Việc ông Obama được trao quyền đàm phán nhanh mới chỉ là “sự mở màn cho hồi thứ hai của câu chuyện”...
Thượng viện Mỹ ngày 24/6 đã chính thức thông qua dự luật trao quyền đàm phán nhanh các thỏa thuận thương mại, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho Tổng thống Barack Obama.
Theo dự kiến, ông Obama sẽ ký thành luật đối với dự luật quyền đàm phán nhanh trong vài ngày tới. Đây là dự luật mang ý nghĩa quyết định đối với tiến trình đàm phán TPP - Ảnh: AP. |
Theo tờ Wall Street Journal, kết quả tích cực này mở ra một quy trình có thể kéo dài nhiều tháng trời để hoàn tất TPP - hiệp định vẫn đang vấp phải một số phản đối ở Mỹ và cần phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn lần cuối cùng.
Với 60 phiếu thuận và 38 phiếu chống, dự luật quyền đàm phán nhanh (TPA) đã được Thượng viện Mỹ thông qua. Cùng ngày, Thượng viện cũng thông qua dự luật về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi tự do thương mại (TAA) với 76 phiếu thuận và 22 phiếu chống.
Kết quả này là một thắng lợi lớn của ông Obama trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2, đồng thời cũng là một chiến thắng của phe Cộng hòa với đa số thành viên là những người ủng hộ TPP.
Theo dự kiến, ông Obama sẽ ký thành luật đối với dự luật quyền đàm phán nhanh trong vài ngày tới. Đây là dự luật mang ý nghĩa quyết định đối với tiến trình đàm phán TPP.
Tuy vậy, giới phân tích nói rằng, những trở ngại phía trước trên con đường tiến tới hoàn tất đàm phán TPP vẫn còn rất lớn.
“Sẽ là một sai lầm lớn nếu coi đây là một con đường dễ dàng đi tới thắng lợi”, chuyên gia cấp cao về thương mại Gary Hufbauer thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận xét. Theo ông Hufbauer, việc ông Obama được trao quyền đàm phán nhanh mới chỉ là “sự mở màn cho hồi thứ hai của câu chuyện”.
Những người ủng hộ TPP vốn dĩ đã lo ngại cuộc bỏ phiếu cuối cùng về hiệp định này có thể bị đẩy lùi sang mùa bầu cử căng thẳng ở Mỹ vào năm 2016. Khi đó, sự phản đối từ nhiều phía có thể khiến chính sách tự do thương mại gặp khó khăn lớn hơn.
Ngay bản thân trong TPP cũng còn nhiều vấn đề nhạy cảm cần phải được giải quyết trước khi đại diện thương mại Mỹ Michael Froman và 11 bộ trưởng bộ thương mại các nước khác tham gia đàm phán có thể đặt bút ký vào hiệp định này. Trong trường hợp khả quan nhất, TPP có thể được ký kết vào tháng 7.
Những vấn đề lớn chưa được giải quyết trong TPP tính tới thời điểm này cần phải kể tới mức độ mở cửa thị trường nông nghiệp của Nhật Bản, thời hạn bảo hộ cho thuốc gốc (generic drug) mới của các công ty dược phẩm, và việc Canada bảo hộ thị trường sữa cùng một số thị trường khác của nước này.
Nếu đàm phán TPP hoàn tất vào tháng 7, có thể sẽ mất 6 tháng hoặc hơn để thỏa thuận này được bỏ phiếu thông qua lần cuối ở Quốc hội Mỹ. Khả năng Quốc hội Mỹ bỏ phiếu về TPP sớm nhất là vào mùa thu năm nay.
Khi chính thức được công bố sau khi đại diện các nước đàm phán đã đặt bút ký, văn kiện thỏa thuận chắc chắn sẽ vấp phải một loạt chỉ trích từ các nhóm hoạt động môi trường, các tổ chức công đoàn, bảo vệ người tiêu dùng, và thậm chí các lãnh đạo tôn giáo lo ngại về ảnh hưởng của TPP đối với giá thuốc.
“Sẽ có một cuộc chiến khác về TPP. Đối với một thỏa thuận thương mại phức tạp, những người phản đối luôn có thể chỉ ra những điều mà họ cho là không tốt”, cựu đại diện thương mại Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, bà Susan Schwab, nhận định.
Hầu hết các doanh nghiệp lớn của Mỹ đều ủng hộ TPP, song các nhà sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường nội địa của nước này đang gây sức ép lên các nghị sỹ nhằm khiến TPP không được thông qua. Lý do ở đây là TPP sẽ dẫn tới một làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ các nước tham gia hiệp định.
Các công ty sản xuất thuốc nằm trong nhóm các doanh nghiệp đi đầu trong việc vận động hành lang cho TPP, bởi họ nhận thấy với TPP, quyền sáng chế thuốc sẽ được bảo vệ mạnh hơn và họ sẽ có vai trò lớn hơn trong việc thiết lập chính sách y tế của chính phủ. Trong khi đó, các tổ chức cánh tả phản đối TPP, nói rằng thỏa thuận này có thể đẩy giá thuốc lên cao hơn.
Theo VnEconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét