Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

‘Xã hội chạy chọt tạo tâm lý cầu tài lộc’


Hoa cúng trên bàn thờ ở Đền Trần bị người dân tranh cướp

Tâm lý ăn may, thể hiện ở chỗ người dân cầu công danh tài lộc ở các lễ hội, có nguyên do một phần là ở những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, một nhà nghiên cứu văn hóa từ trong nước nói với BBC.

Gần đây báo chí trong nước đã tường thuật những hình ảnh phản cảm như ẩu đả, chen lấn, tranh cướp lộc thánh tại các lễ hội tháng Giêng như hội Gióng, lễ khai ấn đền Trần...

‘Từ hiện thực cuộc sống’

Trao đổi với BBC, Giáo sư Trần Ngọc Thêm, một nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, giải thích về tâm lý đi đến các lễ hội để cầu công danh tài lộc của người dân Việt Nam như sau:

“Văn hóa Việt Nam với tính chất âm tính dẫn đến lối suy nghĩ rất đơn giản và tầm nhìn thiển cận và có những hiện thực ở cuộc sống xung quanh dễ khiến người ta nghĩ rằng cái đó (công danh tài lộc) có thể giành được. Do đó ngày càng phát triển tâm lý cầu may thông qua các lễ hội.

Nhất là ở những người có công việc không ổn định như doanh nhân, đặc biệt những doanh nhân nhỏ và vừa, những người kinh doanh buôn bán. Những người bình dân công ăn việc làm không ổn định thì họ cũng mong ước những điều đó.




  Có khi là một bộ phận quan chức nữa. Bây giờ chúng ta biết còn có chuyện chạy chọt (chức quyền) các thứ nữa.

Có những cái chưa chuẩn trong xã hội. Chẳng hạn công tác cán bộ. Lâu ngay người dân vẫn âm ỉ rằng có những chuyện không thật đúng luật, không thật trong sạch trong việc chọn lựa người này người kia vào vị trí này, vị trí kia như có hối lộ tiền hay không, có quan hệ quen biết hay không.”

Để thay đổi thực trạng này, Giáo sư Thêm cho rằng đó là ‘sản phẩm của xã hội, của thời đại’ và ‘muốn thay đổi phải thay đổi bối cảnh đã sinh ra nó’.

“Chừng nào chúng ta trong sạch hóa, minh bạch hóa quá trình tuyển dụng cán bộ. Tâm lý ăn may không còn nữa thì người dân sẽ hiểu rằng nếu anh có năng lực thì anh vào chứ chẳng ông Trời nào cho anh cái đó cả,” ông nói.

“Trong chuyện kinh doanh nếu pháp luật của ta nghiêm, mọi việc sai trái khi bị phát giác đều được xử lý đến nơi đến chốn, công bằng thì tâm lý ăn may không còn nữa,” ông nói thêm.

‘Không phải để cầu xin’


Ẩu đả đã xảy ra ở Hội Gióng

Theo Giáo sư Thêm, các lễ hội truyền thống của người Việt mục đích là ‘đem lại may mắn, những điều tốt đẹp’ cho người dân làng tổ chức lễ hội chứ không phải ‘đến là cầu cái gì’.

“Lễ hội khởi đầu luôn là lễ hội của làng nhất định cho những người dân ở vùng đấy dù tham gia hay không tham gia đều hưởng lợi về mặt tinh thần,” ông giải thích.

“Đấy là tính nguyên thủy của lễ hội truyền thống,” ông nói, “Bây giờ nó là chuyện khác. Mọi thứ bị méo mó đi hết.”

“Cho đến thời gian gần đây khi mà du lịch và truyền thông phát triển thì có những người từ nơi khác đến quan sát, tham dự thậm chí can thiệp vào lễ hội.”

“Ban tổ chức lễ hội có khi bị lợi ích bên ngoài chi phối, chẳng hạn như thu hút du khách hoặc kiếm tiền từ lễ hội làm cho lễ hội bị méo mó,” ông nói thêm, “Lẽ ra ban tổ chức là các bô lão thì cứ theo truyền thống mà làm là phục vụ dân làng.”

Giáo sư Thêm cho rằng muốn bảo tồn lễ hội truyền thống theo đúng ý nghĩa của nó thì ‘phải giữ được không gian của lễ hội’.

Ông nói mặc dù trong cuộc sống hiện đại mọi thứ đều thay đổi nhưng phải giữ làm sao các lễ hội ‘thay đổi ở mức độ vừa phải thôi chứ đừng đi hẳn theo một hướng khác’.

Không có nhận xét nào: