Pages

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Quyền được đặt tên

Cát Linh, phóng viên RFA

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
 RFA files



Hiến pháp 2013 có những qui định mang tính quy tắc về quyền con người và quyền công dân. Tuy nhiên trong bộ luật lần này được đề xuất một điều là tên của công dân VN và người không có quốc tịch VN phải bằng tiếng Việt; hoặc những dân tộc khác không đặt tên bằng số; tên không quá 25 chữ cái.


Văn hoá đặt tên
Không phải chỉ riêng Việt Nam, hay người dân Việt Nam, mà tất cả mọi người trên thế giới, nhất là những người cha, người mẹ đều mong muốn chọn cho con của mình một cái tên hay và có ý nghĩa. Thông thường, người cha người mẹ đã chuẩn bị sẵn một cái tên trước khi con của mình ra đời, và họ gửi gắm những điều tốt đẹp nhất vào cái tên đó.
Luật sư Nguyễn Văn Đậu, phó chủ tịch hội luật gia Tp HCM cũng đồng tình với điều này và ông cho rằng không nên hạn chế quyền đặt tên cho một người nào đó:
“Tôi thấy một con người mà người ta muốn đặt tên hoặc cha mẹ sinh ra đứa con là người ta rất cưng và người ta muốn đặt cho một cái tên đẹp nhất. Cho nên quy định như vậy là không cần thiết.”
Không những cái tên thể hiện tình cảm thương yêu, tâm tư nguyên vọng của gia đình, hoặc gắn với một kỷ niệm nào đó, mà tên của một người còn ảnh hưởng khá nhiều từ văn hoá gia đình, xa hơn nữa là phong tục tập quán của từng vùng miền, hoặc đôi khi là cả một triều đại gia tộc. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh nhiều triều đại Việt Nam có cách đặt tên mang dấu ấn riêng của triều đại đó, những cái tên rất dài.
Chẳng hạn như, vua Minh Mạng đã nghĩ ra cách đặt tên cho những người trong dòng tộc. Đối với ông, đó là cách để duy trì đế nghiệp và con cháu kế tục lâu dài về sau. Chính vì vậy mà dân tộc Việt Nam cho đến ngày nay mới có những cái tên mà khi nghe đến, chúng ta biết ngay người đó thuộc dòng dõi hoàng thân quốc thích, như Công Tôn Nữ, là cháu của vua; Công Tằng Tôn Nữ, là chắt của vua; Công Huyền Tôn Nữ, là chít của vua. Đó là những cái tên dài, thuộc dòng họ Nguyễn Phúc.
Tôi cho rằng qui định như vậy là không cần thiết. bởi vì việc đặt tên bằng số, một ký tự hoặc quá dài cũng không ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, trật tự xã hội hay an ninh xã hội hay đạo đức xã hội hoặc sức khoẻ cộng đồng
Luật sư Nguyễn Văn Đậu
Đó là chuyện ngày xưa, còn ngày nay, cũng không có gì khác biệt. Mỗi gia đình có một cách đặt tên hoặc trao quyền đặt tên cho một người nào đó, có thể là cha, mẹ, hoặc ông bà của đứa trẻ. Và tên gọi đó có ý nghĩa như thế nào, dài hay ngắn, tuỳ thuộc vào người đặt tên.
Theo luật sư Đậu, ông cho rằng hãy để người dân tự quyết định và ông nói trong quốc hội cũng có một số ý kiến không tán thành:
“Tôi cho rằng qui định như vậy là không cần thiết. bởi vì việc đặt tên bằng số, một ký tự  hoặc quá dài cũng không ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, trật tự xã hội hay an ninh xã hội hay đạo đức xã hội hoặc sức khoẻ cộng đồng nên tôi thấy ban soạn thảo cũng cần phải làm rõ nội dung này để đảm bảo thể chế hoá của Hiến pháp 2013 là tôn trọng quyền con người và quyền công dân.”

Các em học sinh tiểu học (minh họa)
Các em học sinh tiểu học (minh họa)

“Đó là quyền định đoạt của họ. pháp luật không nên can thiệp vào việc này.”
Hạn chế trong trường hợp nào?
Thuỳ Trang, một bạn trẻ hiện đang sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh, cho biết rất bất ngờ với dự thảo luật này. Cô nói:
“Chuyện ba mẹ muốn đặt tên cho con của mình như thế nào thì theo mình nghĩ đó là quyền của họ, miễn là không vi phạm văn hoá. Mà thật ra cho dù nếu họ có đặt tên con của họ như là Hồ chí Minh, lỡ như họ yêu nước, họ muốn đặt tên con theo của bác để thể hiện lòng yêu nước thì sao? Trừ khi luật pháp qui định là cấm không cho người dân đặt tên con theo tên lãnh tụ, các vị vĩ nhân, hay tên các địa danh nào đó. Chứ mọi người thì ai cũng nên có cái quyền riêng để đặt tên cho con của mình.”
Quan điểm của những người làm luật, những người soạn thảo ra điều này là người ta thấy tên quá dài thì khi qua hộ tịch sẽ gây khó khăn. Họ đứng về một góc nào đó thôi họ nhìn
Luật sư Nguyễn Văn Đậu
Theo ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Đậu, nếu đứng về phía quyền con người, quyền công dân, tính nguyên tắc thì phải để cho người dân quyết định, không nên can thiệp vào những quyền cơ bản này. Khi được hỏi về lý do vì sao dự thảo luật dân sự mới lại đưa ra những qui định về quyền đặt tên, ông nói:
“Quan điểm của những người làm luật, những người soạn thảo ra điều này là người ta thấy tên quá dài thì khi qua hộ tịch sẽ gây khó khăn. Họ đứng về một góc nào đó thôi họ nhìn.”
Theo quan điểm của riêng tôi phải cân nhắc việc cho phép trẻ dưới 14 tuổi được thay đổi họ và tên cũng như chữ đệm trong bất kỳ trường hợp nào
Luật sư Nguyễn Văn Đậu
Cho nên, theo ông, việc đặt tên chỉ nên hạn chế trong trường hợp tên gọi đó gây hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của luật dân sự. chính vì vậy mà theo ông:
“Theo quan điểm của riêng tôi phải cân nhắc việc cho phép trẻ dưới 14 tuổi được thay đổi họ và tên cũng như chữ đệm trong bất kỳ trường hợp nào.”
Đây cũng là một trong những điều nằm trong dự thảo thay đổi luật dân sự.
Lý do ông đưa ra là, trẻ em dưới 14 tuổi đang trong giai đoạn phát triển và chưa định hình về tính cách. Và điều này cũng không phù hợp với Luật hộ tịch mà Việt Nam vừa ban hành, đó là trẻ dưới 14 tuổi phải có người giám hộ.
Những ghi nhận của luật sư Nguyễn Văn Đậu có thể cho thấy có rất nhiều điều không nhất quán giữa những bộ luật của nhà nước Việt Nam.
Thế nên, nếu việc đặt tên được qui định trong những khuôn khổ nhất định thì chắc chắn những người làm cha làm mẹ sẽ phải tốn thêm rất nhiều thời gian để chọn ra một cái tên vừa đúng ý của mình, vừa phù hợp qui định của luật pháp.
Xin dùng một câu chuyện vui có thật để kết thúc bài phóng sự này. Đó là cái tên dòng dõi hoàng tộc Nguyễn Phước Công Tằng Tôn Nữ Châu Thị Hoàng Phố từng được xem là cái tên dài nhất ở Việt Nam, nay có thêm một gia đình ở xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè đã trở thành gia đình đặt tên cho con “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam thời hiện đại: Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân
.

Không có nhận xét nào: