“Vì chiến tranh bắt đầu trong đầu óc con người, chúng ta phải xây dựng cách bảo vệ hòa bình ngay trong đầu óc con người.” (Lời nói đầu của Hiến chương UNESCO)
Câu chuyện hòa giải
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt cách đây 40 năm, nhưng lòng hận thù vẫn chưa chấm dứt. Về tâm lý, cuộc chiến vẫn còn đang diễn ra trong đầu óc nhiều người, vì sự cực đoan và cuồng tín đã làm cho họ trở thành “tù binh của quá khứ”. Chiến tranh và bạo lực thường song hành với cực đoan và cuồng tín, độc tài và tham nhũng.
Sau hơn hai thập kỷ, người Mỹ và người Việt Nam dù sao cũng đã hòa giải được với nhau, đã bình thường hóa được quan hệ hai nước, và cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh. Tuy nhiên, bóng ma chiến tranh Việt Nam vẫn còn ám ảnh đời sống chính trị và văn hóa của mỗi nước. Ngày nay, hai nước thậm chí đang cố gắng trở thành đối tác chiến lược, trước sự trỗi dậy đầy thách thức của Trung Quốc như một đám mây đen ở Đông Á.
Nhưng sau bốn thập kỷ, người Việt vẫn chưa hòa giải được với nhau, vẫn còn coi nhau như “kẻ thù ảo”. Có lẽ vết thương nội chiến khó lành hơn nhiều. Các sử gia Mỹ nói rằng nước Mỹ phải mất 50 năm mới thực sự hòa giải được cuộc nội chiến (chấm dứt tại Gettysburg). Liệu người Việt phải mất bao nhiêu năm mới hòa giải được? Nếu không hòa giải được thì Việt Nam không đủ sức mạnh để bảo vệ độc lập và chủ quyền của mình.
Cực đoan & cuồng tín
Có một số bài học cần tham khảo. Sau Thế chiến thứ II, người Mỹ và đồng minh thắng trận có đủ lý do để trừng trị người Đức và người Nhật bại trận. Nhưng họ chỉ xét xử các tội phạm chiến tranh tại tòa án quốc tế, chứ không trả thù hàng loạt. Người Đức và người Nhật đã đầu hàng và hợp tác với người Mỹ (như đồng minh mới) để tái thiết đất nước của mình, vì họ đã quá hiểu cái giá phải trả cho chủ nghĩa cực đoan và cuồng tín.
Khi nước Đức thống nhất (1990), người Tây Đức đã không phân biệt đối xử và miệt thị người Đông Đức, mặc dù Đông Đức theo hệ tư tưởng và chế độ chính trị khác. Quá trình hòa giải và thống nhất đã diễn ra khá êm thấm và mau chóng. Người Đức đã bỏ phiếu cho bà Angela Markel làm thủ tướng mặc dù bà là người Đông Đức. Nay nước Đức đã thống nhất và mạnh hơn, vì người Đức không còn cực đoan và cuồng tín.
Ở Việt Nam, những người cộng sản cực đoan và những người chống cộng cực đoan thực ra chẳng khác gì nhau. Hầu hết bọn họ đều cuồng tín và độc tài, coi những ai khác quan điểm với mình đều là “thù địch”. Sự cực đoan này là hệ quả của lịch sử lâu dài đầy phức tạp và một cuộc chiến sai lầm không đáng có.
Phạm Xuân Ẩn, (“Điệp viên Hoàn hảo”) có kể lại một câu chuyện thú vị là một lần đến gặp trạm trưởng CIA mới sang và được khuyên là phải cẩn thận với Ngô Đình Nhu. Ông Ẩn hỏi “tại sao?” và được giải thích là ông Nhu có thể là cộng sản. Ông Ẩn về kể lại ngay câu chuyện đó với Ngô Đình Nhu và ông Nhu phá ra cười. Ông Ẩn hỏi “tại sao toi lại cười?” và ông Nhu trả lời “có lẽ nó nói đúng đấy…vì trước đây moi hay học bọn Viêt Minh”.
Tôi nhớ trong ngày kỷ niêm 30/4 tại Sài Gòn cách đây vài năm, một nhà báo già đã nhận xét chua chát về hệ quả không định trước của cuộc chiến, “tại sao họ không nói toạc ra ngay từ đầu là họ thích tất cả những thứ này?” Thật là bi hài kịch.
Cái giá của chiến tranh
Trong khi bóng ma Chiến tranh Việt Nam vẫn còn ám ảnh đời sống chính trị và văn hóa mỗi nước, nó vừa là trở ngại vừa là lợi thế cho quan hệ hai nước. Dù muốn hay không, nhiều người Mỹ vẫn bị ám ảnh và không quên được Viêt Nam (như một “hệ quả không định trước”).
Sự hủy diệt về vật chất chỉ là hệ quả trực tiếp của chiến tranh. Số lượng bom đạn khổng lồ đổ xuống Việt Nam trong chiến tranh (cả Miền Bắc và Miền Nam) là quá đủ để đưa đất nước này “trở về thời kỳ đồ đá” (Curtis LeMay, 1965).
Trong khi bom mìn chưa nổ vẫn gây ra thương vong bất ngờ cho những người dân vô tội, chất độc Da Cam đã để lại những hậu quả dai dẳng và kinh khủng cho nhiều thế hệ người Việt.
Nhưng tư duy thời chiến mới là hậu quả khó thay đổi, nhất là đối với những người Việt đã quen với chiến tranh liên miên gần suốt cuộc đời, dù trực tiếp hay gián tiếp. Chiến tranh đã để lại một gánh nặng cực đoan trong lòng họ (như “tù binh của quá khứ”).
Cuộc chiến còn tiếp diễn
Hình ảnh giao thông ở Hà Nội (hay Việt Nam) là hình ảnh giao thông thời chiến. Mọi người đều vội vã như “đi sơ tán”. Không ai nhường ai, như trong một cuộc tranh đấu một mất một còn. Đó là một não trạng và tâm thức chiến tranh, như một thói quen xấu. Con số thương vong về giao thông hiện nay không kém con số thương vong trong thời chiến. Trong 6 ngày nghỉ Tết 2015, có 199 người chết và 326 người bị thương vì tai nạn giao thông.
Hình ảnh phá hủy nhà cửa trên đường Bưởi (Hà Nội) hiện nay, để làm đường mới, cũng như những gì diễn ra trên đường Yên Phụ trước đây, để bảo vệ đê, không khác gì hỉnh ảnh Hà Nội bị tàn phá trong chiến tranh (như bị ném bom). Hay hình ảnh phản cảm về Hà Nội hàng năm đào vỉa hè lên để lát lại, là những ví dụ về não trạng thời chiến.
Tại sao tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng trong xã hội? Đi đâu cũng thấy bạo lực, từ nông thôn đến thành thị, từ người dân đến cảnh sát, từ đường phố đến trường học và công viên. Não trạng bạo lực là một di chứng của chiến tranh, như một bệnh tâm thần.
Vụ Hà Nội quyết định chặt hạ 6700 cây xanh, gây phản kháng trong dư luận gần đây, cũng là một biểu hiện của não trạng thời chiến. Hành động bạo lực và cực đoan không phải chỉ đối với con người, mà còn đối với cả thiên nhiên và môi trường sống. Thói quen hủy hoại không cân nhắc đến tương lai, là một thói quen thời chiến.
Muốn loại bỏ não trạng chiến tranh và bạo lực, phải từ bỏ cực đoan và cuồng tín.
NQD. 30/4/2015.
(Nguyễn Quang Dy, Harvard Nieman Fellow, 1993)
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-4-15
(Viet-studies)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét