Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên thừa nhận kế hoạch sáp nhập Crimea nhiều tuần trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý tại đây.
Crimea bị chính thức sáp nhập vào Nga hồi 18/3 năm ngoái sau khi nhiều tay súng không rõ danh tính giành quyền kiểm soát bán đảo này, bất chấp sự lên án mạnh mẽ của quốc tế.
Putin nói trên sóng truyền hình rằng ông đã ra lệnh bắt đầu kế hoạch "đưa Crimea về với Nga" sau cuộc họp kéo dài suốt đêm vào ngày 22/2 năm 2014.
Cuộc họp này được triệu tập sau khi cựu tổng thống Ukraine, ông Viktor Yanukovych, bị lật đổ.
Phát biểu hồi cuối năm ngoái, ông Putin nói ông đã ra quyết định cuối cùng về Crimea sau khi kết quả một cuộc khảo sát bí mật, không rõ ngày tháng, cho thấy 80% người dân Crimea ủng hộ việc quay về với Nga.
Tuy nhiên con số này đã không được nhắc đến do kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3, ông nói với kênh truyền hình nhà nước Nga vào tháng Tư năm ngoái.
Phát biểu trong một phim tài liệu sắp được công chiếu, ông Putin cho biết đã triệu tập một cuộc họp với các quan chức Nga vào ngày 22-23/2 nhằm vạch ra một kế hoạch giải cứu cho tổng thống bị lật đổ của Ukraine.
"Tôi đã mời giới chức từ các cơ quan đặc vụ và Bộ Quốc phòng đến Điện Kremlin để giao nhiệm vụ cứu tính mạng tổng thống Ukraine, người sắp bị thanh toán.
"Chúng tôi hoàn tất cuộc họp vào bảy giờ sáng. Khi tan họp, tôi đã nói với tất cả mọi người: "Chúng ta buộc phải đưa Crimea về lại với Nga".
Đoạn quảng cáo cho phim tài liệu 'Hành trình trở về đất mẹ' được phát vào tối ngày 8/3, nhưng hiện vẫn chưa rõ thời điểm trình chiếu chính xác.
Vào ngày 27/2 năm ngoái, các tay súng không rõ danh tính đã chiếm trụ sở Quốc hội cũng như các trụ sở chính quyền Crimea và cắm cờ Nga.
Nhiều người trong số này, nhìn giống như quân đội chính quy nhưng không đeo phù hiệu.
Ông Putin sau đó thừa nhận đã triển khai quân tại đây nhằm "hậu thuẫn cho lực lượng tự vệ của Crimea".
Vụ sáp nhập Crimea đã làm bùng nổ làn sóng bất ổn ở miền đông Ukraine vào ngày 7/4, khi những người biểu tình thân Nga chiếm các tòa nhà chính phủ ở Donetsk, Luhansk và Kharkiv, yêu cầu độc lập.
Một tháng sau đó, phe ly khai thân Nga tại Donetsk và Luhansk tuyên bố độc lập khỏi Ukraine sau cuộc trưng cầu dân ý không được quốc tế công nhận.
Ukraine đáp trả bằng một chiến dịch "chống khủng bố", mở đầu cuộc xung đột đã khiến ít nhất 6.000 người thiệt mạng và hàng triệu người khác lâm vào cảnh vô gia cư, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc.
Chính phủ Ukraine, các lãnh đạo phương Tây cũng như Nato nói có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy Nga đang chi viện khí tài và binh lính cho phe nổi dậy.
Cáo buộc này cũng được nhiều chuyên gia độc lập khác xác nhận.
Moscow đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này và khẳng định các công dân Nga đang chiến đấu với phe nổi dậy là "tình nguyện quân".
Chi tiết về cuộc tẩu thoát của ông Yanukovych khỏi Ukraine vẫn chưa được làm rõ, dù ông Putin có đề cập đến kế hoạch sơ tán ông này khỏi Donetsk.
"Súng máy đã được đặt tại đó", ông nói, đồng thời cho biết công tác chuẩn bị đã được chuẩn bị sẵn sàng cả đường bộ lẫn đường thủy và đường không.
Bộ phim tài liệu mà Đài Truyền hình Nga nói sẽ sớm được công chiếu, được thực hiện bởi ông Andrei Kondrashov, một nhà báo làm việc tại kênh truyền hình nhà nước Rossiya-1.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét