Pages

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Tình hình biển Đông căng thẳng với một loạt biến động gần đây

Ảnh chụp từ vệ tinh, được CSIS công bố vào ngày 17/3/2015, cho thấy hoạt động xây dựng đang được gấp rút thực hiện tại Đảo Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Một dãy đất nhân tạo, đê chắn biển và nhiều công trình mới trên đất đã hình thành. (Nguồn: CSIS)

Trong vòng một tháng vừa qua, sau khi Trung Quốc chính thức công bố kế hoạch xây dựng và cải tạo các đảo nhân tạo trên cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tình hình tại biển Đông lại tiếp tục căng thẳng với nhiều diễn biến khác.

1. Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng muốn kiểm soát toàn bộ biển Đông



Từ cuối năm 2014, Trung Quốc đã tăng tốc bồi đắp 7 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. Bên cạnh đó, Trung Quốc lại tiếp tục mở rộng diện tích 2 hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Tiếp đến, hồi tháng Tư vừa rồi, trang Popular Science đưa tin Trung Quốc đang chuẩn bị xây các đảo nổi nhân tạo để phục vụ cho các mục đích dân sự và quân sự trên biển Đông.

Vào cuối tháng Tư năm nay, Trung Quốc bắt đầu triển khai giàn khoan nước sâu Hưng Vượng đến biển Đông. Bên cạnh đó, hồi đầu tháng Năm này, Cảnh sát biển Việt Nam xác nhận giàn khoan Hải Dương 981 đang được các tàu vận tải, hộ tống kéo trên biển Ðông, gần vùng biển của Việt Nam. Mặc dù, có nguồn tin cho rằng, giàn khoan Hải Dương đang được tiến hành bảo dưỡng và kiểm tra kỹ thuật trước khi chuyển sang hướng Ấn Độ Dương, nhưng trên thực tế, nó đã được thả trôi sâu vào thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý.

Trung Quốc cũng không ngần ngại tuyên bố “có quyền thiết lập ADIZ” (ADIZ: Vùng nhận dạng Phòng không) trên Biển Đông, và “việc có lập ADIZ hay không phụ thuộc vào an ninh vùng trời của chúng tôi có bị đe dọa không và mức độ tới đâu”. Mặc dù chưa chính thức thiết lập ADIZ nhưng Trung Quốc đã từng bước tạo dựng một bộ khung cho ADIZ dựa vào hệ thống sân bay và các tiền đồn quân sự mà nước này không ngừng mở rộng tại các đảo nhân tạo trên biển Đông.

Đô đốc Samuel Locklear, Tổng Tư lệnh của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, đã nhấn mạnh về mối quan ngại trên vào ngày 15/4 rằng các dự án của chính quyền Trung Quốc “cuối cùng có thể dẫn đến việc triển khai những thứ như các loại radar tầm xa, các hệ thống quân sự và tên lửa tiên tiến”, và các hệ thống này có thể được sử dụng để bảo vệ một khu vực phòng thủ trên không mới.

Gần đây nhất, vào hôm qua (16/5), hãng thông tấn Tân Hoa Xã, công cụ phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đưa tin Trung Quốc thông báo áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá trong vòng 2 tháng rưỡi, có hiệu lực từ 12 giờ trưa ngày 14/5 đến 12 giờ trưa ngày 1/8, với lý do “nỗ lực hồi phục nguồn tài nguyên biển.”

Khu vực mà Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá nằm trong phạm vi từ 12 độ vĩ bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.

Lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với cả các tàu cá Trung Quốc và các tàu cá nước ngoài. Tuy nhiên, các tàu thuyền “có giấy phép” đánh bắt ở khu vực thuộc quần đảo Trường Sa vẫn được phép hoạt động.

Ngoài ra, Tân Hoa Xã cũng nhấn mạnh rằng, trong thời gian áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, “Trung Quốc sẽ tăng cường sử dụng các tàu chấp pháp để giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm.”

Những hành động này của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của dư luận quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngang nhiên bác bỏ mọi cáo buộc rằng nước này đang có mưu đồ độc chiếm biển Đông.

Hôm 15/4, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đưa ra lập luận rằng những hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc “không gây ảnh hưởng hoặc nhằm vào một nước nào khác, hoặc đe dọa an ninh của các tuyến hàng hải quốc tế và các hoạt động đánh bắt.”

Theo Reuters, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong nội dung bản báo cáo của Lầu Năm Góc được ban hành hôm 8/5, từ tháng 12/2014 cho đến nay, tổng diện tích các tiền đồn quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo tại biển Đông đã tăng 4 lần. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng diện tích tại các đảo mà họ chiếm giữ khoảng 400 lần.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bác bỏ các nội dung trong bản báo cáo này và nói rằng bản báo cáo làm “ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai quốc gia”, và rằng “nhiều sự kiện đã bị bỏ qua”, đồng thời có “nhiều định kiến về ‘mối đe dọa quân sự của Trung Quốc.’”

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố chính thức trên trang web của mình rằng, “Trung Quốc luôn tôn trọng con đường phát triển hòa bình.”

Một mặt, Trung Quốc luôn khẳng định sẽ giải quyết các mâu thuẫn về tranh chấp tại biển Đông theo với các nước có liên quan trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Mặt khác, theo lời bà Hoa Xuân Oánh phát biểu trong cuộc họp báo ngày 9/4, Trung Quốc sẽ sử dụng các đảo nhân tạo để phục vụ mục đích dân sự và cả “đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự của Trung Quốc.”

  Trung Quốc đang từ từ chuyển dần từ mục tiêu củng cố tuyên bố chủ quyền trong nhiều thập kỷ qua sang mục tiêu thống trị toàn bộ biển Đông.
Trong một bài viết trên tạp chí National Interest hôm 12/5, ông Richard Javad Heydarian, giảng viên quan hệ quốc tế và khoa học chính trị, đại học De La Salle, Manila, Philippines, đưa ra nhận định rằng, “Không còn giấu đi móng vuốt, không còn ẩn mình chờ thời, không còn nghi ngờ gì nữa khi Trung Quốc chuẩn bị bước sang một kỷ nguyên mới của sự quyết đoán.”

Theo ông Heydarian, Trung Quốc dần dần tích lũy và tăng cường năng lực để hoàn toàn đánh bật các quốc gia Đông Nam Á khác có tranh chấp tại các hòn đảo đang nằm dưới sự kiểm soát của họ.

2. Phản ứng của Mỹ và các bên liên quan

Trước những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc tại biển Đông, Việt Nam và các nước có liên quan đến khu vực tranh chấp trên biển Đông đều tỏ rõ sự quan ngại và có những phản ứng gay gắt nhằm phản đối và ứng phó với các động thái tiếp diễn của Trung Quốc. Ngoài ra, dư luận quốc tế, đặc biệt là Mỹ, cũng đã có những phản ứng và hành động cụ thể can thiệp vào tình hình đang diễn ra tại biển Đông.

Theo Reuters, hôm qua (16/5), trong một cuộc gặp riêng giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị không thể hiện bất kỳ thỏa hiệp nào, bất chấp việc ông Kerry hối thúc Trung Quốc phải có hành động cụ thể làm giảm sự căng thẳng trên biển Đông. Ngoại trưởng John Kerry nói rằng:

  Luật pháp quốc tế không cho phép việc “tạo ra” chủ quyền bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo trên các rặng san hô nằm dưới biển.
Ông Vương nói, “Tôi muốn khẳng định lại một lần nữa rằng quyết tâm của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vững như bàn thạch. Đó là yêu cầu của người dân đối với chính phủ và cũng là quyền hợp pháp của chúng tôi.”

Đồng thời, Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại trước việc Mỹ lên kế hoạch điều tàu và máy bay quân sự trong phạm vi 12 hải lý quanh các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, nhằm đảm bảo “sự tự do hàng hải tại một khu vực quan trọng đối với thương mại thế giới.”

Trước đó, theo thông cáo của Hải quân Mỹ hôm 12/5, tàu chiến Forth Worth đã tới vịnh Subic, Philippines, để tiếp dầu, sau một tuần tuần tra ở vùng biển và không phận quốc tế gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên một tàu tác chiến ven biển của Hải quân Mỹ hoạt động tại vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa.

Các hành động cụ thể của Mỹ tại khu vực biển Đông được thực hiện sau một loạt những phản ứng của nhiều nghị sĩ và chuyên gia Mỹ về tình hình tại khu vực. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain yêu cầu chính quyền xem lại các kế hoạch hợp tác an ninh với Trung Quốc, rút lại lời mời nước này tham dự cuộc tập trận chung hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC 2016.

Hôm 11/5, hãng tin Bloomberg dẫn lời Ngoại trưởng Úc Julie Bishop trong một cuộc phỏng vấn tại thủ đô Canberra yêu cầu Trung Quốc không thành lập một Vùng nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Đông và giảm căng thẳng tại khu vực biển Đông.

Bà Bishop nói, “Các tuyến đường thương mại quan trọng của chúng tôi đều đi qua Ấn Độ Dương và tới phía bắc, vì thế chúng tôi hy vọng các quốc gia giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không thực hiện các hành động đơn phương. Chúng tôi đã bày tỏ quan điểm của mình công khai và riêng với các nước liên quan.”


Malaysia và Indonesia là hai nước gần như giữ thái độ im lặng trước các hành động lấn chiếm của Trung Quốc tại biển Đông. Tuy nhiên, hiện nay hai nước này cũng đã bắt đầu có những phản ứng thận trọng đối với tình hình căng thẳng trong khu vực. Cụ thể, cả Malaysia và Indonesia đã đề xuất và tham gia các cuộc tập trận hoặc tuần tra chung trên biển cùng lực lượng Hải quân Mỹ.

Philippines là nước có nhiều phản ứng mạnh mẽ phản đối lại các hành động gần đây của Trung Quốc. Nước này đang ngày càng thắt chặt mối quan hệ về an ninh quân sự với Mỹ. Ngoài ra, Philippines cũng đang có ý định xây dựng một căn cứ hải quân ven biển tại vịnh Oyster, cách quần đảo Trường Sa 160 km.

Xem thêm:
Biến động tại biển Đông cũng đã tạo điều kiện để Nhật Bản trở thành một đồng minh quân sự quan trọng của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Ngày 14/5, nội các Nhật Bản đã thông qua một gói dự luật an ninh cho phép mở rộng đáng kể quy mô các hoạt động quân đội nước này ở nước ngoài, trong đó có việc thực thi quyền phòng vệ tập thể. Một trong những điểm quan trọng là dự luật này cho phép quân đội Nhật Bản mở rộng sự hỗ trợ hậu cần không chỉ cho quân đội Mỹ, mà còn cho các quân đội nước ngoài khác. Ngoài ra, dự luật còn cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể ở quy mô hạn chế, và hỗ trợ đồng minh bị tấn công vũ trang ngay cả khi nước này không bị tấn công.

Ngày 14/5, nội các Nhật Bản đã thông qua một gói dự luật an ninh cho phép mở rộng đáng kể quy mô các hoạt động quân đội nước này ở nước ngoài

Theo lời của Bộ trưởng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản hiện cực kỳ căng thẳng. Để bảo đảm hòa bình và ổn định, nước này cần phải tăng cường liên minh Nhật-Mỹ cũng như tăng cường lòng tin và hợp tác giữa các đối tác trong khu vực.

Những thay đổi này sẽ mở đường để giúp Nhật đóng vai trò lớn hơn trong mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Nhật, đặc biệt là trong việc đối mặt với sự leo thang quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực biển Đông.

Hướng Dương tổng hợp
Theo Đại Kỷ Nguyên

Không có nhận xét nào: