Nguyễn Vũ Bình
…công khai hóa là một yếu tố quan trọng của tiến trình cải tổ ở Liên Xô cũ, đưa tới sự sụp đổ của chế độ cộng sản Liên Xô trước đây. Ngày nay, công khai là yếu tố đương nhiên, chỉ bằng một cú click con chuột máy tính mà thôi.
Trong thời gian vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến sức mạnh của sự bùng nổ thông tin mà mạng Internet nói chung và mạng xã hội Facebook nói riêng chuyển tải. Sức mạnh đó có được chính là nhờ hệ thông truyền thông không chính thống, mà có nhiều người gọi là truyền thông lề trái, hay truyền thông lề dân. Truyền thông lề dân là tập hợp những thông tin của người dân đưa ra và chia sẻ trên hệ thống Internet, mà nòng cốt là những người tham gia vào phong trào dân chủ Việt Nam thực hiện và định hướng.
Về mặt kỹ thuật, không ai nghi ngờ vào sức lan tỏa nhanh, mạnh mẽ và rộng khắp của hệ thống Internet, mạng xã hội Facebook ở Việt Nam hôm nay. Nhưng sức mạnh của truyền thông lề dân có được là do đâu ? tức là những yếu tố nào đã tác động đến nhận thức của xã hội và tạo ra những sự chuyển biến tích cực chỉ trong một thời gian ngắn như vậy ? chúng ta sẽ xem xét và phân tích thông qua hai sự việc đánh dấu chuyển biến tích cực do truyền thông lề dân đem lại. Đó là việc tỷ phú ve chai nhặt được 5 triệu yên Nhật Bản trình báo và vụ việc chặt hạ, tàn sát cây xanh ở Hà Nội.
Điều đầu tiên, sức mạnh của truyền thông lề dân có được là do thông tin được chuyển tải chứa đựng sự thật. Sự thật chính là sức mạnh trong xã hội toàn trị cộng sản ở Việt Nam, nơi sự thật bị bưng bít và bóp méo. Sống trong xã hội cộng sản, mới chỉ cách đây dăm năm thôi, tất cả đều phải thừa nhận, đó là xã hội bưng bít thông tin, bưng bít sự thật và dối trá khủng khiếp. Sự dối trá như bóng đêm bao phủ cả một xã hội. Nhưng từ khi có Internet, nhất là từ khi có mạng xã hội Facebook, thì sự thật đã được chia sẻ, chuyển tải và được tôn vinh. Sự thật như ánh sáng mặt trời xua tan màn đêm dối trá trong xã hội toàn trị cộng sản. Trở lại với hai sự việc nêu trên, sự thật là chị Hồng (người được gọi là tỷ phú ve chai) đã nhặt được 5 triệu yên Nhật và trình báo với cơ quan công an. Sự thật này khi được chuyển tải trên mạng xã hội đã đóng đinh vào sự kiện, không thể thay đổi, bóp méo được nữa. Chúng ta từng biết đến những sự bóp méo kỳ lạ của sự thật như chánh thanh tra sở Y tế Kon-Tum, bổ cuốc vào đầu một phụ nữ sau đó biến thành việc giơ cuốc lên chẳng may va phải đầu người dân ; hoặc vụ việc hai phó gám đốc sở Nội vụ và Ngoại vụ tỉnh Bình Phước choảng cốc bia vào đầu nhau biến thành nâng cốc chúc mừng không may va vào đầu chảy máu…vụ việc tàn sát, chặt hạ cây xanh ở Hà Nội tính chất hơi khác một chút, đó là sự thật được phanh phui sau những dối trá của các cơ quan công quyền : chặt cây còn khỏe, tốt, chứ không phải cây sâu, mọt ; số lượng cây chặt trong mấy ngày là 2000 cây, chứ không phải 500 cây ; cây trồng mới thay thế là cây Mỡ, chứ không phải Vàng Tâm như họ nói…
Yếu tố không kém phần quan trọng trong truyền thông lề dân được chia sẻ và chuyển tải, đó là chân lý, là những nhận thức đúng đắn, là cách thức giải quyết hợp lý hợp tình. Khi có một thẩm phán, đưa công khai cách thức giải quyết vụ việc của người phụ nữ nhặt được 5 triệu yên bằng các quy định pháp luật, hoàn toàn không dính dáng gì tới cơ qan công an, thì dư luận, mọi người mới hiểu được đáng ra đã được giải quyết hết sức đơn giản thông qua Nghị định số 96/2009 về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, chìm đắm…do sở tài chính thành phố (tỉnh) tiếp nhận và xử lý. Như vậy, với những nhận thức đúng, cách giải quyết hợp lý hợp tình, được đông đảo dư luận ủng hộ, cuối cùng vụ việc cũng đã được xử lý theo hướng tích cực cho người phụ nữ bán ve chai.
Sự quan tâm đông đảo của cộng đồng mạng, ủng hộ sự thật, chân lý và tình người là yếu tố quan trọng không thể thiếu của truyền thông lề dân. Trong cả hai vụ việc, chị bán ve chai nhặt được tiền và vụ tàn sát cây xanh ở Hà Nội, sự quan tâm theo dõi sát sao của cộng đồng mạng là yếu tố quan trọng, là sức ép đối với các cơ quan chức năng khi giải quyết vụ việc. Sự bàn luận, tranh cãi trên không gian mạng càng làm tăng uy thế của sự thật, của chân lý cũng như tình người lên một tầm cao mới. Và chúng ta đều đã thấy, các cơ quan chức năng, nhà cầm quyền Việt Nam đã không thể bất chấp dư luận để ra những quyết định có lợi cho mình, đẩy người dân về phần thiệt thòi nữa. Những tin mừng vừa được loan ra trong mấy ngày qua, chị ve chai sẽ được nhận lại số tiền 5 triệu yên nhặt được do không có ai chứng minh được sở hữu hợp pháp. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra kết luận thanh tra vụ việc vi phạm trong chặt hạ, tàn sát cây xanh ở Hà Nội. Mặc dù, trong quyết định thanh tra còn nhiều điều chướng tai, gai mắt (ví dụ kết luận không có lợi ích nhóm, tham nhũng trong vụ việc), hoặc việc xử lý chắc chắn sẽ không động chạm đến những kẻ chủ mưu, thực tế đứng đầu vụ việc nhưng như thế cũng là một thắng lợi quan trọng của truyền thông lề dân. Cũng cần nói thêm rằng, thắng lợi của vụ việc ngăn chặn tàn sát cây xanh có công lao rất lớn của người dân yêu cây xanh thủ đô, và những người thuộc phong trào dân chủ Việt Nam, có những người đã phải đổ máu cho sự việc này.
Không thể không nhắc tới một yếu tố bị chìm lấp, nhưng vô cùng quan trọng. Đó là sự công khai thông tin. Đây là yếu tố bị chìm lấp, bởi vì khi thông tin được đưa lên không gian mạng, đương nhiên thông tin đó được công khai ngay lập tức. Chúng ta biết rằng, công khai hóa là một yếu tố quan trọng của tiến trình cải tổ ở Liên Xô cũ, đưa tới sự sụp đổ của chế độ cộng sản Liên Xô trước đây. Ngày nay, công khai là yếu tố đương nhiên, chỉ bằng một cú click con chuột máy tính mà thôi.
Hà Nội, ngày 22/5/2015
Nguyễn Vũ Bình
Theo RFA, 22/05/2015 (nguyenvubinh’s blog)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét