∇ Nghe Bài Này
|
Nhà nước Việt Nam bối rối trước làn sóng biểu tình chống Trung Quốc dẫn tới bạo động, trong bối cảnh chưa đạt được sự ủng hộ quốc tế để đối phó với vụ giàn khoan Trung Quốc tạo đặt bất hợp pháp ngoài khơi Bình Định và được 80 tàu vũ trang bảo vệ. Nhiều ý kiến cho rằng tổ quốc đang thực sự lâm nguy và chưa nhìn thấy đối sách thích hợp.
Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên luật quốc tế Đại học Luật TP.HCM, thành viên quỹ nghiên cứu Biển Đông cho rằng đất nước đang trong một giai đoạn rất khó khăn có thể hiểu là lâm nguy. Ông nói:
"Theo tôi, Việt Nam đang trong tình trạng nhiều lâm nguy, nhưng lâm nguy ở đây không phải là tình trạng tan vỡ đến nơi. Lâm nguy ở đây là chúng ta có rất nhiều vấn đề từ nội địa và cho đến vấn đề từ bên ngoài. Kẻ thù bên ngoài thì đang tấn công trên biển, mặc dù chưa nổ ra tiếng súng, nhưng cá nhân tôi vẫn gọi đó là cuộc chiến tranh không tiếng súng, nó cũng khốc liệt không kém gì chiến tranh cả.
Thứ hai là những vấn đề nội địa, trong đó liên quan đến phát triển kinh tế và gần đây là phong trào biểu tình dẫn tới bạo động, hôm qua (13/5) có một số vùng vẫn còn khó khăn trong việc kiểm soát, nhưng bây giờ Việt Nam đã kiểm soát được. Tuy vậy nó cho thấy chính phủ Việt Nam có nhiều vấn đề không lường tới trước được, để mà phản ứng tới những vấn đề như vậy.
Tình trạng biểu tình dẫn tới bạo động đúng là Chính phủ có lẽ còn lúng túng và gần như không có một chiến lược trước, để đối phó trước khi biểu tình đó xảy ra. Còn vấn đề bên ngoài thì rất là khó khăn và nếu chúng ta không có thái độ kiên quyết làm việc với Trung Quốc để họ thấy rõ rằng họ sẽ thất bại khị họ có âm mưu đó với Việt Nam, thì khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục những hành động như vậy và nó sẽ ở một mức độ cường độ cao hơn, thậm chí còn khốc liệt hơn.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp vừa rồi không nêu vấn đề Biển Đông … tôi nghĩ về đối nội là một thiếu sót quá lớn.
- GSTS Nguyễn Thế Hùng
Trò chuyện với chúng tôi, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, một nhà hoạt động dân quyền hiện sống và làm việc ở Đà Nẵng cho rằng Việt Nam lúc thì cấm người dân biểu tình dù ôn hòa, lúc thì để mất kiểm soát. Một trong những yếu kém lớn nhất về đối nội của Việt Nam xuất phát từ chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan lãnh đạo toàn diện của đất nước. GSTS Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh:
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp vừa rồi không nêu vấn đề Biển Đông, một người đứng đầu…với chế độ cộng sản Tổng Bí thư là người cao nhất mà trong vấn đề trọng đại giặc đã đến sân cắm chốt, vi phạm chủ quyền nghiêm trọng đến thế mà không có ý muốn dứt khoát gì trong đại hội… tôi nghĩ về đối nội là một thiếu sót quá lớn.”
GSTS Nguyễn Thế Hùng phân tích thêm về chuyện Việt Nam không tranh thủ được sự ủng hộ cụ thể của các nước thế giới. Ông nói:
“Đối ngoại thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ở Hội nghị ASEAN vừa rồi, tôi thấy chỉ là những phát biểu bình thường, không thể khác được. Và bây giờ tại sao thế giới người ta thờ ơ với Việt Nam, người ta nói chung chung, nói ủng hộ nhưng không có gì mạnh mẽ. Trước đây khi Philippines bị Tàu giành bãi Cỏ May thì Việt Nam cũng không lên tiếng ủng hộ, đảo Senkaku của Nhật Bản bị Trung Quốc tranh giành thiết lập ADZ thì Việt Nam cũng không lên tiếng.
Như vậy chuyện đúng với người ta mà mình làm im ngậm miệng ăn tiền, tới lúc mình bị thì ai hô hào cho mình. Rồi tới chuyện một nước thù địch chiếm đất lấy dần lãnh thổ mình, nó đầu độc dân mình bằng nhiều hình thức, như thực phẩm độc hại, rồi lấn đất lấn rừng, lấn biên giới thì mình lại nói đó là quan hệ “4 tốt 16 chữ vàng” là nước anh em, có gì đóng cửa cùng giải quyết. Bây giờ người ngoài nhìn vào người ta nói anh em chúng nó, để chúng nó đóng cửa giải quyết với nhau. Kiểu như thế, kiểu mình nói nửa nạc nửa mỡ thì thế giới văn minh đâu có cơ sở nào để ủng hộ mình mạnh mẽ.”
Làm sao để được quốc tế ủng hộ?
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mà Việt nam là một thành viên cũng không thể hiện sự ủng hộ Việt Nam một cách cụ thể, trong việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan bất hợp pháp vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như đưa một lượng tàu vũ trang hùng hậu để bảo vệ giàn khoan này. Việt Nam đã kiềm chế, chỉ sử dụng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư để đối phó, nhưng hai tuần lễ vừa qua đã không thể vượt qua vành đai bảo vệ của giàn khoan Trung Quốc. Việt Nam phải làm gì để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới. Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định:
“Tôi nghĩ là Việt Nam muốn tranh thủ sự ủng hộ quốc tế thì Việt Nam phải có một chiến dịch truyền thông, một chiến dịch ngoại giao rõ ràng. Vấn đề ở đây là Trung Quốc muốn kéo vấn đề này trở thành song phương, nghĩa là về Hoàng Sa là tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Tôi nghĩ là Việt Nam muốn tranh thủ sự ủng hộ quốc tế thì Việt Nam phải có một chiến dịch truyền thông, một chiến dịch ngoại giao rõ ràng.
- Thạc sĩ Hoàng Việt
Nhưng mà việc Việt Nam mong muốn tranh thủ công luận quốc tế, thì Việt Nam phải có một chiến dịch đối ngoại để cho thế giới thấy rằng, đây không phải là vấn đề song phương, mà Hoàng Sa liên quan đến vấn đề rộng hơn là toàn bộ khu vực Biển Đông, trong đó liên quan tới an ninh và an toàn hàng hải Biển Đông. Nó có ảnh hưởng tới những vấn đề khác như tự do hàng hải tự do thương mại và đặc biệt là nó ảnh hưởng toàn bộ tới hòa bình và an ninh toàn bộ khu vực Đông Á cũng như là Châu Á Thái Bình Dương. Có như vậy các quốc gia mới bừng tỉnh mới có hành động thích hợp hơn.”
Theo lời Thạc sĩ Hoàng Việt, Việt Nam phải có chiến lược thật dài thật lâu để đối phó với các hành động của Trung Quốc. Bởi vì thứ nhất nói thẳng thừng các lực lượng của Việt Nam bao giờ cũng yếu hơn của Trung Quốc và không thể so sánh ngang bằng.
Những hành động này của Trung Quốc cũng mới chỉ khởi đầu và nó sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Việt Nam vẫn đang cố gắng để đẩy cái giàn khoan mặc dù vẫn chưa thành công. Hơn nữa ngay ở trong đất nước cũng đang có nhiều vấn đề, trong đó có nhiều phong trào biểu tình qui tụ từ hàng ngàn tới hàng chục ngàn người, dẫn tới hành động quá khích đốt phá tài sản của doanh nghiệp Trung Quốc. Trong một số trường hợp chính quyền địa phương đã không kiểm soát được tình hình.
Vẫn theo Thạc sĩ Hoàng Việt, tình hình thực tế cả phía ngoài phía trong đều gặp khó khăn. Và điều mà nhà nước cần làm ngay là phải xây dựng một chiến lược để đối phó với tất cả các hành vi này trong một thời gian kéo dài
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét