Không đáp ứng sự trông đợi
Bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc trước cuộc diễn binh mừng ngày 30 tháng Tư được cho là không đáp ứng sự trông đợi của hàng triệu người trong và ngoài nước trong dấu mốc thời gian 40 năm sau ngày thống nhất.
Từ nhiều tháng trước Sài Gòn chứng kiến cảnh nhộn nhịp chuẩn bị ngày lễ kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước mà chính quyền vẫn gọi là ngày giải phóng. Tâm lý chờ đợi một điều gì đó khác với 39 lần trước sẽ xảy ra từ phía chính quyền đã làm không ít người nôn nóng và tâm lý ấy dành hẳn cho bài diễn văn quan trọng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người đọc lên không những cho gần 90 triệu đồng bào trong nước mà còn gửi tới một thông điệp cho hơn ba triệu đồng bào hải ngoại, những người trực tiếp có dính líu tới cuộc chiến mà 40 năm vể trước đã đứt ruột bỏ nước ra đi.
Tâm lý ấy khiến hàng triệu người lắng nghe và thầm hy vọng rằng Thủ tướng sẽ có những lời lẽ đột phá như ông đã từng làm vài lần trước đây và niềm hy vọng ấy kéo dài nhiều ngày cho tới sáng ngày 30 tháng 4 năm 2015.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống từ Hà nội cho biết nhận xét của ông khi nghe bài diễn văn này:
“Tôi đoán chắc rằng cái lời phát biểu này không phải là chính ông Dũng nói mà chắc là phải thông qua Bộ Chính trị. Và vì chuyện như thế thành ra có những điều mà tôi mong đợi thì ông Dũng không nói tới. Phần lớn vẫn thổi lại điệu dèn ò e í e như trước nay cộng sản họ vẫn nói thôi chứ chưa thấy một cái gì mới mẻ cả.”
Bên cạnh việc nhắc lại những thành tựu quen thuộc, một nỗi thất vọng lớn lao tràn ngập khi câu chữ được dùng trong bài diễn văn quan trọng này không khác một mảy may nào so với 40 năm về trước khi người Sài Gòn lần đầu tiên nghe trên đài phát thanh và ở những buổi họp tổ dân phố sau khi bộ đội kéo vào tiếp quản Sài Gòn. Cụm từ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” được lập lại trong không khí lắng đọng đã làm cho hàng triệu tiếng thở dài từ trong cũng như ngoài nước nổi lên.
“Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, quân và dân cả nước đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên cường, sáng tạo, anh dũng chiến đấu, hy sinh, lập nên những chiến công oanh liệt, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975”
Nữ nghệ sĩ Kim Chi, người theo dõi trực tiếp bài diễn văn đã cay đắng nói với chúng tôi:
“Tôi nghĩ đã đến giai đoạn sang trang vì đã 40 năm rồi, người Mỹ người ta không có ý định gì xấu với Việt Nam nữa hết mà người ta lại đang hết lòng muốn giúp đỡ, tại sao lại còn làm ra như thế? Tại sao phải khuếch trương cái thắng lợi ấy làm gì để khoét thêm nỗi đau của những người anh em ruột thịt mình. Bây giờ người ta đã ở xa rồi người ta cũng muốn quay về nhưng mà với thái độ như thế cứ tự ca mình chiến thắng hoài thì làm sao mà hòa hợp được dân tộc.”
Trong bài diễn văn dài 25 phút ngoài các chi tiết nhắc tới những chiến thắng vang dội hay thành tựu kinh tế và phát triển quen thuôc, giới quan sát chú ý tới các điểm mà đồng bào trong và ngoài nước chờ đợi đã không được Thủ tướng đáp ứng. Vấn đề cốt lõi nhất là công cuộc hòa giải giữa chính quyền và đồng bào hải ngoại. Trong bài diễn văn cũng được Thủ tướng nhắc tới nhưng chủ thể đã lệch sang một hướng khác. Thủ tướng Dũng cho rằng: “đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài, mỗi người chúng ta hãy nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc, vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân”.
Chưa bao giờ cần hòa giải?
Thực tế cho thấy đồng bào trong và ngoài nước chưa bao giờ cần hòa giải vì họ chưa khi nào hành hạ, giết chóc hay bắt bớ giam cầm lẫn nhau. Đối tượng cần được hòa giải là Chính quyền và đồng bào hải ngoại. Bài diễn văn quan trọng này đã sai sót khi quên chủ thể là Chính phủ, hay Đảng Cộng sản Việt Nam khi nói đến vấn đề hòa giải.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng có lẽ là người chờ đợi câu nói hòa giải từ người đứng đầu chính phủ nhất, bởi ông là người từng bỏ nước ra đi nay đã quay về giúp Việt Nam đào tạo hàng trăm Tiến sĩ cũng như thạc sĩ cấp quốc tế, ông chia sẻ:
“Bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong ngày lễ 30 tháng 4 hôm qua cái vấn để hòa giải hòa hợp dân tộc lẽ ra nên đặt vào dịp này để đáp ứng yêu cầu của rất đông người trông đợi, nhất là anh chị em trí thức. Một điểm nữa tôi cũng hơi ngạc nhiên là không thấy Thủ tướng đề cập tới vấn đề bảo vệ biển đào của Việt Nam nhất là phía Trung Quốc họ đang kiến tạo những pháo đài, sân bay quân sự mà những nhà học giả người ta nói là có khả năng Trung Quốc sẽ dần dần tiến tới kiểm soát toàn bộ Biển Đông.”
Trong thời gian gần đây trước sự o ép ngày càng mạnh của Trung Quốc, họa ngoại xâm chừng như sẽ xảy ra bất cứ giờ phút nào đã khiến đảng Cộng sản Việt Nam cần tới sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực nhằm cân bằng, đối trọng với sự lớn mạnh của Trung Quốc. Hàng chục cuộc viếng thăm cấp cao của hai nước đã diễn ra và sắp tới là chuyến công du chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thật ngạc nhiên khi Thủ tướng NguyễnTấn Dũng nhắc lại những gì mà trong chiến tranh Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ miền Bắc vẫn nhắc đi nhắc lại hàng ngày, ông nói:
“Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam có quyền thực hiện khát vọng thiêng liêng của mình là được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc và có quan hệ bình đẳng, hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng Đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, đàn áp tàn bạo Cách mạng miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc. Chúng đã gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta. Tổ quốc ta đã phải trải qua những thử thách cực kỳ nghiêm trọng.”
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan tại Úc, đã rất nhiều lần về Việt Nam giúp cho ngành y khoa trong nước những kinh nghiệm mà ông có được trong vai trò của một Giáo sư y khoa. Giáo sư Tuấn chia sẻ:
“Nói một cách công bằng khả năng rất cao là ông Thủ tướng không phải là người chấp bút để viết cái bài diễn văn đó. Rất có thể một người phụ tá của ông ấy đã viết mà phụ tá thì họ xem cái việc viết diễn văn như một cái nghề của họ và họ đã quen dùng từ ngữ rất là quen thuộc thành ra trong bài diễn văn đó có những chữ như “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào..rồi tội ác dã man, rồi đế quốc Mỹ...” tôi rất ngạc nhiên về chữ đế quốc Mỹ, thực dân mới, những từ ngữ mà người ta đã nghe cả 40 năm nay rồi.
Ai viết không cần biết nhưng ông Thủ tướng đúng ra đọc thành ra người ta chỉ biết là ông Thủ tướng thôi. Tôi rất ngạc nhiên vì thấy trong bài ông Thủ tướng có những đoạn rất là gay gắt với Mỹ mà Mỹ thì họ lại đang có mối quan hệ ngoại giao rất tốt với Việt Nam mình. Nếu tôi nhớ không lầm thì năm nay kỷ niệm 20 năm nối lại bang giao Việt Mỹ. Mỹ còn đã và đang giúp Việt Nam rất nhiều như giáo dục, khoa học thậm chí quân sự nữa thành ra tôi rất ngạc nhiên. Từ trước tới nay tôi vẫn nghĩ ông Thủ tướng là người khá cởi mở trong giới lãnh đạo Việt Nam vì ông có vẻ muốn đối thoại. Tôi rất ngạc nhiên vì ngôn ngữ của ông ấy thiếu tính ngoại giao.”
Đồng bào trong và ngoài nước cùng nhận ra rằng dù dưới lý do nào thì bài diễn văn đã mang tới cho tất cả mọi công dân Việt Nam một thông điệp rất rõ ràng: Chính phủ Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định lập trường: “Mỹ trước sau như một vẫn là kẻ xâm lược và chế độ Sài Gòn sau 40 năm vẫn là chế độ ngụy”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét