Pages

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

New Zealand ‘do thám’ quan chức Việt Nam?

Theo các tài liệu do Snowden tiết lộ, cơ quan an ninh quốc gia New Zealand sử dụng hệ thống có tên gọi Warriorpride để “cài phần mềm độc hại vào các máy tính, cũng như theo dõi liên lạc của các máy điện thoại di động.
Theo các tài liệu do Snowden tiết lộ, cơ quan an ninh quốc gia New Zealand sử dụng hệ thống có tên gọi Warriorpride để “cài phần mềm độc hại vào các máy tính, cũng như theo dõi liên lạc của các máy điện thoại di động.
“New Zealand do thám Việt Nam và một loạt các nước khác nhằm trám vào lỗ hổng trong hoạt động tình báo trên khắp thế giới do Cơ quan An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ (NSA)”.

Tờ The New Zealand Herald mới đưa tin như vậy sau khi phân tích nhiều trang tài liệu được Edward Snowden, cựu nhân viên hợp đồng của NSA, cung cấp.

Nhật báo có số lượng phát hành thuộc loại lớn ở quốc đảo nằm ven bờ Thái Bình Dương nhận định rằng việc đó cho thấy sự khác biệt giữa chính sách ngoại giao chính thức và bí mật của New Zealand.

“Việt Nam không phải là mối đe dọa an ninh hay khủng bố đối với New Zealand, nhưng vẫn nằm trong danh sách bị do thám,” tờ báo viết.

The New Zealand Herald dẫn lời các tài liệu được Edward Snowden tiết lộ cho biết rằng cơ quan an ninh quốc gia New Zealand sử dụng hệ thống có tên gọi Warriorpride để “cài phần mềm độc hại vào các máy tính, cũng như theo dõi liên lạc của các máy điện thoại di động, trong đó có iPhone và loại sử dụng hệ điều hành Android”.

Theo nhận định của một số chuyên gia, thông tin này nhiều khả năng sẽ làm sứt mẻ quan hệ vốn nồng ấm giữa Việt Nam và New Zealand, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến công du đầu tiên tới quốc đảo nằm ven bờ Thái Bình Dương này vào ngày mai, 19/3.

Ông Nicky Hager, phóng viên điều tra, tác giả bài báo trên tờ The New Zealand Herald, cho VOA Việt Ngữ biết ông và các đồng nghiệp của ông bất ngờ phát hiện vụ do thám này trong khi tìm kiếm thông tin thông tin liên quan tới New Zealand trong các tài liệu mà cựu chuyên viên phân tích tình báo Mỹ Edward Snowden công bố.

“Các tài liệu không đề cập tới lý do vì sao họ lại chọn do thám Việt Nam. Theo nhận định của tôi, trong khi New Zealand có mối quan hệ thân thiện với Việt Nam và thương mại giữa hai nước đang trên đà tăng trưởng, thì vụ do thám này  chắn chắn cho thấy New Zealand muốn giúp đỡ Hoa Kỳ vì là đối tác của Washington trong nhóm “Năm cặp mắt”.

Tin chức cho hay, nhóm liên minh tình báo này bao gồm năm nước trong đó có Mỹ, New Zealand, Australia, Canada và Anh.

Chuyên gia về vấn đề do thám này cũng nói thêm rằng nhóm nghiên cứu của ông đã liên lạc với chính phủ New Zealand, nhưng theo lời ông, “họ không bình luận bất kỳ điều gì về vấn đề này”.

Nhưng theo ông Hager, “điều đó cũng vô nghĩa vì đó là các tài liệu nội bộ của họ nên không còn nghi ngờ gì về việc thông tin đó là đúng”. Nhà báo điều tra nói thêm:

“Những tài liệu đó cho thấy rằng New Zealand đang thực hiện một chính sách ngoại giao hai mặt. Một mặt nước này công khai tỏ ra thân thiện với các quốc gia ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), tỏ ra không có kẻ thù với ai, nhưng mặt khác lại có chính sách liên kết với Mỹ, do thám các quốc gia mà New Zealand coi là bạn hữu”.

Việt Nam chưa lên tiếng bình luận về những cáo buộc do tờ The New Zealand Herald đưa ra.

Qua email, VOA Việt Ngữ cũng đã đặt câu hỏi phỏng vấn với Đại sứ New Zealand ở Việt Nam, ông Haike Manning về quan hệ Việt Nam – New Zealand cũng như các cáo buộc do thám nhưng đại diện của cơ quan ngoại giao này nói ông sẽ có buổi họp báo vào ngày 26/3 để “giải đáp mọi thắc mắc liên quan tới chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới New Zealand”.

Các cáo buộc về việc do thám xuất hiện trước chuyến thăm kéo dài 2 ngày được coi là nhằm củng cố quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Chưa rõ là người đứng đầu chính phủ Việt Nam có bày tỏ quan ngại về vấn đề vốn từng gây sứt mẻ quan hệ giữa nhiều quốc gia trên thế giới hay không.

Hai quốc gia sẽ đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2015.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hợp tác kinh tế song phương “phát triển mạnh với kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 300 triệu USD năm 2009 lên 794 triệu USD năm 2014”.

Hồi cuối năm 2013, báo chí Úc cũng đã dẫn tài liệu mật của NSA cho biết rằng các cơ quan đại diện ngoại diện của Canberra đã được dùng để nghe lén điện thoại và lọc dữ liệu tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, như một phần của hệ thống do thám của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Australia sau đó đã từ chối bình luận về các vụ do thám này.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới quan hệ Việt Nam – Australia, thủ tướng hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh sau các cuộc thảo luận tại Canberra nhân chuyến thăm Australia của ông Nguyễn Tấn Dũng, trong đó cả hai bày tỏ sự lo ngại về việc Trung Quốc “diễu võ giương oai” ở biển Đông.

(VOA)

Không có nhận xét nào: