Pages

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Nhà thơ Bùi Minh Quốc: 'Hội Nhà Văn không làm được gì cho dân...'

Vì sao từ bỏ 'Hội Nhà Văn Việt Nam'? (Kỳ 1) 

Liêu Thái/Thực hiện
Lời Tòa Soạn: Hôm 11 Tháng Năm vừa qua, 20 nhà văn, nhà thơ tại Việt Nam cùng tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, một cơ quan ngoại vi của đảng CSVN. Sự kiện này gây chấn động trong giới văn nghệ tại Việt Nam. Một trong những lý do đưa ra là “nhận thấy tình trạng suy thoái của hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi để thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản.”

Ðể tìm hiểu thêm, báo Người Việt lần lượt phỏng vấn các nhà văn, nhà thơ về hành động này. Loạt bài phỏng vấn do Liêu Thái thực hiện.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc. (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)

Người Việt (NV): 
Là một trong hai mươi nhà văn chính thức từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, ông vui lòng cho biết nguyên nhân và lý do dẫn đến quyết định này?


Nhà thơ Bùi Minh Quốc (BMQ): Là vì Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam với sự chỉ đạo từ cấp trên của họ đã cố ý phản bội truyền thống của Văn Hóa Cứu Quốc - tổ chức tiền thân của Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN), truyền thống đó là truyền thống đi tiên phong trên mặt trận văn hóa chiến đấu cho tổ quốc và quyền dân.

NVVề phía Hội Nhà Văn Việt Nam, họ đã có phản ứng gì với tin này?

BMQ: Ông Ðỗ Hàn - chánh văn phòng HNVVN nói với công luận rằng họ chưa nhận được đơn xin ra khỏi hội của các nhà văn đã tuyên bố từ bỏ hội.

NVTheo ông, đâu là sức hút đích thực của một hội/đoàn đối với giới cầm bút? Và hiện tại, sự tồn tại của Hội Nhà Văn Việt Nam có mang đến những phúc lợi tinh thần nào cho nhân dân?

BMQ: Ðối với những người cầm bút trung thực trách nhiệm đến từng chữ thì chỉ hội đoàn nào kiên quyết bênh vực bảo vệ cho tiếng nói trung thực thẳng thắn của họ trước sự đàn áp của thế lực độc tài toàn trị mới có sức hút đối với họ. Còn HNVVN thì bao nhiêu năm qua hầu như luôn quay lưng ngoảnh mặt trước các nhà văn lâm nạn vì ngòi bút.

NVLà một nghệ sĩ, đồng thời là nhà yêu nước, ông thấy hiện tình đất nước này ra sao? Và các nhà văn thuộc Hội Nhà Văn Việt Nam sẽ đóng góp được gì cho dân tộc này trong tình thế hết sức khó khăn này?
BMQ: Ðất nước hiện đang lâm vào thảm trạng tụt hậu ngay cả so với các nước tụt hậu nhất như Lào và Campuchia, còn nhân dân thì bị áp bức bị bóc lột, bị tước hết các quyền tự do cơ bản mà họ từng được hưởng dưới chính thể “Dân Chủ Cộng Hòa” năm 1946. Các nhà văn trong HNVVN khó có thể đóng góp được gì, thậm chí còn có tội khi họ được nuôi bằng tiền thuế của dân mà hết đại hội này đến đại hội khác không cất lên được một bản tuyên bố về trách nhiệm của nhà văn với thảm trạng đất nước trước mối đại họa giặc bành trướng và giặc nội xâm (trong đó có bọn tay sai bành trướng).

NVVới trải nghiệm lâu năm của một nhà văn là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, ông cảm thấy những hoạt động cũng như cơ chế của hội này có tạo ra được sinh quyển sáng tạo để từ đó nhà văn có thể tự do phóng bút theo dòng cảm xúc đương đại?
BMQ: Không, hoàn toàn không.
NVPhải chăng sự khác biệt đến mâu thuẫn giữa khuôn phép cứng nhắc của một hội đoàn trực thuộc nhà nước với tư tưởng tự do trong sáng tạo cũng như tư duy dân chủ trong cải cách đất nước của một nghệ sĩ, trí thức đã làm khó ông trong Hội Nhà Văn?
BMQ: Ðúng vậy!
NVÔng có nhận xét nào về các sáng tác “phi trung tâm,” “phi chính thống”? Và là người có nhiều tác phẩm đăng trên các trang mạng phi nhà nước, ông có nhận xét nào về sự khác biệt giữa hai dòng văn chương nhà nước và phi nhà nước?

BMQ: Dòng “phi trung tâm,” “phi chính thống” dần dần sẽ là dòng chủ lưu. Dòng văn học nhà nước sẽ dần suy kiệt theo đà suy yếu không tránh khỏi của nhà nước toàn trị.

NVVới tư cách là một nhà văn gạo cội trong giới cầm bút Việt Nam, ông có dự đoán nào về tương lai văn học Việt Nam (kể cả “chính thống” và “phi chính thống”) trong những năm tới?
BMQ: Tương lai của văn học Việt Nam thuộc về một nền văn học đích thực, tự do và nhân bản, một tương lai đang đến gần, một nền văn học mà Ban Vận Ðộng Văn Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam đang nỗ lực góp phần xây dựng.

NVXin cám ơn ông!


20 nhà văn từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam

1. Nguyên Ngọc
2. Ðỗ Trung Quân
3. Nguyễn Quang Lập
4. Nguyễn Huệ Chi
5. Phạm Ðình Trọng
6. Võ Thị Hảo
7. Bùi Minh Quốc
8. Ðặng Văn Sinh
9. Hoàng Minh Tường
10. Lê Hiền Phương
11. Ngô Thị Kim Cúc
12. Nguyễn Quang Thân
13. Thùy Linh
14. Vũ Thế Khôi
15. Ý Nhi
16. Dư Thị Hoàn
17. Trịnh Hoài Giang
18. Dạ Ngân
19. Nguyễn Duy
20. Trần Kỳ Trung

Người Việt.

Không có nhận xét nào: