Trung Quốc cho rằng họ có động lực để xây dựng một trật tự mới ở Đông Á, tuy nhiên tiếp tục thể hiện quan điểm tự mãn khi phân chia thành “nước lớn” và “nước nhỏ”.
Trung Quốc dường như ngày càng tự mãn với những bước tiến của mình, trong khi tiếp tục thể hiện sự lo sợ trước người Mỹ.
Trung Quốc tự coi mình là trung tâm ?
Tạp chí Chính trị quốc tế của Trung Quốc mới đây có bài viết phân tích về quan hệ Trung-Mỹ và trật tự ở khu vực Đông Á. Trung Quốc tự coi mình là “trung tâm”, là “tiêu điểm” của thế giới hiện nay.
Theo đó, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trọng tâm và tiêu điểm của thế giới là hai siêu cường Mỹ-Liên Xô, phe tư bản chủ nghĩa và phe xã hội chủ nghĩa đứng sau hai nước này.
Sau khi Liên Xô giải thể và Đông Âu tan rã, tiêu điểm của thế giới là nhóm 8 nước (G8) lấy Châu Âu và Bắc Mỹ làm trung tâm do Mỹ chủ đạo.
Bước sang thế kỷ 21, Trung Quốc cho rằng sự trỗi dậy nhanh chóng của họ đã trợ giúp cho một Châu Á đang lu mờ, được coi là một kỳ tích phát triển.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama
Theo đánh giá của Trung Quốc, sau cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008, nhóm G20 nhanh chóng thay thế nhóm G8 trở thành tổ chức quản lý kinh tế chính sau cuộc khủng hoảng.
Trong G20, Châu Á có 6 nước (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Saudi Arabia) và Trung Quốc tự coi mình là nước có thực lực kinh tế mạnh nhất !
Phân tích về bối cảnh tại Đông Á, người Trung Quốc đã chú ý tới sự thay đổi của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đông Nam Á. Theo tạp chí của Trung Quốc, Nhật Bản sau khi trải qua “sự phẳng lặng” kéo dài mười mấy năm, đã công bố với thế giới rằng “một đất nước Nhật Bản lớn mạnh đã quay trở lại”.
Hàn Quốc đã đề xuất ý tưởng xây dựng “nước Hàn Quốc mới”, còn các nước Đông Nam Á tích cực thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN toàn diện hơn nhằm tăng cường sức cạnh tranh bên ngoài và khả năng quy tụ bên trong.
Về phần mình, người Trung Quốc cho rằng họ đang xác định lại vị trí quốc gia của mình và đó là việc thực hiện giấc mơ Trung Quốc về phục hưng dân tộc, một dân tộc tự coi mình là “vĩ đại”.
Đổ trách nhiệm cho Mỹ ?
Tạp chí Trung Quốc đặc biệt chú ý tới Mỹ cùng chiến lược “trở lại Châu Á-Thái Bình Dương” và “tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương” hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo cách nhìn của người Trung Quốc, mô hình “trung tâm và các vệ tinh” của Mỹ ở Châu Á sẽ nảy sinh tính tiêu cực, là nguyên nhân chủ yếu gây nên mất cân bằng trật tự Đông Á (gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á và các nước tiếp giáp).
Mỹ thông qua việc thiết lập và tăng cường hệ thống đồng minh ở Châu Á-Thái Bình Dương (bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia và Philippines), tích cực can dự vào công việc nội bộ của Châu Á, đây là nguyên nhân bên ngoài khiến trật tự Châu Á mất cân bằng.
Tàu chiến Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tập trận chung trên biển Hoa Đông
Tạp chí Trung Quốc chỉ trích Mỹ dựa vào nhu cầu bảo vệ bá quyền nên tích cực can dự vào các công việc nội bộ của Châu Á thông qua các kênh song phương và đa phương.
Tạp chí Trung Quốc cho rằng Mỹ và các nước đồng minh không thừa nhận cục diện thay đổi quyền lực trong nội bộ Châu Á, không chấp nhận địa vị của Trung Quốc ở Châu Á.
Tạp chí này tố cáo Mỹ và các đồng minh tung ra “thuyết Trung Quốc sụp đổ”, không thừa nhận sự phát triển và tăng trưởng thực lực của Trung Quốc.
Sau khi “thuyết Trung Quốc sụp đổ” bị phá vỡ, Mỹ và các nước đồng minh Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ lại đưa ra “thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, không những không chấp nhận “quyền lãnh đạo” của Trung Quốc đối với Châu Á, thậm chí “bôi nhọ” Trung Quốc, thổi phồng về mối đe dọa từ Trung Quốc.
Tạp chí của Trung Quốc thể hiện sự “tự mãn” khi viết rằng : “Sự gia tăng về sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc là một sự thực không thể tranh cãi, một số quốc gia xuất hiện sự suy yếu về thực lực cũng là thực tế, kết cấu quyền lực ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có sự thay đổi là kết quả tự nhiên như vậy”.
Trung Quốc dường như ngày càng tự mãn với những bước tiến của mình, trong khi tiếp tục thể hiện sự lo sợ trước người Mỹ.
Có một phân tích đáng chú ý được người Trung Quốc đưa ra là hệ thống đồng minh theo mô hình “trung tâm và các vệ tinh” của Mỹ ở Đông Á lấy việc bố trí song phương làm cơ sở, điều này có lợi cho việc tăng cường sự kiểm soát tối đa của Mỹ đối với các nước đồng minh, thực hiện “chia để trị”.
Theo tạp chí Trung Quốc, do các nước lớn khu vực đều không thể giành được quyền lãnh đạo tối cao, các tổ chức khu vực thường sẽ trỗi dậy đồng thời thực hiện một phần quyền lãnh đạo, từ đó dẫn đến quyền lãnh đạo khu vực càng bị phân tán hơn.
Người Trung Quốc cho rằng ở Châu Âu, quyền lãnh đạo của Pháp và Đức là trụ cột trọng tâm của EU. Ở Châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á, Trung Quốc và Nhật Bản đều là nước mạnh ở khu vực, nhưng hai bên đều không được hưởng quyền lãnh đạo tuyệt đối. Tình hình này đã tạo cơ hội cho ASEAN phát huy quyền lãnh đạo khu vực.
Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc tại Myanmar hồi tháng 8/2014
Thế nhưng, giới phân tích Trung Quốc rõ ràng thể hiện cái nhìn rất “coi thường” đối với ASEAN dù họ đánh giá rằng trước mắt, phần lớn việc nhất thể hóa ở khu vực Đông Á có liên quan với việc thúc đẩy của ASEAN (ASEAN 10+3, ASEAN 10+1, Hội nghị Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á).
Luận điểm cuối cùng được học giả Trung Quốc đưa ra để chứng minh rằng Mỹ và các đồng minh đang khiến trật tự Đông Á mất cân bằng là sự ủng hộ của Mỹ đối với Nhật Bản và Philippines. Theo đó, vì là đồng minh với Mỹ nên việc hai nước này “gây rắc rối” cũng không lo bị trừng phạt.
Tạp chí Trung Quốc tố cáo Mỹ sử dụng tiêu chuẩn kép đối với đồng minh và phi đồng minh. Một ví dụ được nêu ra là vấn để tỷ giá hối đoái. Trong khi cho rằng Trung Quốc đã thao túng đồng nhân dân tệ, thì Mỹ lại không có “chất vấn” nào đối với Nhật Bản và Hàn Quốc khi hai nước này đang trực tiếp công khai can dự vào tỷ giá hối đoái của nước họ.
Tạp chí Trung Quốc cho rằng trật tự ở Đông Á đang mất cân bằng và cần phải xây dựng trật tự mới. Tuy nhiên, việc này không thể dựa vào Mỹ mà phải dựa vào Trung Quốc. Theo phía Trung Quốc, Mỹ không có động lực xây dựng trật tự mới ở Châu Á, vì trạng thái mất cân bằng trật tự hiện nay có lợi cho lợi ích quốc gia của Mỹ.
Chính sách dọa nạt
Trung Quốc cho rằng họ có động lực để xây dựng một trật tự mới ở Đông Á, tuy nhiên tiếp tục thể hiện quan điểm tự mãn khi phân chia thành “nước lớn” và “nước nhỏ”.
Đặc biệt, một luận điểm cực kỳ nguy hiểm đã được đưa ra là sách lược của Trung Quốc đối với các “nước nhỏ” ở Đông Á. Theo đó, Trung Quốc cần phải thực thi sách lược chuyển răn đe thành uy tín.
Học giả Trung Quốc chia răn đe thành hai loại : răn đe tiêu cực và răn đe tích cực. Răn đe tiêu cực là răn đe dựa vào phòng ngự. Răn đe tích cực là răn đe dựa vào sự tấn công, coi việc phát minh và sử dụng rất nhiều vũ khí có tính tấn công hoặc các vũ khí có tính chất tấn công đặc biệt đều có thể tăng cường khả năng răn đe tích cực của một nước. Trung Quốc cần phải phát triển khả năng răn đe tích cực.
Ví dụ được đưa ra là vũ khí chống vệ tinh chính là để tăng cường răn đe tích cực. Tác dụng của một số vũ khí có thể sẽ đan xen giữa răn đe tiêu cực và răn đe tích cực. Chẳng hạn như một chiếc tàu sân bay có thể sẽ nghiêng về phòng ngự vùng biển gần, vì vậy là tăng cường răn đe tiêu cực, nhưng nhiều tàu sân bay thì sẽ hình thành răn đe tích cực lớn mạnh.
Triệu Long
Theo Đất Việt, 27/06/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét