Những liên hệ tình cảm của Hà Nội với Washington luôn thể hiện tính khí thất thường, đỏng đảnh và lắm lúc quay quắt trong nhiều năm qua, nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn ra một quy luật nào đó từ trong lòng nó.
Đồng điệu nhân quyền
Gần nửa đầu năm 2015, bầu không khí Việt-Mỹ vẫn khá lạnh nhạt, bất chấp cuộc viếng thăm chưa có tiền lệ của một bộ trưởng công an Việt Nam đến Hoa Kỳ vào Tháng Ba. Cũng khác hẳn với sự kiện sáu tù nhân chính trị được thả vào nửa đầu năm 2014, trong đó có những cái tên đáng chú ý như Nguyễn Tiến Trung, Đỗ Thị Minh Hạnh, Cù Huy Hà Vũ, cho tới ngày 7 Tháng Năm khi diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ, phía Việt Nam đã chỉ thả duy nhất một tù nhân lương tâm là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy Mai Thị Dung.
Tình hình nhân quyền nửa đầu năm 2015 là khá đồng điệu với nửa đầu năm 2013, vào lúc chính quyền Việt Nam không chịu thả bất kỳ tù nhân lương tâm nào, thậm chí còn siết bức các hoạt động tôn giáo và bất đồng quan điểm. Cũng vì vậy mà trước đó, cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ đã bị phía Mỹ hoãn lại vào cuối năm 2012. Hoạt động này chỉ được nối lại vào Tháng Tư, 2013 với trưởng đoàn đàm phán là ông Dan Bayer, phụ tá ngoại trưởng Mỹ phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động.
Tuy nhiên, chuyến làm việc của ông Bayer nhiệt tình ở Hà Nội vào Tháng Tư, 2013 đã không mấy có kết quả. Thậm chí ông còn bị ngăn cản khi muốn vào tận bốn bức tường đen đúa để thăm vài tù nhân lương tâm nổi tiếng. Sau khi ông về Mỹ, đến tháng sau và tháng tiếp tới, chính quyền Việt Nam bắt một hơi ba blogger là Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất và Đinh Nhật Uy, tiếp tục đánh dấu một chương bi thảm trong lịch sử “luôn quan tâm và bảo vệ các quyền con người” của nhà nước chỉ có một đảng này.
Điều có thể an ủi vào nửa đầu năm 2015 là cho tới nay, phía chính quyền chưa bắt một nhà báo hay blogger nào, trừ một thanh niên mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa bị khởi tố vì tội “gây rối trật tự công cộng” trong cuộc tuần hành phản đối chặt hạ cây xanh vào Tháng Tư ở Hà Nội. Tuy nhiên, tình hình “bắt ít” như thế cũng không đặc tả được sắc màu tươi sáng đáng kể nào trên bộ mặt nhân quyền của nhà nước Việt Nam.
Con lắc đối ngoại
Sau nhân quyền, đặc điểm thứ hai chắc chắn nằm trong tiêu chí cần đề cập là quan hệ Việt-Trung và thế đu dây của Việt Nam giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu vào nửa đầu năm nay, Chủ Tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã tiến hành một chuyến công du Bắc Kinh trước khi đến Washington gặp Tổng Thống Barak Obama, thì vào nửa đầu năm 2015, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã hoàn tất sứ mệnh “hành hương” Trung Quốc trước khi diễn ra cuộc viếng thăm Hoa Kỳ theo dự kiến của ông chứ không phải của người Mỹ.
Nhưng dù sao, đã có một điểm khác biệt lớn trong thế đu dây của Việt Nam trong hai năm qua là khác với nửa đầu năm 2013, vào nửa đầu năm 2015 đã diễn ra chuyến viếng thăm Hoa Kỳ một cách đột ngột của Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang, với nghi lễ đón tiếp và nội dung làm việc mà phía Mỹ dành cho ông đại tướng này là gần như với một thủ tướng.
Điểm khác biệt trên lại là gương phản chiếu cho một không khí khác biệt rõ rệt hơn: Nếu nửa đầu năm 2013 vẫn chưa hề thấp thoáng bóng dáng tái lập “bình thường hóa” giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà mọi chuyện chỉ bắt đầu từ cuộc gặp giữa ông Sang và ông Obama vào Tháng Bảy, 2013, thì vào nửa đầu năm 2015, quan hệ Việt-Mỹ đã được “nâng lên một tầm cao mới.” Minh chứng cho hiển thị này không phải bởi vì 2015 là năm dấu ấn của 20 năm kỷ niệm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, mà do hàng loạt sự kiện có tính thực chứng và thực dụng hơn như tiến trình TPP đang đi vào giai đoạn kết thúc đàm phán với một cái ghế “không đầy đủ” có thể dành cho Việt Nam, lời hứa hẹn “Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số một ở Việt Nam” mà một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã không ngần ngại bày tỏ, “thành tích” của chính quyền Việt Nam khi thả đến 14 tù nhân chính trị trong năm 2014, và đặc biệt là nhu cầu “nâng cao uy tín trên trường quốc tế” của phe đảng trị bằng một chuyến công du Hoa Kỳ của người đứng đầu đảng sắp về hưu, cùng nhân vật kế vị được ưu ái nhưng đang có nguy cơ bị lu mờ là Ủy Viên Bộ Chính Trị Phạm Quang Nghị.
Ở vào thời điểm này, khi Hội Nghị Trung Ương 11 của đảng cầm quyền tại Việt Nam vừa kết thúc, ưu thế vượt trội của khối đảng so với phe chính phủ càng cho thấy khó có lý do nào đủ thuyết phục để ông Nguyễn Phú Trọng hoãn lại chuyến đi dự kiến của ông đến Mỹ.
Sau gương mặt Nguyễn Tấn Dũng mà đã từng được một số dư luận kỳ vọng là “có đầu óc cải cách” và “ứng cử viên số 1 cho chức tổng bí thư,” có lẽ chưa bao giờ những ứng viên bên đảng như ông Phạm Quang Nghị và cả viên tướng bốn sao Phùng Quang Thanh lại cần đến hình ảnh được tôn tạo trong mắt xanh chính giới phương Tây như hiện nay.
“Anh em xa hơn láng giềng gần”
Nếu chỉ nhìn vào những căng thẳng bề mặt trong mối quan hệ nhân quyền Việt-Mỹ hiện thời, sẽ khó có niềm tin là mọi chuyện trở nên sáng sủa hơn vào nửa cuối năm 2015. Theo đó, kịch bản tối tăm là gần như đương nhiên.
Nhưng bất chấp không khí ghẻ lạnh diễn ra vào nửa đầu năm 2015, một kịch bản khác cũng có thể diễn ra là triển vọng ở nửa cuối năm nay, nếu chuyến đi Mỹ của ông Trọng có thể “mở toang” cánh cửa quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù. Tình hình như thế cũng từng diễn ra vào nửa cuối năm 2013, sau chuyến đi của ông Trương Tấn Sang đến Washington, để sau đó diễn ra hàng loạt cuộc ngoại giao con thoi giữa hai nước cùng tình hình nhân quyền có vẻ “khởi sắc:” Việt Nam bắt đầu thả tù nhân chính trị và tạm “buông” cho một số tổ chức xã hội dân sự độc lập ra đời và hoạt động.
Nếu quy luật đóng-mở của năm 2013 tái hiện, năm 2015 sẽ chứng kiến nửa cuối của nó không đến nỗi quá căng thẳng đối với những người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Thậm chí tình hình có vẻ “êm ả” này sẽ kéo dài đến năm 2016, như đã từng tạo nên dư vị vào năm 2014.
Nhưng vào năm 2015, nhu cầu tiếp cận Mỹ của giới lãnh đạo Hà Nội còn đậm đà hơn hẳn so với hai năm trước đó: Tình trạng kinh tế quá kém được cải thiện, bức tranh đấu đá nội bộ theo lối Blog “Chân Dung Quyền Lực” chưa bao giờ lồng lộn và sắc màu như hiện thời, cùng hàng loạt mầm mống phản ứng xã hội nảy sinh mà có thể đe dọa đến “sự tồn vong của đảng,” đang khiến cả phe đảng trị lẫn khối chính phủ phải tìm lối thoát đối ngoại theo phương châm không tuyên bố: “Anh em xa hơn láng giềng gần.”
Không còn cách nào khác.
Phạm Chí Dũng
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét