Pages

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Sự quan trọng của “Quyền im lặng”

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

dvdw-305.jpg

Hình ảnh minh họa.
Courtesy photo

Nghe Bài Này

Rất tốt cho người dân

“Quyền im lặng” được hiểu một cách phổ quát trong hiến pháp nhiều nước là nhằm bảo vệ sự công bằng của luật pháp tránh áp đặt hay sử dụng kỹ thuật bức cung trá hình đối với một cuộc điều tra không có sự hiện diện của luật sư đại diện cho nghi can. Trong khi đó nhiều chục năm qua Quốc hội Việt Nam lại không muốn thông qua quyền này. Trên nhiều bộ phim hình sự của Mỹ người xem thường thấy cảnh sát Mỹ bắt một nghi can với một câu nói bắt buộc phải đọc cho chính nghi can đó nghe trước khi giải giao về đồn cảnh sát như sau:
“You have the right to remain silent; Anything you say can be used against you in a court of law; You have the right to consult with a lawyer and have that lawyer present during the interrogation; If you cannot afford a lawyer, one will be appointed to represent you”.
Bạn có quyền giữ im lặng; Bất cứ điều gì bạn nói có thể được sử dụng để chống lại bạn trong một tòa án của pháp luật; Bạn có quyền tham khảo ý kiến ​​một luật sư và có luật sư hiện diện trong cuộc thẩm vấn; Nếu bạn không thể đủ khả năng có một luật sư, một luật sư sẽ được bổ nhiệm làm đại diện cho bạn.
Câu nói của cảnh sát Mỹ theo luật Miranda bắt buộc một người bị bắt được quyền có một luật sư ngồi kế bên khi cảnh sát thẩm vấn để tránh trường hợp mớm cung, bức cung hay thậm chí áp lực người bị hỏi cung để họ khai những điều không có thật. Đây là “Quyền Im lặng” được bảo vệ bởi hiến pháp Mỹ và không một luật sư hay cảnh sát nào của Mỹ không biết.
Giáo sư Lan Cao, Giảng dạy môn luật Quốc tế tại Đại học Chapman University cho biết về Luật này tại Hoa Kỳ như sau:
Nếu cảnh sát không cho người bị hỏi cung biết là họ có cái quyền đó thì những gì mà người dân khai, bất cứ nói cái gì, thí dụ như nói rằng tôi có lỗi, hay nhận lỗi… thì tất cả những lời khai ấy sẽ không được sử dụng trước tòa.
-GS Lan Cao
“Ở Mỹ có luật được gọi là Miranda v. Arizona. Tòa tối cao của Mỹ nói khi một người bị cảnh sát hay công an tin là đã làm điều gì không đúng và bị công an hay cảnh sát hỏi cung thì người cảnh sát phải nói cho người bị hỏi trước là người đó có quyềm im lặng, không cần trả lời những gì mà cảnh sát hỏi. Nếu cảnh sát không cho người bị hỏi cung biết là họ có cái quyền đó thì những gì mà người dân khai, bất cứ nói cái gì, thí dụ như nói rằng tôi có lỗi, hay nhận lỗi… thì tất cả những lời khai ấy sẽ không được sử dụng trước tòa. Cái luật này rất tốt cho người dân.”
Tại Việt Nam, đất nước đang cố gắng cải tổ hiến pháp, cụ thể hay hợp thức hóa những luật đã được ghi nhằm nâng cao tinh thần thượng tôn luật pháp trong đó có luật im lặng, một đạo luật đang được nhiều nước áp dụng. Luật sư Trần Đình Triển cho biết tuy chưa ban hành chi tiết thi hành nhưng thực ra luật im lặng đã có trong hệ thống pháp luật Việt Nam ông cho biết:
Tôi cho rằng quyền im lặng, thực tế, đã được qui định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Thứ nhất là Công ước quốc tế về quyền dân chủ và chính trị được Việt Nam đã phê chuẩn và tham gia năm 1982. Thì đó chính là những bản qui định về quyền im lặng. Thứ hai là trong bộ luật hình sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam qui định “nếu như thành khẩn khai báo thì được hưởng chính sách khoan hồng và được coi là một tình tiết giảm nhẹ” trong điều 46 của bộ luật hình sự. Không có một điều nào trong luật qui định là người đó  im lặng thì người đó phải chịu tình tiết tăng mạnh hay là nghiêm cấm việc không khai báo cả.

quyen-im-lang-400.jpg
Hình ảnh minh họa. Photo courtesy of TTXVA.
Đấy là trong bộ luật hình sự. Còn bộ luật tố tụng hình sự thì cũng qui định “trách nhiệm chứng minh hành vi có tội hay không có tội là trách nhiệm của cơ quan thi hành tố tụng”. Qui định của bộ luật hình sự thì “quyền khai báo là quyền của bị can, bị cáo”. Bảo là quyền thì người ta có thể thực hiện hay là không thực hiện. Ở đây không qui định nghĩa vụ họ phải khai báo. Trong qui định của hệ thống pháp luật Việt Nam như là hiến pháp nói về quyền con người, quyền tự do ngôn luận... Tất cả những điều đó đã thể hiện được rằng bị can, bị cáo có quyền im lặng cũng là  đã thể hiện một cách tổng thể trong các đơn lẻ của hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như là điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Chỉ có điều là chưa cụ thể quá bởi những điều luật để cho người ta  rõ ràng, rành mạch hơn thôi. Vì vậy tôi cho rằng là đang tranh luận với nhau ở điểm đó.
Luật sư Trần Thu Nam cho biết những lợi ích nếu quyền im lặng được tôn trọng triệt để:
Có nhiều cái có lợi cho bị can, bị cáo nếu như được áp dụng quyền im lặng khi họ hiểu biết pháp luật. Nếu hiểu biết pháp luật không cao thì việc họ khai báo mà không có luật sư bên cạnh sẽ là điều bất lợi cho họ. Thứ hai là lời khai báo của họ có thể là chứng cứ chống lại họ. Cho nên nếu họ không bị bắt buộc phải khai báo mà quyền im lặng được thông qua thì họ sẽ hạn chế những bằng chứng đã khai ra chống lại họ thì đó là việc rất có lợi cho bị can, bị cáo. Khi thực hiện quyền im lặng của mình, việc luật sư vào để bảo vệ cho họ thì nó sẽ được thuận lợi hơn; Nó giúp cho họ việc khai báo như thế nào, khai báo trong mức độ như thế nào trước khi tố tụng.
Đại biểu Quốc Hội Đỗ Văn Đương, nguyên là một Kiểm sát viên cho rằng hiến pháp mới của Việt Nam đã có những tiến bộ rất lớn trong việc thi hành luật qua việc cho phép luật sư có mặt trong các cuộc điều tra ông cho biết:
Bây giờ hiến pháp mới qui định rồi đấy. Trước đây mình dùng khung hình bào chữa từ khi khởi tố bị can. Sau đónăm 2003 thì mình mở ra bào chữa từ khi bị can bị tạm giữ. Bây giờ mình mở ra nữa tức là ngay khi bị bắt thì luật sư nhảy vào có thể bào chữa ngay. Tức là rất tiến bộ rồi. Thế này thì sau này cơ quan điều tra hết sức mệt mỏi đây.”

Tình trạng luật sư quá mỏng?

Giáo dục của người dân càng ít thì luật này càng quan trọng thêm. Không phải người ta phải thông minh hay là có giáo dục rồi mới có luật đó.
-GS Lan Cao
Tuy nhiên trong khóa họp Quốc hội lần này khi đại biểu đề nghị thảo luận “Quyền Im lặng” thì Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội cho rằng “Quyền im lặng áp dụng có hiệu quả hay không còn liên quan đến nhận thức, hiểu biết của người dân. Nếu cứ cho im lặng có thể sẽ dẫn đến cản trở hoạt động điều tra”.
Giáo sư Lan Cao phản bác lý do mà ông Đinh Xuân Thảo đưa ra để cản trở Quốc hội không đưa vào chương trình nghị sự về quyền im lặng, bà nói:
“Người dân càng ít học thì cái luật này càng quan trọng thêm. Chính phủ gì mà nói rằng người dân không có trình độ thành ra không cần cái luật im lặng thì điều đó không có lý.
Tại vì mình càng không hiểu biết thì càng cần luật đó. Cảnh sát ngay cả bên Mỹ chứ không riêng gì Việt Nam nhiều khi đem mình vô nó hỏi mình 10 tới 12 tiếng đồng hồ. Không có luật sư ngồi đó với mình nhiều khi người ta nói trật bị cảnh sát lừa, cảnh sát dùng chuyện người ta nói trật để nhốt người ta thêm thành ra cần có luật đó để bảo vệ người dân. Giáo dục của người dân càng ít thì luật này càng quan trọng thêm. Không phải người ta phải thông minh hay là có giáo dục rồi mới có luật đó.”
Quyền im lặng nếu áp dụng tại Việt Nam thì cản trở lớn nhất là tình trạng luật sư quá mỏng hiện nay. Tuy nhiên để khắc phục tình trạng này, nhà nước có thể yêu cầu Hội Luật sư cung cấp luật sư tập sự hay ngay cả sinh viên luật cũng có thể làm nhân chứng tại buổi làm việc đầu tiên của công an đối với một nghi can.
Khi nào “Quyền im lặng” còn nằm im lặng trong tòa nhà Quốc hội thì lúc ấy oan sai vẫn sẽ tiếp diễn như từ trước tới nay trong rất nhiều vụ án, đó là chưa nói chính bản thân nghi can có thể bị tra tấn đến chết như vẫn thường xảy ra từ nhiều năm nay
.

Không có nhận xét nào: