Pages

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Trực Ngôn - Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam "vô tình" thừa nhận tham nhũng

Trước hàng loạt chứng cứ sai phạm của lãnh đạo Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam (LHHVN) được đăng trên trang Dân Luận trong 5 bài báo liên tiếp, toàn bộ lãnh đạo LHHVN cứng họng, không cãi vào đâu được, nên rất điên rồ, lồng lộn… Họ đang ra sức tuyên truyền với cán bộ trong cơ quan rằng: Dân Luận là trang mạng phản động, những người xem và phát tán, gửi đường link sẽ bị công an ghi sổ đen… Thật hài hước, giữa thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay mà họ vẫn dùng phương thức tuyên truyền từ giữa thế kỷ trước. Cán bộ trong cơ quan toàn người có học cả, đâu dễ bị lừa. Ông cựu Ủy viên Trung ương đảng Đặng Vũ Minh xem chừng vẫn thích chụp cho người ta cái mũ “thế lực thù địch”, cứ đuối lý, không cãi lại được sự thật thì quy tất vào là bọn chống đối, phá hoại sự nghiệp tham nhũng của các ông.

Bên cạnh việc đe nẹt nhân viên trong cơ quan, mặt khác họ cho đăng đàn “phản pháo” trên các báo của chính hệ thống LHHVN như Tầm nhìn, Khoa học và đời sống… hay trang mạng lèo tèo mỗi ngày trên dưới 100 lượt người truy cập vusta.vn… Chúng tôi ghi cụ thể tên báo để bạn đọc có thể mở xem, giúp họ có thêm lượng người truy cập chút. Trên chính những trang này, với lời hùng hồn của ông Tổng thư ký Phạm Văn Tân, ông Phó Tổng thư ký Phạm Bích San và ông Đặng Vũ Cảnh Linh (cháu của ông Chủ tịch Đặng Vũ Minh) đã chính xác hoá số liệu đã công bố trên Dân Luận. Ví dụ: chúng tôi đưa thông tin “Trong 6 năm qua Ban Thông tin và Phổ biến kiến thức tiêu hết 13.860 triệu đồng ngân sách KH&CN”, thì trên trang vusta.vn của chính mình, Đặng Vũ Cảnh Linh khai: “Mỗi năm Ban Thông tin và Phổ biến kiến thức được cấp trên 3 tỷ đồng”; Dân Luận đăng: “trong 6 năm qua 26 tỷ đồng cho công tác tư vấn phản biện” thì ông Phạm Bích San – Phó Tổng thư ký LHHVN khẳng định trong bài phỏng vấn báo KH&ĐS: “mỗi năm chúng tôi được cấp từ 5-6 tỷ đồng cho công tác tư vấn phản biện”. Vậy bạn đọc thấy con số chúng tôi đưa ra còn “khiêm tốn” hơn sự thật. Con số chúng tôi được rút ra từ những tài liệu phát trong các cuộc họp khác nhau. Còn số liệu trên những trang báo mà lãnh đạo LHHVN cho đăng những ngày này là số liệu “khoe tiêu tiền” như một thành tích làm việc. Những số liệu của LHHVN luôn luôn được cấy, như những thầy cô giáo cấy điểm khống cho học sinh vậy. Những ngày này, họ đưa con số tiêu được rất nhiều, nhiều tiền… để chứng minh họ đang làm được rất, rất nhiều việc… “rửa tiền”, “tham nhũng”. Chúng tôi khẳng định họ tham nhũng, chỉ vẽ việc vô bổ để rút tiền nhà nước vì bạn đọc có thể kiểm chứng, không hề có công trình tư vấn phản biện nào có chút tác dụng cho xã hội dưới thời ông Đặng Vũ Minh lãnh đạo LHHVN!

Trở lại thời kỳ những lãnh đạo trước, trong giới khoa học còn nhắc đến vai trò của các bậc tiền bối như hai vị cố Chủ tịch là: GS.TS Hà Học Trạc, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng. Ngoài ra còn các nhà khoa học tâm huyết giúp việc như PGS.TS Tô Bá Trọng, TS. Nguyễn Trọng Khanh, TS. Nguyễn Mạnh Đôn của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong việc phản biện dự án Thuỷ điện Sơn La. Công trình phản biện này được làm bởi những nhà khoa học tài năng, tâm huyết, có ý nghĩa xã hội cao, được Chính phủ chấp thuận… cũng vì thế mà Thủ tướng ban hành Quyết định số 22/2002/QĐ/TTg giao công tác tư vấn phản biện (TVPB) cho LHHVN. Thời kỳ đó, chưa có những kẻ chỉ nhắm vào xôi với thịt này làm lãnh đạo cơ quan. Trong QĐ 22/2002/QĐ/TTg nêu rõ chỉ TVPB những “chương trình, đề tài, dự án có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm và đa ngành, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT-XH quốc gia”. Sau thời GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, thì sự biến tướng đã xảy ra. Mấy ông lãnh đạo ngày nay có tài “đánh tráo khái niệm”, các ông tự sản, tự tiêu hàng chục cái gọi là đề án “nghiên cứu tư vấn, phản biện” và hàng chục “Hội thảo tư vấn, phản biện”…không mang lại chút lợi ích dân sinh nào. Bạn đọc ai biết hãy chỉ ra cho chúng tôi rõ, trong 5 năm gần đây, có cái phản biện nào có giá trị xã hội như phản biện về phương án xây dựng Thuỷ điện Sơn La không?, hoặc có tác dụng trực tiếp giúp người nông dân như việc xử lý dịch cúm gia cầm ở vùng dịch không?

Tư vấn phản biện về nguyên tắc là được đặt hàng, được trả tiền. Nhưng hiện nay hầu hết tư vấn phản biện ở LHHVN là “vẽ” ra để rút tiền ngân sách chia nhau. Không nơi đặt hàng, không nơi ứng dụng, chỉ có tiền ngân sách đã được hợp thức hoá bằng những đề tài và những hội thảo làm ít sít ra nhiều. Tham nhũng qua kênh tư vấn này “ngon ăn” nên lãnh đạo LHHVN ngày càng đổ nhiều tiền vào mảng này, ngân sách chi tăng đột biến, khiến cho LHHVN ngày nay chẳng còn có hoạt động khoa học và kỹ thuật nữa, mà chỉ tư vấn và phản biện thôi (không ai nghe, chẳng ai ứng dụng). Thời kỳ làm hiệu quả như trước thì chỉ chi hết 2-3 tỷ/năm; còn bây giờ thì sao: năm 2013 không có nổi một cái tư vấn phản biện nào được xã hội biết đến nhưng ngân sách chi cho khoản này gần 6 tỷ, năm 2014 số liệu duyệt cho phép là 6,2 tỷ. Có tiền rồi thì họ vận động cho ra cơ chế, thế là cái Quyết định 22/2002/QĐ/TTg từ năm 2014 được thay thế bằng Quyết định 14/QĐ-TTg để chính thức hoá khoản chi ngân sách từ cho khoa học công nghệ thành cho tư vấn phản biện, từ nay tha hồ mà phá tiền.

Vi phạm pháp luật trong quản lý tài chính và hạch toán kế toán:

Đứng về cơ chế chính sách tài chính đều có điều khoản rõ ràng, mà như dân kế toán bảo nhau thì đồng mua mắm, đồng mua tương là khác nhau.

Trong trường hợp chi hạch toán sai, thì dù có không có dấu hiệu tham ô, số tiền chi sai mục đích cũng bị xuất toán. Vậy mà ở LHHVN thì sao:

Bộ Tài chính có thông tư số 27/TT-BTC ngày 1/4/2003 về cơ chế chi tiêu kinh phí cho tư vấn, phản biện, nhưng những đề tài, dự án TVPB ở LHHVN lại áp dụng theo thông tư 45/TTLT-KH&CN-TC về chi cho nghiên cứu khoa học. Sự khác biệt ở đây là gì? Đó là lập lờ đánh lận con đen của cả một bộ máy nhằm biển thủ hàng chục tỷ bỏ túi. Cơ chế chi cho TVPB được định mức thấp hơn so với chi cho nghiên cứu khoa học. Chính do vậy họ “sáng tạo” theo kiểu treo đầu dê, bán thịt chó. Đảo tráo tài khoản của các mục chi để hợp thức hoá theo cả một quy trình hệ thống do lãnh đạo chỉ đạo kế toán thực thi. Để dễ bề chi tiêu, che mắt thiên hạ, ông Phạm Văn Tân xúc tiến thực hiện đánh bóng cái gọi là “Chương trình tuyên truyền, phổ biến thông tin về TVPB trên hệ thống báo chí của LHHVN”.

Đồng tiền làm mờ mắt, họ trà đạp tất, kể cả Nghị quyết của Bộ chính trị:

Ngày 16 tháng 4 năm 2010, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 42/CT/TW quy định hoạt động TVPB của LHHVN chỉ trong lĩnh vực KH&CN, giáo dục - đào tạo, nhưng lãnh đạo ở LHHVN tự “vẽ rắn thêm chân”, nghĩ ra đủ thứ đề án, đề tài không thuộc các lĩnh vực trên để nuốt trôi hàng chục tỷ trong những năm qua.

Những dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý tài chính này rất dễ kiểm chứng khi có một cơ quan kiểm toán độc lập, hoặc Thanh tra chính phủ vào điều tra.

Đất nước ta còn nghèo, người dân còn đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nếu những đồng tiền ngân sách được chi tiêu đúng mục đích thì 44 tỷ/năm của LHHVN đã cho ra đời rất nhiều ứng dụng thực tế để cải thiện nâng cao năng suất cây trồng, những công nghệ sau thu hoạch để tăng giá trị sản phẩm, những cải tiến kỹ thuật để không phải nhập máy móc từ nước ngoài với giá “cắt cổ”… Mà thôi, dù chẳng làm được gì, thì để xây trường lớp cho học sinh vùng sâu, vùng xa không còn cảnh học trong nhà tranh vách liếp nữa cũng tốt hơn vạn lần để lũ lãnh đạo vô sỷ của cái cơ quan xôi thịt có tên là LHHVN này tư lợi. Trực Ngôn tôi kính nhờ bạn đọc nào quen biết các cơ quan kiểm toán, thanh tra, hãy thông báo cho họ biết loạt bài này để họ đến làm việc.

LHHVN còn nhiều những việc tham ô, tham nhũng, trà đạp luật pháp, mua quan bán chức, Trực Ngôn hẹn bạn đọc ở những bài viết tiếp theo.

Chúng tôi cũng xin tiết lộ thêm, mặc dù bị lãnh đạo LHHVN đe nẹt cũng như tuyên truyền láo, nhưng những người cung cấp thông tin cho chúng tôi không hề nao núng, ngày càng có thêm người liên lạc với chúng tôi để tố cáo sai phạm của lãnh đạo LHHVN, mới đây nhất là cán bộ của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - một cơ quan trực thuộc LHHVN.

Trực Ngôn

(Dân luận)

Không có nhận xét nào: