Nguyễn Huy Hoàng
…xung đột quân sự ít có khả năng xảy ra, song điều đó cũng sẽ gây ra một cuộc đối đầu ngoại giao giữa hai nước… Mỹ sẽ tìm kiếm sự phối hợp và hỗ trợ của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
“Máy bay quân sự nước ngoài. Đây là Hải quân Trung Quốc. Các anh đang tiếp cận vùng cảnh báo quân sự của chúng tôi. Yêu cầu rời ngay lập tức”. Đó là lời cảnh báo từ phía Trung Quốc khi chiếc máy bay do thám P-8 Poseidon của Mỹ đến gần các công trình xây dựng nhân tạo trái phép của Bắc Kinh trên Biển Đông hôm 20/5, được cho là xuất phát từ trạm ra đa cảnh báo sớm trên Đá Chữ Thập, một trong những thực thể địa lý lớn nhất ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng một cách phi pháp từ năm 1988.
Theo báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc, trong năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo trên 5 bãi đá ở Biển Đông và đang xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu trên 4 trong số những đảo nhân tạo này. Khi hoàn thành, những cơ sở này có thể bao gồm hệ thống bến cảng, thông tin liên lạc và giám sát, hỗ trợ hậu cần, và ít nhất là một đường băng. Những hình ảnh vệ tinh mới hơn cho thấy đường băng dự kiến dài 3.110m của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập đang được hoàn thiện, và nhiều khả năng Trung Quốc cũng đang định xây dựng một đường băng khác dài 3.300m ở Đá Xu Bi.
Hình ảnh trên máy bay Mỹ do CNN ghi lại
Thông qua những hoạt động này, Trung Quốc có thể tiến tới thành lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông trong tương lai, mà theo một số chuyên gia thì thời điểm thuận lợi nhất cho Trung Quốc để tuyên bố thành lập ADIZ chính thức, tương tự như điều Bắc Kinh đã thực hiện trên Biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013, là trước hoặc trong tháng 1/2017.
Quan trọng không kém là bằng việc cương quyết tiến hành các hoạt động cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo, Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi nguyên trạng của Biển Đông, nếu không thể thách thức luật quốc tế bằng cách cải tạo xây dựng các đảo nhân tạo để cố gắng mở rộng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế thì cũng có thể biến nơi này thành một vùng đệm trong vai trò là cơ sở dân sự và quân sự ổn định để tăng cường đáng kể sự hiện diện của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp, nơi cũng có nhiều ngư trường phong phú và tiềm năng dầu khí không nhỏ.
Động thái của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 20/5 khi công bố những hình ảnh quan sát được từ máy bay do thám và đoạn băng ghi âm lời cảnh báo của Hải quân Trung Quốc có thể là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang cân nhắc những chiến lược cứng rắn hơn trước những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó, một quan chức Mỹ giấu tên cũng tiết lộ về khả năng Mỹ đang cân nhắc việc gửi máy bay do thám và tàu hải quân đến khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo. Thông tin này được đưa ra sau khi tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth của Mỹ đụng độ một tàu chiến của Trung Quốc trong chuyến tuần tra gần Quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 11/5.
Đây được xem là một cách Mỹ đưa ra thông điệp : Trung Quốc không có quyền đơn phương thay đổi nguyên trạng của Biển Đông, và Mỹ sẽ hành động để bảo vệ tự do hàng hải, cũng như duy trì và củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực.
Thực tế cho thấy cách tiếp cận này của Mỹ không phải là mới. Mỹ từng phản đối Libya khi nước này đi ngược lại các điều ước quốc tế để tuyên bố chủ quyền trên khu vực Vịnh Sidra và thiết lập “ranh giới chết chóc” trên biển, mà đỉnh điểm là việc Mỹ bắn hạ 4 máy bay của Libya trong các Sự kiện Vịnh Sidra năm 1981 và 1989. Mỹ cũng từng kéo quân đến Vịnh Ba Tư để phản đối những hành động của Iran trong những năm 1980.
Việc Mỹ can dự sâu hơn vào Biển Đông có thể không ngăn cản được Trung Quốc tiếp tục bồi đắp và triển khai cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo mà họ đang xây dựng trái phép. Tuy nhiên, đây có thể coi là bước đi của Mỹ nhằm củng cố niềm tin với lời hứa về vai trò của nước này tại khu vực. Như tuyên bố của một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ là : “để đảm bảo với các đồng minh và đối tác trong khu vực này về sự cam kết của Mỹ đối với an ninh của khu vực” và “Mỹ làm rõ lợi ích của mình ở khu vực này, trong đó có việc đảm bảo tự do hàng hải”.
Bảo vệ an ninh và tự do hàng hải và thương quyền vận tải hàng không trong khu vực Biển Đông cũng sẽ giúp Mỹ đảm bảo được điều tương tự trên quy mô toàn cầu.
Trong thời gian tới và trong Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á diễn ra ở Shangri-La cuối tháng này, liệu rằng Trung Quốc có động thái phản ứng gì ?
Về phía quan hệ với nước Mỹ, theo quan sát, xung đột quân sự ít có khả năng xảy ra do Bắc Kinh chưa có ưu thế quân sự trong tình hình hiện nay ở Biển Đông, song điều đó cũng sẽ gây ra một cuộc đối đầu ngoại giao giữa hai nước. Trước tình hình đó, có thể Mỹ sẽ không đơn phương đối đầu với những yêu sách của Trung Quốc, mà sẽ tìm kiếm sự phối hợp và hỗ trợ của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
Tăng cường hợp tác được xem là một chủ trương trong chính sách của Washington. Hợp tác hàng hải mà trước hết là các hoạt động tuần tra chung trên biển như một gợi ý của Phó Đô đốc Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, trong một cuộc họp với lãnh đạo hải quân các nước ASEAN diễn ra gần đây được xem là bước chuẩn bị của Mỹ trong việc đối phó với những bất ổn ở Biển Đông trong thời gian tới.
Nguyễn Huy Hoàng
Theo TuanVietnam, 22/05/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét