Tiếp tục loạt bày về truyền thông mạng, trong phần cuối này chúng tôi xin đề cập đến vai trò của mạng xã hội hiện nay, cũng như những thách thức hiện tại của truyền thông mạng.
Facebook xuất hiện
Theo ghi nhận của nhà báo Đoan Trang thì sau khi Yahoo 360 bị đóng cửa vào năm 2009 thì mạng xã hội Facebook nổi lên như một nơi để chia sẻ ý tưởng. Cũng trong năm 2009 này FB bị chặn đến hai lần. Chính phủ Việt Nam né tránh các câu hỏi về việc chận FB, hoặc nói rằng họ không chận trang mạng này.
Việc ra đời của Facebook làm thay đổi hẳn việc viết blog. Nhà văn Phạm Thành nhận xét rằng FB thì rất nhanh nhưng các bài viết sẽ không được sâu như các trang blog trước kia. Nhà báo Đoan Trang cũng đồng ý như vậy và có thêm nhận xét là các blog cá nhân với giao diện mang tính cá nhân, có chiều sâu hơn, và các blog trên nền tảng wordpress hay blogspot là nơi phát sinh ý tưởng còn FB lại là một kênh để truyền đạt các ý tưởng đó một cách nhanh chóng.
Theo quan điểm của tôi thì người ta ít sử dụng diễn đàn hơn, người ta sử dụng mạng xã hội là để chia sẻ những đường link, đường dẫn tới những trang blog của họ, nơi mà người ta có cơ hội bày tỏ thấu đáo hơn suy nghĩ của mình.
-Một Facebooker
Người điều hành trang FB Nhật Ký yêu nước xin được phép ẩn danh nhận xét về vai trò của FB và tương tác của nó với blog:
“Mạng xã hội ngày càng phổ biến, nó thay đổi cái cách người ta tiếp cận thông tin và trao đổi với nhau. Theo quan điểm của tôi thì người ta ít sử dụng diễn đàn hơn, người ta sử dụng mạng xã hội là để chia sẻ những đường link, đường dẫn tới những trang blog của họ, nơi mà người ta có cơ hội bày tỏ thấu đáo hơn suy nghĩ của mình. Tôi nghĩ là mạng xã hội và blog sẽ tồn tại song song và hỗ trợ cho nhau.”
Ông Hoàng Ngọc Tuấn phụ trách trang mạng Tiền Vệ cũng đồng ý là FB không sâu sắc bằng blog nhưng cũng có những ngoại lệ:
“Có những trang Facebook vẫn có thể sâu được nếu mà người chủ trương biết cách hướng dẫn những người tham gia comment không bị lạc đề, tức là phải khéo. Thì như vậy vẫn có thể làm cho câu chuyện xoay quanh hay xoáy sâu vào một vấn đề nào đó. Người chủ của trang Facebook đó phải có bản lĩnh.”
Cuộc phản công trên mạng
Đầu năm 2013, lần đầu tiên một giới chức Việt Nam là ông Hồ Quang Lợi, công bố rằng cơ quan công quyền Việt Nam có sử dụng một mạng lưới những người gọi là Dư luận viên để tiến hành các cuộc bút chiến trên mạng chống lại những trang blog hay FB phản biện xã hội.
Nhà văn Phạm Thành nhận xét:
“Có nhiều blog sinh ra là để ủng hộ chế độ, chẳng hạn như là bọn Tre làng hay Mõ làng chẳng hạn, do bởi Dư luận viên, sinh ra là để quấy nhiễu các blog phản biện khác.”
Giữa năm 2014, chức năng báo cáo của FB được nhóm thành viên được gọi là Dư luận viên sử dụng để máy chủ FB khóa các trang bị báo cáo. Một thành viên của nhóm này tự hào công bố rằng họ đã thực hiện được một chiến công dành cho đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam.
Ngay sau đó một cuộc trả đũa được thực hiện bởi các trang FB đối kháng. Cuộc chiến FB này kéo dài trong vài tháng và được cả truyền thông quốc tế bằng Anh ngữ đưa tin.
Cũng trong khuynh hướng sử dụng blog hay các trang mạng điện tử từ phía đảng cộng sản Việt Nam, người ta thấy xuất hiện các trang thông tin đưa những tin tức mà người ta cho là của những phe phái trong đảng đưa ra để tranh giành ảnh hưởng với nhau. Đó là các trường hợp của trang Chân dung quyền lực cuối năm 2014, và trước đó là Quan làm báo vào năm 2012.
Blog và cuộc đấu tranh dân chủ
Nhà văn Phạm Thành cho là hiện nay hoạt động của các trang blog chính trị trở nên kém tích cực hơn trước:
“Trên các trang blog lúc này ít có bài viết mang tính chiến đấu. Hơn nữa họ cũng ít có bài mới. Những bài viết lên án chế độ cộng sản hiện nay thì tôi nhận thấy là họ có cái gì đó lừng chừng.”
Nhà báo, blogger Đoan Trang không hoàn toàn đồng ý về nhận định này:
Phải nói là phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam nó đang chững lại. Các hình thức hoạt động không mới, không có thêm nhiều hoạt động. Viết blog chỉ là một trong số những hình thức hoạt động đó thôi.
-Blogger Đoan Trang
“Phải nói là phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam nó đang chững lại. Các hình thức hoạt động không mới, không có thêm nhiều hoạt động. Viết blog chỉ là một trong số những hình thức hoạt động đó thôi. Cho nên khi phong trào của anh chững lại thì các hình thức hoạt động kia cũng chững lại.”
Nhưng cô cũng công nhận là các trang blog trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sau hàng loạt các vụ bắt bớ các blogger trong mấy năm nay:
“Riêng nói về blog chính trị thì sau khi có vụ bắt bớ blogger Ba Sàm và Quê Choa, thì tôi có cảm giác là những trang blog giống như những trang báo lề trái, đưa tin phản biện xã hội, mà chủ nhân nằm trong nước, không còn nữa, hiện giờ hầu như chỉ còn những trang blog mà chủ nhân của nó ở nước ngoài.”
Sự trấn áp của đảng cộng sản đối với các trang blog hay mạng xã hội mang tính đối kháng hay phản biện có khác nhau. Một mặt có rất nhiều blogger bị bắt giam, nhưng cũng có những blogger không bị xâm phạm. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong những người thành lập trang Bauxite Việt Nam nói là muốn truy cập vô trang này hiện nay phải vượt tường lửa, tuy vậy ông cũng nói:
“Phía bên họ chăm nom mình họ rất là lịch sự. Không làm trở ngại một cách trực tiếp gì cả, cũng không có những lời lẽ làm cho mình bất an hay phiền lòng. Tuy nhiên thì không biết bên trong thì như thế nào.”
Trong khi đó thì những người điều hành trang FB Nhật ký yêu nước đều phải ẩn danh.
Ông Hoàng Ngọc Tuấn phụ trách trang Tiền Vệ tại Úc nhận xét:
“Số người đóng góp viết bài từ trong nước ra còn nhiều hơn số người ở hải ngoại. Những bài viết trực tiếp đến chính trị thì thỉnh thoảng tác giả cũng bị đe dọa. Nhưng mà nếu viết một cách bóng bẩy, hay là cũng viết về chính trị mà không nói thẳng đến các ông lãnh đạo hay là đảng cộng sản Việt Nam một cách trực tiếp, hay là ý thức hệ, một cách trực tiếp thì cũng không có vấn đề gì.”
Còn một vấn đề khó khăn của các trang mạng điểm tin hay blog lớn hiện nay là vấn đề nhân sự. Qua trao đổi email với chúng tôi ban biên tập trang mạng Dân làm báo cho biết như thế.
Bà Ngọc Thu hiện điều hành trang mạng Ba Sàm từ nước ngoài cho biết những khó khăn của hoạt động của trang này:
“Khó khăn lớn nhất của trang Ba Sàm hay những trang mạng xã hội phi lợi nhuận khác là vấn đề nhân sự. Do không có bất kỳ thu nhập nào từ các hoạt động của trang Ba Sàm cho nên khó có thể tìm được người nào làm việc theo yêu cầu đòi hỏi mà không phải trả lương. Ngoài ra do không có thu nhập nên cũng không có tiền tả nhuận bút cho các tác giả. Do vậy trang Ba Sàm cũng như các trang blog khác khó có nhiều bài viết xuất hiện mỗi ngày.”
Và cuối cùng một tác động lớn cũng cần phải được đề cập đến trong vai trò của blog và trang mạng điện tử là kết nối cộng đồng người Việt trong nước và hải ngoại, dù cũng không ít khó khăn.
Nhà báo Đoan Trang nhận xét là những trang blog và mạng điện tử trong và ngoài nước có những cộng đồng độc giả khác nhau, có những ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Ông Hoàng Ngọc Tuấn sống tại Úc cũng đồng ý như vậy và ông nói thêm:
“Có khác biệt về vấn đề ngôn ngữ và văn hóa, và có chút ít trên quan điểm chính trị nữa. Những người đối kháng ở ngoài Bắc cũng khác những người trong Nam. Nó có thu hẹp lại, từ hồi thành lập Tiền Vệ đến giờ là 13 năm, thì thu hẹp lại rất nhiều, người ta trao đổi được nhiều hơn, có sự thông cảm nhiều hơn, và cái sự thay đổi nó dễ dàng hơn.”
Trong chiều hướng kết nối đó, ban biên tập trang Dân làm báo cho chúng tôi biết là có đến 75% độc giả đến từ Việt Nam, còn đối với trang Ba Sàm, hiện đang được điều hành từ nước ngoài thì có đến 80% là độc giả trong nước. Bà Ngọc Thu cho biết là có nhiều vấn đề mà cả hai cộng đồng cùng quan tâm, còn trang dân làm báo cũng cho biết là sự khác biệt về quan điểm của các độc giả của mình từ trong nước và ở hải ngoại ngày càng thu hẹp đi
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét