Chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam nhằm kỷ niệm ngày 30/4 đã nhận phải sự chỉ trích từ cư dân mạng sau khi dạy cho thanh niên cách nhồi thuốc nổ C4 vào bên trong bánh giò giống du kích cộng sản trong thời chiến.
Chương trình 'Theo bước cha ông', do kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam thực hiện, nói về "những kỳ tích của dân tộc" nhằm giúp thể hệ trẻ "trân trọng quá khứ, kế tục trong hiện tại và phát triển tương lai", theo một thông cáo giới thiệu chương trình.
"Trên hành trình, người xem sẽ cùng hai nhân vật trải nghiệm tìm hiểu những câu chuyện về những công việc thầm lặng góp phần không nhỏ cho ngày toàn thắng của dân tộc".
Trong tập 4 của 'Theo bước cha ông', hai thanh niên trẻ dẫn chương trình đã gặp mặt các cựu 'giao liên' cộng sản tại Đà Nẵng để học cách nhào nặn và giấu thuốc nổ C4 trong bánh giò, báo Vietnamnet đưa tin.
Vietnamnet gọi thủ thuật này là "minh chứng cho thấy sự khéo léo, thông minh của nhân dân ta trong cuộc chiến giành hòa bình, thống nhất đất nước'.
Trong tập này, các cựu du kích cộng sản chỉ dẫn một cách tỉ mỉ cho hai thanh niên dẫn chương trình cách ngụy trang thuốc nổ C4.
"Luộc lá, luộc bánh, nặn thuốc nổ C4 cho giống bánh, rồi lấy lá gói lại", một người nói, đồng thời cho biết việc chuẩn bị C4 được "làm bằng tay".
"Cái thật và cái giả khá là giống nhau, nhưng cái bánh giả nặng hơn khá nhiều so với bánh thật vì có thuốc nổ bên trong, không phải gạo," một người dẫn chương trình nói.
"Sau đây tôi và Lan Anh (người dẫn chương trình còn lại) sẽ trải nghiệm một công việc khá là thú vị", người này nói tiếp.
"Đó là gói chiếc bánh giả, bên trong là nhân thuốc nổ C4".
'Hành động khủng bố'
Trên Facebook của BBC tiếng Việt ngày 1/5, nhiều ý kiến bình luận đã chỉ trích việc chương trình của kênh Quốc phòng Việt Nam giới thiệu cách ngụy trang thuốc nổ.
"Học gì không học, học làm khủng bố", nick Lê An bình luận.
"Những cái thứ đó phải bị loại khỏi cuộc sống loài người mới phải chứ", nick Long An, viết.
Trả lời BBC ngày 1/5, blogger Nguyễn Lân Thắng gọi cảnh tượng nói trên là "vô cùng phản cảm".
"Cộng đồng mạng đã phản ứng rất dữ dội sau khi đài truyền hình Quốc phòng Việt Nam dạy thế hệ trẻ nhồi thuốc nổ vào bánh giò", ông nói.
"Những thủ thuật đánh du kích đó nếu theo tiêu chuẩn quốc tế bây giờ thì có thể gọi là hành động khủng bố".
"Vậy mà vẫn rêu rao, tuyên truyền cho thế hệ trẻ, theo tôi rất là không nên".
Hồi năm ngoái, một bộ phim nhằm mục đích tuyên truyền do nhà nước Việt Nam thực hiện cũng không đón nhận được sự ủng hộ từ công chúng.
Bộ phim 'Sống cùng lịch sử' của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân có nội dung ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được đầu tư đến 21 tỷ đồng, đã phải ngưng chiếu vì không bán được vé.
"Đến thời gian này, những phản ứng của dư luận nói chung khác rất nhiều so với vài năm trước do sự phát triển của mạng xã hội, Internet, mạng 3G", ông Thắng nói.
"Người dân được tiếp cận những thông tin mà họ chưa bao giờ biết. Họ dần nhận ra sự phi lý của chiến tranh và những mất mát của hai phía".
"Đó là lý do sự tuyên truyền về chiến tranh Việt Nam ở trong nước hiện nay bắt gặp những phản ứng như vậy", ông nói thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét