà chiếc Boeing 777 lẽ ra phải đi qua, mà điểm cuối trước khi mất tích nằm giữa Malaysia và Việt Nam. Khi mở rộng vùng tìm kiếm sang Ấn Độ Dương, đại dương lớn thứ ba trên thế giới có độ sâu trung bình gần 3.900 mét, khu vực tìm kiếm trở nên rộng mênh mông. Hạm trưởng William Mark thuộc Đệ thất Hạm đội nhận xét : « Cũng giống như từ một bàn cờ chuyển sang một sân bóng đá ».
Chính phủ Malaysia hôm nay xác nhận việc chuyển hướng tìm sang Ấn Độ Dương, nhưng từ chối bình luận về các thông tin của Mỹ. Sự thiếu vắng thông tin về số phận chiếc máy bay và việc quản lý được cho là tệ hại về vụ này đã gây ra giận dữ tại Malaysia và Trung Quốc – nước có 153 công dân trên chuyến bay.
Chính quyền Malaysia nhấn mạnh tính chất « ngoại lệ » của vụ mất tích này, và các hướng tìm kiếm cho đến hôm qua cho thấy đều sai, đã lần lượt tập trung từ phía đông rồi phía tây Malaysia. Các thông tin mâu thuẫn lẫn nhau, rồi các tin đồn đủ loại bao trùm lên vụ mất tích này. Từ giả thiết máy bay nổ tung trên không, bị không tặc, cho đến các vấn đề kỹ thuật trầm trọng, bị hỏa tiễn bắn trúng, hay phi công tự tử. Trong khi đó Boeing 777 là một trong những kiểu máy bay an toàn nhất thế giới.
Nếu chiếc phi cơ tiếp tục bay bốn tiếng đồng hồ sau đó, theo như vận tốc lúc đó, thì đã vượt thêm 2.200 dặm nữa và đến Ấn Độ Dương, Pakistan hay biển Ả Rập.
Nhà phân tích về hàng không Gerry Soejatman nghi ngờ khả năng chiếc Boeing có thể bay trên Ấn Độ Dương lâu như thế mà không bị radar phát hiện, vì có rất nhiều radar quân sự của Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia tại vùng này. Và trong trường hợp đó, ông tự hỏi có bao nhiêu quân nhân sẽ bị kỷ luật ?
Biển Đông là nơi nhiều quốc gia tranh chấp chủ quyền trên biển, được giám sát thường xuyên bằng các thiết bị ngày càng hiện đại. David Kaminski-Morrow của tạp chí Flight International nói: « Tôi tin chắc rằng đã có nhiều thảo luận trong hậu trường về việc nên tiết lộ thông tin nào để hỗ trợ cho việc tìm kiếm chiếc máy bay, tuy không muốn công khai ».
Theo đài truyền hình Mỹ ABC, hệ thống ghi nhận dữ liệu và thiết bị cho radar mặt đất cũng như các máy bay khác biết vị trí bay, đã lần lượt ngưng hoạt động cách nhau 14 phút. Đài ABC cho rằng khoảng cách này có thể do ai đó đã tắt hai hệ thống.
Nhưng Gerry Soejatman vẫn còn hoài nghi, vì có những trường hợp buồng lái bị bốc cháy và hai hệ thống lần lượt bị tắt. Một khoảng cách thời gian như thế không có nghĩa là có người đã chủ động tắt đi.
Nếu chiếc Boeing trên bị rơi xuống biển, thì đây là tai nạn hàng không gây chết người trầm trọng nhất kể từ năm 2001, khi một chiếc Airbus A300 của hãng American Airlines bị rớt tại Mỹ làm cho 265 người thiệt mạng.

Không có nhận xét nào: