Sự tham lam là một trong những cạm bẫy lớn nhất của cuộc đời và thường khiến chúng ta quên giữ gìn sức khoẻ.
Vì vậy có lẽ không phải quá ngạc nhiên khi đôi lúc chúng ta phải làm những công việc mình ghét cay ghét đắng, chỉ vì khoản lương hậu hĩnh.
Chúng tôi đã tìm đến trang web hỏi-đáp Quora để xem nên làm gì trong trường hợp phải làm công việc mà mình không ưa thích chỉ vì nó mang lại nhiều tiền.
Đây là một số câu trả lời mà chúng tôi nhận được:
Ông Phil Darnowsky đưa ra một chương trình gồm sáu bước nhằm giúp bạn không chỉ rời khỏi công việc hiện tại, mà còn tìm kiếm niềm đam mê tiếp theo. Ông viết:
“Cắt giảm chi tiêu và bắt đầu tiết kiệm một cách quyết liệt. Hãy cố gắng chịu đựng vị trí hiện tại cho đến khi bạn có tiền trong ngân hàng.”
“Nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng thuê nhà, bán hết tất cả mọi thứ không thể chứa trong một chiếc vali”.
“Hãy tìm đến những nơi có ánh nắng mặt trời, có những con người cởi mở và chi phí sống thấp”.
“Hãy ở đó và không làm gì cả cho tới khi bạn cảm thấy buồn chán”.
“Khi bỗng nhiên bạn nghĩ đến một việc gì đó mà mình muốn làm hơn là rong ruổi trên những bãi biển, hãy ngay lập tức theo đuổi điều đó”.
Ông Andy Johns cũng đồng ý rằng tiền tiết kiệm là một trong những yếu tố quan trọng để giúp bạn rời khỏi công việc hiện tại.
Để xác định bao nhiêu tiền tiết kiệm thì đủ, “hãy viết xuống một danh sách những gì bạn muốn là, khi bạn thất nghiệp, nhưng lại đủ tiền để làm chúng”, ông viết.
“Sau khi dành dụm đủ tiền, bạn sẽ cần phải thực hiện những điều viết ra trong danh sách đó. Hãy nghỉ việc và tận hưởng cuộc sống”.
Thực tế
Đôi lúc mọi thứ lại không chỉ đơn thuần là nghỉ hay không nghỉ việc. Nếu như bạn đã có gia đình thì sao? Việc tìm kiếm việc làm mới sẽ không phải lúc nào cũng đơn giản.
“Vợ tôi và tôi đã bàn về công việc của cô ấy trong một thời gian dài,” một người viết.
“Khi chúng tôi ở tuổi đôi mươi, rất dễ để theo đuổi hạnh phúc mà không cần nghĩ đến tương lai.”
“Giờ đây chúng tôi đã lớn tuổi hơn một chút và đã dùng hết tiền tiết kiệm trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế bốn năm trước và khó lòng ngoảnh mặt lại với sự an toàn về tài chính, dù điều đó đồng nghĩa với việc phải hy sinh hạnh phúc về ngắn hạn”.
“Mọi thứ thậm chí còn khó khăn hơn khi bạn đã lập gia đình hoặc có con”.
“Tôi không thực sự biết câu trả lời là gì. Nhưng tôi không nghĩ đó là một câu hỏi có thể trả lời dễ dàng bằng những khẩu hiệu hay lời nói dí dỏm”.
Bạn bè
Darius Tan cũng trong một tình huống tương tự.
“Tôi từng là một tay đánh poker chuyên nghiệp và chơi từ 80-100 giờ mỗi tuần.”
“Tôi đã kiếm cả trăm nghìn đô mỗi năm khi chỉ mới 21 tuổi. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy hài lòng chút nào. Tôi nhận ra mình không hề hạnh phúc”.
Sau khi đọc nhiều sách và nghiên cứu về hạnh phúc, Tan nói ông đã nghiệm ra rằng hạnh phúc đến từ ba thứ: Tìm kiếm một công ty có môi trường làm việc tốt, dành nhiều thời gian cho bạn bè và gia đình và bạn cần phải nhận thức được rằng mình thật tuyệt vời.
Cứng rắn
Ashton Lee từ Bắc Kinh thì cho rằng bạn nên tiếp tục với công việc hiện tại.
“Nhiều khả năng bạn sẽ phát triển những kỹ năng mới… Điều này sẽ giúp ích cho bạn trong tương lai”, ông viết.
“Có thể điều này sẽ giúp bạn tìm đến các trường về kinh doanh, gia nhập hoặc mở một công ty mới”
“Cũng có thể bạn đã nỗ lực đủ nhiều và giờ đây công việc của bạn sẽ trở nên thú vị hơn ở một vị trí cao hơn”.
Theo đuổi đam mê
Amy Robinson thì có một cái nhìn hoàn toàn trái ngược: “Cuộc sống của tôi thật tuyệt vời, nhưng tài khoản ngân hàng của tôi thì trống rỗng,” bà viết.
“Tôi làm việc 80 tiếng một ngày với mức lương bèo bọt.”
“Thế nhưng điều đó không quan trọng vì a/ tôi có một cuộc sống tuyệt vời và b/ bạn cuối cùng cũng sẽ được đền đáp vì theo đuổi công việc mà mình yêu thích.”
Robinson viết rằng công việc của bà đã giúp bà có cơ hội đi khắp nơi và gặp gỡ những con người thú vị.
“Những điều tuyệt vời và bất ngờ sẽ xảy ra khi bạn ngưng tập trung vào tiền bạc và thay vào đó, sống với một niềm đam mê.”
“Không gì thay thế được một cuộc sống mà bạn yêu thích. Hãy bắt đầu ngay bây giờ, trước khi mọi thứ trở nên khó để thay đổi hơn”.
Bản gốc bài viết đã được đăng trên BBC Capital.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét