Pages

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Giải pháp nào cho căng thẳng Biển Đông?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trò chuyện với Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc tại Đối thoại Shangri-La
Vấn đề tranh chấp trên Biển Đông tưởng như đã tạm yên nhưng lại liên tục được đề cập đến trong khoảng thời gian ngắn, từ Đối thoại Shangri-la (29-31/05/2015, tại Singapore) cho đến Hội nghị G7 (07-08/06/2015, tại Đức).
Quốc tế thực sự lo ngại với chiến thuật “không đánh mà thắng” mà Trung Quốc đang áp dụng tại Biển Đông, đó là âm thầm thay đổi thực trạng, cải tạo và xây dựng các bãi đá ngầm, đảo chìm thành các đảo nhân tạo với nhiều quy mô khác nhau.

Sẽ rất chủ quan nếu chúng ta cho rằng việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo các đảo nhân tạo là vô ích, vì nhìn từ góc độ luật pháp quốc tế, Bắc Kinh đang vi phạm điều khoản121 của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Theo điều khoản 121 này thì các đảo mà Trung Quốc đang cải tạo không phải do tự nhiên, và vì thế, họ không thể thiết lập vùng “đặc quyền kinh tế” 200 hải lý xung quanh. Vấn đề là Trung Quốc biết rõ điều này, và họ không chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý một cách có chủ đích.
Nói cách khác, họ chủ động không “hầu tòa” vì quá trình để tòa án quốc tế bác bỏ luận điểm của Trung Quốc, chứng minh các đảo này không phải hình thành tự nhiên, là rất lâu dài và vô cùng phức tạp.
Trung Quốc không hẳn đang lách luật mà cố tình dây dưa thành sự đã rồi, với ý đồ tạo dựng các cơ sở thực tế phục vụ cho mục đích lâu dài là nắm quyền chủ động nếu phải ngồi vào bàn đàm phán với các nước lớn.

Mỹ và Nhật cùng lên tiếng

Trong khoảng vài tuần trở lại đây, dư luận quốc tế đều đã lên tiếng về việc Trung Quốc tăng cường xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Tại Đối thoại Shangri-la tổ chức ở Singapore, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Ashton Carter đã mạnh mẽ phê phán và cho rằng các hành động của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, đồng thời yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động cải tạo hiện nay để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Hay như tại Hội nghị G7 vừa diễn ra tại Đức, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên NHK, Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe cho rằng liệu “ châu Á có chấp nhận để chủ nghĩa bành trướng gây nên tình trạng bất ổn trong khu vực?”, đồng thời nhấn mạnh “các bên tranh chấp phải dựa theo luật pháp quốc tế và mọi hành động dùng vũ lực hoặc áp đặt đều không thể chấp nhận”.
Những diễn tiến này cho thấy, căng thẳng ở Biển Đông không còn mang tính khu vực, liên quan tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các nước, mà việc Trung Quốc liên tục xây dựng và cải tạo đảo với qui mô lớn đã trở thành mối nguy hiểm cho anh ninh hàng hải, nguy cơ chiến tranh, đe dọa hòa bình và rất có thể trở thành điểm nóng thứ hai, sau vấn đề Ukraine, vốn đang là sự đối đầu giữa Nga và phương Tây.
Hiển nhiên, Trung Quốc luôn phủ nhận và thường xuyên lái vấn đề sang hướng khác. Điển hình như trong Hội Thảo 2015 của Viện Nghiên Cứu Chính Trị Hoàng Gia Anh, khi bị đề cập về vấn đề này, Tiến Sĩ Wu Xinbo, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Mỹ, trưởng khoa Quan Hệ Quốc Tế, Đại Học Fudan, Trung Quốc, thay vì trả lời vào câu hỏi, đã nói rằng “ Trung Quốc muốn hợp tác với tất cả các nước trong mọi lĩnh vực liên quan Biển Đông”.

Giải pháp cho các nước

Trên thực tế, tranh chấp Biển Đông chỉ liên quan trực tiếp đến bốn nước, nhưng lại gián tiếp ảnh hưởng đến toàn khối ASEAN vì có tác động to lớn đến anh ninh khu vực.
Ngoài Philippines đã đưa hồ sơ kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc Tế, các nước còn lại mới chỉ dừng ở việc phản đối, thông qua các kênh chính thức như Bộ Ngoại Giao lẫn không chính thức như các cuộc biểu tình tự phát của người dân.
Ngay cả giữa các nước có liên quan trực tiếp cũng gần như chưa thống nhất được phương pháp đối phó với Trung Quốc. Hiện phương án khả thi nhất mà các nước ASEAN có được là bản Nguyên Tắc Ứng Xử (Code of conduct) thì mãi vẫn chưa thể ký với Trung Quốc.
Và có vẻ như thời gian để các bên có thể ngồi lại với nhau và đi đến sự đồng thuận càng lâu càng có lợi cho Trung Quốc, vì khi đó, hiện trạng Biển Đông đã thay đổi khá nhiều. Những tranh chấp cũ chưa được giải quyết thì đã nảy sinh những bất đồng mới.
Vấn đề tiếp theo là liệu giữa các nước có liên quan trực tiếp, có thể tạm gác những tranh chấp và bất đồng, đoàn kết đối phó với gã khổng lồ Trung Quốc hay không? Hoặc sẽ chọn cách giải quyết nào với nhau: lẳng lặng như giữa Malaysia và Brunei hồi 2009 hay căng thẳng như Philippine và Malaysia mới đây đối với Sabah.
Cuối cùng, liệu việc Mỹ và Nhật cùng chỉ trích Trung Quốc, có phải là tín hiệu tốt cho khối ASEAN khi sự mất cân đối về các thế lực chính trị đã được cân bằng.
Đã có nhiều dự đoán rằng nút thắt về tình hình căng thẳng ở Biển Đông sẽ được tháo gỡ với việc Trung Quốc-Mỹ-Nhật Bản đạt được thỏa thuận nào đó, nhưng như vậy liệu có phải là kết quả tốt nhất cho các nước ASEAN.
Nhìn vào chính sách “Xoay trục” của Mỹ, đối với vấn đề Biển Đông, Nhà Trắng dường như vẫn đang thăm dò phản ứng của Bắc Kinh, nếu không muốn nói là hơi yếu, và với việc phải chuẩn bị cho tranh cử vào tháng 11 năm sau (2016), liệu chính phủ ông Obama sẽ nhúng tay đến đâu ở Biển Đông, cũng như liệu Mỹ có đánh đổi mối quan hệ với Trung Quốc.
Tương tự thế, đối với Nhật, dù chỉ trích Trung Quốc gay gắt, Thủ Tướng Abe vẫn không quên thòng những câu xoa dịu, cũng có thể coi là một cách giải quyết, rằng mối quan hệ Trung-Nhật là “không thể tách rời”, được xây dựng dựa trên nền tảng của “những lợi ích chiến lược chung” và kết luận rằng “Nhật Bản luôn mở rộng cửa” cho Trung Quốc cùng đàm phán!
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Huy Bùi, Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế, ĐH Staffordshire, Anh quốc.

Không có nhận xét nào: