Pages

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Ông Dương Danh Dy: "TQ sẽ không dám xung đột với Mỹ ở Biển Đông"

Công trường xây dựng trái phép của TQ ở Đá Ga Ven (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Ảnh do CSIS và EPA công bố

Theo ông Dương Danh Dy, mưu đồ sâu xa của TQ là muốn cạnh tranh ngôi vị siêu cường của Mỹ nên chắc chắn sẽ không dám gây xung đột ở Biển Đông.

LTS: Trung Quốc xây dựng bãi đá ngầm, xây đường băng trên các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và dự kiến tiếp tục xây đảo nhân tạo trên Biển Đông… cho thấy mục tiêu lớn hơn là nhằm độc chiếm Biển Đông.

Để làm rõ hơn những âm mưu của Trung Quốc đối với Biển Đông, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Danh Dy - nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc về vấn đề này.

Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông

PV: Tình hình Biển Đông trong những tuần gần đây vô cùng phức tạp: Mỹ - Trung đụng độ trên biển, Trung Quốc tăng cường mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng và các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông có nhận định như thế nào về tình hình hiện nay cũng như âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông?

Ông Dương Danh Dy: Thực tế, không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm trước, chúng ta đã liên tục phản đối việc Trung Quốc có hành động phi lý, cải tạo, xây dựng các đảo nhân tạo của Việt Nam ở Biển Đông.

Việc cải tạo, mở rộng trên quy mô lớn, tốc độ nhanh tại các điểm chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã cho thấy rõ ràng hơn âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc.

Đó là, họ đã và đang mong muốn thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông và từ đó, có thể mở rộng, gây ảnh hưởng tới nhiều khu vực khác trên thế giới.

Đồng thời, Trung Quốc đã đẩy mâu thuẫn và tranh chấp trên Biển Đông lên một giai đoạn mới, phức tạp và khó lường hơn.

Ở đây, chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng, những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.

Hình ảnh CSIS và EPA công bố năm 2015 về hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam).

Không những thế, việc Trung Quốc biến các đảo này thành các căn cứ quân sự, bằng chứng là hình ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy, họ đã xây dựng đường băng dài đến hàng ngàn mét để các máy bay quân sự có thể cất, hạ cánh dễ dàng.

Xây dựng các cảng neo đậu của tàu chiến, hải cảnh, hải giám, ngư dân vào tiếp dầu... ngoài gây nguy hiểm cho Việt Nam còn đe dọa trực tiếp đến an toàn, an ninh hàng hải, hàng không của thế giới.

Qua theo dõi, báo chí cũng như các mạng của Trung Quốc có thể nhận thấy được nhiều bước đi tiếp theo của họ nhưng cụ thể ra sao thì sẽ phải có thời gian để rõ ràng.

Nhưng cá nhân tôi cho rằng, ở bất cứ thời gian nào, khi lợi ích, chủ quyền của chúng ta bị xâm phạm thì cần phải có những hành động, biện pháp hợp lý để chống cho đến cùng, giữ vững hòa bình, độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải.

PV: Nhiều người bày tỏ lo ngại về việc sau những đụng độ vừa qua, Mỹ và Trung Quốc có thể xảy ra xung đột ở Biển Đông, cá nhân ông có dự đoán gì về điều này?

Ông Dương Danh Dy: Cá nhân tôi qua theo dõi các tài liệu của Trung Quốc thì có thể khẳng định là sẽ khó xảy ra một cuộc xung đột trên Biển Đông giữa nước này và Mỹ.

Tại sao tôi lại nói vậy? Bởi lẽ, dù trong thời gian qua Trung Quốc có sự phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn hơn nhưng trên thế giới vẫn coi đây là nước lớn còn chỉ có Mỹ được coi là nước siêu cường.

Chính vì điều này mà trong chiến lược của Trung Quốc luôn muốn vươn lên để tranh giành, thậm chí "soán ngôi" siêu cường của Mỹ nhưng có lẽ, rất khó để có thể thực hiện điều đó.

Khi Mỹ đã có những động thái tích cực hơn ở Biển Đông như cử tàu, các máy bay do thám để giám sát, ghi nhận việc cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc thì họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống kể cả xấu nhất.

Trong khi đó, Trung Quốc đang muốn hòa bình để phát triển kinh tế, vươn lên thực hiện chiến lược kia nên chắc chắn họ chẳng dại gì để xảy ra xung đột với Mỹ ở Biển Đông.

Xung đột trong lúc này không chỉ ảnh hưởng đến quân sự mà kinh tế cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Thêm vào đó, những hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc là hoàn toàn sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế nên nếu gây xung đột nước này sẽ càng chịu thiệt hại, chỉ trích nặng nề hơn.

Bài học giúp Việt Nam thắng hành động ngang ngược của TQ

PV: Với cục diện như thế này, theo ông, sẽ có ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam và những nước tuyên bố chủ quyền khác ở biển Đông?

Ông Dương Danh Dy: Chắc chắn những hành động ngang ngược, phi pháp này của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng, gây nguy hiểm đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Các nước khác trong khu vực cũng chịu ảnh hưởng không kém.

Thêm vào đó, những động thái tích cực của Mỹ trong thời gian gần đây như điều tàu và máy bay đến tuần tra trên biển, gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Hiện nay, các tàu và máy bay Mỹ vẫn giữ khoảng cách ngoài phạm vi 12 hải lý đối với các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp của Trung Quốc.

Bất chấp việc Trung Quốc phản đối quyết liệt, phía Mỹ khẳng định các hoạt động này sẽ tiếp diễn. Thậm chí Mỹ không loại trừ khả năng sẽ tuần tra sâu hơn, vào phạm vi trong 12 hải lý của các đảo nhân tạo.

Hoạt động của Trung Quốc và những phản ứng mạnh mẽ của Mỹ khiến tình hình ở Biển Đông nóng hơn.

Trong cục diện như thế này, Việt Nam chúng ta cần phải tăng cường, tận dụng sự tích cực hơn các bên ở Biển Đông để thực hiện các mục tiêu và nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của sự căng thẳng hiện nay.

Tôi tin rằng, với mục tiêu đối ngoại là duy trì môi trường hòa bình, độc lập, ổn định để phát triển, Việt Nam sẽ có những đối sách phù hợp với cả hai cường quốc trên.

PV: Ông từng nhận định, việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được coi là một thắng lợi về nhiều mặt. Vậy, chúng ta có nên áp dụng những bài học đó trong tình hình hiện nay?

Ông Dương Danh Dy: Đúng là chúng ta đã có một thắng lợi nhiều mặt, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.

Qua sự kiện này, đã cho chúng ta rất nhiều bài học, trong đó, có 3 bài học chính mà tôi nhận thấy rõ, đó là sự đoàn kết sức mạnh toàn dân.

Không chỉ nhân dân trong nước mà nhân dân ta ở nước ngoài đã cùng đoàn kết, lên tiếng mạnh mẽ để phản đối hành động ngang ngược, sai trái đó của Trung Quốc. Sức mạnh toàn dân sẽ mãi mãi là sức mạnh của thành công, dù khó khăn đến đâu.

Thứ nữa, đó là, chính sách ngoại giao vô cùng linh hoạt của chúng ta khi lên tiếng mạnh mẽ, tận dụng cộng đồng, bạn bè quốc tế cùng lên tiếng để phản đối những hành động của Trung Quốc.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần phải tận dụng có hiệu quả các diễn đàn đa phương của khu vực (ASEAN) hay quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ASEM...

Việc tận dụng đó để đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm gây áp lực với những bước leo thang gây căng thẳng trên Biển Đông mà phía Trung Quốc gây ra.

Một bài học mà tôi thấy chúng ta cần phải chú trọng là bài học về thông tin.

Chúng ta cần phải mạnh dạn đưa ra những thông tin, bằng chứng về hành động ngang ngược, sai trái của Trung Quốc để nhân dân, cộng động quốc tế thấy rõ, ủng hộ Việt Nam.

Điều quan trọng hơn cả mà cá nhân tôi thấy là Việt Nam cần phải tiếp tục đấu tranh khôn khéo để Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền lãnh thổ của chúng ta.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN CHIẾN LƯỢC BỘ CÔNG AN THIẾU TƯỚNG LÊ VĂN CƯƠNG

Kết quả hình ảnh cho thiếu tướng lê văn cươngTrung Quốc muốn khống chế Biển Đông, muốn vươn ra Thái Bình Dương thì không thể đi từ Hải Nam, mà phải tìm kiếm vị trí xây dựng căn cứ quân sự trái phép ở phía nam Biển Đông. Ở vị trí này, về mặt quân sự cũng để chống tiếp cận, nghĩa là không cho phép máy bay, tàu chiến của nước nào đó có thể đi vào Biển Đông và tiếp cận Trung Quốc. Ý đồ của Trung Quốc là như vậy, xây dựng căn cứ quân sự mà cụ thể là sân bay ở bãi đá chìm chiếm của Việt Nam để Trung Quốc có thể sử dụng chiến đấu cơ thế hệ mới của họ. Đây là những việc làm để Trung Quốc hiện thực hóa chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông. Sau khi hoàn thành cải tạo, xây dựng hai căn cứ quân sự đó, họ sẽ đề ra những “luật rừng”, những điều mà các nhà nghiên cứu đã cảnh báo kiểu như là khu vực nhận dạng phòng không ở Biển Đông, rồi yêu cầu các tàu thuyền đi qua khu vực này phải khai báo theo yêu cầu của họ.

Hoàng Đan

(Trí Thức Trẻ)

Không có nhận xét nào: