Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Nhân quyền Việt Nam và Asean theo báo cáo Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công bố báo cáo nhân quyền hôm 25/6
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 25/6 công bố Báo cáo thường niên tình hình nhân quyền các nước, trong đó có Việt Nam.
Đây là năm thứ 39 Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện báo cáo nhân quyền theo yêu cầu của Quốc hội.
Dưới đây là một phần tóm tắt trong báo cáo về nhân quyền tại 10 nước trong ASEAN:

Brunei

Các vấn đề nhân quyền phổ biến nhất là việc công dân không thể thay đổi chính phủ thông qua bầu cử tự do và công bằng, hạn chế tự do tôn giáo và bóc lột người lao động nước ngoài.
Các vấn đề nhân quyền khác gồm hạn chế tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội.

Myanmar

Các vi phạm nhân quyền ở bang Rakhine là sự trái ngược gây nhiều lo lắng, khác với xu hướng tiến bộ từ 2011, gồm việc thả tù nhân chính trị năm 2012, nỗ lực cải thiện điều kiện trong tù và tiếp tục đàm phán để có ngừng bắn lâu dài.
Tại bang Rakhine, chính quyền trung ương và địa phương hạn chế nghiêm trọng việc tiếp cận nhân đạo và không làm gì mấy để giải quyết nguồn gốc bạo lực và phân biệt. Chính phủ không lập tiến trình công bằng để trao quyền công dân đầy đủ, không phân biệt cho người Rohingya vô tổ quốc. Hồi tháng 11 năm 2014, hơn 16.000 người Rohingya chạy trốn bằng thuyền chỉ trong hai tuần, chủ yếu có sự khuyến khích của an ninh, quân đội, kẻ buôn lậu và buôn người.
Các vấn đề nhân quyền lớn khác tiếp tục trên cả nước, đặc biệt ở các vùng xung đột, gồm hãm hiếp, bạo lực tình dục; các vụ bắt giữ có động cơ chính trị và nói chung là thiếu pháp luật, dẫn đến tham ô và lấy đất sâu rộng mà không đền bù đầy đủ; các vụ bắt nhà báo; và hạn chế tự do truyền thông. Chính quyền không bảo vệ dân ở các vùng xung đột.
Nhiều luật hạn chế tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, tôn giáo, đi lại vẫn tồn tại, và giới chức tiếp tục áp dụng.

Campuchia

Ba vấn đề nhân quyền hàng đầu là việc tùy tiện tạm ngừng quyền tụ họp ở thủ đô, tòa án thiếu hiệu quả và bị chính trị hóa, và hạn chế tự do báo chí.
Các vấn đề nhân quyền khác gồm hành hạ tù nhân, tham nhũng lan rộng, các cơ quan nhân quyền chính phủ thiếu hiệu quả, và buôn người.

Indonesia

Chính phủ không có điều tra công khai minh bạch về một số cáo buộc giết người, tra tấn, hành hạ của lực lượng an ninh.
Chính phủ áp dụng luật mưu phản, báng bổ, phỉ báng, hành vi lịch sự để hạn chế tự do biểu đạt, hội họp. Mặc dù có các vụ kết tội và bắt giữ gây tiếng vang, nhưng tham nhũng rộng khắp trong chính phủ, tòa án và an ninh vẫn là vấn đề.
Sự thụ động của cảnh sát, thiếu bảo vệ nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo, hành hạ tù nhân và người bị tạm giam, điều kiện vất vả trong tù, buôn người, lao động trẻ em, và không thi hành tiêu chuẩn lao động và quyền công nhân vẫn là vấn đề.

Lào

Các vấn đề nhân quyền quan trọng nhất vẫn là chính phủ không cho công dân quyền thay đổi chính phủ, điều kiện trong một số nhà tù khắc nghiệt, và tham nhũng trong cảnh sát và tòa án khiến cho thiếu tiến trình công bằng, các vụ bắt giữ và tạm giam tùy tiện.

Malaysia

Các vấn đề nhân quyền lớn nhất là chính phủ hạn chế tự do biểu đạt – gồm ngôn luận, hội họp, lập hội và truyền thông. Hạn chế tự do tôn giáo cũng là quan ngại lớn.

Philippines

Các vấn đề nhân quyền lớn nhất vẫn là các vụ giết người và làm mất tích của lực lượng an ninh và các nhóm dân sự; hệ thống luật hình sự quá tải và yếu ớt nổi bật vì thiếu hợp tác giữa cảnh sát và điều tra viên; hồ sơ yếu kém các vụ truy tố và kéo dài thủ tục; và tham nhũng chính quyền và lạm dụng quyền lực rộng khắp.

Singapore

Chính phủ có thể và đã kiểm duyệt truyền thông (từ show truyền hình đến website) nếu cho rằng nội dung gây hại cho hòa thuận xã hội hay chỉ trích chính phủ. Luật An ninh Nội bộ (ISA) cho phép bắt giam mà không cần trát, khởi tố hay quy trình xem xét của tòa án. Trong những năm gần đây, chính phủ dùng luật này với những người bị cáo buộc là khủng bố chứ không dùng với người của phe đối lập chính trị.

Thái Lan

Ngày 22/5/2014, trong một cuộc đảo chính không đổ máu, quân đội và cảnh sát, lấy tên Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO), do Tướng Prayut Chan-Ocha dẫn đầu, đã lật đổ chính phủ lâm thời của đảng Puea Thai.
Các lãnh đạo đảo chính bãi bỏ hiến pháp (ngoại trừ các điều khoản liên quan nền quân chủ, tạm ngừng quốc hội, tiếp tục thiết quân luật đã áp dụng hai ngày trước đó, và ban hành nhiều nghị định hạn chế tự do dân sự. NCPO công bố hiến pháp tạm thời ngày 22/7, bổ nhiệm người vào quốc hội ngày 31/7, và các thành viên quốc hội thống nhất lựa chọn lãnh đạo đảo chính, Tướng Prayut, làm thủ tướng ngày 21/8.
Ngoài các hạn chế nhân quyền do đảo chính, các vấn đề nhân quyền kéo dài nhất là sự vi phạm của an ninh và tình nguyện viên quốc phòng địa phương trong cuộc nổi dậy Malay-Hồi giáo ở ba tỉnh miền nam, và thỉnh thoảng có sự dùng vũ lực quá tay của an ninh, trong đó có việc giết người của cảnh sát, tra tấn, hành hạ nghi phạm, người bị tạm giữ và tù nhân. Sau đảo chính 22/5, công dân không còn khả năng thay đổi chính phủ thông qua quyền bầu cử trong bầu cử tự do và công bằng.

Việt Nam

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc đoán do một đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam - thống trị. Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất, tổ chức năm 2011, đã diễn ra một cách không tự do và không công bằng. Chính quyền vẫn duy trì sự kiểm soát có hiệu quả đối với các lực lượng an ninh.
Những vấn đề quyền con người nổi bật nhất trong nước vẫn là: sự hạn chế nghiêm ngặt của chính quyền đối với quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền của công dân trong việc thay đổi chính quyền thông qua bầu cử tự do và công bằng; hạn chế quyền tự do dân sự của công dân; không bảo vệ đủ quyền pháp lý của công dân, gồm bảo vệ trước sự bắt bớ vô cớ.
Những vi phạm quyền con người cụ thể bao gồm việc làm chết người tùy tiện và phi pháp; các vụ tấn công của công an và tra tấn; bắt giữ và tạm giam tùy tiện vì hoạt động chính trị; công an tiếp tục đối xử không tốt với nghi phạm khi bắt giữ và tạm giam; và từ chối quyền được xét xử nhanh chóng và công bằng. Hệ thống tòa án không minh bạch và thiếu độc lập, ảnh hưởng kinh tế và chính trị thường xuyên tác động kết quả xử án. Chính quyền hạn chế các quyền tự do ngôn luận, báo chí và trấn áp những người bất đồng quan điểm; hạn chế quyền tự do sử dụng Internet, tự do tôn giáo; theo dõi các nhà hoạt động; và tiếp tục hạn chế quyền riêng tư và quyền tự do hội họp, tự do lập hội, và tự do đi lại.

Không có nhận xét nào: