Cả Trung Quốc và Mỹ đều không thay đổi lập trường của mình về những động thái của Bắc Kinh tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Các quan chức Trung Quốc bác bỏ một cách lịch sự song đầy tính châm chọc nỗ lực của Washington trong việc thúc đẩy các cách thức do Mỹ đề xuất nhằm xoa dịu căng thẳng tại khu vực.
Khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kết thúc chuyến thăm Trung Quốc ngày 17/5 vừa qua, cả hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ nhượng bộ đối với các dự án bồi đắp đảo của Trung Quốc trên Biển Đông - động thái khiến Mỹ và các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc lo ngại.
Ngày 17/5, ông Kerry đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người sẽ có chuyến thăm chính thức Mỹ vào mùa Thu tới. Tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình nói với Ngoại trưởng Kerry: "Theo tôi, quan hệ Mỹ-Trung nhìn chung vẫn ổn định". Chủ tịch Trung Quốc nói thêm rằng ông "mong đợi tiếp tục phát triển mối quan hệ này" trong chuyến thăm Mỹ sắp tới.
Bất chấp những lời lẽ trên, vốn chỉ được nêu ra ngay trước khi ông Kerry rời Bắc Kinh và tới Seoul (Hàn Quốc), bất đồng xung quanh các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn tồn tại và phủ bóng đen lên chuyến công du châu Á của ông Kerry.
Mỹ và phần lớn thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) muốn Trung Quốc ngừng các dự án trên Biển Đông, vốn bị cho rằng nhằm mục đích mở rộng các đảo và nhiều thực thể khác để từ đó làm căn cứ giúp Trung Quốc có thể đưa ra tuyên bố chủ quyền. Ngày 16/5, Ngoại trưởng Kerry nói: “Chúng tôi quan ngại về tốc độ và quy mô hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Ngoại trưởng Kerry thúc giục Trung Quốc tăng tốc các cuộc đàm phán với ASEAN về những nguyên tắc chỉ đạo trong giải quyết xung đột ở vùng biển tranh chấp. Theo ông Kerry, mục tiêu là nhằm “giảm căng thẳng và tăng triển vọng cho các giải pháp ngoại giao”. Tại một cuộc họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, ông Kerry nói: “Theo tôi, chúng ta cùng nhất trí rằng khu vực này cần tới những hoạt động ngoại giao khéo léo nhằm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc chứ không phải xây dựng các tiền đồn hay những đường băng quân sự”.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng, mặc dù Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng cho đối thoại, song Bắc Kinh sẽ không hủy bỏ các dự án xây dựng trên Biển Đông, và nói rằng những hoạt động này của Trung Quốc được thực hiện “hoàn toàn trong khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Ông nói: “Quyết tâm của phía Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vững chắc như đá tảng và không thể lay chuyển”. Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định: “Trung Quốc luôn giữ quan điểm rằng cần tìm những giải pháp thích hợp thông qua đối thoại và đàm phán với những bên trực tiếp có liên quan bằng những biện pháp ngoại giao và hòa bình, dựa trên nền tảng là tôn trọng sự thật lịch sử và các chuẩn mực quốc tế. Quan điểm này sẽ không thay đổi trong tương lai”. Ông Vương Nghị nói thêm rằng những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ có thể giải quyết được “chừng nào hai bên có thể tránh được hiểu lầm, và quan trọng hơn là tránh được những tính toán sai lầm”.
Những tuyên bố chủ quyền và các dự án bồi đắp đảo của Trung Quốc trên Biển Đông gây ra nhiều lo ngại trong khu vực. Những hoạt động này đã dẫn tới nhiều va chạm trên biển, cùng với đó là các cuộc biểu tình ủng hộ chủ nghĩa dân tộc. Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, và cho rằng các nước cần đàm phán với nhau. Washington cũng khẳng định rằng việc đảm bảo an ninh hàng hải và quyền tự do đi lại trên Biển Đông – tuyến đường vận tải biển đông đúc nhất trên thế giới – là một trong những ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ. Trung Quốc nổi giận trước hành động can thiệp của Mỹ vào khu vực và muốn đàm phán riêng rẽ với các nước ASEAN. Tuy nhiên, các nước nhỏ hơn lo ngại làm như vậy sẽ không có lợi cho họ.
Các quan chức Mỹ cho biết, kể từ năm 2014, Trung Quốc đã mở rộng diện tích các đảo họ đang chiếm thuộc quần đảo Trường Sa lên khoảng 800 ha, và có thể sử dụng để xây dựng đường băng hoặc dùng cho các mục đích quân sự. Mỹ cho rằng các công trình nhân tạo này không thể được sử dụng để làm căn cứ đưa ra tuyên bố chủ quyền.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama từ chối bình luận về những tin tức rằng nước này có thể triển khai các khí tài quân sự, hoặc là cân nhắc một hành động thể hiện quyền tự do hàng hải trong vùng biển 12 hải lý quanh các đảo. Tuy nhiên, Washington nói rằng nhiều thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền thuộc quần đảo Trường Sa là các bãi chìm và do đó không thể đòi hỏi chủ quyền ở những vùng biển xung quanh, đồng thời khẳng định rằng những đảo được bồi đắp không thể là căn cứ để Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền.
Bất chấp những bất đồng liên quan tới Biển Đông, ông Kerry và ông Vương Nghị khẳng định rằng hai nước đang đạt được tiến triển trên các lĩnh vực khác, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu, cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực, công tác chuẩn bị cho vòng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 6 tới và chuyến công du Mỹ của ông Tập Cận Bình vào tháng 9/2015. Hai vị Ngoại trưởng cũng bày tỏ hài lòng với sự hợp tác của hai nước trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, đoàn kết nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và chống lại các dịch bệnh gây chết người như Ebola.
Theo PSBHouse
Thùy Anh (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét