Pages

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

VNTB - Petrotimes với "phá hoại có tổ chức": Chĩa mũi dùi vào Bí thư Phạm Quang Nghị?

VNTB: Tương tự vụ đường ống nước sông Đà bị vỡ hàng chục lần mà một số quan chức, báo chí và dư luận đã quy kết trách nhiệm cho Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị, vụ thảm sát hàng ngàn cây xanh ở Thủ đô dường như đang trở thành một nguyên cớ không thể hợp lý và thời thượng hơn để một lần nữa người được liệt vào ứng cử viên tổng bí thư tại đại hội 12 của đảng cầm quyền Việt Nam phải đưa đầu chịu báng.

Trong số nhiều tờ báo phẫn nộ lên tiếng về vụ thảm sát cây xanh Hà Nội, Petrotimes bất chợt trở thành mũi xung kích sắc nhọn nhất với lời quy án "phá hoại có tổ chức" - một bài viết do chính TBT Nguyễn Như Phong chấp bút. Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) của Bộ Công an chắc chắn sẽ có sự kiện để "thực thi pháp luật", nhất là khi đang dậy lên nghi vấn về động cơ lợi ích nhóm trong việc chặt hạ 6.700 cây cổ thụ, trong đó Công an Hà Nội cũng có phần. 

Trụ sở Petrotimes đã từng "đặc cách" được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm vào tháng Giêng năm 2014.

Ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị - người bị cho là đạt phiếu tín nhiệm thấp hơn hẳn ông Nguyễn Tấn Dũng tại Hôi nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015 - có thể sẽ phải vất vả đối phó với cú ra đòn mới mang tên "thảm sát môi trường".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Lãnh đạo PVN tới thăm Báo Năng lượng Mới - PetroTimes.

--------------------------------------

Có nên coi việc chặt cây xanh ở Hà Nội là "phá hoại có tổ chức" hay không?

Việc “nhanh nhảu” trong vụ “hạ sát” tới 2000 cây xanh, chỉ trong có vài ngày, chứng tỏ các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội có khả năng xử lý công việc một cách “nhanh nhẹn” chứ không trì trệ như người dân lâu nay vẫn phàn nàn.

Chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng là trì trệ, chậm chạp và độ chuyên nghiệp, năng động thì thua xa các thành phố khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Bộ máy làm việc của các cấp chính quyền Hà Nội cực kỳ quan liêu, mang nặng tư duy thời bao cấp và đối với dân thì luôn " hành là… chính"!

Tuy nhiên, trong vụ "thảm sát" cây xanh có tổ chức này, thì các cơ quan chức năng liên quan đến "dự án thay cũ đổi mới cây xanh" lại thể hiện một động thái nhanh, quyết liệt, mạnh mẽ và cả… âm thầm.

Chỉ trong một thời gian ngắn mà lực lượng chỉnh trang đô thị đã “chặt phăng” khoảng 2.000 cây, trong đó có rất nhiều cây cổ thụ, cây có giá trị.

Lực lượng này làm việc nhiệt tình chưa từng thấy, làm việc cả ngày lẫn đêm, làm việc dưới áp lực cao (trong tình trạng vừa làm vừa nghe dân chửi).

Điều này cho thấy các lực lượng chỉnh trang đô thị của thành phố cũng “không phải hạng vừa”. Chỉ có điều lâu nay chưa có cơ hội thể hiện!

Vụ chặt 6.700 cây xanh nếu không bị người dân và dư luận chặn lại thì có thể coi là một cuộc “thảm sát” cây chưa từng thấy ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, chỉ riêng việc đã chặt phăng 2.000 gốc cây cũng đủ đưa Hà Nội lên “đầu bảng” trong việc chặt phá cây xanh trong cả nước.

Trong buổi họp báo chiều ngày 20/3, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã thông báo việc ngừng chặt phá cây xanh nhưng lại né tránh tất cả các câu hỏi liên quan đến việc quy trách nhiệm. Lúc này, các cơ quan báo chí mới lôi ra thông tin là chính quyền thành phố chịu “sức ép” từ các nhà tài trợ nên phải khẩn trương làm.

Qua sự khẩn trương và mạnh mẽ lần này, người dân cứ thầm ước ao: Giá mà từ trước đến nay, “các anh ấy” cũng chịu khó thế này thì bộ mặt đô thị Hà Nội đâu có đến nỗi “nguệch ngoạc” như bây giờ.­!

Người ta không thể không đặt dấu hỏi là tại sao họ lại thảm sát cây "thần tốc" đến vậy. Và trong vụ thay cây này, ai sẽ là người … bán được lắm cây nhất?

Cây xanh, nếu là cây trong vườn nhà anh, thì chặt hạ thế nào là tùy. Nhưng cây trong ngoài đường, bằng tiền thuế của dân từ bao đời nay, là bóng mát, là giữ môi trường, là tạo cảnh quan… thì muốn làm gì cũng phải suy nghĩ, nghiên cứu cho thấu đáo. Còn như cái ông quan chức nào đó, mở miệng ra bảo "chính quyền làm không cần phải hỏi dân", thì cũng nên cho ông này đi nơi khác. Sao lại có thứ quan chức ăn nói hồ đồ đến vậy?

Có rất nhiều khuất tất trong vụ chặt hạ cây xanh này. Chúng ta hoan nghênh tinh thần thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, và rất mong ông Chủ tịch cho điều tra làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân trong vụ " thảm sát" cây này.

Điều người dân muốn được biết một cách minh bạch là: Ai là người ký duyệt cho vụ thảm sát cây này? Trước đó, đã có nghiên cứu khoa học nào về việc thay cây này chưa? Một việc lớn đến như vậy mà tới Chủ tịch còn không biết, vậy phải chăng Phó Chủ tịch đã lộng quyền? Số tiền phải bỏ ra thay cây là bao nhiêu? Và số cây này được mua từ đâu? Và cuối cùng là số gỗ của 6.700 cây (nếu được chặt sạch theo đúng kế hoạch) thì sẽ sử dụng thế nào? Bán cho ai?

Và trước những hậu quả đã trông thấy, phải coi đây là một cuộc "phá hoại tài sản, phá hoại môi trường có tổ chức"
Nguyễn Như Phong
(Theo Petrotimes)

Không có nhận xét nào: