Mới đây, người dân ở thị xã Hương Trà và huyện Nam Đông - Huế đã phải đốn hạ cây cao su với mục đích bán gỗ, hoặc chuyển sang trồng rừng kinh tế, do giá bán mủ cao su trên thị trường đang rớt thê thảm.
Cách đây 2 năm, mủ cao su có giá 50,000 đồng một ký. Nay chỉ còn 5,000 đồng một ký, khiến nông dân không đủ chi phí cho phân bón, thuê nhân công.
Để tồn tại, nhiều người đã chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày cho giá trị kinh tế cao hơn. Sở hữu cả ngàn hécta cao su tại Campuchia, chủ một doanh nghiệp ở Sài Gòn cho hay, 2 năm nay công ty ông ta phải chịu cảnh lỗ nặng, vì Trung Cộng giảm thu mua, giá mủ xuống thấp. Hơn một năm nay, ông ta đã phải bán gần 50% diện tích cao su để giảm lỗ.
Tình hình cao su thế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, trong khi đó, công nghiệp hóa dầu ngày càng phát triển, nên cao su thiên nhiên đang dần hạn chế sử dụng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cộng sản Việt Nam, năm nay ngành cao su tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, bởi giá cao su đang có xu hướng giảm nặng. Ngành cao su cần cân nhắc không chạy theo diện tích và sản lượng. Nên tập trung vào cắt giảm giá thành để bảo đảm duy trì lợi nhuận và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, nghiên cứu kỹ hơn về nhu cầu thị trường thế giới, cần giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Cộng.
Trong báo cáo đưa lên Chính phủ, Bộ Nông nghiệp cũng đã đưa ra các giải pháp khuyên các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết với các nước sản xuất cao su trong khu vực và thế giới, để cùng điều tiết nguồn cung cấp, giảm giá thành xuất cảng thông qua việc không kê khai, tính toán nộp thuế trị giá gia tăng trong kinh doanh thương mại cho sản phẩm cao su sơ chế, giống như các sản phẩm nông, thủy sản sơ chế khác./Thanh Lan / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét