Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Nguyễn Hưng Quốc - Đu dây đến bao giờ?

Vietnam China
Vietnam China
Trước khi đi Mỹ, Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc trước. Điều đó đã thành lệ. Cái lệ ấy cho thấy một chính sách của Việt Nam hiện nay: đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ; với Trung Quốc, người ta chủ trương vừa hợp tác vừa đấu tranh; với Mỹ, người ta cũng áp dụng chiến thuật tương tự, vừa phê phán vừa làm hoà.

Trong quá khứ, suốt thời chiến tranh Nam - Bắc, chính quyền Miền Bắc đã từng áp dụng chính sách ngoại giao đu dây như thế giữa Liên Xô và Trung Quốc. Tuy cả hai đều theo chủ nghĩa xã hội, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc đầy những hục hặc và căng thẳng, ai cũng có lập trường và tham vọng riêng. Miền Bắc ở giữa, chiều bên này chút, chiều bên kia chút; cả hai đều thoả mãn và ra sức viện trợ miền Bắc cho đến khi cuộc nội chiến kết thúc. Nhiều người cho chính sách ngoại giao ấy là khôn khéo và được thực hiện một cách tài tình.

Thật ra, cuộc đu dây ấy không quá khó. Lúc ấy, Liên Xô và Trung Quốc tuy bất hoà nhưng cả hai đều có một lý tưởng chung: chủ nghĩa xã hội; một kẻ thù chung: Mỹ, và một mục tiêu chung: chống lại Mỹ. Việt Nam được xem là điểm nóng của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và khối xã hội chủ nghĩa. Không phải ngẫu nhiên mà giới lãnh đạo Hà Nội thời ấy tuyên bố: “Chúng ta chống Mỹ là chống cho cả Liên Xô và Trung Quốc”. Đến khi Trung Quốc bắt tay với Mỹ và đặc biệt đến khi Miền Bắc chiếm được Miền Nam, trận đối đầu giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội trên lãnh thổ Việt Nam kết thúc, chiến lược đu dây của Hà Nội trở thành vô hiệu, Việt Nam bắt buộc phải chọn lựa một trong hai, và họ đã chọn Liên Xô. Việc chọn lựa ấy biến Việt Nam trở thành kẻ thù của Trung Quốc và hậu quả là Trung Quốc giúp đỡ Pol Pot chống lại Việt Nam; đến lúc Pol Pot thất bại, Trung Quốc trực tiếp tấn công Việt Nam.

Liệu bây giờ một chính sách đu dây như vậy có thể thành công như trước?

Tôi nghĩ là không.

Với Việt Nam trước 1975, cả Liên Xô lẫn Trung Quốc đều là đồng minh. Đu dây giữa hai đồng minh, dù hai đồng minh ấy có mâu thuẫn với nhau, dù sao cũng dễ hơn là đu đây giữa một kẻ thù và một người có khả năng là đồng minh.

Giới lãnh đạo Việt Nam có thể xem Trung Quốc không hay chưa phải là kẻ thù nhưng Trung Quốc thì chắc chắn xem Việt Nam là kẻ thù nếu Việt Nam ngăn cản chính sách ngoại giao “Một vành đai và một con đường” (One belt and one road) của họ. “Vành đai” hay còn gọi là con đường tơ lụa về kinh tế trên bộ (Silk Road Economic Belt) bắt đầu từ vùng Tây bắc Trung Quốc kéo dài qua Unrumqi đến Trung Á, băng qua phía bắc Iran rồi chuyển hướng sang phía tây qua Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ; từ Istanbul, nó vượt qua eo biển Bosphorus đến châu Âu, bao gồm Đức và Hà Lan rồi kết thúc ở Venice, Ý. “Con đường” hay còn gọi là con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (21st Century Maritime Silk Road) bắt đầu từ phía nam Trung Quốc, băng qua Biển Đông đến eo biển Malacca tới các quốc gia như Ấn Độ và Kenya và chuyển sang hướng bắc vào Hồng Hải và Địa Trung Hải qua vùng Horn of Africa và cuối cùng gặp con đường tơ lụa về kinh tế trên bộ ở Venice.

Để thực hiện chiến lược một vành đai và một con đường ấy, Trung Quốc cố gắng vận động sự hợp tác của các quốc gia liên hệ. Tuy nhiên chặng đầu tiên của con đường tơ lụa trên biển, tức Biển Đông, thì Trung Quốc chủ trương chiếm đoạt. Họ nhiều lần tuyên bố thẳng thừng điều đó: đó là “sân nhà” của họ, là “quyền lợi cốt lõi” của họ. Nói cách khác, không còn gì nghi ngờ nữa cả, bằng mọi cách Trung Quốc phải giành quyền làm bá chủ Biển Đông, tức chiếm khoảng hơn 80% lãnh hải của Việt Nam.

Chiến lược của họ là giành từ từ, từ từ, kiểu cắt lát salami (salami-slicing strategy) hay nói theo tiếng Việt là tằm ăn dâu, trước hết là giành đảo, sau đó là tái tạo đảo, biến đảo hoang hoặc bãi đá thành nơi có thể sinh sống hoặc có thể đặt căn cứ quân sự – như điều họ đang làm hiện nay, từ đó, hợp thức hoá con đường lưỡi bò họ đã tuyên bố, cuối cùng, thành lập vùng nhận diện hàng không tương ứng với con đường lưỡi bò ấy. Điều nguy hiểm của chiến lược tằm ăn dâu này là nó có thể chiến thắng một cách mặc nhiên, nghĩa là, chỉ cần các quốc gia liên hệ, từ Việt Nam đến Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan, không làm gì cả. Trong trường hợp này, bất động hoặc chỉ lên án suông, là thất bại. Là mất trắng cả vùng biển lẫn vùng trời.

Dĩ nhiên Mỹ không thể khoanh tay nhìn Trung Quốc cưỡng chiếm Biển Đông một cách dễ dàng như vậy. Biển Đông, với Mỹ, có ý nghĩa chiến lược lớn về cả kinh tế lẫn quân sự và chính trị. Đó là một trong vài con đường hàng hải tấp nập và quan trọng nhất trên thế giới. Hơn nữa, chiếm Biển Đông, Trung Quốc có thể uy hiếp các quốc gia Đông Nam Á, làm chính sách tái cân bằng châu Á (rebalance to Asia) của Mỹ bị phá sản.

Nếu Trung Quốc có thể chiến thắng trên Biển Đông chỉ với điều kiện các nước liên hệ không làm gì cả, điều Mỹ quan tâm nhất chính là sự bất động của các nước ấy. Bởi vậy, với họ, chính sách đu đây của các nước, đặc biệt Việt Nam, là một điều không thể chấp nhận được.

Nói cách khác, với Trung Quốc, đến một lúc nào đó, Việt Nam cần một thái độ dứt khoát để khỏi mất Biển Đông một cách mặc nhiên; và với Mỹ, Việt Nam cũng cần có một thái độ rõ ràng để có thể hình thành một liên minh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

Một chính sách đu dây, do đó, chỉ có tính nhất thời. Không thể kéo dài mãi được.

Nguyễn Hưng Quốc

(VOA)

Không có nhận xét nào: