Sự trỗi dậy thành một cường quốc của Trung Quốc có ý nghĩa như thế nào đối với nước Úc? Câu trả lời phụ thuộc vào người được hỏi là ai.
Trong tháng 3 năm 2015, biên tập viên chuyên mục quốc tế của tờ Sydney Morning Herald, Peter Hartcher, đã mô tả Trung Quốc như một quốc gia phát-xít chèn ép chính người dân của mình cũng như các quốc gia láng giềng. Điều đó phần nào nói lên quan điểm nhìn nhận Trung Quốc như một mối đe dọa, “mối đe dọa Trung Quốc”.
Tuy nhiên, cũng không thiếu các giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEOs) bộc lộ sự tán dương đối với các chính sách của Chính phủ Trung Quốc vốn dự kiến sẽ giúp hơn 850 triệu dân Trung Quốc vươn lên hàng ngũ tầng lớp trung lưu trong thập niên tiếp theo.
Các chính trị gia ở nước Úc đã dành nhiều thời gian để lắng nghe cả hai thái cực đó trong quan điểm đối với Trung Quốc. Tháng 11 năm 2014, Thủ tướng Tony Abbott được cho là đã nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng chính sách của Úc đối với Trung Quốc được điều chỉnh bởi “nỗi sợ và sự tham lam”. Đáp lại nhận xét này, Linda Jakobson, người sáng lập sáng kiến chính sách công mang tên China Matters (Trung Quốc Quan trọng), nhận xét rằng “Ngài Thủ tướng đã nắm bắt được bản chất hai thái cực trong quan điểm của nước Úc đối với Trung Quốc”.
Điều này có thể đúng đối với các nhà bình luận Úc là các CEOs và các chính trị gia. Nhưng ở Úc vẫn còn một nhóm ý kiến quan trọng khác nơi không tồn tại hai thái cực nói trên: công luận Úc.
Hồi tháng 4 năm 2015, Viện Nghiên cứu Quan hệ Úc và Trung Quốc (Australia – China Relations Institute – ACRI) thuộc Đại học Công nghệ Sydney, đã khảo sát hơn 1.500 người dân Úc để hiểu rõ hơn thái độ của họ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cuộc khảo sát đã dẫn đến một phát hiện lớn là đối với hầu hết các câu hỏi thì câu trả lời ở khoảng giữa hai thái cực nhận được sự ủng hộ lớn nhất.
Khảo sát của ACIR bắt đầu với câu hỏi liệu Trung Quốc có thay thế vị trị của Mỹ như một cường quốc vượt trội tại khu vực trong 20 năm tới hay không. Những người tin rằng điều đó là “rất có khả năng” (27,2 %) đông hơn những người nghĩ rằng là “hoàn toàn không có khả năng” (7%) với một tỷ lệ gấp gần bốn lần. Tuy nhiên, một tỷ lệ thậm chí còn lớn hơn đã đưa ra ý kiến trung hòa ở khoảng giữa hai thái cực “rất có khả năng” và “hoàn toàn không có khả năng” khi hoặc tin rằng “có phần có khả năng” (40,9%) hoặc “có khả năng” (25,0%).
Đa số có thể đúng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều có chung quan điểm Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong khoảng thời gian trước năm 2030. Nhưng ở khía cạnh thu nhập đầu người thì Trung Quốc sẽ vẫn duy trì ở vị trí thứ hai sau Mỹ. Đồng thời, ở khía cạnh sức mạnh quân sự, một báo cáo năm 2014 được thực hiện bởi Quỹ Kokoda (Kokoda Foundation) đã chỉ rõ rằng Trung Quốc sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nữa mới có thể bắt kịp Mỹ.
Công luận Úc có một quan niệm mạnh mẽ rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ có lợi cho nền kinh tế Úc. 44% người Úc cho rằng một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc sẽ mang lại những lợi ích lớn nhất trong số tất cả các hiệp định thương mại tự do của nước Úc, so với 31%, 20% và 6% người theo thứ tự tin vào các hiệp thương mại tự do với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Còn trong khía cạnh ảnh hưởng an ninh, ý kiến ở hai đầu thái cực không được lựa chọn, đặc biệt là đầu ý kiến cực đoan. Chưa đến 14% người Úc nghĩ rằng sẽ là “rất nguy hiểm” đối với an ninh nước Úc nếu Trung Quốc trở thành cường quốc vượt trội ở khu vực. Ngược lại, gần một phần tư cho rằng điều đó “hoàn toàn không nguy hiểm”. Tuy nhiên, những con số trên cũng có nghĩa rằng ý kiến của 63% còn lại ở đâu đó trong khoảng giữa hai ý kiến “rất nguy hiểm” và “hoàn toàn không nguy hiểm”.
Những người tham gia cuộc khảo sát sau đó được hỏi nước Úc có nên tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ để giúp Mỹ cân bằng sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc ở châu Á hay không. Một lần nữa ý kiến ở hai đầu thái cực bị phớt lờ: gần 3/4 người Úc cho rằng điều đó sẽ là hoặc “phần nào không khôn ngoan” hoặc “khôn ngoan” (35,4% và 38,1% theo thứ thứ tự). Chỉ còn lại 1/4 chọn hoặc “rất không khôn ngoan” (11,9%) hoặc “rất khôn ngoan” (14,7%).
Và khi được hỏi nước Úc có nên gửi lực lượng vũ trang tham gia vào một cuộc chiến chống lại Trung Quốc nhằm hỗ trợ Mỹ hay không, chưa đến 1/10 (9,2%) trả lời rằng sẽ là “rất khôn ngoan” nếu tham chiến. Gần gấp ba lần số người có ý kiến trên lại tin rằng điều đó sẽ là “rất thiếu khôn ngoan” (26,0%).
Các kết quả khảo sát cho thấy rằng hầu hết người Úc không có ý nghĩ rằng một Trung Quốc hùng mạnh hơn là một mối đe dọa hiển nhiên đối với lợi ích quốc gia của nước Úc. Tuy nhiên, không có gì ngạc nhiên khi vẫn có một số cảnh báo rằng: Úc và Trung Quốc có ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa, các giá trị cũng như hệ thống chính trị khác biệt. Đồng thời, sự gia tăng vị thế của Trung Quốc trong nhận thức quốc gia của Úc là một hiện tượng mới mẻ và phát triển nhanh.
Điều này là một lý do khác cho thấy các nhà lãnh đạo Úc nên tránh việc để nỗi sợ chi phối chính sách. Thay vào đó, kết quả khảo sát ủng hộ việc đầu tư nhiều hơn để hiểu rõ hơn và giải thích tốt hơn mối quan hệ song phương phức tạp này.
Nguồn: James Laurenceson & Hannah Bretherton, “What Australians really think about a rising China”, East Asia Forum, 27/5/2015.
Biên dịch: Lê Công Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
James Laurenceson là Phó Giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ Úc – Trung Quốc (ACRI) thuộc Đại học Công nghệ Sydney.
Hannah Bretherton là nhà nghiên cứu tại Viện ACRI.
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét