Sau hơn ba năm phải thụ những mức án tù nặng, nhóm thuộc Hội Đồng Công Luật Công Án Bia Sơn đồng lòng làm đơn yêu cầu Giám đốc thẩm vì họ tiếp tục cho rằng bị hàm oan.
Yêu cầu Giám đốc thẩm
Người đứng đơn gửi chánh án tòa án nhân dân tối cao yêu cầu tiến hành giám đốc thẩm cho nhóm 25 người thuộc Phật phái Ân Đàn Đại Đạo là bà Võ thị Thanh Thúy, vợ ông Phan Văn Thu, hay Trần Công. Ông này là người sáng lập và cũng là người bị án cao nhất mức chung thân.
Bà Võ thị Thanh Thúy trước khi ra Hà Nội để nộp đơn trong tháng 6 cho biết như sau:
“Thời gian dài hơn 3 năm rồi mà không thấy họ đụng chạm, quan tâm gì đến vụ án của mình hết cho nên ông xã trong đó; mà không chỉ ông xã tất cả những người trong đó đều làm đơn qua sự giúp đỡ của cán bộ trong trại. Tất cả anh em trong trại tù ở nơi họ ở đều cho biết người ta biết chuyện án của mình nên cũng giúp đỡ lắm! Từ đó người thân ở nhà cũng đồng lòng viết đơn để gửi lên. Vì ở dưới này họ xử mình oan ức, nên mình muốn đến một nơi cao hơn, mong sự chiếu soi của họ xem xét lại vụ án của mình. Tôi mong mỏi một điều được giải oan cho tất cả mọi người.”
Vì ở dưới này họ xử mình oan ức, nên mình muốn đến một nơi cao hơn, mong sự chiếu soi của họ xem xét lại vụ án của mình. Tôi mong mỏi một điều được giải oan cho tất cả mọi ngườiBà Võ thị Thanh Thúy
Bà vợ của ông Võ Thành Lê, một trong những người thuộc nhóm bị kết án thuộc Hội Đồng Công luật Công án Bia Sơn, cũng trình bày việc phải làm đơn giám đốc thẩm trong vụ án này:
“Gia đình chúng tôi nằm trong Hội Đồng Công án Bia Sơn chịu sự oan nghiệt. Bây giờ không phải như ở nước tự do mà chồng tôi là tù chính trị nên chúng tôi cũng muốn cho biết về vấn đề tu hành, và cho anh em trong tù được trả tự do. Mong xét lại vì chúng tôi không có làm gì hết chỉ có lập đạo tu hành mà thôi.”
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu tù nhân lương tâm từng bị giam chung với một số thành viên của phái Ân Đàn Đại Đạo tại trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam, bày tỏ hoan nghênh về việc những người trong cuộc làm đơn giám đốc thẩm vì họ không làm gì nên tội theo như cáo buộc từ phía cơ quan chức năng:
“ Tôi rất đồng ý với việc xin giám đốc thẩm của vợ ông Trần Công. Đây là một vụ án rất oan, oan sai vô cùng. Thực ra họ không làm chính trị, không hoạt động dân chủ nhân quyền, họ chỉ là những người thực hành đạo giáo thôi. Mà đạo giáo này do ông Trần Công sáng lập ra.”
Xử oan
Những người bị bắt trong vụ án Hội đồng Công Luật Công án Bia Sơn chỉ qua một phiên sơ; gần như trọn một năm sau khi cơ quan chức năng ập vào khu sinh thái Đá Bia phong tỏa và bắt đi những người bị cho là chủ chốt.
Tôi rất đồng ý với việc xin giám đốc thẩm của vợ ông Trần Công. Đây là một vụ án rất oan, oan sai vô cùng. Thực ra họ không làm chính trị, không hoạt động dân chủ nhân quyền, họ chỉ là những người thực hành đạo giáo thôiNhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa
Vợ của ông Võ Thành Lê cho biết lại trong phiên sơ thẩm tất cả những bị cáo đều không được trình bày gì:
“ Xử oan, xử bắt buộc không cho mình trình bày những gì mà mình làm. Họ chỉ ép mình vào ‘thế’ của họ thôi.”
Bà Võ thị Thanh Thúy cũng trình bày lại lý do vì sao không có kháng án để phúc thẩm mà nay lại làm đơn giám đốc thẩm:
“ Sau khi họ phán bản án tại tòa đến nay mình mới làm việc này là đầu tiên. Hơn nữa mình cũng không rành về vấn đề luật pháp Lúc mới xử nhìn vào bản án ai ai cũng sợ hết; thấy mục đề ‘lật đổ chính quyền’ nên ai cũng sợ. Sau thời gian dài, họ thấy vụ án cũng lớn nên tìm ra thực hư như thế nào! Sau khi thấy oan ức nên họ cũng giúp cho mình, các luật sư cũng vui vẻ lắm. Họ giúp cho mình cách viết đơn để gửi đi. Mình đưa bản án và tường trình hết các sự việc xảy ra. Họ nương theo đó viết đơn cho mình theo đúng luật của Nhà nước Việt Nam.”
Ân Đàn Đại đạo và tín đồ
Ân Đàn Đại Đạo được ông Phan Văn Thu/Trần Công sáng lập từ năm 1969. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, giáo phái này phát triển từ miền trung xuống đến khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Vào lúc phát triển nhất đã có 14 ngôi chùa và hằng chục nghìn Phật Tử. Những người theo giáo phái này có Cửu Kinh Minh Triết là giáo lý.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sau một thời gian chung sống trong tù với một số tín đồ Ân Đàn Đại Đạo, đưa ra nhận xét về họ cũng như những tâm tình của họ với ông:
Sau khi họ phán bản án tại tòa đến nay mình mới làm việc này là đầu tiên. Hơn nữa mình cũng không rành về vấn đề luật pháp Lúc mới xử nhìn vào bản án ai ai cũng sợ hết; thấy mục đề ‘lật đổ chính quyền’ nên ai cũng sợBà Võ thị Thanh Thúy
“ Họ hiền lành, tử tế lắm. Và thực ra họ sống rất khép kín. Tôi cũng trao đổi với họ rằng bản án oan uổng như vậy nếu như 1-2 năm còn chờ đợi được chứ toàn từ 10 đến 15 năm oan uổng như vậy tại sao không nói gia đình khiếu kiện. Họ cũng nói rằng giống như Phật dạy là bông sen càng gần bùn thì càng sáng, càng đẹp nên chúng tôi cũng chịu. Và theo như lời của ông thủ lĩnh thì cộng sản không thể tồn tại đến năm 2016, 2017 đâu nên không khiếu nại vụ án, chỉ chờ đến khi lời tiên tri của Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm thành thì ra thôi. Họ còn khẳng định anh cứ ra trước đi và chắc chắn chúng tôi sẽ ra sau.
Niềm tin của họ tôi không dám phê phán nhưng tình trạng xã hội, chính trị của Việt Nam như thế này thì tôi e rằng niềm tin của họ không thể thực hiện được và nếu để nguyên thì họ bị một án tù quá oan uổng!”
Trong nhóm 25 người thuộc Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn bị bắt và kết án tù đa phần là những người trên 50 tuổi, có 10 người trên 60 tuổi. Ngoài ông Phan Văn Thu/Trần Công bị kết án tù chung thân; tổng số năm tù của những người còn lại là 309 năm và 110 năm quản chế.
Lý do họ bị tòa tỉnh Phú Yên tuyên những mức án nặng như thế vì có 22 người bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, và 3 người bị buộc tội tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ.
Trước khi bị bắt những người này tham gia xây dựng Khu Du lịch Sinh Thái Đá Bia tại khu vực Đèo Cả, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Dù chưa hoàn thành nhưng đây là nơi được nhiều người đến tham quan. Từ khi vụ án nổ ra, cơ quan chức năng phong tỏa và bỏ hoang phế khiến người trong cuộc hết sức đau lòng vì bao công khó bỏ ra bị xóa sạch thế rồi lại còn bị rơi vào vòng lao lý
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét