Pages

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Nồng độ cồn quá cao sẽ bị tịch thu xe?

Nhiều người Việt Nam có bia rượu khi lái xe (hình ảnh minh họa)
Nhà chức trách ở Việt Nam đang tính đến chuyện sẽ tịch thu phương tiện, cho dù là xe hơi, xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện, nếu người điều khiển phương tiện được phát hiện có nồng độ cồn quá cao trong máu hay trong hơi thở.
Quy định ngặt nghèo này được cho là nhằm để giảm bớt tình trạnh tai nạn giao thông ở Việt Nam vốn cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người một năm.

Các mức phạt

Theo đề xuất của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia do ông Đinh La Thăng, phó chủ tịch Ủy ban đồng thời là Bộ trưởng Giao thông-Vận tải, trình Chính phủ thì nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trên 80mg trong 100ml máu hoặc quá 0,4mg trong 1ml khí thở thì sẽ bị tịch thu phương tiện, báo chí trong nước cho biết.
Ngoài ra người vi phạm còn bị tước bằng lái trong hai năm và phải thi lại về Luật giao thông đường bộ mới được cấp lại bằng lái.
Đối với nồng độ cồn thấp hơn – trong khoảng từ 50 đến 80mg trong 100 ml máu hoặc từ 0,25 đến 0,4mg trong 1ml khí thở – thì người điều khiển phương tiện không bị tịch thu xe nhưng sẽ phải nộp phạt từ 15 đến 20 triệu đồng và bị tước bằng lái trong thời gian một năm và cũng phải thi lại về luật giao thông trước khi được cấp lại bằng lái.
Còn đối với nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở thấp hơn mức trên thì người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 8 đến 15 triệu đồng và bị tước bằng lái đến sáu tháng.
Tai nạn giao thông là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Chỉ tính riêng dịp Tết Ất Mùi vừa qua, mỗi ngày đã có trung bình 35 người chết vì tai nạn giao thông, theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.
Ông Đinh La Thăng được tờ Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam có số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông dưới 9.000.
Nếu được chính phủ đồng ý thì quy định mới này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/3 tới, theo báo mạng VnExpress.

Lỗ hổng cho tiêu cực?

Trao đổi với BBC, ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, nói ông ủng hộ chế tài nghiêm khắc hơn đối với những người vi phạm luật giao thông, trong đó có xử phạt nặng những ai lái xe trong tình trạng say xỉn.
Tai nạn giao thông là một vấn nạn ở Việt Nam
Tuy nhiên, ông lưu ý phải cân nhắc kỹ và đảm bảo tính khả thi của các chế tài, nhất là khi nó có liên quan đến quyền tài sản của người dân trong Luật Dân sự.
“Người nghèo có xe dăm ba triệu đồng, người giàu có xe cả tỷ bạc,” ông Quốc nói, “Liệu (quy định tịch thu xe) có thực hiện được không?”
Ông Quốc cũng đặt vấn đề liệu cơ quan thực thi pháp luật có thực hiện nghiêm các xử phạt hay không hay là lỗ hổng cho tiêu cực.
“Kinh nghiệm cho thấy những chế tài cao lại tạo ra điều kiện cho những người thực thi pháp luật lợi dụng để tạo áp lực với người vi phạm,” ông nói.
Theo vị đại biểu Quốc hội này thì tình hình giao thông ở Việt Nam diễn biến phức tạp có nguyên nhân từ cả hai phía là việc vi phạm luật giao thông và việc xử lý vi phạm không nghiêm.
“Nếu xử lý không nghiêm thì người dân sẽ coi thường. Họ sẵn sàng có những giải pháp khác (để tránh bị phạt) chứ chế tài không điều chỉnh họ được,” ông nói.

Không có nhận xét nào: