Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Hoa Kỳ và vấn đề từ bỏ đồng minh

Thời Đệ nhị thế chiến

Thế chiến Thứ hai bùng nổ năm 1939, Hoa kỳ trung lập đứng ngoài cuộc giao tranh mà họ cho là không liên hệ, đây gọi là chủ trương biệt lập Isolationism.

Mặc dù đứng ngoài vòng chiến để được yên thân nhưng vẫn bị giáng một đòn nặng sáng ngày 7-12-1941 khi hạm đội lớn của Nhật tấn công Trân Châu Cảng, căn cứ Hải quân Mỹ tại Hawaii. Khi bắt đầu cuộc Thế chiến, nước Nhật có 10 hàng không mẫu hạm được coi là lớn và tối tân nhất thời đó. 

aus-us-300x155Trận đánh đã gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ, gây thiệt hại nặng, khoàng 20 tầu chiến bị chìm hoặc hư hại, 188 máy bay bị hủy hoại 2,400 thủy thủ, phi công bị giết.

Hôm sau Mỹ tuyên chiến với Nhật và hai ngày sau 11-7 Đức, Ý cũng tuyên chiến với Mỹ, dù muốn dù không Hoa Kỳ phải từ bỏ biệt lập sang tham chiến, một cuộc chiến đẫm máu nhất từ xưa đến nay. Theo hồi ký của Đại tướng Eisenhower, cựu Tư lệnh quân đội đồng minh tại Âu châu, khi cuộc chiến bắt đầu, phe trục Đức -Ý -Nhật mạnh hơn đồng minh. Ông cũng cho biết Mỹ Anh đã thỏa thuận giải quyết chiến trường Âu châu trước vì Đức Quốc Xã nguy hiểm hơn Nhật và vì sợ chúng chế tạo vũ khí giết người hàng loạt (1). Mỹ đưa 80% lực lượng sang Âu châu chỉ để lại 20% tại Thái Bình Dương. Đưa quân sang Âu châu không phải để giải phóng cho các nước Pháp, Bỉ, Hòa Lan.. như người Mỹ thường kể mà chỉ là để tự vệ cho chính họ, để ngăn ngừa hậu họa.

Năm 1942 đồng minh bắt đầu thắng thế, Nhật thua to tại trận thủy chiến Midway, Đức Ý thua hai trận lớn tại Bắc Phi và Stalingrad. Năm 1944 Đức Quốc Xã thất bại trên khắp các mặt trận miền đông, tháng 6-1944 đồng minh Anh-Mỹ đổ bộ vào Normandie, tháng 2 năm sau đã vào tới miền tây nước Đức,

Từ ngày 4 tới 11-2-1945, khi chiến tranh Âu châu gần kết thúc Roosevelt, Staline, Churchill họp nhau tại Yalta để bàn về tổ chức lại Âu châu thời hậu chiến. Thực ra chỉ là để chia chác ảnh hưởng với nhau vì thế tác giả Arthur Conte năm 1974 đã viết cuốn sách về hội nghị này “Yalta Ou Le Partage Du monde”, Hội Nghị Yalta Hay Sự Chia Phần Thế Giới

Tháng 4-1945 đồng minh đã tiến tới biên giới Tiệp Khắc nhưng phải dừng lại vì xứ này đã được nhường cho Nga, chương cuối của bộ Lịch Sử Thế Chiến Thứ Hai (2) có nói về sự bất đồng ý kiến giữa Anh và Mỹ. Người Anh đề nghị tiến chiếm Đông Âu không nhường Nga và đặt họ trước sự đã rồi nhưng Mỹ không chấp nhận, người Anh nhận định Mỹ ngây thơ và nhát.

Mặt trận châu Âu kết thúc, Mỹ nhường Đông Âu cho Nga để nhờ họ phụ giúp đánh quân Nhật tại Á châu vì lực lượng địch còn khoảng bốn, năm triệu, trù tính đánh từ một năm rưỡi tới hai năm mới xong.

Năm 1957 C.V Gheorghiu (3) nhà văn nổi tiếng Lỗ Ma Ni viết Les Sacrifies du Danube, Những Kẻ Hy Sinh Vùng sông Danube, truyện dài trên 100 trang thể hiện nỗi uất hận của những nước Đông Âu trong vùng Danube: Hung Gia Lợi, Nam Tư, Lỗ Ma Ni, Tiệp Khắc, Bảo Gia Lợi … đã bị Tây Phương, Hoa Kỳ nhường cho Xô Viết năm 1945. Tác giả nói để cứu nền văn minh Tây Âu, Mỹ đã nhường Đông Âu cho Sô viết khiến cho trên 150 triệu người đã bị tan gia bại sản, trở thành nô lệ cho Cộng Sãn Xô viết.

Truyện sẩy ra tại Bảo Gia Lợi thể hiện nỗi ám ảnh kinh hoàng của người Đông Âu: Một người chạy trốn Cộng Sản sang phần đất tự do bị trúng đạn của lính biên phòng, hai người nhân đạo cứu anh đem về nhà băng bó vết thương. Một người ứa nước mắt bảo vết thương đã có dòi, người kia đề nghị đi tìm bác sĩ hoặc đưa nạn nhân đi nhà thương nhưng anh này gạt đi bảo: “Nếu tìm bác sĩ thì rồi bọn công an CS cũng sẽ biết, sẽ tìm đến đây, người nạn nhân này sợ công an còn hơn dòi bọ, chẳng thà để hắn chết vì dòi bọ còn hơn để hắn sa vào tay bọn mật vụ CS”

Trước Thế chiến thứ hai chỉ một mình nước Nga theo Cộng Sản, Staline chủ trương tiến lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi đất nước trái với Trosky , Đệ tứ quốc tế muốn tiến lên vô sản hóa toàn thế giới. Thế chiến Thứ hai chấm dứt là cơ hội bằng vàng cho Staline bành trướng thế lực bằng họng súng mà chẳng cần thực hiện cách mạng vô sản theo đường lối cổ điển Mác Lê. Người Mỹ đã vô tình mở đường cho Xô Viết đi làm “nghĩa vụ quốc tế”. Các nước tư bản dân chủ tự do Đông Âu đã cùng Tây phương chiến đấu chống phát xít Đức đến khi chiến thắng đã bị Hoa Kỳ tàn nhẫn bán đứng cho Xô viết làm nô lệ.

Sau 1945 Xô Viết tiến chiếm các nước Đông Âu, cướp bóc, vơ vét quí kim, vàng bạc trong ngân khố các nước nạn nhân, dựng lên các chính quyền CS chư hầu và tiếp tục bành trướng tại Á châu. Đại tướng Eisenhower nói trong hồi ký: năm 1939 quân sự của Hoa Kỳ rất xoàng, lục quân còn thua cả Ba Lan nhưng sau Thế chiến đã trở thành cường quốc mạnh nhất hoàn cầu. Năm 1939 Lục quân Mỹ chỉ có 170,000 người nhưng năm 1945 Lục quân Mỹ thành 6 triệu. Măm 1939 Mỹ chỉ có khoảng 2500 máy bay và 760 tầu chiến nhưng năm 1945 họ có khoảng 80,000 máy bay và 2,500 tầu chiến (4)

Cuộc nội chiến Trung Hoa

Các hạm đội Mỹ, Anh từ Âu châu chuyển về Thái Bình Dương để kết thúc mặt trận châu Á, Sô viết cũng chuyển quân bằng đường bộ từ Tây sang Đông như đã thỏa thuận tại Yalta. Ngày 6 và 9 tháng 8-1945 Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố lớn ở Nhật, ngay sau đó một triệu rưỡi quân Nga tấn công lộ quân Quân Đông Nhật tại Mãn Châu. Sự thực Xô Viết chỉ nhẩy vào ăn có sau khi Mỹ đã ném bom nguyên tử, khoảng một triệu quân Nhật đầu hàng. Người Nga lấy kho vũ khí to lớn của Nhật kể cả xe tăng thiết giáp giao cho Mao Trạch Đông, thật là giáo vào tay giặc. Nga cũng tháo gỡ hết các nhà máy tại đây đem về nước.

Năm 1946 Tổng thống Truman cử Tướng George Marshall sang Tầu ngăn cản một cuộc chiến tranh Mao – Tưởng hy vọng họ lập chính phủ liên hiệp sống chung hòa bình. Người Mỹ vẫn lạc quan ngây thơ không hay biết gì về âm mưu thâm độc của Staline, ông ta đã lừa gạt họ từ đầu chí cuối. Mao vận động Nga yêu cầu Anh, Mỹ bắt ép Tưởng Giới Thạch ký đàm phán (5). Sau hơn một tháng thảo luận từ cuối tháng 8-1945 tới 10-10-1945 hai bên ký hòa ước tháng 1-1946 nhưng chỉ được 6 tháng cuộc nội chiến bùng nổ. thời gian này CS Tầu chỉ khiểm soát 1/4 đất đai và 1/3 dân số.

Tưởng Giới Thạch đưa 1 triệu 6 trăm ngàn quân từ miền nam lên Mãn Châu, họ được Mỹ giup về không vận, đây là nơi thử thách đầu tiên của cuộc chiến tranh Quốc – Cộng. Tưởng thắng được những tháng đầu rồi dần dần mất ưu thế, năm 1948 đánh dấu khúc quành cuộc chiến. Quốc Dân Đảng chia rẽ lại cách xa căn cứ tiếp liệu tại miền trung nước Tầu, cuối cùng đất đai bị Cộng quân chiếm. 

Mao vừa khủng bố và dụ dỗ người dân để đưa họ ra trận tuyến gian khổ. Quốc dân đảng cũng mất lòng dân vì dùng bạo lực nên họ đã bỏ theo CS (6). Mãn châu là khởi đầu cuộc chinh phục nước Tầu của Mao Trạch Đông, Quốc dân Đảng (QDĐ) mất hơn triệu quân tại đây và bắt đầu thất thế.

Tháng 3-1947 Quốc Dân Đảng chiếm Diên An đến năm 1948 Cộng quân lại tái chiếm, từ 12- 9 tới 12-11-1948 diễn ra những trận đánh lớn, Quốc Dân Đảng ở thế thủ, dần dân xa cách Mỹ, Cộng quân chiếm được nhiều thành phố lớn Hoa Bắc như Thẩm Dương và Trường Xuân, họ chiếm Mãn châu hoàn toàn. Mao tiêu diệt được 144 sư đoàn thiện chiến của Quốc Dân Đảng. Cuối năm 1948, đầu 1949 bà Tống Mỹ Linh phu nhân Tưởng Giới Thạch sang Mỹ xin viện trợ nhưng không được họ đáp ứng. Tháng 9-1948 Cộng quân chiếm tỉnh Sơn Đông, tháng 4-1949 Cộng quân vượt sông Dương Tử chiếm Nam Kinh Thủ đô Quốc Dân Đảng Trung Hoa, họ tiến về Hoa Nam.

Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, thủ đô là Bắc Bình, nay đổi là Bắc Kinh. Cuối năm 1949 Tưởng Giới Thạch và khoảng 2 triệu người thuộc phe Quốc Dân Đảng chạy khỏi Đại lục tới đảo Đài Loan.

Dư luận Mỹ chỉ trích, lên án Tổng thống Truman đã để mất Trung Hoa vào tay Cộng Sản. Thượng nghị sĩ Joe McCarthy cho rằng việc ngăn chận CS Tầu cần phải viện trợ nhiều hơn và có lẽ phải dùng cả không lực. Người ta bắt đầu hỏi ai đã làm mất Trung Hoa? tỷ lệ ủng hộ Truman từ 70% xuống còn 35%. Bộ trưởng ngoại giao của Truman bị coi là thằng hèn, Tướng George Marshall, bộ trưởng ngoại giao tiền nhiệm bị coi là tên phản bội.

Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Peter Beinart nói nhiều thập niên sau, Lyndon Johnson hồi đó là Thượng nghị sĩ Texas cho rằng Truman đã không tròn trách nhiệm để mất Trung Hoa, khi Johnson lên làm Tổng thống (1964) ông đã cố không đi vào vết xe đổ của quá khứ.

Nhiều người Mỹ cho rằng cuộc Cách mạng Trung Hoa chỉ là sự nối dài quyền lực của Sô Viết. Dean Rusk (phụ tá bộ trưởng ngoại giao thời Truman 1949-51, Kennedy, Johnson 1961-69) mô tả cuộc Cách mạng Trung Hoa không phải của người Tầu mà là Made in Moscow, được làm tại Mạc Tư Khoa. Nhiều người Mỹ cho rằng CS đang tiến bước mạnh và nếu không ngăn chận chúng sẽ tràn ngập thế giới. (7)

Các tài liệu về cuộc chiến vĩ đại này cho biết:

Năm 1946-1947 Tưởng có hơn 4 triệu quân chủ lực – Mao có khoảng 1 triệu 3 trăm ngàn quân chủ lực và 2 triệu du kích,

Giữa năm 1948 Tưởng còn 3 triệu rưỡi – Mao có 2 triệu 8,

Tháng 6-1949 Tưởng còn 1 triệu rưỡi – Mao có 4 triệu

Dư luận chê Quốc Dân Đảng Trung Hoa có một lực lượng hùng hậu, được Mỹ viện trợ 4 tỷ đô la quân sự nhưng lại bị Cộng quân yếu hơn đánh bại. Người ta cũng nêu lý do Quốc Dân Đảng mất lòng dân, tàn ác trong khi đối phương tuyên truyền khiến đạo quân ngày càng lớn mạnh chuyển bại thành thắng.

Nhưng cũng có tài liệu nói sau Thế chiến thứ hai, cán cân quân sự nghiêng về phía Cộng Sản Tầu. Chủ lực quân của họ tăng lên 1 triệu 2 và 2 triệu du kích. Vùng kiểm soát của họ có 19 căn cứ chiếm 1/4 lãnh thổ Trung quốc và 1/3 dân số gồm nhiều tỉnh thành quan trọng. Ngoài ra Nga Sô đã trao cho CS Tầu vũ khí lấy được của Nhật cũng như đã viện trợ cho họ nhiều vũ khí, CS cũng được Nga giao cho miền Đông Bắc Trung Hoa (8)

Quốc Dân Đảng có lợi thế về đất và sức mạnh quân sự, họ chống quân Nhật hồi Thế chiến thứ hai đã bị mất nhiều đơn vị tinh nhuệ trong những trận đánh lớn khi ấy CS Tầu ít thiệt hại, họ ít đụng chạm Nhật. Tưởng Giới Thạch cho Mãn Châu là một vị trí chiến lược quan trọng cần phải chiếm giữ và đã đưa 1 triệu 6 trăm ngàn quân lên đánh CS được Mỹ giúp chuyển quân bằng không vận từ miền Trung lên. QDĐ thua trận mùa thu 1948 đó là một khúc quành quan trọng trong cuộc chiến tranh Quốc-Cộng , QDĐ chia rẽ và vì xa trung tâm tiếp liệu ở miền Trung nên đã thảm bại (9)

Một phần vì tại Hoa Bắc, Mãn Châu địch mạnh, một phần QDĐ bị suy yếu vì Thế chiến thứ hai, sự sai lầm của Tưởng cho chuyển quân lên vùng xa xôi nên đã mất hơn một triệu quân. Địch tuyển được nhiều quân, đánh biển người, một chiến thuật man rợ và lợi hại khiến QDĐ ngày càng thua nhiều trận lớn. Tướng George Marshall nói không có dấu hiệu gì cho thấy Nga Sô viện trợ quân sự cho Mao, đó là điều ngây thơ lạc quan, khinh địch vốn dĩ của người Mỹ. Cuộc chiến Quốc – Cộng kéo dàì mấy năm, sôi động nhất là những năm 1947, 1948, 1949, hai bên đánh bằng cấp quân đoàn, lộ quân có khi lên tới hàng trăm sư đoàn. Nếu không có viện trợ của Sô Viết, Tầu cộng lấy đạn dược tiếp liệu ở đâu để đánh những trận long trời lở đất trong cuộc chiến vĩ đại này?

Sau này năm 1985 cựu Tổng thống Nixon nói (10) Sô Viết không phải gửi quân nhưng đã thống trị được 9 nước kể từ 1974, Nixon cảm phục Liên sô không đem quân qua, chỉ đứng ngoài giật giây mà đã chiếm được nhiều nước. Cuộc chiến tranh Quốc – Cộng 1946-1949 cho thấy Nga không đem quân vào, trong khi Mỹ đã đưa vào 50,000 quân mà vẫn thất bại.

Hoa Kỳ nhường Đông Âu cho Nga năm 1945 để nhờ họ đánh quân Nhật là một lỗi lầm tai hại, vừa mất Đông Âu rồi mất cả Trung Hoa. Khi Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống Nhật thì Sô Viết mới nhẩy vào ăn có. Họ chiếm Mãn Châu, tháo gỡ sạch các nhà máy đem về nước, lấy kho vũ khí lớn của Nhật giao cho Mao đưa tới khúc quành bi thảm cuộc chiến tranh Quốc – Cộng.

Người Mỹ bỏ rơi Tưởng Giới Thạch vì vai trò chống Nhật của ông đã hết, Thế chiến thứ hai kết thúc, đã đến lúc người ta vắt chanh bỏ vỏ. Họ bỏ Trung Hoa cũng vì không thấy tầm quan trọng của vấn đề, chưa nhìn ra hậu quả lớn lao ngay sau đó, nó làm lệch cán cân quân sự quốc tế của hai phe và đưa tới các cuộc chiến đẫm máu khác ngay trong năm sau.

Ngày 5-12-1949 Mao đã ra lệnh sửa chữa các sân bay, chuẩn bị đổ bộ chiếm Đài Loan. Ngày 5-1-1950 Truman tàn nhẫn tuyên bố thừa nhận Đài Loan là lãnh thổ Trung Quốc, ông ta nói sẽ không can dự vào cuộc tranh chấp, sẽ không viện trợ quân sự cho Tưởng, có nghĩa là công khai tuyên bố bỏ Đài Loan (11). Mỹ công kích Tưởng và các Tướng lãnh QDĐ bất tài, tham nhũng làm mất Trung Hoa để tự bào chữa cho dã tâm của mình.

Chiến dịch cứu nguy Điện Biên Phủ năm 1954

Giữa năm 1950 Bắc Triều Tiên được Nga Sô, Trung Cộng yểm trợ vượt vĩ tuyến 38 xâm lược Nam Triều Tiên. Sô Viết đã chiếm được Đông Âu, Trung Hoa, đã có bom nguyên tử tháng 8-1949 nhờ đánh cắp tài liệu, bây giờ Nga không ngán Mỹ, công khai đương đầu với Mỹ. Cuộc chiến bùng nổ, Tổng thống Truman đưa quân vào nam Triều Tiên can thiệp dưới danh nghĩa Liên Hiệp Quốc. Mỹ lại tuyên bố bảo vệ Đài Loan vì nay đã thấy rõ mối đe dọa bành trướng của Nga, Trung Cộng, cương quyết không nhường đất cho CS.

Đài Loan thoát chết, Mỹ bảo vệ hòn đảo này để phòng thủ cho chính họ. Vừa chiếm trọn nước Tầu, đuổi Tưởng ra Đài Loan, Trung Cộng đã trực tiếp, gián tiếp gây chiến tại Triều Tiên và Đông Dương. Cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh từ ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946 đến nay đã được 4 năm

Năm 1946 Việt Minh yếu thế rút vào hậu phương. Quân Pháp tại phía trên vĩ tuyến 16 có hơn một sư đoàn không đủ để bình định hết miền Bắc mà chỉ đủ giữ các thành phố. Từ 1947-1949 Pháp mở những cuộc hành quân tiêu diệt chủ lực quân VM nhưng họ lẩn tránh để bảo toàn lực lượng, tổng cộng khoảng 40,000 người.

Trung Cộng tiến tới biên giới Bắc Việt tháng 11-1949 là lúc chấm dứt chương thứ nhất của cuộc chiến tranh Đông Dương và nó đã quyết định số phận của người Pháp, họ không hy vọng gì chiến thắng.(12)

Việt Minh được Trung Cộng huấn luyện tại biên giới. Năm 1950 họ giúp VM thành lập năm sư đoàn chính qui: 304, 318, 312, 316, 320 và sư đoàn 351 vũ khí nặng. Tháng 10-1950 VM đánh thắng trận Cao Bắc Lạng, nó đã làm rung động cả nước Pháp, họ không ngờ VM mạnh đến thế. Pháp thiệt hại 7,000 người vừa bị giết và mất tích, VM tịch thu được rất nhiều vũ khí có thể trang bị cho một sư đoàn (13)

Cuối năm 1950 Ba Lê cử Tướng de Lattre sang làm Tư Lệnh quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương, viên dũng tướng này chuyển bại thành thắng đánh bại VM và các cố vấn Tầu nhiều trận trong năm 1951. De Lattre chết đầu năm 1952, Tướng Salan lên thay tình hình quân sự ngày một xấu, VM ngày càng mạnh.

Đầu thập niên 50 Mỹ bắt đầu viện trợ cho Pháp nhưng thực sự giúp từ 1952, trong khi đó họ còn phải tham chiến tại Triều Tiên. Henri Navarre cựu Tư Lệnh quân viễn chinh Đông Dương nói:

“Qua kinh nghiệm đau thương Trung Hoa và nhất là Triều Tiên, người Mỹ mới nhận ra mối nguy Cộng Sản bành trướng tại Đông Nam Á, nhưng họ biết trễ mất 5 năm”
(14)

Đúng ra Hoa Kỳ phải thức tỉnh sớm hơn là để nước đến chân mới nhẩy, họ đã lạc quan tin tưởng Staline.

Salan giữ chức Tư lệnh một năm rưỡi thì về Pháp, tháng 5-1953 Tướng Henri Navarre được cử sang thay ở thời điểm mà ông bi quan cho là Đông Dương đang từ từ mất về tay CS.

Cuối tháng 7-1953 Triều Tiên đình chiến, Trung Cộng cung cấp nhiều viện trợ cho VM hơn trước, Mỹ cũng tăng viện trợ cho Pháp, năm 1954 Mỹ đã gánh 78% chiến phí (15). Cuối năm 1953 Navarre được lệnh bảo vệ Thượng Lào (16) và ông đã chọn thung lũng Điện Biên Phủ cho đóng đồn lũy để chận đường chuyển quân của địch sang Lào và mở mặt trận lớn tại đây để VM khỏi đánh Hà nội và châu thổ sông Hồng. Nay quân lưu động VM rất mạnh khoảng 9 sư đoàn, gấp ba quân lưu động Pháp gồm 7 Liên đoàn lư động và 8 tiểu đoàn nhẩy dù (17).

Navarre cũng dùng kế dụ địch giết địch, nay VM ngày càng mạnh nên phải đưa chúng vào bẫy giết một mẻ cho chết bớt đi nhưng mấy ai học được chữ ngờ: VM quá đông, hỏa lực địch quá mạnh (18), ông ta đã đưa quân vào miệng cọp.

ĐBP là một khu lòng chảo có nhiều đồi núi bao quanh, một cánh đồng dài 16km, rộng 9 km gần biên giới Lào – Việt. Trận ĐBP có tầm vóc lớn, toàn bộ chiến trường Đông Dương. Căn cứ ĐBP được xây dựng kiên cố nhất Đông Dương hồi đó, phía Bắc có hai tiền đồn với hai tiểu đoàn trấn giữ, khu Trung ương đóng trên 5 ngọn đồi gồm 8 tiểu đoàn, phía Nam cứ điểm Isabelle 2 tiểu đoàn.

Việt Minh đưa gần hết các sư đoàn chính qui của họ vào trận đánh tổng cộng 63,000 người (19), Pháp có 12 tiểu đoàn sau cho nhẩy dù thêm 5 tiểu đoàn tổng cộng khoảng 16,000 người. Ngày giao chiến đầu tiên 13-3-1954 căn cứ Béatrice sụp đổ trước trận pháo kích dữ dội của 40 khẩu pháo VM (20), hôm sau căn cứ Gabrielle cũng bị đánh sập. Tình hình quân sự ĐBP ngày một xấu, phi trường bị pháo kích hư hại, sau ngày 26-3-1954, khu lòng chảo chỉ còn tiếp tế tăng viện bằng thả dù quân lính cũng như lương thực, đạn dược.

Do sự sai lầm của Navarre đã chọn địa điểm xa xôi, hiểm trở để lập căn cứ chỉ liên lạc với hậu cần bằng máy bay không có đường bộ trong khi không quân Pháp quá yếu, toàn chiến trường Đông Dương chỉ có khoàng 200 máy bay (21). Tiếp tế bằng thả dù rất khó khăn vì bị phòng không địch chế ngự, nhiều kiện hàng thực phẩm, đạn dược đã lọt sang khu vực VM, kể từ sau ngày 26-3 số phận của Điện Biên Phủ coi như đã được quyết định rồi.

Pháp cũng như Mỹ đều đã thấy nguy cơ ĐBP sẽ thất thủ, giữa năm 1953 Trung Cộng ký đình chiến Triều Tiên rồi quay về giúp Việt Minh đánh Pháp, viện trợ quân sự của họ tăng vọt lên. Từ cuối tháng 3, Tòa Bạch Ốc đã nghiên cứu kế hoạch cứu nguy ĐBP bằng oanh tạc ồ ạt với khoảng gần 100 oanh tạc cơ hạng nặng B-29, mỗi chiếc mang 9 tấn bom cùng với 400 máy bay chiến đấu hộ tống. Kế hoạch này do Đô đốc Arthur Radford, Tham mưu trưởng liên quân đề nghị được Tổng thống Eisenhower, Phó Tổng thống Nixon, Bộ trưởng ngoại giao Foster Dulles ủng hộ, chấp thuận.

TT Eisenhower muốn hỏi ý kiến Quốc hội vì rút kinh nghiệm chính phủ Truman tham chiến tại Triều Tiên không hỏi Quốc hội đã bị chỉ trích. Kế hoạch này đã được Giáo sư, tác giả Bernard Fall và nhà nghiên cứu Philippe Devillers tường thuật lại thập niên 60. Mấy năm gần đây, Giáo sư Fredrik Logevall và ký giả Ted Morgan cũng nghiên cứu lại đề tài này trong hai tác phẩm của họ (22). Xin sơ lược như sau:

Ngày thứ bẩy 3-4-1954, tám vị Trưởng khối đại diện Quốc hội được chính phủ mời tới Bộ ngoại giao để hội thảo bí mật với Dulles, Radford, một số cố vấn. Foster Dulles nói Tổng thống Eisenhower yêu cầu mời họp và Tổng thống muốn được Quốc hội thông qua một quyết định cho phép Hành pháp xử dụng không quân, hải quân tại Đông Dương. Đô đốc Radford nói về tình trạng nguy khốn của ĐBP, còn Dulles cảnh giác nếu Đông Dương mất Đông Nam Á sẽ lọt vào tay CS và rồi Mỹ sẽ phải rút về Hawaii nếu Mỹ không giúp Pháp và chính phủ địa phương (QGVN) và sẽ khiến Pháp từ bỏ cuộc chiến.

Đô đốc Radford nói về kế hoạch “Kên kên” (Vulture): Gồm hai Hàng không mẫu hạm Essex và Boxer, có tăng cường bởi không lực tại phi trường Clark Phi Luật Tân. Theo tin tức Pháp tổng cộng có 60 oanh tạc cơ hạng nặng B-29, mỗi cái mang 9 tấn bom, khoảng 450 máy bay chiến đấu hộ tống bảo vệ. Theo nguồn tin Mỹ tổng cộng 98 pháo đài bay B-29, mỗi cái mang 14 tấn bom gồm hai cánh ở Okinawa và một tại Clark field, có khoảng 450 máy bay chiến đấu theo hộ tống để phòng ngừa Mig Trung Cộng nếu có.

Cuộc tranh luận sôi nổi, ông Trưởng khối thiểu số Thượng viện Lyndon B. Johnson đòi hỏi phải có liên minh các nước. Cả tám vị dân cử cho Hành pháp biết Quốc hội ủng hộ chiến dịch “Kên Kên” dưới ba điều kiện.

1- Lập liên minh các nước tự do ở Đông nam Á, Phi LuậtTân và Liên Hiệp Anh.
2- Pháp phải nhanh trả độc lập cho các nước Đông Dương
3- Pháp phải ở lại tiếp tục chiến đấu.

Những lý do thực tiễn đó đã hủy hoại mọi cơ hội cứu ĐBP vì không còn đủ thời giờ đi tìm đồng minh thành lập “Mặt trận thống nhất” để được chấp thuận kế hoạch “Kên Kên” trong khi ĐBP ngày càng nguy ngập, Trung Cộng tăng cường viện trợ pháo binh và cao xạ cho VM.

Ba Lê chính thức xin Mỹ dùng không quân oanh tạc ồ ạt cứu ĐBP trong khoảng thời gian này. Cùng ngày Tổng thống Eisenhower viết thư dài cho Churchill nói ý niệm về một mặt trận thống nhất. Người Anh kinh ngạc khi nhận thư Eisenhower, họ chống lại bất cứ hành động nào có thể phương hại Hội nghị Genève sắp nhóm họp. Ba ngày sau Churchill trả lời thư, ông nói sẽ bàn với Dulles tại London ngày 12-4.

Người Pháp chán nản coi kế hoạch Kên Kên như bỏ, họ lên kế hoạch cứu quân nhân còn trong trại.

Khi Dulles đang bàn với Pháp về kế hoạch Kên Kên tại Paris, Tướng Partridge, Tư lệnh không quân Mỹ tại Viễn đông tới Sài Gòn, ông tiếp xúc với Cao ủy Maurice Dejean và Tướng Tư Lệnh Navarre khiến họ vẫn hy vọng vào sự can thiệp của Mỹ.

Dulles ở Paris ngày 23-4, Hội nghị Genève bắt đầu ngày 26-4, Pháp chỉ hy vọng vào ngưng bắn, họ năn nỉ Dulles thực hiện kế hoạch “Kên Kên”. Tổng thống Eisenhower cho Dulles biết sẽ không có oanh tạc quanh ĐBP nếu không thỏa mãn yêu cầu của các vị đại diện Quốc hội ngày 3-4. Không quân Mỹ chỉ hành động trong khuôn khổ lực lượng đồng minh sau khi họ bàn luận và biểu quyết.

Chiều ngày 23-4 đã xóa sổ vấn đề ĐBP mà người Pháp không biết. ngày 24-4 Eden tới Paris họp về NATO, đô đốc Radford thuyết phục ông chỉ cần ủng hộ tượng trưng. Eden vẫn cứng rắn và nói tại cuộc chiến Triều Tiên, mới đầu Mỹ oanh tạc sau Mỹ cũng đổ bộ quân vào, sau đó Mỹ lại thúc giục các nước đồng minh gửi quân vào. Ngày chủ nhật 25-4, Eden về Luân Đôn dự phiên họp nội các giải quyết một lần cho xong.

Tất cả nỗ lực để cứu ĐBP bằng không quân sụp đổ cuối tuần này, ngày 24-4 Dulles tại tòa Đại sứ Mỹ Ba Lê gửi văn thư cho Bidault (Bộ trưởng ngoại giao Pháp) nói (năm 1966 mới được tiết lộ)

“Một quyết định chiến tranh phải có phép của Quốc hội (US) mới thực hiện được”

Cuối thư nói ĐBP không phải là quá quan trọng, không cần cứu bằng không quân, ta đã gây thiệt hại nặng cho địch. Bidault gửi thư trả lời cùng ngày nói lực lượng địch tập trung đông đảo tại ĐBP sẽ khiến cuộc oanh tạc không những cứu được ĐBP mà còn thay đổi toàn bộ cán cân cuộc chiến.

Còn một nỗ lực cuối cùng, Pháp cử người gặp thủ tướng Chrchill để thuyết phục ông ta tại Luân Đôn ngày 27-4. Chrchill tiếp Đại sứ Pháp René Massigli, ông vẫn cứng rắn từ chối nói.

“Chúng tôi đã chịu mất Singapore, Hong Kong, Tobruk, người Pháp sẽ phải chịu thua tại ĐBP”

Chiến dịch Kên Kên chết lịm dần, Thiếu tướng Caldera, Tư lệnh không đoàn B-29 tại phi trường Clark Phi luật Tân đi thăm Đông Dương một lần nữa ngày 26-4, vẫn chuẩn bị oanh tạc ĐBP một khi có lệnh. Tất cả gồm 80 oanh tạc cơ tấn công liên tiếp quanh ĐBP và kho hậu cần tại Tuần Giao với phi hành đoàn hỗn hợp Pháp-Mỹ. Một sĩ quan cao cấp không quân Pháp đã từ Sài Gòn qua Clark Field chuẩn bị chiến dịch, có lẽ tình thế chưa tuyệt vọng.

Màn bi kịch cuối cùng là cuộc họp của Tổng Thống Eisenhower, Đô đốc Radford, các viên chức cao cấp ngày 29-4 tại Hoa Thịnh Đốn, họ duyệt lại toàn bộ tình hình một lần nữa. Trong số các nhà quân sự chỉ có Đô đốc Radford vẫn ủng hộ hoàn toàn dù là can thiệp đơn phương (không cần Quốc hội) của Mỹ để cứu ĐBP khỏi sụp đổ. Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Carney và Tướng Twining, TMT không quân không nhiệt tâm với kế hoạch này, Tướng Ridway, TMT lục quân Mỹ chống đối hoàn toàn kế hoạch. Cuối cùng TT Eisenhower quyết định không giúp Pháp, một tuần sau, ngày 7-5-1954 ĐBP hoàn toàn thất thủ, hơn mười ngàn tù binh bị bắt mà phần lớn đã chết trong trai giam.

Dù Anh có đồng ý tham gia, ủng hộ hay không, Eisenhower vẫn có toàn quyền quyết định (không cần Quốc hội), mười hai năm sau ông cho biết không muốn cho Hoa Kỳ sa vào cuộc chiến tốn kém. Nếu chiến đấu một mình sẽ làm cho Mỹ cạn kiệt tài nguyên, đánh con rắn Trung Cộng phải đánh dập đầu chứ không đánh cái đuôi nó.

Như thế quyết định không cứu Pháp ở ĐBP chính là của Mỹ, của cấp thượng đỉnh: Các vị Trưởng khối dân cử, Bộ Tham mưu liên quân và Tổng thống, nên khi quyết định đã xong không thể đổ lỗi cho Anh (23), các vị đại diện Quốc hội đòi hỏi.

-Trước hết thành lập liên minh các nước
- Pháp trả độc lập cho các nước Đông Dương
-Pháp phải tiếp tục cuộc chiến (24)

Ba điều kiện của tám vị đại diện Lập pháp Mỹ đưa ra đòi thành lập liên minh các nước chống CS tại ĐNÁ thực hiện chiến lược be bờ ngăn chận CS để bảo vệ an ninh cho Mỹ. Đòi Pháp phải trả độc lập cho Đông Dương sau đó ở lại chiến đấu cho quyền lợi của Mỹ. Ngoại trưởng Dulles đi vận động suốt tháng 4-1954 (25), ông ta đi hàng trăm dặm viếng thủ đô các nước không CS tại châu Âu, châu Á và cả Phi châu, Nam Mỹ. Trung bình Dulles 200 dặm một ngày để thành lập Liên minh chống Cộng nhưng không có kết quả, Anh, Pháp đều không tham gia, họ không có nhiều quyền lợi tại đông nam Á, đó là chuyện riêng của Mỹ.

Việc Hoa Kỳ không thực hiện được chiến dịch Kên Kên đã ám ảnh theo đuổi chính phủ Eisenhower một cách kỳ lạ ngay cả sau khi ngoại trưởng Dulles qua đời năm 1959 (26). Người ta hối tiếc đã để Việt Minh, phía CS thắng lớn đưa tới khúc quành lịch sử.

Bernard Fall nói

“Trong trường hợp này, lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, họ đã bỏ rơi một đồng minh trong khi nước này (Pháp) tham gia một cuộc chiến mà Mỹ đã khuyến khích người ta chiến đấu, nó đi xa hơn mục tiêu chính trị của nước này (Pháp) và nhất là vượt quá khả năng quân sự của họ. Ở đây ĐBP không phải chỉ là thất trận của Pháp mà cả của Mỹ. (27)

Từ năm 1952, 1953, Pháp đã mệt mỏi vì cuộc chiến Đông Dương, chêt người tốn của, Mỹ đã tăng viện trợ cho Pháp những năm 1953, 1954 để khuyến khích họ tiêp tục chiến đấu ngăn chận CS tại ĐNA có lợi cho Mỹ hơn là cho Pháp. Và rồi cuối cùng Mỹ bỏ rơi họ vì nhiều tính toán nào sợ sa lầy, mất phiếu, sợ Trung Cộng đưa quân vào…

ĐBP đã khiến các giới chức quân sự chính trị lưu ý khi Tướng De Gaulle xác nhận rằng trong cuộc khủng hoảng mà không liên hệ trực tiếp nước Mỹ, ta không thể tin tưởng họ được (28).

Tính già hóa non, người Mỹ bỏ Đông Âu dẫn tới mất Trung Hoa, mất nước Tầu đưa tới ĐBP, bỏ rơi Pháp đưa tới chiến tranh VN

Cuộc chiến Việt Nam

Bernard Fall nhận định ĐBP đóng vai trò chiến lược quan trọng đối với Hoa Kỳ, nó cũng là thời điểm Quân đội CSVN thành hình để trở thành lực lượng CS tại ĐNÁ. Sau này tình thế đã khiên Mỹ phải can thiệp vào miền nam VN những năm 1965, 1966…mà họ đã tránh hồi 1954, già néo thì đứt giây. 

Hậu quả mà Mỹ đã phải gánh chịu vì tránh can thiệp ĐBP mà họ sợ sa lầy năm 1954 để rồi sau đó mười năm phải đối đầu một cuộc chiến khác đẫm máu hơn (29)

Hai cuốn sách Mỹ mới viết gần đây cũng nhận định ĐBP thất thủ đã khiến Mỹ phải tham chiến tại VN. Fredrik Logevall Giáo sư lịch sử , tác giả cuốn “Tàn Lửa Của Cuộc Chiến Tranh, Sự Sụp Đổ Của Đế Quốc Pháp Và Khởi Đầu Cuộc Chiến Của Người Mỹ tại Việt Nam, dầy 840 trang, in năm 2012 (Embers of War, The Fall of An Empire And The Making Of America’s Vietnam). Tác giả nói ĐBP đã làm sụp đổ đế quốc Pháp và khiến người Mỹ tham dự vào cuộc chiến VN.

Ký giả Ted Morgan viết “Thung Lũng Tử Thần,Thảm Kịch Điện Biên Phủ Đã Đưa Mỹ Vào Cuộc Chiến Việt Nam, dầy 722 trang, in năm 2010” (The Valley Of Death, The Tragedy At Dien Bien Phu That Led America In to The Vietnam War). Tác giả cũng muốn nói Mỹ không anh tạc cứu ĐBP nên đã phải đối đầu với cuộc chiến VN.

Năm 1954 Thượng nghị sĩ Johnson, trưởng khối thiểu số đã đưa điều kiện đòi hỏi Eisenhower phải lập liên minh các nước, nó được tám vị dân cử đồng ý và đã cản trở hành pháp thực hiện Kên kên.

Bất ngờ cuối thập niên 50 Hà Nội phát động chiến tranh xâm lược miền nam VN. Dưới thời Kennedy 1961, 62, 63 cuộc chiến chưa mở rộng nhiều. Lyndon B. Johnson lên thay Kennedy bị ám sát cuối 1963 và đắc cử TT 1964. Rút kinh nghiệm biến cố do chính mình gây ra tháng 4-1954, nay 1964, khi làm Tổng thống ông đã vận động được Quốc hội ủng hộ Hành pháp ra Nghị quyết tháng 8-1964 dành cho Tổng thống quyền hạn can thiệp vào miền nam VN. Những năm 1964, 1965 lợi dụng tình hình chính trị miền nam xáo trộn, Cộng quân gia tăng xâm nhập quân chính qui và bắt đầu đánh lớn, miền nam có nguy cơ mất về tay CS

Tháng 2-1965 qua thăm dò của Harris poll, 78% người dân ủng hộ cuộc chiến chống CS tại đông nam Á, lưỡng viện Quốc hội ủng hộ Chính phủ, thuyết Domino được tin tưởng mạnh

Đầu tháng 3-1965, sau khi đắc cử Tổng thống, Johnson cho oanh tạc giới hạn Bắc Việt mục đích ngăn chận xâm nhập và vận chuyển tiếp liệu của địch vào miền nam để khiến họ phải từ bỏ cuộc chiến ngồi vào bản hội nghị. Cuộc oanh tạc không có kết quả nên Johnson và các cố vấn phải thay đổi kế hoạch bằng đưa thêm quân vào VNCH để có thể thắng bằng cuộc chiến dưới đất (30)

Tổng thống Johnson đã có một lựa chọn định mệnh, đưa Hoa Kỳ đi vào con đường can thiệp vào VN ồ ạt (31). Trong giai đoạn định mệnh này Johnson đã oanh tạc Bắc Việt và đưa quân vào VNCH từ 23,000 ngươi (1964) lên 175,000 (1965). Trung bình mỗi năm tăng quân 100,000 cho tới năm 1968 lên tới đỉnh cao 536,100 người

Giữa năm 1965 VNCH có nguy cơ sụp đổ trong vòng 6 tháng, BV tấn công liên tục, tình hình quân sự ngày càng xấu (32). Thực trạng nguy kịch của miền nam VN khiến Johnson quyết định đưa quân vào. Những năm 1964, 1965 tỷ lệ ủng hộ của người dân và Quốc hội rất cao người ta tin tưởng vào thuyết Donino và chính sách be bờ ngăn chận CS tại ĐNA. Rút kinh nghiệm năm 1950 TT Truman để mất Trung Hoa, Johnson quyết không để VN lọt vào tay CS.

Chính sách oanh tạc và quân sự của Johnson có mục đích đe dọa địch để chúng phải vào bàn hội nghị nhưng ông đã thất bại, sau này TT Nixon nhận xét

“Ta cần phải biết rằng không thể mơn trớn dụ dỗ Hồ Chí Minh từ bỏ cuộc chiến. Chúng ta phải bắt buộc ông ta từ bỏ nó” (33)

Johnson đã sai lầm 1954 nay lại sai lầm thêm một lần nữa, ông ta chủ quan khinh địch, Hà Nội đã có khối CS quốc tế Nga, Trung Cộng, Đông Âu đứng sau lưng.

Các chiến dịch quân sự tại miền nam VN tuy có kết quả cụ thể, giết được nhiều Việt Cộng, từ đầu 1965 cho tới cưối 1967, trong vòng ba năm địch bị thiệt hại 344,000 quân (34) nhưng chúng vẫn tiếp tục xâm nhập. Cuối năm 1968 trả lời phỏng vấn nữ ký giả Ý Fallaci, Võ Nguyên Giáp cho biết đã mất hơn nửa triệu quân.

Cuộc chiến tranh hạn chế của Johnson và Bộ trưởng quốc phòng McNamara thất bại. Sau này tháng 4-1969 Tướng Westmoreland, cựu Tư lệnh Mỹ tại VN và Đô đốc Grant Sharp, Cựu Tư lệnhThái Bình Dương đã công bố bản phúc trình công kích chính sách chiến tranh và oanh tạc hạn chế của Johnson-McNamara, không cho đánh qua hậu cần địch Mên, Lào… đã đưa tới thất bại

CSBV đưa 84,000 quân vào trận tổng tấn công Tết Mậu Thân đầu năm 1968, tổng cộng 58, 370 tên bị giết, 9,400 người bị bắt làm tù binh. Mặc dù thảm bại, nhưng Hà Nội đã thắng lớn về chính trị, phong trào phản chiến tại Mỹ lên rất cao, người dân quyết tâm đòi hòa bình, vào lúc này số binh sỉ Mỹ tử trận tại VN đã lên gần 20,000 người. Miền nam VN thắng một trận lớn nhưng thua cuộc chiến.

Năm 1965 tỷ lệ ủng hộ là 61%, cuối 1966 còn 51%, cuối 1967 còn 48%, tháng 2-1968 còn 41%, cuối 1968 chỉ còn 35% (35).
Sau trận Tết Mậu Thân, TT Johnson đề nghị Hà Nội đàm phán nếu không sẽ cho nếm mùi sức mạnh, CSBV nhận lời. Hòa đàm Paris mở đầu từ 10-5-1968.

Johnson-McNamara thất bại không thắng được BV khiến cho cuộc chiến tại đất nhà lên cao, hai nhà chính trị đã phạm nhiều sai lầm trong việc lãnh đạo cuộc chiến mà đáng lý ra phải Việt Nam hóa chiến tranh từ 1965.

Năm 1969, Nixon đắc cử Tổng thống thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, cho rút quân về nước, phong trào phản chiến lên cao mạnh hơn trước rất nhiều. Năm 1968 quân đội VNCH có 820,000 người, năm 1969 lên 897,000 người, năm 1970 lên 968.000, năm 1971 lên 1,046,250, năm 1973 lên 1,110,000.

Năm 1969 Mỹ rút 61,000 người, năm 1970 rút 141,000 người, năm 1971 rút 178,000 người, năm 1972 chỉ còn 24,000 người, năm sau còn 50 người. (36). Trận Mậu Thân 1968 đánh dấu ý định rút bỏ Đông Dương của người Mỹ, năm 1969 họ rút quân dần dần thỏa mãn nguyện vọng người dân.

VNCH được Hoa Kỳ yểm trợ đã mở cuộc hành quân sang Miên ngày 13-4-1970 để phá hủy các căn cứ hậu cần an toàn của BV, nơi xuất phát những cuộc tấn công VNCH và để giúp chính phủ Miên chống lại áp lực của CS.

Cuộc hành quân sang Kampuchia từ 29-4-1970 tới 22 -7-1970 đã đánh bại và ruồng bố được khoảng 40,000 quân CS, giết trên 10 ngàn cán binh,

Kế đó cuộc hành quân Lam Sơn tại Hạ Lào bắt đầu ngày 8-2-1971, BV phản công mạnh. Ông Thiệu lệnh cho các Tướng lãnh ngưng tiến quân. Giữa tháng ba, một thời gian ngắn sau khi quân đội VNCH tới Tchpone, họ rút lui về phía nam theo đường 914 bị Cộng quân truy kích thiệt hại nhiều. Cho tới 25-3-1972 cuộc hành quân coi như chấm dứt, tổng cộng chỉ kéo dài 45 ngày. Mặc dù không đạt kết quả nhưng cũng gây nhiều thiệt hại nặng cho CSBV.

Kissinger đàm phán đi đêm với BV tại Ba Lê, cuộc hội nghị kéo dài mấy năm. Hà Nội thương thuyết rất dai dẳng, đây là cuộc hòa đàm bẩn thỉu nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới. Hà Nội không từ một mánh khóe hạ tiện nào để đạt thắng lợi tại bàn Hội nghị. Tháng 3-1972, lợi dụng khi quân đội Mỹ rút về gần hết, Hà Nội mở trận tổng tấn công miền nam VN với trên mười sư đoàn và nhiều xe tăng, đại bác. Tháng 2-1972 Nixon sang Tầu bắt tay Mao Trạch Đông, cái bắt tay thay đổi nhiều thập niên. Tháng 5-1972 Nixon họp thượng dỉnh tại Mạc Tư Khoa, hai bên thỏa thuận tài giảm binh bị. Trong năm 1972 ông ta vừa đánh bại CSBV, bắt tay Trung Cộng, hòa với Nga.

Trong tháng 5 -1972 miền nam đã thắng thế BV, TT Nixon oanh tạc Cộng quân dữ dội bằng B-52 để yểm trợ VNCH, ông nói chúng ta đã có khuynh hướng dọa cho dữ nhưng làm ít, đó là điểm yếu của chính phủ Johnson

(I think we have too much of a tendency to talk big and act little, I wrote “This was certainy the weakness of the Johnson administration).
(37)

Nixon là người cứng rắn dám dùng sức mạnh tối đa khi cần nhưng cũng không cứu vãn nổi sự sụp đổ của miền nam VN về chính trị. CSBV bị thiệt hại nặng trong trận muà hè đỏ lửa này, tháng 9/1972 có vào khoảng từ 70 ngàn cho tới 100 ngàn cán binh CS bị giết, khoảng 700 chiến xa bị phá hủy (38). Sau trận thảm bại 1972, Hà Nội chịu nhượng bộ tại bàn hội nghị: không đòi TT Thiệu từ chức, không đòi miền nam trung lập, VNCH chống đối hòa đàm. Bầu cử Tổng thống 7/11/1972 về cử tri đoàn Nixon thắng 49 tiểu bang, 520 điểm, thắng 47 triệu phiếu phổ phông, 60.7% số phiếu bầu, hơn McGovern 18 triệu phiếu, trận thắng cử lớn nhất từ xưa tới nay. Nixon đã đem quân về nước, lấy lại tù binh, không bỏ đồng minh, hòa với Nga, bang giao với Trung Cộng

Trước sự thúc ép của Quốc hội, Nixon ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, Cộng quân không phải rút về Bắc, miền nam thắng mà như thua. Trước khi ký Hiệp định, Lập pháp hứa với Hành pháp sẽ tiếp tục viện trợ quân sự đầy đủ cho VNCH nhưng khi đã đem quân về nước, họ trở mặt cắt giảm dần dần.

Sau ngày ngưng bắn Hà Nội hối hả đưa khoảng 18,000 xe vận tải và 70,000 người xâm nhập miền Nam . Quốc hội Mỹ bắt đầu soạn tu chính án cấm xử dụng mọi ngân khoản cho các cuộc oanh tạc tại Đông Dương. Nixon ký thành luật ngày 30-6-1973, có hiệu lực ngày 15-8-1973. Tu chính án xác định từ nay không còn ngân khoản nào dùng trực tiếp và gián tiếp cho các hoạt động quân sự của My tại Miên, Lào, Bắc và Nam VN hay ngoài khơi Mên, Lào, Bắc, Nam VN.

Nixon không còn thẩm quyền giữ hòa bình cho VN, Quốc hội đã cho phép lãnh đạo Hà Nội tự do thao túng tại miền Nam VN. Quốc hội tiếp tục hạn chế quyền Tổng thống về quân sự đó là Dự luật War Power act: Tổng thống phải thảo luận với Quốc hội trước khi tham chiến. Ngày 7-11-1973 hình thành luật hạn chế quyền Tổng thống.

Sau ngày ngưng bắn, Hà Nội chuyển vũ khí đạn dược vào Nam, Quốc hội cắt xén viện trợ cho VNCH liên tục, ngân khoản do Nixon đề nghị đã bị Quốc hội cắt giảm từ hai tỷ mốt (2,1 tỷ) tài khoá 1973 xuống một tỷ tư (1,4 tỷ) tài khoá 1974 và 700 triệu tài khoá 1975. Trong khi ấy BV vẫn được CS quốc tế viện trợ dồi dào. Khi kết thúc Hiệp định Paris, Nixon đã đề ra hai kế hoạch bảo đảm hòa bình: Trước hết duy trì sự đe dọa trừng trị của Mỹ đối với một cuộc xâm lăng từ BV và sau đó là viện trợ quân sự đầy đủ cho VNCH để cân bằng lực lượng nhưng chung cục cả hai điều kiện trên đã bị Quốc hội phá hỏng hết (39)

Ngày 9/8/1974 Nixon từ chức vì vụ Watergate, Phó TT Gerald Ford lên thay, ông tân Tổng thống này chỉ là bù nhìn khi đảng đối lập Dân chủ nắm ưu thế hoàn toàn tại Quốc hội: 67% Hạ viện và 60% 

Thượng viện.

Quốc hội Dân chủ kiên quyết chống chiến tranh VN, trả thù cho thất bại nhục nhã trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1972 bằng cắt giảm viện trợ quân sự miền nam VN như trên. Hậu quả của sự cắt giảm tàn nhẫn này là tháng 4-1975, pháo binh VNCH hết đạn, máy bay hết săng, nhiên liệu…

Quốc hội lợi dụng thành quả của Hành pháp Nixon: Hòa với Nga, bắt tay Trung Cộng để bỏ Đông Dương, nay thiên hạ thái bình, thuyết Domino không còn ý nghĩa, CS không còn là mối nguy đe dọa ĐNA.

Nhờ xương máu của hàng triệu quân dân VNCH mà họ đã hòa được với Nga, Tầu khi cả hai phía đã cùng mệt mỏi. Nay miếng xương Đông Dương không còn ý nghĩa.

Từ thập niên 80 Hoa Kỳ và các nước Tây phương đầu tư vào Hoa Lục hy vọng nâng cao đời sống của họ để rồi từ từ chế độ Cộng sản sẽ phai mầu hóa ra hiền lành không còn hiếu chiến như xưa. Đầu thập niên 90 chế độ CS sụp đổ tại Liên Xô, Đông Âu khiến người Mỹ càng tin tưởng họ đang được hưởng thái bình đời vua Nghiêu Thuấn.

Mấy chục năm trôi qua, người Mỹ bỏ Đông Dương vì tin rằng đã hòa được với CS quốc tế, niềm tin nay đã thành ảo tưởng. Trung Cộng càng giầu, kinh tế phồn thịnh càng hung dữ hơn trước.

Nay ngân sách quốc phòng Trung Cộng (40) tăng lên 188 tỷ Mỹ kim gần bằng 1/3 của Mỹ (640 tỷ).Trong vòng 10 năm từ 2002 tới 2012 chi phí quốc phòng Trung Cộng tăng lên hơn gấp năm lần (41). Một hai thập niên trước họ chưa giầu mạnh ra vẻ khiêm tốn nay ra mặt thách thức Mỹ tại biển đông.

Nga từ bỏ chế độ CS, dân số chỉ còn 145 triệu nhưng cũng tăng cường ngân sách quốc phòng lên 88 tỷ Mỹ kim đứng thứ ba trên thế giới, họ trở lại chính sách bành trướng xa xưa. Tình hình Ukraine 2014 căng thẳng do Nga gây hấn can thiệp, Tổng thống Putin sáp nhập những tỉnh biên giới và thách thức Mỹ, Tây Âu. Trong cơn nóng giận ông ta hăm dọa: Nga là nước duy nhất trên thế giới có khả năng biến nước Mỹ thành tro bụi.

Tác giả Ted Morgan trong “The Valley Of Death, The Tragedy At Dien Bien Phu That Led America In to The Vietnam War”, trang 411 nói về Điện Biên Phủ

“Tháng 3 và tháng 4 năm 1954 Mao tăng viện trợ cho VM 4 tiểu đoàn phòng không, VM được huấn luyện tại Trung Cộng với súng cao xạ 37 ly và đã được đưa tới ĐBP…..
. . . . Mao cho huấn luyện thêm hai sư đoàn pháo và hai tiểu đoàn công binh cho VM. . .

Về việc cố vấn và viện trợ Mao có ưu thế hơn Mỹ nhiều, ông ta không phải vận động quốc hội như Mỹ, Mao thảo lệnh và được thi hành ngay, Việt Minh không cãi lại ý kiến của Trung Cộng trong khi Pháp luôn than phiền Mỹ can dự vào”.

Trong khi Mao, Staline ban lệnh và được thi hành ngay, Tổng thống Mỹ phải thăm dò ý kiến người dân, tham khảo Quốc hội, ngoài ra Anh-Pháp-Mỹ chia rẽ nhau vì quyền lợi, như thế không thể thắng được cuộc chiến.

Tại một đất nước mà chính phủ không có thực quyền, đảng nọ phá đảng kia, Quốc hội lộng hành, người dân yêu sách… thì các đồng minh của họ bị chết oan vì bức tử là điều không có gì khó hiểu.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt
——————————————————-
Chú thích

(1) America in the seconde world war, US history.org
(2) Histoire de La Seconde Guerre Mondiale
(3) Constantin Virgil Gheorghiu, sinh 15-9-1916 tại Moldavie, Lỗ Ma Ni mất 22-6-1992 tại Paris . Tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Giờ Thứ Hai Mươi Lăm, La Vingt-cinquième heure
(4) America in the seconde world war, US history.org
(5) Quốc Cộng Đàm Phán, phim lịch sử Hồng Kông quay thập niên 80 kể lại giai đoạn này
(6) La Guerre civil en chine, Geographie.blog le monde.fr
(7) Communists Win China ’s War, Macrohistoory and World Time Line, Fsmitha.com
(8) Chinese civil war, Wikipedia
(9) Chinese Communist Revolution, Wikipedia
10) Richard Nixon, No More Vietnams trang 214
(11) Trần Vũ, Vì Sao Trung Quốc Không Giải Phóng Được Đài Loan? trang mạng Đời Sống Và Pháp Luật 2013
(12) Bernard Fall, Đường Phố Buồn Thiu (Street Without Joy) trang 28, 32
(13) Quân Sử 4, Quân lực VNCH Trong Giai Đoạn Thành Hình, Bộ TTM
VNCH trang 124, Street Without Joy trang 33
(14) Henri Navarre, Agonie de l’Indochine trang 27
(15) The Pentagon Papers Volum 1, Chapter 2
(16) Agonie de l’Indochine 188-200
(17) Sách kể trên trang 47
(18) Trang Vietnam.net ngày 6-5-2014 bài 8: “7 Tướng pháp và 1 Điện Biên” cho biết tỷ số quân VM 3.3 Pháp 1, pháo binh VM 3.1 Pháp 1
(19) Quân sử 4 trang 160.
(20) Trang Vietnam.net ngày 6-5-2014
(21) Agonie de l’Indochine trang 230
(22) Bernard Fall: Hell In A Very Small Place, The Siege of Dien Bien Phu ,
Philippe Devillers, End of a War, Indochina 1954
Fredrik Logevall: Embers Of War, The Fall Of An Empire And The Making of America’s Vietnam , Ted Morgan: The Valley Of Death, The Tragedy At Dien Bien Phu That Led America In to The Vietnam
(23) Hell In A Very Small Place trang 312
(24) Embers of War, The Fall of An Empire And The Making Of America’s Vietnam trang 469; Hell In A Very Small Place trang 301
(25) Embers of war trang 481
(26) Hell In A Very Small Place trang 313
(27) Sách kể trên trang 461
(28) Sách kể trên trang 461
(29) Sách kể trên trang 462
(30) Stanley Karnow. Vietnam A History trang 435
(31) McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam trang 169
(32) Ngô Quang Trưởng, Trận Chiến Trong Mùa Lễ Phục Sinh 1972, trang 16, 17; Stanley Karnow, Vietnam A History trang 440, 441
(33) Richard Nixon, No More Vietnams trang 82
(34) Sách kể trên trang 86
(35) Opposition to the US involvement in the Vietnam war, Wikipedia
(36) Vietnam war Allied troop Levels 1960-73, americanwarlibrary.com
(37) No More Vietnams trang 148
(38) Nguyễn đức Phương, Chiến TranhViệt Nam ToànTập trang 587
(39) No More Vietnams trang 189
(40) List of countries by military expenditures, Wikipedia
(41) Military budget of the People’s Republic of China , Wikipedia

Không có nhận xét nào: