Pages

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Nguy cơ đối đầu Mỹ - Trung trên không phận Biển Đông

 Khi chiến hạm Mỹ USS Fort Worth bị một tàu quân sự Trung Quốc đeo bám trong chuyến tuần tra đầu tiên ở vùng biển quần đảo Trường Sa hôm 11/5/2015, người ta đã nghĩ đến một kịch bản đối đầu trên không phận Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra, bởi đối với Mỹ, việc Trung Quốc áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên vùng trời Biển Đông chỉ là chuyện sớm hay muộn.

                                                    Chiến hạm USS Fort Worth của Mỹ

“Đó không phải là điều không thể tránh khỏi, nhưng nếu chúng ta đánh cược, tôi sẽ cá rằng họ (Trung Quốc - PV) sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Chỉ là tôi không biết khi nào” – Reuters trích lời một quan chức quân đội Mỹ am hiểu về tình hình châu Á.

Mặc dù vùng nhận diện phòng không không được điều chỉnh bởi luật hay điều ước quốc tế nào, nhưng một số nước vẫn thiết lập nó để mở rộng quyền kiểm soát bên ngoài biên giới quốc gia, đồng thời yêu cầu các máy bay quân sự và dân dụng của nước ngoài bay qua khu vực này hoặc phải chấp nhận thông báo “thân thế”, hoặc có thể bị nước này điều không quân lên chặn lại.

Khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ trên bầu trời biển Hoa Đông, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật vào cuối năm 2013, Bắc Kinh đã bị Mỹ và Nhật Bản lên án gay gắt. Để thể hiện lập trường phản đối và không thừa nhận ADIZ của Trung Quốc, Mỹ thậm chí đã điều máy bay B52 đi thẳng vào khu vực này, trước sự bất lực của Bắc Kinh.

Nay Washington càng lo ngại trước khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, một khi hoàn tất các công trình bồi đắp, mở rộng ở các bãi đá mà Trung Quốc đã chiếm giữ được ở Trường Sa.

Một quan chức quân sự Mỹ giấu tên dự báo, cơ sở quân sự mà Trung Quốc đang xây cất trái phép ở bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, với một đường băng dài 3.000 mét và hệ thống radar cảnh báo sớm có thể sẽ được đưa vào hoạt động từ cuối năm nay. Ngoài ra, những hình ảnh gần đây cho thấy công trình xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại bãi đá Subi (thuộc quần đảo Trường Sa), cũng mang dáng dấp một đường băng có kích thước tương tự ở bãi đá Chữ Thập.

Mặt khác, bản thân Bắc Kinh dù không ra mặt thừa nhận nhưng cũng đã để ngỏ khả năng này khi tuyên bố họ có quyền thiết lập ADIZ ở khu vực Biển Đông - nơi Trung Quốc tự cho là có chủ quyền dựa vào yêu sách “đường lưỡi bò”. Bắc Kinh cũng nói họ chưa làm việc này là vì tình hình Biển Đông vẫn ổn định.

    Mỹ từng cho máy bay B52 bay vào vùng ADIZ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông để phản đối

Thực tế, theo nhận định của các chuyên gia và quan chức quân sự khu vực, trong điều kiện hiện nay ở Biển Đông, Trung Quốc khó có thể đảm bảo việc tuân thủ ADIZ, ngay cả khi Bắc Kinh sở hữu 2 đường băng quân sự ở Trường Sa, cộng thêm với đường băng được mở rộng trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974 - PV).

Vùng Biển Đông rất lớn, tầm hoạt động của các máy bay Trung Quốc thì có giới hạn. Ví dụ như quần đảo Trường Sa nằm cách lục địa Trung Quốc tới 1.100km, ngoài tầm với của các căn cứ không quân được trang bị tốt, đặt dọc theo bờ biển Trung Quốc.

“Cho dù có thêm các đảo nhân tạo, Trung Quốc vẫn khó thực thi, bảo đảm việc tôn trọng ADIZ ở một khu vực xa về phía Nam như thế”, chuyên gia an ninh khu vực Richard Bitzinger đến từ Trường nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore nhận xét.

Thực tế cho thấy, quân đội Mỹ và Nhật Bản cũng đã phớt lờ ADIZ mà Trung Quốc áp đặt ở biển Hoa Đông. Hai hãng hàng không lớn của Nhật là ANA Holdings và Japan Airlines cũng không tuân thủ ADIZ của Trung Quốc tại khu vực này.

Một nghiên cứu gần đây của Phòng nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho thấy là mặc dù không quân Trung Quốc tích cực giám sát vùng này bằng hệ thống radar đặt dọc theo các bờ biển, nhưng khả năng bảo đảm việc tuân thủ vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông rất hạn chế. Các máy bay của Trung Quốc không thể duy trì hiện diện thường xuyên trên không phận Hoa Đông.

Áp đặt và bảo đảm tuân thủ ADIZ ở Biển Đông đối với Trung Quốc còn có thể có nhiều rủi ro hơn do sự phức tạp của tranh chấp và khả năng thách thức từ các lực lượng hải quân, không quân Mỹ.

Ngay khi Lầu Năm Góc Mỹ tỏ ý cân nhắc đưa máy bay và tàu quân sự tới tuần tra xung quanh vùng biển Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp, xây đảo nhân tạo, để khẳng định tự do hàng hải, hàng không ở khu vực này, Trung Quốc đã lập tức “nổi đóa” và “vô cùng lo ngại”. Bắc Kinh còn cáo buộc Philippines cùng với Mỹ “thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc” trên quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, theo chuyên gia an ninh Trương Bảo Huệ từ Đại học Lĩnh Nam (Hồng Kông), động thái của Mỹ là bước chuẩn bị cho sự leo thang ngoài ý muốn. Vấn đề là họ, Washington và Bắc Kinh, có sẵn sàng chấp nhận hậu quả của sự leo thang này không.

Linh Phương (theo Năng lượng Mới)

(PetroTimes) 

Không có nhận xét nào: